Đề 4: Phân tích khung cảnh lễ hội trong đoạn trích Cảnh ngày xuân – Bài văn chọn lọc lớp 9

Đang tải...

Đề 4: Phân tích khung cảnh lễ hội trong đoạn trích Cảnh ngày xuân.   

Bài làm

Truyện Kiều là khúc “đoạn trường tân thanh” về cuộc đời oan khổ của nàng Kiều. Những dòng thơ như có “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy” (Mộng Liên Đường chủ nhân) ấy đã làm rung động triệu triệu con tim suốt mấy thế kỉ qua. Nhưng đời Kiều không phải không có những ngày vui, và Truyện Kiều không phải không có những trang tươi sáng. Đó là những ngày còn trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che”, bình yên bên cha mẹ, các em. Kiều cũng như bao người, được tham gia những ngày hội vui. Cảnh ngày xuân với không khí lễ hội là một trong những trang vui hiếm hoi của Truyện Kiều, đã thể hiện tài năng độc đáo của Nguyễn Du :

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

Mở đầu cho không khí lễ hội nhộn nhịp là bức tranh ngày xuân sáng tươi :

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xa tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh xuân tràn đầy sức sống : màu trắng tinh khôi thanh khiết tô điểm cho màu xanh hài hoà, mang đến một không khí xuân ngập tràn, chan chứa hi vọng. Lòng người dâng bao cảm xúc bâng khuâng, trước vẻ đẹp trong trẻo của bức tranh xuân. Điầu đó được thể hiện rõ nét hơn trong khung cảnh lễ hội :

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Hai câu thơ mang tính khái quát, như một lời giới thiệu về lễ hội – từ đó cho ta thấy được điểm nhìn khoáng đạt của tác giả. Tết Thanh minh là tiết vào đầu tháng ba, khí trời mát mẻ, trong trẻo, mọi người đi tảo mộ, tức là đi viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân. Đó còn là dịp để mọi người du xuân, tận hưởng không khí trong lành, thanh sơ của những ngày tháng ba.

Không khí ngày hội vui tươi náo nửc, được diễn tả trong nhịp thơ nhanh :

Gần xu nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tàị tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

Con người, cảnh vật như cùng hoà nhịp trong không khí rộn ràng ngày xuân. Nó tương hợp với cảnh sắc tràn đầy sức sống ở bốn câu thơ đầu. Một loạt những từ ngữ đặc tả không khí nhộn nhịp được Nguyễn Du đưa vào trong mấy câu thơ ngắn : “gần xa”, “nô nức”, “dập dìu”, càng làm nổi bật màu sắc tươi vui của lễ hội. Trước mắt ta như hiện lên một bức tranh náo nhiệt: người người, tài tử giai nhân dập dìu, sánh vai nhau đi chơi xuân. Hai hình ảnh so sánh : “Ngựa xe như nước áo quần như nêm” đủ để khắc hoạ khung cảnh nhộn nhịp, đồng vui của ngày hội.

Những câu thơ làm hiện lên cả màu sắc, âm thanh, không khí, tâm trạng. “Gần xa” là khắc hoạ không gian ; “nô nức” là diễn tả tâm trạng của người dự hội; “như nước”, “như nêm” cho thấy không khí ngày hội. Đó là cái tài của một ngòi bút miêu tả bậc thầy. Nguyễn Du chỉ bằng vài nét khắc hoạ đã làm sống động cả một không khí rộn ràng ngày xuân. Cảnh đẹp đẽ, tươi vui hay chính là tâm trạng phơi phới của người trong cảnh. Được miêu tả từ điểm nhìn của chị em Thuý Kiều nên ta có thể nhận ra trong đó tâm hồn trẻ trung của những cô gái “xấp xỉ tới tuần cập kê”. Chính sức trẻ của những giai nhân ấy đã thổi hồn vào cảnh vật.

Sự nhộn nhịp của hội được tô điểm bởi phần lễ :

Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vố rắc tro tiền giấy bay.

Với hai câu thơ, đại thi hào dân tộc đã làm sống lại những nét văn hoá xưa qua tục lệ đốt vàng mã. Nhưng ở đây, lễ không phải là trọng tâm của cảnh. Vì vậy,nhữna “thoi vàng”, “tiền giấy” dường như chi là nghi thức góp phần làm cho không khí ngày xuân thêm phần trang trọng, tôn nghiêm.

Chỉ với tám câu thơ nhưng Nguyễn Du đã dựng nên trước mắt người đọc một bức tranh ngày hội đẹp đẽ, tươi sáng, tràn đầy sức sống. Những từ láy lồng trong những vế tiểu đối một cách nhịp nhàng tạo cho bức tranh một sự hài hoà nhưng vẫn không thiếu những điểm nhấn ấn tượng.

Những câu thơ về ngày hội xuân không phải là những trang đặc sắc nhất của Truyện Kiểu nhưng là một trong những giai điệu vui tươi hiếm hoi trong khúc “đoạn trường tân thanh” não ruột. Nó cho ta thấy sức sống tâm hồn của Thuý Kiều và khẳng định tài năng miêu tả bậc thầy của Nguyễn Du. Nhớ đến Truyện Kiêu, độc giả không thể quên những vần thơ tươi sáng về khung cảnh lễ hội ngày xuân, tràn ngập sắc xuân, tình xuân trong tiết thanh minh này.

NGUYỄN THỊ THU HÀ

Lời nhận xét :

– Bài viết bám sát văn bản, chọn lọc và phân tích những từ ngữ, hình ảnh đặc sắc : “Con người, cảnh vật như cùng hoà nhịp trong không khí rộn ràng ngày xuân. Nó tương hợp với cảnh sắc tràn đầy sức sống ở bốn câu thơ đầu. Một loạt những từ ngữ đặc tả không khí nhộn nhịp được Nguyễn Du đưa vào trong mấy câu thơ ngắn : “gần xa“, “nô nức”, “dập dìu”, càng làm nổi bật màu sắc tươi vui của lễ hội. Trước mắt ta như hiện lên một bức tranh náo nhiệt : người người, tài tử giai nhân dập dìu, sánh vai nhau đi chơi xuân. Hai hình ảnh so sánh : “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” đủ để khắc hoạ khung cảnh nhộn nhịp, đông vui của ngày hội”.

– Văn viết mạch lạc, trong sáng, giàu cảm xúc. Người viết đã đi sâu khai thác phần hội cũnq như cảm xúc, tâm trạng của con người trong cảnh đó : “Những câu thơ làm hiện lên cả màu sắc, âm thanh, không khí, tâm trạng. “Gần xa” là khắc hoa không qian ; “nở nức” là diễn tà tâm trạng của người dự hội ; “như nước”, “như nêm” cho thấy không khí ngày hội”.

– Bố cục bài viết hợp lí, chặt chẽ, sau khi phân tích đều có phần đánh giá, nhận xét, nâng cao.

 

Xem thêm Phân tích tâm trạng của Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận