Những bài hát than thân – Bình giảng văn lớp 7

Đang tải...

Một trong những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của ca dao – dân ca Việt Nam là dùng phép so sánh, ẩn dụ. Trong những câu ca dao ẩn dụ, các tác giả dân gian thường dùng hình ảnh những con vật bé nhỏ gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình để ngầm ví với cuộc đời, thân phận cơ cực vất vả của con người. Tiêu biểu cho những con vật xuất hiện nhiều trong ca dao là con cò, con cá bống, con kiến, con tằm, con ong, con ốc, con hạc,… Chùm ca dao Những câu hát than thân, trừ bài số ba sử dụng hình ảnh con người – cô gái – còn hai bài trên, mười hai dòng thơ đều nói tới những con vật gần gũi chốn đồng quê.

Ớ bài thứ nhất, cuộc đời lận đận, vất vả của con người được diễn tả thật cụ thể, đầy tính ẩn dụ :

Nước non lận đận một mình,

Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay.

Ai làm cho bể kia đầy,

Cho ao kia cạn, cho gầy cò con ?

Tác giả bài ca đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật vô cùng phong phú. Đó là những hình ảnh đối lập (nước non rộng lớn đối với một mình đơn côi, lên thác đối với xuống ghềnh, bể đầy đối với ao cạn). Nghệ thuật đối lập này thể hiện một nghịch lí của cuộc đời con cò, cũng chính là cuộc đời của người lao động ngày xưa : Một mình phải đối mặt với biết bao sự vật thiên nhiên to lớn, dữ dội (nước non, thác, ghềnh), với biết bao biến động ở đời (bể thì đầy, ao lại cạn). Cố gắng, tần tảo, lận đận đến như thế, bươn chải khắp nơi như thế mà kết quả thì lại quá nhỏ nhoi, ít ỏi, không đủ nuôi con nên cò con vẫn … “gầy”. Kết hợp với phép đối lập là các từ ghép nước non, từ láy lận đận, từ gợi tả thân cò, cò con, nhất là câu hỏi tu từ ở cuối bài “Ai làm cho… ?” bộc lộ một tâm trạng buồn thương, ngao ngán và trách cứ, dỗi hờn. Mỗi dòng thơ là một tiếng than, tiếng thở dài chua xót. Do đó, ngoài nội dung than thân vì phải sống vất vả, bài ca dao còn có nội dung phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến trước đây. Sống trong xã hội áp bức bất công ấy, người dân lao động phải lên thác, xuống ghềnh để mưu sinh mà hạnh phúc, ấm no chẳng có. Ai gây nên điều này, nếu không phải là bọn thống trị lúc bấy giờ. Câu cuối bài ca là câu hỏi tu từ, bỏ lửng. Nhưng mạch thơ và dòng cảm xúc của thơ đã khơi gợi cho người nghe, người đọc lời đáp đó…

Khác với bài ca thứ nhất lời người hát tự than về mình, ở bài ca thứ hai người hát đứng bên cạnh đối tượng để chia sẻ, cảm thông với đối tượng. Và khác hơn nữa là ở bài ca thứ nhất chỉ có một “thân cò”, còn trong bài ca này xuất hiện bốn con vật. Mỗi cặp câu mở đầu bằng hai tiếng “thương thay”, đi liền theo là thân phận khổ đau, vất vả của “con tằm”, “lũ kiến”, “chim hạc” và “con cuốc”. Nhìn bao quát, chúng ta thấy hiện lên một bức tranh loài vật thật đa dạng, phong phú. Mỗi con một dáng vẻ, một số phận riêng. Tằm thì ăn ít, phải nhả tơ nhiều. Kiến nhỏ li ti vẫn “phải đi kiếm mồi” (về nuôi kiến chúa). Chim hạc bay mỏi cánh không nghỉ. Còn chim cuốc thì “kêu ra máu”, giọng kêu khắc khoải, tha thiết, quặn đau đến ứa máu mà người đời chẳng ai nghe, chẳng ai đoái hoài… Người hát bài ca này mang một trái tim lớn, nhân hậu bao la, cảm thương, chia sẻ với từng con vật bé nhỏ. Cao cả, rộng lớn, sâu sắc hơn là lòng thương con người, sự đồng cảm với những cuộc đời người dân lao động bé nhỏ, vất vả, đói nghèo. Bức tranh loài vật khổ đau, chính là bức tranh của kiếp người ngày xưa. Điệp ngữ “thương thay” cứ nối nhau kéo dài suốt cả tám dòng thơ diễn tả tình cảm xúc động không ngừng, truyền sóng dư ba trong lòng người đọc.

Còn bài ca cuối – “Thân em như trái bần trôi…” – thì văn bản dắt chúng ta trở về nghe trực tiếp tiếng than của người phụ nữ, hoặc xô gái. Lời than mở đầu bằng hai tiếng thân em ùa dậy trong trí nhớ ta biết bao bài ca có giọng điệu và nội dung tương tự :

– Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

– Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

– Thân em như giếng giữa làng

Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân…

Đây là chùm ca dao diễn tả một cách xúc động những đắng cay của cuộc đời người phụ nữ ngày xưa. Trọng xã hội phong kiến, người phụ nữ không được tự quyết định cuộc đời mình mà hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Họ dù xinh đẹp, tài hoa đến mấy thì số phận họ vẫn chỉ như những vật dụng hằng ngày, hoặc như “tấm lụa”, như “hạt mưa”, hoặc như “trái bần”,… trôi nổi, vật vờ, rủi may, hạnh phúc, bất hạnh không sao lường trước được. Số phận người phụ nữ như thế đã được nữ sĩ Hồ Xuân Hương mô tả qua bài thơ đặc sắc Bánh trôi nước, cũng mở đầu bằng hai tiếng Thân em :

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi,ba chìm với nước non…

Những bài ca dao cũng như bài thơ của Hồ Xuân Hương mãi mãi âm vang trong lòng chúng ta.

Tóm lại, những bài hát than thân có số lượng khá lớn và là những bài hát tiêu biểu trong kho tàng ca dao – dân ca Việt Nam. Các bùi ca thuộc chủ đề này thường dùng những con vật, sự vật gần gũi, nhỏ bé, tội nghiệp lùm hình ảnh biểu tượng an dụ, so sánh để miêu tả số phận và biểu hiện tâm trạng con người. Những bài ca này, ngoài ỷ nghĩa than thân, đồng cảm với nỗi niềm, cuộc đời đau khổ của người nông dân, nhất là phụ nữ… còn có ý nghĩa phản kháng, tố cáo xã hội phong kiến ngày xưa.

Xem lại bài bình giảng Những bài ca quê hương, đất nước, con người tươi đẹp đáng yêu và tự hào

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận