Người công dân số Một – tuần 19 – tiếng việt 5

Đang tải...

Người công dân số Một

I. LUYỆN ĐỌC

1. Đọc diễn cảm bài đọc

2. Lưu ý phát âm

Nhận diện và phát âm rõ các từ:

tr / ch: trong, trường, cảnh trí, xóm Chiếu, ghi chép, chỉ, chữ, chưa, chớp bóng, kể chuyện;

x / s: thu xếp, xong, bản xứ, xin việc, sáng, sao, đủ sống;

l / n: Lê, lù mù, có lẽ, lại, làm, lạ, làng, lương, năm, nói, này, nước;

d / gi: đèn dầu, dòng máu, ;

– Tọa đăng, Hoa Kỳ, Sa-xơ-lu Lô-ba, Phú Lãng Sa, phắc-tuya…

II. TÌM HIỂU BÀI

1. Tìm hiểu chung

Người công dân số Một là tác phẩm kịch (kịch bản Hà Văn Cầu, Vũ Đình Phòng) viết năm 1976. Tác phẩm đã rất thành công, mở đầu cho một thời kỳ sôi nổi của nghệ thuật sân khấu cải lương với đề tài hiện đại ở miền Bắc sau ngày Tổ quốc thống nhất (1975).

Đoạn trích này thuộc phần đầu của vở kịch, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người còn là thanh niên, đang trăn trở tìm con đường cứu dân cứu nước.

2. Nội dung chính

Anh Thành đang ngồi ghi chép thì anh Lê bưóc vào và thông báo rằng mình đã giúp anh Thành tìm được việc làm ở Sài Gòn. Anh Thành từ chối vì anh không chỉ làm vì miếng cơm manh áo. Lời nói của anh thể hiện tấm lòng anh luôn nghĩ tới dân, tới nước: “Chúng ta là đồng bào. Cùng máu đỏ da vàng với nhau. Nhưng có khi nào anh nghĩ tới đồng bào không?… Vì anh với tôi… chúng ta là công dân nước Việt…”.

Câu chuyện giữa anh Thành và anh Lê nhiều lúc không ăn nhập với nhau vì anh Lê chỉ nghĩ đến cuộc sống hằng ngày, đến công việc làm ăn của bạn còn anh Thành lại chỉ nghĩ đến việc cứu nước cứu dân. Mỗi người nghĩ đến một việc nên mạch suy nghĩ của mỗi người một khác. Anh Thành thường không trả lời vào câu hỏi của anh Lê mà lại hỏi sang chuyện khác. Anh Lê hỏi: “Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì”. Anh Thành đáp: “Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba… thì… ờ… anh là người nước nào?”. Anh Lê nói: “Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn này nữa”. Anh Thành trả lời: “Anh Lê ạ, vì ngọn đèn dầu ta không sáng bằng ngọn đèn hoa kỳ…”.

3. Liên hệ bài đọc / Mở rộng kiến thức

Người công dân số Một trong bài đọc chính là Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam. Ngưòi đã hy sinh cả cuộc đời để đi tìm con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc và trở thành người công dân đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Hồ Chí Minh

Bác Hồ (Hồ Chí Minh) sinh năm 1890, mất năm 1969, hồi trẻ có tên là Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành. Khi hoạt động ở nước ngoài, Bác lấy tên là Nguyễn Ai Quốc, rồi Hồ Chí Minh.

Người sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, gốc nông dân. Thân phụ của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng và từng ra làm việc cho triều Nguyễn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì bị cách chức vì có tinh thần yêu nước thương dân, có thái độ chống đối quan trên và thực dân Pháp. Thân mẫu của Người là cụ Hoàng Thị Loan, một người hiền hậu, đảm đang, hết lòng săn sóc chồng và dạy dỗ các con. Chị của Người là bà Nguyễn Thị Thanh và anh là ông Nguyễn Sinh Khiêm đều bị bắt nhiều lần vì có tham gia phong trào chống thực dân Pháp.

Quê hương của Người (làng Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) vốn giàu truyền thống đấu tranh gian khổ và anh dũng chống ngoại xâm. Thừa hưởng những ảnh hưởng tốt đẹp của môi trường gia đình và quê hương, ngay từ nhỏ Người đã sớm bộc lộ lòng yêu nưóc, thương đồng bào. Với ý chí mãnh liệt và quyết tâm sắt đá, năm 1911, Người quyết định vượt biển sang phương Tây, quê hương của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi có nền khoa học và kỹ thuật phát triển, để thực hiện lý tưởng của đời mình là giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào.

Những ngày bôn ba ở nước ngoài đã giúp Ngưòi nhận thức sâu sắc về kẻ thù, về tình nhân loại kết hợp với hữu ái giai cấp, về sức mạnh đoàn kết chiến đấu… vượt qua phạm vi quốc gia để vượt tới tầm cao thế giới. Đó là nền tảng để Người nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, chân lý của thời đại và trở thành Người công dân số Một của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam – đất nước do chính người sáng lập.

(Theo ALMANACH Những nền văn minh thế giới)

Xem thêm Ôn tập cuối kì I (Tiết 8)

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận