“Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!” (Trần Ngọc Vinh) và suy nghĩ của em – Ngữ văn 12

Đang tải...

Nghị luận về vấn đề thực phẩm bẩn

Đề bài

“Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”.

(Dẫn theo Bích Diệp, Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế!)

Anh (chị) hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về lời cảnh báo trên của đại biểu quốc hội Trần Ngọc Vinh.

Hướng dẫn làm bài: 

Đây là một câu nói có hình ảnh nhằm cảnh báo nguy cơ lương thực, thực phẩm có chứa chất độc hại đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của cộng đồng. Để giải quyết được đề này, cần hiểu ý nghĩa các hình ảnh: dạ dày, nghĩa địa, con đường và phải trả lời các câu hỏi: Tại sao có thể nói: con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế? Trách nhiệm của vấn đề này thuộc về ai? Cần phải làm gì để giải quyết vấn nạn này?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, ta thường xuyên nghe nói đến vấn đề lương thực, thực phẩm bẩn, bị nhiễm độc. Điều nguy hại là tình trạng này đã trở nên phổ biến ở nước ta, và đang ở mức độ đáng báo động. Đã có những cuộc hội thảo, hội nghị bàn về các giải pháp khắc phục, nhưng thực tế, tình hình ngày càng nghiêm trọng. Trong một kì họp quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có một câu khái quát làm cả hội trường xôn xao: “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thê?. Câu nói này khiến nhiều người phải giật mình về những nguy cơ đang ẩn náu trong mỗi bữa ăn.

– Hằng ngày, con người phải ăn uống để duy trì sự sống, để cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể có đủ năng lượng tái sản xuất sức lao động. Hơn thế, ăn uống còn là một khoái thú, ẩm thực được xem là một khía cạnh của nền văn hoá. Vậy mà, thực tế hiện nay, lương thực, thực phẩm bẩn, nhiễm độc đã khiến cho việc ăn uống nhiều khi gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, sinh ra biết bao nhiêu bệnh tật, trong đó có những bệnh nan y.

    Điều nan giải nhất là rất khó kiểm soát độ an toàn của lương thực, thực phẩm mà chúng ta sử dụng. Nhìn những người nông dân thường xuyên phun thuốc trừ cỏ, trừ sâu trên những đồng lúa, nương rau, nghe thông tin về các loại thịt cá đã bị hôi thối được tẩm hoá chất để trở nên tươi ngon, những loại nước mắm, nước tương có phụ gia là chất độc hại… mói biết trong mâm com hằng ngày của mỗi nhà tiềm ẩn biết bao nguy cơ. Hãy thử vào google, gõ từ khoá “thực phẩm bẩn”, chúng ta sẽ kinh hoàng trước những thông tin được cập nhật. Nào là hàng chục tấn nội tạng động vật bốc mùi được vận chuyển đến các nhà hàng; nào là lợn nuôi bằng thức ăn có chứa chất cấm và tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, gà được nhúng màu công nghiệp để có màu vàng bắt mắt, rau muống thì tưới dầu nhót, chuối thì ngâm thuốc trừ sâu, còn sầu riêng chỉ một đêm là chín bởi tẩm hoá chất… Tác hại do các loại thực phẩm ấy gây ra cho con người là không thể lường hết.

– Các loại lương thực và thực phẩm khiến con người mắc nhiều thứ bệnh, trong đó, đáng sợ nhất là bệnh ung thư. Ở nước ta đã có những làng gọi là “làng ung thư”, mà nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi ngày, hàng lít nước đi vào cơ thể mỗi người, cứ thế, ngày này sang ngày khác, có biết bao nhiêu chất độc gây ung thư được tích tụ. Nếu như năm 2000, cả nước mói có 3 bệnh viện, 14 khoa ung bướu, thì đến năm 2015, đã có 6 bệnh viện và 50 trung tâm, khoa ung bướu, nhưng chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu điều trị. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phòng, chống Ung thư, ngoài các bệnh ung thư khác như xương, phổi thì ung thư đường tiêu hoá đang có xu hướng tăng và bệnh nhân ngày càng trẻ hoá. Giống như các loại ung thư khác, ung thư đường tiêu hoá là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như gen di truyền, tuổi tác, chế độ dinh dưỡng, lối sống. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do thường xuyên ăn phải thực phẩm bẩn, thực phẩm tồn dư hoá chất độc hại. Ngày 20-8-2015, Viện Y tế toàn cầu George công bố nghiên cứu khẳng định: ung thư sẽ trở thành gánh nặng khổng lồ với xã hội và hệ thống y tế các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nếu không nhanh chóng hành động để thay đổi tình hình (theo Phạm Anh – nguồn VTC).

– Do đâu mà tình trạng sử dụng lương thực, thực phẩm nhiệm bẩn, nhiễm độc ở nước ta lại trở nên phổ biến như vậy?

+ Trước hết là ở khâu quản lí. Các cơ quan chức năng của nước ta vẫn còn xem nhẹ việc quản lí các loại hoá chất. Nhiều loại thuốc trừ cỏ, trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu vẫn tự do lưu hành, Những loại hoá chất độc hại dùng bảo quản thực phẩm có thể mua bán dễ dàng trên thị trường. Có những nhà máy sản xuất thực phẩm, đồ ăn, đồ uống không tuân thủ quy trình đảm bảo vệ sinh. Không ít cửa hàng vẫn công nhiên bày bán những đồ ăn chế biến sẵn đã hết hạn sử dụng… Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc nông dân sử dụng các loại hoá chất hầu như không ai kiểm soát. Những vi phạm trên đây, nếu bị phát hiện thì việc xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, cho nên tái phạm là hiện tượng phổ biến.

+ Sự thiếu hiểu biết hoặc vô lương tâm của người sản xuất, người buôn bán cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần gia tăng tình trạng sử dụng lương thực, thực phẩm bẩn ở nước ta.

Phải thừa nhận rằng, có khi do nhận thức yếu kém mà người sản xuất đã vô tình sử dụng những hoá chất độc hại, hoặc người buôn bán trở thành kẻ phân phối những sản phẩm gây nguy hiểm cho sức khoẻ của cộng đồng, trong đó có cả người thân của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi trình độ dân trí không đến nỗi quá thấp và truyền thông đã phát triển, bộ phận trên đây chắc chắn chiếm tỉ lệ không cao. Như vậy, những người vi phạm chủ yếu là những kẻ vô đạo đức, thiếu lương tâm. Ở các vùng quê, có những nông dân chia vườn rau nhà mình làm hai phần: phần phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng là để bán, phần rau sạch là để gia đình sử dụng. Trong ý thức của họ, thiên hạ có nguy hại về sức khoẻ bởi ăn rau độc của nhà mình không phải là điều đáng bận tâm. Nông dân mà vẫn nhận thức như vậy, nói gì đến những người chế biến các mặt hàng cao cấp hơn. Họ hiểu rất rõ tác hại khủng khiếp của những đồ ăn sẵn được họ sản xuất và tung ra thị trường, nhưng vì lợi nhuận, họ bất chấp tất cả.

– Ý kiến của đại biểu quốc hội Trần Ngọc Vinh thực sự là một lời cảnh báo rất có sức nặng. Những người có trách nhiệm ở các cấp không thể làm ngơ trước tình trạng này. Tuy nhiên, đây là chuyện liên quan đến quyền lợi của cá nhân, của gia đình, nên mỗi người, mỗi nhà không thể thụ động trông chờ vào các giải pháp của nhà nước, lại càng không thể chờ đợi gì ở sự thay đổi về nhận thức, về lương tâm, đạo đức của những người sản xuất, buôn bán. Là học sinh Trung học phổ thông, mỗi chúng ta cần biết làm người tiêu dùng thông thái, tự trang bị cho mình những tri thức cần thiết về dinh dưỡng, về lương thực, thực phẩm để phổ biến trong gia đình. Hãy cùng bố, mẹ, anh chị em tận dụng những điều kiện có thể để sản xuất những loại rau quả sạch như nhiều gia đình ở Hà Nội và một số thành phố đã làm. Nên biết rằng, sự sống của ta được quyết định một phần bởi chính ta.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận