Phần 1 Phương pháp làm văn lớp 6 – Văn tự sự – 101 bài văn hay lớp 6

Đang tải...

1.Khái niệm

a.Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa. Tự sự giúp người kể giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề bày tỏ thái độ khen, chê.

b.Sự việc và nhân vật trong văn tự sự: Sự việc trong văn tự sự được trình bày một cách cụ thể: sự việc xảy ra trong thời gian, địa điểm cụ thể, do nhân vật cụ thể thực hiện, có nguyên nhân, diễn biến, kết quả,… Sự việc trong văn tự sự được sắp xếp theo một trật tự, diễn biến sao cho thể hiện được tư tưởng mà người kể muốn biểu đạt. Nhân yật trong văn tự sự là người thực hiện các sự việc và là người được thể hiện trong văn bản. Nhân vật chính đóng vai trò chủ yếu trong việc thể hiện tư tưởng của văn bản. Nhân vật phụ chỉ giúp nhân vật chính hoạt động. Nhân vật được thể hiện qua các mặt: tên gọi, lai lịch, tính nết, hình dáng, việc làm,…

c.Lời văn đoạn văn tự sự: Văn tự sự chủ yếu là kể người và kể việc. Khi kể người thì có thể giới thiệu họ tên, lai lịch, quan hệ, tính tình, tài năng, ý nghĩa của nhân vật. Khi kể việc, thì kể các hành động, việc làm, kết quả và sự thay đổi do các hành động đem lại. Mỗi đoạn văn thường có một ý chính, diễn đạt thành một câu gọi là câu chủ đề. Các câu khác giải thích cho ý chính, làm cho ý chính nổi hẳn lên.

d.Ngôi kể trong văn tự sự

Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng để kể chuyện. Khi gọi các nhân vật bằng tên gọi của chúng, người kể tự giấu mình đi, tức là kể theo ngôi thứ ba, người kể có thể linh hoạt, tự do kể những gì diễn ra với nhân vật. Khi tự xưng là “tôi”, kể theo ngôi thứ nhất, người kể có thể trực tiếp kể ra những gì mình nghe, mình thấy, mình trải qua, có thể trực tiếp nói ra cảm tưởng, suy nghĩ, cảm xúc của mình. Để kể chuyện cho linh hoạt, thú vị, người kể có thể lựa chọn ngôi kể thích hợp. Người kể xưng “tôi” trong tác phẩm không nhất thiết phải là chính tác giả.

2.Các dạng bài tự sự

Kể chuyện đời thường: Là kể những câu chuyện hằng ngày từng trải qua, từng gặp với những người quen hay lạ nhưng để lại ấn tượng, cảm xúc nhất định nào đó. Yêu cầu của kể chuyện đời thường là nhân vật và sự việc cần phải hết sức chân thực, không nên bịa đặt thêm thắt tuỳ ý.

Kể chuyện tưởng tượng:Là kể những chuyện do người kể nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình, không có sẵn trong sách vở hay trong thực tế, nhưng có một ý nghĩa nào đó. Chuyện tưởng tượng được kể ra một phần dựa vào những điểu có thật, rồi tưởng tượng thêm cho thú vị, làm cho ý nghĩa câu chuyện nổi bật, sinh động.

Bao gồm: Kể chuyện tưởng tượng về số phận và tâm tính một sự vật; Kể chuyện đã biết theo một kết cục mới; Kể một chuyện cũ theo ngôi kể mới.

3.Yêu cầu của một bài văn tự sự lớp 6

a.Kể chuyện đời thường

– Biết sắp xếp sự việc theo một trình tự nhằm làm nổi bật ý nghĩa câu chuyện.

– Trình bày bài văn theo một bố cục mạch lạc 3 phần.

– Tuỳ theo yêu cầu đối tượng kể để lựa chọn tình huống và sắp xếp sự việc có ý nghĩa.

b.Kể chuyện tưởng tượng

– Biết xây dựng cốt truyện tạo tình huống tưởng tượng hợp lí.

– Câu chuyện tưởng tượng phải có ý nghĩa và bố cục rõ ràng. (Theo kết cấu 3 phần của bài tự sự)

4.Cách làm một bài văn tự sự lớp 6

Tuỳ theo từng dạng bài tự sự để có cách trình bày dàn ý và viết bài cho phù hợp.

a.Kể chuyện theo cốt truyện có sẵn

– Yêu cầu cốt truyện không thay đổi.

– Chú ý phần sáng tạo trong mở bài và kết luận.

– Diễn đạt sự việc bằng lời văn cho linh hoạt, trong sáng.

b.Kể chuyện đời thường

– Hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế.

– Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện.

– Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.

c.Kể chuyện tưởng tượng

– Các dạng tự sự tưởng tượng ở lớp 6:

+ Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian.

+ Hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian.

+ Tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ…

– Cách làm:

+ Xác định được đối tượng cần kể là sự việc hay con người.

+ Xây dựng tình huống xuất hiện sự việc hay nhân vật đó.

+ Tưởng tượng các sự việc, hoạt động của nhân vật có thể xảy ra trong không gian cụ thể.

Các bước làm bài văn tự sự

– Tìm hiểu để văn: Tìm hiểu kĩ lời văn của đề để nắm vững yêu cầu của đề bài.

– Xác định nội dung sẽ viết theo yêu cầu của Đề bài: nhân vật, sự việc, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của câu chuyện.

– Sắp xếp việc gì kể trước, việc gì kể sau để người đọc theo dõi được câu chuyện và hiểu được ý định của người viết.

Cách lập dàn ý một bài văn tự sự

Mở bài:

– Giới thiệu hoàn cảnh, tình huống phát sinh câu chuyện.

– Giới thiệu nhân vật (nhân vật chính – nhân vật phụ ).

– Giới thiệu sự việc.

Thân bài: Diễn biến các sự việc.

– Sự việc mở đầu câu chuyện.

+ Tình tiết 1:

+ Tình tiết 2:

+ Tình tiết n…

– Sự việc thắt nút (sự việc cao trào).

+ Tình tiết 1:

+ Tình tiết 2:

+ Tình tiết n…

– Sự việc kết thúc câu chuyện:

+ Tình tiết 1:

+ Tình tiết 2:

+ Tình tiết n…

Kết luận:

– Kết thúc, khép lại câu chuyện.

– Nêu ý nghĩa câu chuyện.

– Nêu cảm nghĩ chung.

Lưu ý: Khi triển khai làm bài văn tự sự học sinh có thể vận dụng một cách linh hoạt các dạng khác nhau tuỳ thuộc vào cách kể chuyện, nội dung câu chuyện và yêu cầu của các dạng để khác nhau.

5.Tham khảo một số dàn ý

1)Đề bài: Một đêm trăng sáng, bà kể chuyện đời xưa cho mọi người trong gia đình nghe. Em hãy kể lại một kỷ niệm về đêm hôm đó.

(Kiểu bài Kể chuyện đời thường)

Mở bài: (Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh).

– Một đêm trăng tuyệt diệu.

– Không khí gia đình em (tôi) thật đầm ấm.

Thân bài: (Phát triển câu chuyện).

– Sau bữa cơm chiều, mọi người trong gia đình ngồi nghỉ ngơi và uống nước. Bà nằm võng nhai trầu.

– Bà nội đố chị em tôi ai ngồi trên mặt trăng? Chị em đoán mỗi người một khác, bà nội trả lời đó là chú Cuội.

– Bà nội kể chuyện chú Cuội trên cung trăng.

– Ba tôi chăm chú nghe quên cả hút thuốc, mẹ ngồi bên im lặng.

– Câu chuyện hấp dẫn và cuốn hút.

– Câu chuyện kết thúc, chị em tôi nhìn lên mặt trăng thấy hình chú Cuội hiện rõ trên đó.

Kết luận: (Khép lại sự việc).

– Trăng sáng soi vào chiếc võng bà nằm, trông bà như một bà tiên cổ tích.

– Tôi mong sao bà mãi không già để kể cho chúng tôi những câu chuyện hay như vậy.

2)Đề bài: Em hãy kể lại lời tâm sự của một cái giường bị bỏ đi.

Mở bài: Cái giường tự giới thiệu về thân phận của mình.

Thân bài: Diễn biến sự việc:

– Niềm tự hào của cái giường khi ở cửa hàng.

– Niềm kiêu hãnh của cái giường trên đường về nhà.

– Cái giường bắt đầu cuộc sống mới.

– Cái giường gắn bó và phục vụ cuộc sống của con người.

– Tâm sự đau buồn của cái giường lúc bị ruồng bỏ.

Kết bài: Ước nguyện cuối cùng của cái giường.

3)Đề bài: Em hãy viết đoạn kết mới cho truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”.

Mở bài: Giới thiệu sự việc và nhân vật.

Là nữ hoàng được một thời gian, mụ vợ lại bắt ồng lão phải đi gặp cá vàng

Thân bài: Diễn biến các sự việc.

– Ông lão ra biển rẽ sóng đi vào biển cả.

– Ông lão trở thành khách quý của Long vương.

– Mụ vợ chờ mãi không thấy chồng về, mụ đi tìm ông lão.

– Ông lão đánh cá muốn trở về nhà.

Kết luận: Kết thúc câu chuyện.

Ông lão trở về nhà hạnh phúc với người vợ nghèo năm xưa.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận