Nghị luận xã hội về văn hóa đọc trong xã hội ta hiện nay – Ngữ văn 12

Đang tải...

Nghị luận xã hội về văn hóa đọc

Đề bài 

Bàn về sự đọc, thói quen đọc, văn hoá đọc trong xã hội ta hiện nay, có người vui mừng chỉ ra nhiều dấu hiệu tích cực, ngược lại, cũng có người không ngần ngại dùng những từ như “suy thoái”, “xuống cấp” để đánh giá.

Hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh (chị) về vấn đề còn gây tranh cãi này.

Hướng dẫn làm bài:

Đối với những ý kiến trái chiều về văn hoá đọc mà câu hỏi nêu lên, thí sinh phải có được một thái độ đánh giá thận trọng. Trước khi nêu dứt khoát quan điểm của mình, phải tìm cách “bảo vệ” ở mức độ nhất định các ý kiến đó, để thấy dù còn mặt này mặt khác chưa ổn, mỗi ý kiến đã góp thêm được một góc nhìn giúp ta nhận thức vấn đề một cách toàn diện. Rất cần nêu được những trải nghiệm cá nhân để sự đánh giá có được căn cứ thực tiễn. Bài viết cũng cần chú ý gợi ra những giải pháp cụ thể nhằm góp phần nâng cao văn hoá đọc ở Việt Nam hiện nay.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng ở ta nói nhiều, bàn nhiều về văn hoá đọc. Sự thu hút của chủ đề này có tính tự nhiên, khi đất nước ta bước vào thời kì hội nhập và khi thời đại chúng ta sống được đặc trưng bởi sự bùng nổ của thông tin.

– Văn hoá đọc là một khái niệm phức tạp, có thể được hiểu, được cắt nghĩa rất khác nhau. Giữa sự đọc, thói quen đọc và văn hoá đọc có mối liên hệ chặt chẽ. về cơ bản, có thể hiểu văn hoá đọc là toàn bộ những giá trị bền vững nhất trong quan hệ ứng xử của con người với sách, với thông tin, với kho tàng tri thức của nhân loại. Một con người cũng như một cộng đồng, một xã hội không thể thiếu văn hoá đọc. Văn hoá đọc cần được xem là thước đo của sự văn minh và tiến bộ. Không có văn hoá đọc, cuộc sống tinh thần của mỗi người và của cả cộng đồng sẽ nghèo nàn một cách đáng sợ.

– Văn hoá đọc ở ta hiện nay đang trong tình trạng thế nào? Có không ít người lạc quan khi trả lời câu hỏi này. Đọc ư? Thời đại thông tin không đọc không được. Hãy xem nhà nhà người người dán mắt vào máy tính, vào iPad, iPhone. Hãy xem trong các hiệu sách, bao đứa trẻ ngồi bệt xuống sàn mê mải đọc “cọp” hết cuốn này đến cuốn khác. Nếu không đọc (và cùng vớ điều đó là xem), làm sao con người thời này lại có thể biết được nhiều chuyện trên trời dưới bể, chuyện Tây chuyện Tàu như vậy! Lắng nghe những cuộc chuyện trò của các bạn trẻ, chúng ta bắt gặp nhiều thuật ngữ lạ tai, nhiều tên người, tên đất mà những thế hệ trước ít khi biết, ít khi nhắc đến. Đó có phải là kết quả tốt đẹp của sự đọc không? Câu trả lời phải là một sự khẳng định! Tất nhiên, thái độ lạc quan với văn hoá đọc bây giờ cho thấy có một quan niệm khác trước về đọc. Người ta đã hiểu đối tượng vật thể của đọc không chỉ là sách in, báo in mà còn là ebook, báo mạng, các loại hình truyền tải thông tin trên internet… “Cái gì không biết thì tra google” – rõ ràng, việc “vào mạng” vớ máy vi tính bàn, laptop, smartphone không ít thì nhiều, đều liên quan đến việc đọc, sự đọc. Nếu chưa thể nói văn hoá đọc đang phát triển thì ta cũng không thể không khẳng định rằng văn hoá đọc đang đứng trước một sự thay đổi lớn.

– Tuy nhiên, những người nhìn nhận bi quan về văn hoá đọc hây giờ không phải không có lí của mình. Thông tin trên mạng có rất nhiều, nhưng không ít trong số đó là những thông tin tào lao, vô bổ, chẳng giúp ích bao nhiêu cho sự phát triển trí tuệ, tâm hồn con người. “Đọc mạng” nhiều khi không tránh khỏi sự sa đà vào những chuyện nhảm nhí, vô bổ. “Đọc mạng” dễ tạo thói quen “lướt” – đọc “lướt”, thông tin lại cũng “lướt” và suy nghĩ ngày càng “lướt”. Nói cách khác, với người có khả năng tự chủ thấp, việc “đọc mạng” rất có thể đưa chúng ta đến tình trạng tiếp nhận thông tin và suy nghĩ hời hợt. Trong khi đó, kiểu đọc cổ điển không bắt buộc chúng ta phải “xử lí” văn bản tức thì, nhanh chóng, ngược lại, cho phép chúng ta có thể dềnh dàng, gập sách lại để nghĩ, để chiêm nghiệm rồi… đọc tiếp. Từ đọc, điều kiện để tư duy sâu sắc, để nghiền ngẫm có nhiều hơn. Một điều khác không thể không thấy là tri thức nhân loại phần lớn được kết tinh, được lưu giữ trong sách, báo in – tức là trong cấc ấn phẩm cần đến giấy, đến “thực vật” (theo cách hình dung của Umberto Eco). Những nỗ lực số hoá các ấn phẩm in trên giấy tuy đã thu được kết quả tốt đẹp nhưng còn lâu mới số hoá được mọi sản phẩm sách báo đã từng được in ấn, xuất bản trên đời. Vả lại, việc lưu giữ kí ức, trí khôn của con người có nhiều cách, không nhất thiết chỉ chọn một, dù cách hiện đại vói internet có những lợi thế hiển nhiên. Theo cách nhìn này, rõ ràng văn hoá đọc ở ta hiện nay đang phát triển lệch lạc. Người đến thư viện để đọc sách xem ra ngày càng ít. Nhiều gia đình khá giả ở thành phố không có tủ sách, mà nếu có, số lượng đầu sách cũng khá nghèo nàn. Chưa có những con số thống kê đáng tin cậy để ta có thể kết luận chắc chắn về vấn đề, nhưng bằng vào quan sát thực thế, ta cũng thấy số lượng sách mà một người có học hoặc có hoạt động trong môi trường tri thức đọc trong năm ít ỏi một cách đáng kinh ngạc. Như vậy, những lời phàn nàn về sự “suy thoái”, “xuống cấp” của văn hoá đọc không phải là một sự “báo động giả”.

– Để nhìn nhận được một cách toàn diện về văn hoá đọc hiện nay ở ta, có lẽ cần có một quan niệm cỏi mở hơn về đọc và phải thấy được những thử thách mới cũng như những biểu hiện mới, phong phú của hoạt động đọc. Xây dựng văn hoá đọc quả là một vấn đề quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực của cả xã hội, trước hết là của các cơ quan văn hoá, giáo dục và của tất cả chúng ta.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận