Phần 1 Phương pháp làm văn lớp 6 – Văn miêu tả – 101 bài văn lớp 6

Đang tải...

A.Đặc điểm của văn miêu tả

1.Văn miêu tả là gì?

Văn miêu tả là loại văn giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh.. làm cho đối tượng miêu tả như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe. Hoặc cũng có thể hiểu văn miêu tả chính là tái tạo lại hình ảnh của đối tượng thông qua những cảm nhận chủ quan, thông qua những năng lực quan sát, liên tưởng so sánh…

2.Những năng lực cần có khi làm văn miêu tả

– Quan sát: nhìn nhận, xem xét sự vật. Kĩ năng này thường bị học sinh bỏ qua nên khi làm bài các em thiếu vốn sống thực tế, bài văn nghèo về nội dung ý nghĩa, thiếu sức thuyết phục. Phải thấy những nét chính, thấy những đặc điểm riêng để tìm ra được những ngóc ngách của sự vật, vấn đề. Nhiều khi không cần liệt kê đẩy đủ sự việc mà chỉ cần ghi lại những nét đặc sắc mà mình cảm nhận được, như một câu nói, nét mặt lột tả được tính nết một người, hoặc một tiếng động, một ánh đèn, một trạng thái tư tưởng,…

Nói như Tô Hoài,… từ chỗ tìm bới trong la liệt hiện tượng quanh mình mà phát hiện ra bản chất và quy luật hiện tượng chính, tránh lối phỏng đoán sai lầm, công thức, đơn giản và loá mắt không tách bạch được đâu là chủ yếu, thứ yếu. (Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, NXB Giáo dục, 2000)

– Nhận xét liên tưởng hình dung về sự vật đặt trong tương quan các sự vật xung quanh. Vai trò của trí tưởng tượng là rất lớn. Nó không chỉ là yếu tố tạo nên sự phong phú cho các hình ảnh trong bức tranh miêu tả mà còn giúp cho HS tìm được những từ ngữ và biện pháp nghệ thuật phù hợp để bài văn tả hấp dẫn hơn.

– Ví von so sánh: Thể hiện sự liên tưởng độc đáo riêng của người viết hình dung, cảm nhận về sự vật, hiện tượng miêu tả. Chất lượng của bài miêu tả là “nói ít gợi nhiều”, chi tiết đưa ra không cần nhiều nhưng phải gợi được cảm giác mãnh liệt nhất, những hình ảnh sinh động hiện lên trước mắt người đọc, khiến họ nhìn rất rõ và rất có ấn tượng. Có thể so sánh vật với vật, cảnh với cảnh, so sánh vật với con người, so sánh theo hướng thu nhỏ lại, so sánh theo hướng phóng đại lên, so sánh theo hướng cụ thể hoặc trừu tượng hoá.

B.Các dạng văn miêu tả ở lớp 6

1.Tả cảnh

Tả cảnh là gợi tả những bức tranh về thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt gợi ra trước mắt người đọc về đặc điểm từng nét riêng của cảnh.

Yêu cầu:

– Xác định đối tượng miêu tả: Cảnh nào? Ở đâu? Vào thời điểm nào?

– Quan sát, lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu.

– Trình bày những điều quan sát được theo một thứ tự.

Bố cục bài văn tả cảnh:

– Mở bài: Giới thiệu cảnh được tả.

– Thân bài: Tập trung tả cảnh vật chi tiết theo một thứ tự nhất định, có thể ở một số trường hợp sau:

+ Từ khái quát đến cụ thể (hoặc ngược lại).

+ Không gian từ trong tới ngoài (hoặc ngược lại).

+ Không gian từ trên xuống dưói (hoặc ngược lại).

Kết bài: Phát biểu cảm tưởng về cảnh vật đó.

Ví dụ: Đoạn văn miêu tả dòng sông và rừng đước Năm Căn: Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sồng Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chổng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rều, màu xanh chai lọ,… loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.

(Đoàn Giỏi)

2.Tả người

Tả người là gợi tả về các nét ngoại hình, tính cách, tư thế, hành động, lời nói,… của nhân vật được miêu tả.

Phân biệt đối tương miêu tả theo yêu cầu:

– Tả chân dung nhân vật (cần tả nhiều về ngoại hình, tính nết…)

– Tả người trong tư thế làm việc (tả người trong hành động: chú ý các chi tiết thể hiện cử chỉ, trạng thái cảm xúc).

Cách miêu tả:

– Mở bài: Giới thiệu người được tả (chú ý đến mối quan hệ của người viết với nhân vật được tả, tên, giới tính và ấn tượng chung về người đó).

– Thân bài:

+ Miêu tả khái quát hình dáng, tuổi tác, nghề nghiệp…

+ Tả chi tiết: ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói,… (chú ý: tả người trong công việc cần quan sát tinh tế, tả các động tác của từng bộ phận: khuôn mặt thay đổi, trạng thái cảm xúc, ánh mắt..

Ví dụ: Đoạn văn miêu tả hình ảnh dượng Hương Thư lái thuyền vượt thác: Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.

(Võ Quảng)

+ Thông qua tả để khơi gợi tính cách nhân vật: qua tả các chi tiết, người đọc có thể cảm nhận được tính cách của đối tượng và thái độ của người viết đối với đối tượng đó.

– Kết bài: Nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được miêu tả.

3.Miêu tả sáng tạo

* Đối tượng miêu tả thường xuất hiện trong hình dung tưởng tượng có thể bắt nguồn từ một cơ sở thực tế nào đó.

* Đối tượng: Người hay cảnh vật.

* Yêu cầu khi miêu tả:

– Tả cảnh phải bám vào một số nét thực của đời sống. Ví dụ khi tả một phiên chợ, trong tưởng tượng của em cần dựa trên những đặc điểm thường xảy ra của cảnh đó làm cơ sở tưởng tượng như: không khí của buổi chợ, số lượng người với những lứa tuổi, tầng lớp nào? Chợ diễn ra ở địa điểm nào?

Thời tiết khí hậu ra sao?… Những cơ sở đó là thực tế để tưởng tượng theo ý định của mình.

– Tả người trong tưởng tượng: Nhân vật thường là những người có đặc điểm khác biệt với người thường như các nhân vật ông Tiên, ông Bụt trong cổ tích hay một người anh hùng trong truyền thuyết… Cần dựa vào đặc điểm có tính bản chất để tưởng tượng những nét ngoại hình cho phù hợp, tạo sự hấp dẫn.

Lưu ý: Dù miêu tả theo cách nào và đối tượng nào thì cũng cần chú ý vận dụng lối ví von so sánh để bài văn miêu tả có nét độc đáo mang tính cá nhân rõ rệt.

C.Cách làm một bài văn miêu tả

1.Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của người viết, người nói thường bộc lộ rõ nhất. Muốn làm văn tả cảnh, người viết cần phải:

– Xác định dược đối tượng miêu tả.

– Quan sát, lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu.

– Trình bày những điểm quan sát được theo một thứ tự.

2.Bố cục của một bài văn tả cảnh thường có ba phần:

– Mở bài: Giới thiệu cảnh được tả.

– Thân bài: Tập trung tả cảnh vật chi tiết theo một thứ tự.

– Kết bài: Thường phát biểu cảm tưởng về cảnh vật được miêu tả.

3.Cần chú ỷ chi tiết khi miêu tả. Ví dụ:

a.Về cảnh mùa đông, có thể nêu những đặc điểm sau:

– Bầu trời âm u, nhiều mây.

– Gió lạnh, mưa phùn.

– Cây cối rụng lá trơ cành

b.Vẽ khuôn mặt mẹ có thể chú ý tới các đặc điểm:

– Hình dáng khuôn mặt (tròn, trái xoan.. )

– Tóc ôm khuôn mặt (hoặc được búi lên).

– Đôi mắt, má, miệng.

– Nước da, vẻ mặt (hiền hậu, tươi tắn..)

c.Tả một cụ già:

– Râu, tóc trắng, da mồi.

– Cặp mắt tinh anh (hoặc lờ đờ).

– Dáng vẻ nhanh nhẹn (hoặc chậm chạp).

– Giọng nói trầm ấm…

d.Tả cô giáo đang say sưa giảng bài trên lớp: giọng nói trong trẻo, cử chỉ âu yếm, ân cần, đôi mắt lấp lánh đầy khích lệ…

4.Chú ý thứ tự khi miêu tả:

Ví dụ:

a.Tả quang cảnh lớp học trong giờ viết bài tập làm văn:

– Có thể theo thời gian: từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc giờ học: Trống vào lớp. Cô giáo (thầy giáo) cho chép đề. Các bạn bắt tay vào làm bài. Kết thúc buổi làm bài, thu, nộp bài cho thầy, cô…

– Có thể theo trình tự quan sát: từ gần đến xa hoặc ngược lại; hoặc theo không gian: bên ngoài lớp; trên bảng, cô (thầy) ngồi trên bàn giáo viên; các bạn trong lớp bắt tay vào làm bài…

b.Tả sân trường giờ ra chơi:

– Miêu tả theo không gian:

+ Từ xa tới gần

+ Miêu tả theo thời gian: trước, trong và sau khi ra chơi.

– Miêu tả theo thứ tự thời gian:

+ Sân trường vắng lặng trong giờ học.

+ Hiệu lệnh trống ra chơi, mọi người ùa ra.

+ Có tốp chơi đá cẩu, nhảy dây, đá bóng, có tốp chỉ đứng xem, hoặc tranh cãi nhau vê’ điểu gì đó…

+ Có thể tả màu sắc quần áo, những tiếng cười nói, hò reo,…

– Miêu tả kết hợp cả không gian và thời gian: Trước hết, cần chọn trật tự miêu tả. Sau đó chọn cảnh sân trường giờ ra chơi để viết thành đoạn văn.

Chú ý miêu tả các chi tiết như: bầu trời, mở đầu giờ ra chơi như thế nào, ở mỗi khoảng sân các hoạt động vui chơi ra sao…

D.Tham khảo một số dàn ý

1)Đề bài : Miêu tả hình ảnh quê hương em đêm rằm Trung thu (hoặc vào một đêm trăng đẹp).

a.Mở bài

Giới thiệu chung:

– Đêm rằm, trăng tỏa sáng khắp bầu trời và mặt đất.

– Làng em rộn ràng chuẩn bị đón Tết Trung thu.

b.Thân bài

Tả cảnh đêm trăng:

– Lúc xẩm tối

+ Màn đêm dần buông, bẩu trời thăm thẳm, lấp lánh sao.

+ Trăng lấp ló, thấp thoáng sau lũy tre xa xa.

+ Gió thổi mát lộng…

+ Làng xóm nhộn nhịp.

– Lúc trăng lên

+ Mặt trăng tròn vành vạnh như chiếc đĩa bạc lơ lửng giữa không trung.

+ Ánh trăng vằng vặc, soi rõ từng cảnh vật: nhà cửa, vườn cây, dòng sông, con đường, cánh đồng…

+ Trên đường làng, trẻ em nối đuôi nhau rước đèn, ca hát mừng trăng.

+ Cảnh phá cỗ vui vẻ ở sân đình…

c.Kết bài

Cảm nghĩ của em :

– Cảnh làng quê trong đêm trăng sáng đẹp như một bức tranh…

– Tình yêu quê hương càng thêm tha thiết, sâu đậm.

2)Đề bài: Miêu tả cô giáo (thầy giáo) đang giảng bài.

a.Mở bài

Giới thiệu cô giáo (cô dạy môn gì, tiết mấy, ngày nào?)

b.Thân bài

+ Miêu tả những nét tiêu biểu về ngoại hình: trạc tuổi, tẩm vóc (cao hay thấp, dáng điệu, nét mặt, đôi mắt…)

+ Cách ăn mặc khi lên lớp.

+ Miêu tả những nét tiêu biểu về cử chỉ, hành động, tình cảm của cô dành cho học sinh: lời giảng, việc làm, động tác (khi viết bảng giảng bài, khi ân cẩn nhắc nhở học sinh…)

c.Kết bài

Tình cảm của em đối với cô giáo. (Cô giáo là người tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh; như người mẹ thứ hai của em; em yêu quý cô và quyết tâm học thật giỏi,…)

3)Đề bài: Em đã từng gặp ông Tiên trong những truyện cổ dân gian, hãy miêu tả lại hình ảnh ông tiên theo trí tưởng tượng của mình

a.Mở bài 

– Trong các truyện cổ tích, nhân vật ông tiên để lại cho em ấn tượng sâu đậm nhất. Tại sao?

Dẫn dắt người đọc và tình huống em gặp ông tiên (tưởng tượng).

b.Thân bài

– Miêu tả chân dung nhân vật ông tiên.

+ Hình dáng + Khuốn mặt + Chòm râu, mái tóc + Cây gậy….

– Những lời đối thoại của em với ông tiên.

– Miêu tả hành động của ông tiên (tưởng tượng, ví dụ: em bị lạc đường, ông tiên đã cho em một chiếc xe ngựa thông minh và thế là em được về nhà,…).

c.Kết bài

– Ý nghĩa của nhân vật ông tiên trong truyện và trong suy nghĩ của em.

4)Đề bài: Từ bài thơ Mưa của Trân Đăng Khoa, em hãy tả lại cơn mưa rào mùa hạ.

a.Mở bài

Trời đang nắng bỗng chuyển dông, mây đen xuất hiện, bầu trời xám xịt, cơn mưa rào ập đến.

b.Thân bài

Tả cơn mưa:

– Gió thổi giật, trời mát lạnh.

– Những con mối bò ra rồi cả đàn tranh nhau bay cao, bay thấp. Đàn gà thi nhau đớp mồi.

– Mưa đổ xuống trên sân nhà, trên cành cây, kẽ lá. Mưa xối xả.

– Gió thổi mạnh. Bãi mía lay động trong gió, lá mía nhọn hoắt, vươn dài như múa gươm.

– Đàn kiến tìm nơi tránh nước, chúng đi hành quân, bụi tre đung đưa trong gió cùng hàng bưởi sau nhà như vẫy tay đưa tiễn.

– Trên trời xuất hiện những tia chớp, sấm vang rền.

– Mưa ù ù như xay lúa. Mưa chéo mặt sân, nước sủi bọt trắng xóa rồi kéo nhau đổ ra mương rãnh. Đất trời mù trắng nước.

– Ngoài đồng nước lai láng. Những bác nông dân hối hả đi về.

– Bố đi làm về, đội sấm, đội chớp, đội cả bầu trời đang đổ mưa.

Tả quang cảnh sau cơn mưa:

– Mây tan dần, trời xanh thấp thoáng lộ ra.

– Trời sáng hơn, những tia nắng chiếu xuống sân nhà.

– Hoa lá lại đua nhau đón khí ấm mặt trời.

– Cóc nhảy chồm chồm, lũ chó sủa vang.

– Đàn gà kéo ra, những chú chim hót líu lo,…

c.Kết bài

– Cơn mưa rào mùa hạ đã giúp cho cảnh vật tươi mát.

– Mưa giúp ích cho mọi người, giúp ích cho nhà nông.

5)Đề bài: Từ bài văn Lao xao của Duy Khán, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời.

a.Mở bài

– Khu vườn mà em định tả là của ai?

– Nó có điểm gì đặc biệt?

– Nó gắn bó với em thế nào?

b.Thân bài

– Quang cảnh khu vườn khi trời sáng:

+ Mặt trời mọc …

+ Những giọt sương đêm trên lá …

– Khu vườn bắt đầu nhộn nhịp bởi tiếng chim…

– Miêu tả một số loài cây có trong vườn mà em thích.

– Khu vườn gắn bó với tuổi thơ của em ra sao? (có thể kể một kỉ niệm sâu sắc nào đó, với ông nôi chẳng han)

c.Kết bài

– Em ấn tượng nhất với khu vườn là ở điểm gì?

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận