Nghĩa thầy trò – tuần 26 – tiếng việt 5

Đang tải...

Nghĩa thầy trò

I. LUYỆN ĐỌC

1. Đọc diễn cảm bài đọc

2. Lưu ý phát âm

Nhận diện và phát âm rõ các từ:

tr / ch: trước, học trò, trái đào, nhà tranh, trên, chu, chú, chắp tay, cho;

x / s: xa, xưa kia, sáng sớm, môn sinh, sân, sách, sau, sang, đơn sơ, sáng sủa, sưởi nắng;

l / n: là, làng, lạy, lên, lại, lần nữa, vỡ lòng, lần lượt, lứa tuổi, nói, nay, nặng tai;

d / r / gi: áo dài, dâng, dran, dạy, dẫn, rồi, rất, râu tóc, cụ giáo, giờ, cụ già…

II. TÌM HIỂU BÀI

1. Tìm hiểu chung

Nhà văn Hà Ân tên thật là Hoàng Hiển Mô, năm 1928 tại Hà Nội, đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nghĩa thầy trò của Hà Ân ca ngợi truyền thống tôn sư trọng đạo của nhân dân ta, đồng thời nhắc nhở mọi người cần gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc.

2. Nội dung chính

Sáng sớm, các môn sinh tề tựu trước sân nhà cụ giáo Chu để mừng thọ thầy, thể hiện tấm lòng biết ơn, tôn quý đối với người thầy đã dạy dỗ, dìu dắt mình trưởng thành. Họ rất tôn kính thầy giáo Chu: tề tựu đông đủ từ sáng sớm từ xa về dâng biếu thầy những cuốn sách quý, “đồng thanh dạ ran” và cùng theo sau thầy khi nghe thầy mời cùng thầy tới thăm “một người mà thầy mang ơn rất nặng”.

Cụ giáo Chu vẫn tôn trọng, yêu quý, biết ơn người thầy đã dạy cụ từ thuở còn học vỡ lòng. Cụ mời học trò theo cụ tới thăm người mà cụ “mang ơn rất nặng” rồi dẫn học trò “đi về cuối làng, sang tận thôn Đoàn” để thăm thầy. Cụ chắp tay cung kính vái lạy thầy, thưa với thầy: “Lạy thầy! Hôm nay con đem tất cả các môn sinh đến tạ ơn thầy”.

Sau ngày mừng thọ thầy giáo Chu năm ấy, các môn sinh của thầy nhận được thêm một bài học thấm thìa về nghĩa học trò, về truyền thống tôn sư trọng đạo.

3. Liên hệ bài đọc / Mở rộng kiến thức

Người Việt Nam coi trọng lễ nghĩa đối với thầy, cô giáo của mình. Thầy cô được so sánh ngang bằng với cha mẹ, ai cũng đều phải tôn trọng, yêu quý, suốt đời ghi nhớ công ơn, dù là thầy dạy chữ hay dạy nghề: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Quan hệ thầy trò

Học trò học nghề hay học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa là thầy trò. Học trò phải kính trọng thầy, phải quý mến thầy, mà nhất là thầy dạy học chữ lại phải kính trọng hơn nữa.

Học trò khi mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy yết kiến thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mồng năm ngày Tết, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền mà đem đến lễ thầy.

Khi nhà thầy có việc hiếu hoặc hỉ, hoặc khi có kỵ, học trò cũng kiếm lễ vật đến lễ, và giúp đáp công việc cho nhà thầy. Khi thầy mất, môn sinh cũng phải để tang thầy học ba năm, gọi là tâm tang, tức là để tang trong bụng thôi. Từ sau mỗi năm đến ngày giỗ thầy hoặc vợ thầy, đồng môn phải biện lễ đem đến giỗ.

(Theo Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục)

Xem thêm Tập viết đoạn đối thoại

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận