Một số lưu ý khi tập làm thơ bốn chữ và năm chữ – Kiến thức, bài tập nâng cao Ngữ Văn 6

Đang tải...

Nhằm củng cố, mở rộng, bổ sung thêm kiến thức cho các em học sinh, Hoc360.net sưu tầm gửi tới các em Một số lưu ý khi tập làm thơ bốn chữ và năm chữ – Kiến thức, bài tập nâng cao Ngữ Văn 6. Chúc các em học tốt!

Một số lưu ý khi tập làm thơ bốn chữ và năm chữ

Kiến thức, bài tập nâng cao Ngữ Văn 6

1. Chọn đề tài

Như trên đã nói, thơ bốn chữ và thơ nấm chữ thường là thơ tự sự. Do đó, khi tìm đề tài, chúng ta nên quan tâm tới những nội dung cụ thể, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chẳng hạn như mô tả một người bạn, một đồ vật, một sinh hoạt vui chơi nào đó. Cũng có trường hợp ta có thể nhại những khúc hát đồng dao cổ bằng cách thay lời mới. Bài thơ Kể cho bé nghe của nhà thơ Trần Đăng Khoa là một ví dụ. Trong dân gian đã có bài vè chim :

... Hay ăn thịt chết

Là thằng quạ đen

Tinh mắt hay ghen

Là con chim gáy

Vừa đi vừa nhảy

Là con sáo xinh

Hay nói linh tinh

Là con liêu điêu…

Có lẽ từ bài vè ấy mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thay lời để viết bài thơ Kể cho bé nghe:

Hay nói ầm ĩ

Là con vịt bầu

Hay hỏi đâu đâu

Là con chó vện

Hay chăng dây điện

Là con nhện con

Ăn no quay tròn

Là cối xay lúa

Mồm thở ra gió

Là cái quạt hòm

Không thèm cỏ non

Là con trâu sắt

Rồng phun nước bạc

Là cái máy bơm D

ùng miệng thổi cơm

Là cua là cấy,..

2. Tập ngắt nhịp và gieo vần

Nhịp thường gặp ở thơ bốn chữ là nhịp chẵn (2/2). Rất ít trường hợp ngắt nhịp lẻ (1/3 ; 1/2/1). Còn nhịp thường gặp ở thơ năm chữ có phần phong phú hơn (2/3 ; 3/2 ; 1/2/2 ; 1/4 ; …). Nắm được đặc điểm này ta phải lưu ý tới việc chọn từ phù hợp với cách ngắt nhịp. Thực tế cho thấy, ở hai thể thơ này, thường dùng các từ đơn hoặc các từ láy, từ ghép có hai tiếng. Ta có thể khảo sát một số ví dụ sau :

Ví dụ 1 :

Một trăm / tấm / ván

Một vạn í thằng / quân

Thằng / nào / cởi / trần

Đều / lăn / xuống / hố

(Câu đố : Sàng gạo)

Ví dụ 2 :

Ơi /chích choè / ơi

Chim / đừng / hót / nữa

Bà / em / ốm / rồi

Lặng / cho / bà / ngủ

Bàn tay / bé nhỏ vẫn / quạt / thật / đều

Ngấn nắng / thiu thiu

Đậu / trên / tường / trắng

Căn nhà / đã / vắng

Cốc chén / nằm / im

Đôi mắt / lim dim

Ngủ / ngon / bà / nhé

Hoa cam / hoa khế

Chín / lặng / trong / vườn

Bà / mơ / tay / cháu

Quạt / đầy / hương / thơm

(Thạch Quỳ — Quạt cho bà ngủ)

Ở ví dụ 1 gồm 12 từ thì có tám từ đơn (một tiếng), bốn từ ghép (hai tiếng).

Ở ví dụ 2 gồm 53 từ thì có 42 từ đơn (một tiếng), tám từ ghép (hai tiếng) và ba từ láy (hai tiếng).

Ngay ở thơ năm chữ, dù có khi ngắt nhịp 2/3 hoặc 3/2, nhưng số từ ghép hoặc từ láy ba tiếng rất ít, chủ yếu vẫn sử dụng các từ đơn hoặc từ láy – từ ghép hai tiếng.

Ví dụ :

Mẹ / đan / tấm/ áo / nhỏ

Bây giờ / đang / mùa xuân

Mẹ / thêu / vào / chiếc / khăn

Cái hoa / và / cái / lá

Cỏ/ bờ đê / rất Hạ

Xanh / như / là / chiêm bao

Kín / bãi ngô/ bãi dâu

Thoáng / tiếng cười / đâu đó…

(Xuân Quỳnh — Con chả biết được đâu)

Còn vấn đề gieo vần thì quả là hơi nan giải đối với những người đang tập làm thơ. Về lí thuyết, phải nắm được luật gieo vần của thể thơ bốn chữ và năm chữ. Gieo vần chân (ở cuối câu) ; gieo vần liền (bắt vần giữa câu chẵn với câu lẻ đứng kề ngay sau nó : câu 2 – câu 3 ; câu 4 – câu 5 ; câu 6 – câu 7) hoặc gieo vần cách (bắt vần giữa câu lẻ với câu lẻ, câu chẵn với câu chẵn ngay trong từng khổ thơ : câu 1 – câu 3 ; câu 2 – câu 4 ; …).

Khi tập gieo vần cần lưu ý là các tiếng cùng vần phải cùng thanh (thanh bằng đi với thanh bằng, thanh trắc đi với thanh trắc). Việc gieo vần và bắt vần cũng không nên quá máy móc. Có thể chấp nhận những trường hợp vần gần giống nhau (các tiếng có vần “ương” bắt vần được với các tiếng có vần “ươn”, “ươm”, “ơn”, “uông”, “uôn”,… ; các tiếng có vần “a” bắt vần được với các tiếng có vần “oa”, “ua”, “uơ”,.:.).

Ví dụ :

Gió của  ông trời

Có khi rét buốt

Gió mẹ mẹ ơi

Lúc nào cũng mát

(Vương Trọng – Gió từ tay mẹ)

Khi vận dụng vào thực tế thì việc gieo vần khó ở chỗ các tiếng chứa vần ấy phải thể hiện được nội dung mà câu thơ, bài thơ cần biểu đạt. Như vậy, không chỉ hợp vần mà còn phải hợp với nội dung ý nghĩa. Muốn thực hiện yêu cầu này, người làm thơ phải có một vốn từ phong phú. Bắt đầu từ yêu cầu của nội dung cần biểu đạt, chúng ta liệt kê các từ gần nghĩa, đồng nghĩa có khả năng thể hiện được nội dung ấy. Sau đó, chúng ta sẽ chọn từ nào hợp vần nhất. Có trường hợp, cùng một nội dung, chúng ta có thể đưa ra nhiều cách diễn đạt khác nhau để chọn cách diễn đạt nào. hay nhất, phối vần một cách hợp tình, hợp lí nhất. Tất nhiên, trong thực tế, các nhà thơ khi làm thơ không bị phụ thuộc vào việc phối vần quá nhiều. Từ mạch cảm xúc đang trào dâng trong tâm hồn, mạch thơ cứ thế tuôn chảy một cách tự nhiên. Còn với những người chưa phải là nhà thơ, khi làm thơ nói chung và làm thơ bốn chữ, thơ năm chữ nói riêng, việc gieo đúng vần vẫn là một thử thách lớn mà nếu không thể vượt qua thử thách này thì nhiều khi sẽ dẫn tới những trường hợp “ép vần” hoặc là thơ không có vần có điệu theo kiểu :

Hôm nay mồng tấm tháng ba

Thương em anh tặng một và câu thơ

3. Cách diễn đạt

Đã gọi là thơ, dù là thơ tự sự hay thơ trữ tình thì cách diễn đạt cũng phải khác hẳn với văn xuôi. Do đó, khi tập làm thơ cần lưu ý là không thể lấy cấu trúc của câu,văn xuôi (có đầy đủ cả chủ ngữ lẫn vị ngữ) để áp đặt cho cấu trúc của câu thơ. Đặc biệt là mỗi dòng thơ chỉ có bốn hoặc năm chữ. Có những trường hợp một dòng thơ mang một nội dung thông báo :

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt 

Cái đầu nghênh nghênh

(Tố Hữu – Lượm)

Có trường hợp nhiều dòng thơ nối nhau mới tạo thành một nội dung thông báo trọn vẹn :

Một hôm nào đó

Như bao hôm nào

Chú đồng chí nhỏ

Bỏ thư vào bao

Vụt qua mặt trận

Đạn bay vèo vèo

Thư đề “Thượng khẩn”

Sợ chi hiểm nghèo ?

(Tố Hữu – Lượm)

Trong thơ chấp nhận trường hợp lặp đi lặp lại một từ nào đó, một cấu trúc câu nào đó. Thậm chí có thể lặp lại nguyên khổ thơ. Người ta gọi đây là nghệ thuật điệp từ điệp ngữ hoặc kết cấu trùng điệp. Nhưng như thế không có nghĩa là được nhắc đi nhắc lại hình ảnh thơ một cách tuỳ tiện. Hiện tượng điệp ngữ, điệp cấu trúc là cả một nghệ thuật. Nó phải có giá trị nhất định trong việc thể hiện nội dung ý nghĩa của bài thơ :

Tức thì trăm ngọn suối

Nổi róc rách reo mừng

Tức thì ngàn chim muông

Nổi hát ca vang dậy…

(Võ Quảng – Mầm non)

Cũng như các thể thơ khác, thơ bốn chữ và năm chữ có thể dùng rất linh hoạt các kiểu câu. Có câu cảm, có câu hỏi, có câu cầu khiến, có câu đặc biệt, câu đảo ngữ,… Vì thiên về tự sự nên có thể đưa câu hội thoại hoặc dùng những kiểu câu thể hiện nội dung gọi, hỏi, than thở,… vào trong thơ bốn chữ và năm chữ :

Bò ra sông uống nước

Thấy bóng mình, ngỡ ai

Bò chào “Kìa anh bạn !

Lại gặp anh ở đây…”

(Phạm Hổ – Chú bò tìm bạn)

Đối với những người đang tập làm thơ thì cũng nên chọn kiểu diễn đạt đơn giản và dễ hiểu.

Một lưu ý nữa trong việc tập làm thơ bốn chữ và thơ năm chữ là cách dùng từ ngữ. Để biểu đạt nội dung miêu tả hoặc bộc lộ tâm tình, người làm thơ phải chọn những từ ngữ có giá trị biểu cảm cao, tức là phải quan tâm tới tính hình tượng của các từ ngữ được chọn đưa vào bài ; phải dùng nghệ thuật so sánh, nhân hoá thật nhuần nhuyễn và linh hoạt.

Tải xuống

Xem thêm: Một số bài tập thơ bốn chữ và năm chữ – Kiến thức, bài tập nâng cao Ngữ Văn 6 tại đây. 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận