Đề 30: Kể lại một kỉ niệm giữa em và thầy cô giáo cũ – Bài văn chọn lọc lớp 9

Đang tải...

Đề 30: Kể lại cho các bạn nghe một kỉ niệm đáng nhớ giữa em và thầy, cô giáo cũ.

 

Bài làm

Tuổi thơ tôi không giống nhiều bạn cùng trang lứa. Năm lớp 4, tôi đã chuyển xuống học ở trường chuyên dưới huyện. Phải xa gia đình, xa trường lớp, thầy cô, bạn bè thân quen đến với một nơi xa hoàn toàn lạ lẫm khiến tôi và các bạn cùng lợp khóc suốt những ngày đầu. Lúc đó, các cô giáo đã an ủi, vỗ về, động viên chúng tôi rất nhiều để tôi có thể nhanh chóng hoà nhập cùng cuộc sống mới. Trong số các thầy, cô giáo, người thân thiết với chúng tôi hơn cả là cô Doan – giáo viên môn Toán. Cô chỉ dạy tôi một năm nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng đậm sâu, những kỉ niệm không bao giờ phai mờ. Kỉ niệm khiến tôi nhớ nhất là một buổi tối thứ bảy mùa đông, cô đã ở bên tôi để an ủi tôi khi tôi nhớ nhà.

Hôm đó là thứ bảy. Chúng tôi vẫn phải ở lại trường để học. Nỗi nhớ nhà thường trực như vỡ oà khi tôi nhìn thấy mẹ của các bạn cùng kí túc xá lên thăm. Mẹ tôi đang bận với vụ lúa chiêm nên không thể đến thăm tôi được. Buổi học hôm đó, tâm trí tôi cứ lơ lửng tận đâu đâu, không thể tập trung vào lời cô giảng. Tôi đang nhớ nhà, nhớ mẹ. Cô giáo nhận ra điều đó. Cô không trách mắng tôi, chỉ nhắc tôi nên chú ý hơn. Vừa kết thúc buổi học, tôi chạy ngay về phòng, thu xếp một ít quần áo và sách vở định đi bộ về nhưng chưa kịp đi thì hai bạn cùng phòng về đến nơi. Hai bạn không cho tôi vể và dọa sẽ mách cô giáo. Cả hai bạn cũng nhớ nhà, cũng muốn về quê nhưng đi bộ 15 cây số vào lúc 5 giờ chiều là điều quá nguy hiểm đối với con nhóc 10 tuổi. Ba đứa quyết định sáng mai sẽ về sớm, bất kể cô giáo có cho phép hay không. Cất quần áo, sách vở và lau nước mắt, tôi cùng các bạn ra quán ăn cơm. Chiều mùa đông, gió lạnh như càng khứa sâu thêm nỗi lòng của những đứa con xa nhà. Cả ba lặng yên không nói, như thể chỉ cần cất tiếng là nước mắt sẽ trào ra. Ăn xong, chúng tôi còn lang thang trên đường một lúc, để nhìn hai bên đường thấy khung cảnh quây quần bên mâm cơm, để cảm nhận được không khí gia đình, về đến kí túc thì trời đã tối mịt. Chúng tôi giật mình vì thấy có một chiếc túi để trước cửa phòng. Ngần ngừ một lúc, cuối cùng ba đứa cũng quyết định mang nó vào phòng. Chà ! Một túi to đầy cam, táo và bánh. Ba đứa hét lên sung sướng. Bên dưới có một lá thư nhỏ. Tôi mở ra đọc. Đó là thư của cô. Nét chữ mềm mại quen thuộc. Tôi đọc cho các bạn nghe :

Ba học sinh thân yêu của cô ! Cô qua nhưng các em đi ăn cơm. Cô đợi một lúc rồi. Mấy đứa đi lâu quá. Cô có việc phải đi, không đợi lúc em về được. Cô biết các em nhớ nhà, nhớ bố mẹ lắm nhưng cố gắng nhé. Chỉ còn hai tuần nữa thôi, thi xong là cô trò mình được nghỉ ngơi, các em được về với bố mẹ rồi. Mấy đứa lớn rồi, đừng có khóc nhè nha ! Ăn hết chỗ đồ này rồi ngủ sớm nhé. Ngày mai cô miễn kiểm tra bài tập của ba đứa. Nhớ cài cửa cẩn thận nhé ! Chúc các em ngủ ngon !

Cô Doan

Nước mắt tôi làm nhòe hết trang thư. Quay sang thấy Hiên và Ngọc cũng đang lau nước mắt. Lặng đi một lúc, Hiên là người đầu tiên phá vỡ bầu không khí nặng nề đó. Chúng tôi bắt đầu ăn hoa quả và bánh kẹo. Đang tuổi ăn tuổi lớn, bữa cơm hồi chiều dường như không đủ đối với chúng tôi. Yêu cô quá ! Cô thật tâm lí. Chúng tôi tự nhủ sẽ không đi ngủ mà sẽ làm hết bài và không trốn về nhà nữa để cô khỏi buồn lòng. Chúng tôi học say sưa. Nhưng trẻ con mau quên, buồn đấy, rồi vui ngay, và cũng ngay lập tức có thể buồn lại. Học được một lúc, tôi bắt đầu rấm rứt khóc. Ngọc dỗ dành tôi, rồi cũng khóc. Thấy hai bạn mình khóc, Hiên quát chúng tôi : “Sao lại khóc. Đã nói là không nhớ nhà nữa, phải ở lại học, kẻo cô biết cô buồn đấy”. Nhưng rồi chính Hiên cũng khóc. Ba đứa ôm nhau khóc. Khóc một hồi, Hiên quyết định : “Đứng lên, chúng ta đi vào cô, xin cô mai nghỉ học về quê. Chắc là cô sẽ đồng ý thôi”. Ngay lập tức, tôi và Ngọc nín bặt và lục tục khoá cửa kéo nhau đi.

Trên đường đi, ba đứa tập duyệt nói với nhau làm sao để thuyết phục cô.

Đến nhà cô, cô vẫn chưa về. Ngồi đợi một lúc thì thấy cô hớt hải về. Chúng tôi cười toe, chưa kịp chạy ào ra thì đã thấy cô tức giận : “Mấy đứa có biết cô lo thế nào không ? Sao lại ra ngoài muộn như thế ? Cô đang định về nhờ người đèo đi tìm mấy đứa đây này”. Chúng tôi không biết nói sao, chỉ biết đứng yên. Nói xong, cô lại dịu dàng ngay : “Nhưng thế này thì tốt quá rồi, mấy đứa không sao cả, làm cô hết hồn. Nào đi vào đây, tôi tính tội”. Ba đứa líu ríu theo cô vào nhà. Cô hỏi nhẹ nhàng : “Mấy đứa vào cô muộn thế này có việc gì không ?”. Bọn tôi đẩy cho Hiên. Hiên khẽ thưa : “Bọn em vào là muốn xin cô ngày mai cô cho bọn em nghỉ, để bọn em về quê ạ”. Nói xong, mắt Hiên rơm rớm. Ngọc nói thêm : “Bọn em nhớ nhà lắm”. Tôi thấy cô quay đi chỗ khác, lấy tay dụi mắt. Có hỏi : “Vậy mấy đứa về bằng cách nào ?”. Chúng tôi ngập ngừng, rồi tôi mạnh dạn : “Chúng em đi bộ ạ”. Cô phì cười : “Các em có biết từ đây vể nhà bao xa không ?”. Tôi tự tin : “Dạ 15 cây số ạ”. Cô cười : “Xa lắm đấy. Không đi được đâu”. Chúng tôi bắt đầu thấy lo lắng. Có lẽ cô không đồng ý. Ba đứa ra sức thuyết phục. Cuối cùng, dường như những giọt nước mắt của chúng tôi đã khiến cô không thể cứng rắn hơn. Cô đồng ý đế sáng hôm sau chúng tôi về. Ba đứa nhảy cẫng lên, ôm chặt lấy cô, không thấy cô lén lau nhũng giọt nước mắt. Cô vỗ về chúng tôi rồi cất tiếng hỏi : “Các em đói không, cô lấy cơm nhé”. Ba đứa gần như đồng thanh : “Không, bọn em không đói ạ”. “Đồ cô cho, bọn em ăn hết rồi, giờ vẫn còn no ạ” – tôi nói thêm. Cô cười hiền : “Thế thì ăn khoai nhé. Cô trò mình đi luộc khoai nào”. Nói rồi cô kéo chúng tôi xuống bếp. Bốn cô trò ngồi quây quần bên bếp trấu. Lửa bếp hắt ánh sáng lên khuôn mặt mấy cô trò, hồng rạng rỡ. Nhìn cô cời bếp, nụ cười hiền hậu, sao tôi thấy ấm áp quá, như mẹ, như chị tôi vậy. Bỗng nhiên, cảm giác nhớ nhà tan biến lúc nào không hay. Chỉ còn là sự ấm áp mà cô mang lại. Vừa trông bếp, cô vừa kể chuyện cho chúng tôi nghe. Khác hẳn những công thức, những bài toán khô khan thường ngày, cô kể biết bao nhiêu là chuyện hay, lại đọc cả thơ nữa. Chúng tôi nghe say sưa. Nếu các bạn trong lớp biết chúng tôi được nghe cô kể chuyện, đọc thơ thế này thì chắc chúng sẽ ganh tị lắm đây. Khoai chín, mấy cô trò lại quây quần bên nồi khoai ngút khói, vừa ăn vừa xem ti vi. Cô thật khác với vẻ nghiêm nghi khi ở trên lớp và thật trẻ trung. Thì cô cũng chỉ mới rời ghế nhà trường được gần một năm mà !

Đánh chén hết nồi khoai, chúng tôi xin phép cô đi vể kẻo khuya. Cô giữ chúng tôi lại ngủ. Nhưng nhà cô chật, chúng tôi ngại, không dám ở lại. Cô đưa chúng tôi về. Bốn cô trò đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện râm ran. Cô gợi ý chúng tôi thi hát, ai thua sẽ bị búng tai. Cả ba đứa hào hứng tham gia. Thật kì lạ, cũng con đường ấy, lúc đến nhà cô thấy nó sao thật lạnh vắng, mà giờ đây lại vui tươi, nhộn nhịp, mặc dù đường đã vắng hoe, chỉ lác đác người qua lại, với bóng đèn cao áp vàng vọt và bóng bốn cô trò vừa đi, vừa cười đùa. về đến kí túc thì cổng đã khoá. Làm thế nào đây ? Bốn cô trò lo lắng nhìn nhau. Cô cười và ngoắc tay chúng tôi lại chỗ đoạn cống thấp nhất. “Bây giờ cô kiệu từng đứa một sang nhé”. Nói rồi cô khom lưng xuống, để mỗi đứa trèo lên và nhảy qua cổng. Thật không ngờ cô giáo cho chúng tôi trèo cổng ! Nhưng chúng tôi còn được một pha mắt tròn mắt dẹt khi thấy cô tự trèo lên cổng và nhảy vào cùng lũ học trò tinh nghịch. Thấy rõ sự ngạc nhiên trên mặt của lũ học trò nhỏ, cô xoa đầu tôi và cười : “Bí mật nhé !”.

Chúng tôi vào phòng. Nghĩ đến việc phải chia tay cô, lại thấy buồn. Nhìn bộ mặt tiu nghỉu của lũ nhóc, cô giả bộ nhăn nhó : “Bây giờ vể muộn quá rồi, cô sợ tối lắm, hay mấy đứa cho cô ngủ nhờ được không ?”. Ba đứa chúng tôi hét lên sung sướng : “Được chứ ạ, tất nhiên là được rồi ạ !”. Chúng tôi sốt sắng dọn dẹp giường chiếu. Vấn đề nan giải nhất là ai sẽ được nằm cạnh cô. Không đứa nào chịu nhường đứa nào. Cuối cùng thì Hiên phải chịu nằm ngoài, vì trong ba đứa, bạn là người lớn nhất.

Chui vào chăn rồi cô lại tiếp tục kể chuyện cho chúng tôi nghe. Đó là câu chuyện về chính cô, về những tháng năm sinh viên vất vả, về niềm vui, hạnh phúc, nỗi lo lắng khi ngày đầu tiên lên lớp, về cảm giác thân thiết với những cô học trò đầu tiên của mình (chính là chúng tôi). Chúng tôi nghe say sưa. Càng nghe càng hiểu và yêu cô nhiều hơn. Đã khuya, cô bắt chúng tôi đi ngủ. Mặc dù chả muốn tí nào nhưng không đứa nào dám nằn nì cô kể chuyện nữa vì sợ cô mệt. Cô dỗ chúng tôi ngủ bằng một câu đố : “Cái gì càng thiu càng ngon”. Đó là giấc ngủ. Lời chúc ngủ ngon của cô thật hay và lạ quá ! Sau này, nó đã trở thành câu chúc quen thuộc của ba đứa chúng tôi.

Ôm cô thật ấm, giống như được ôm mẹ vậy. Đã lâu lắm rồi tôi không có được cảm giác ấy. Cảm ơn cô thật nhiều ! Cô tuyệt vời biết bao !

Sáng hôm sau, khi chúng tôi dậy thì không thấy cô đâu. Chắc cô đã về để chuẩn bị lên lớp. Ba đứa quyết định sẽ không nghỉ học về quê nữa vì cô đã giúp chúng tôi xua đi nỗi nhớ nhà. Đang chuẩn bị cặp sách để đi học thì cô đến, mang theo ba gói xôi to. Cô cười thật tươi : “Các công chúa nhỏ, lại ăn sáng đi rồi còn về nào. Cô đã gọi điện cho bố mẹ các em rồi, lát nữa sẽ xuống đón các em về. Ngày mai lên sớm nhé và phải hoàn thành bài tập cho cô đấy Ị”. Cầm gói xôi nóng hổi từ tay cô, không hiểu sao nước mắt tôi cứ trào ra. Cô đã yêu chúng tôi biết bao nhiêu !

Năm đó đội tuyển chúng tôi đoạt giải nhất toàn tỉnh. Nhìn giọt nước mắt hạnh phúc của cô, chúng tôi cảm thấy vui vì mình đã không phụ lại tấm lòng của cô.

Học cô một năm và đã sáu năm rồi vẫn chưa có dịp gặp lại vì cô đi lấy chồng xa. Chỉ có những cánh thư làm cầu nối giữa cô trò. Nhưng tình cảm ấm áp giữa cô và chúng tôi vẫn không hề thay đổi. Đặc biệt buổi tối hôm đó đã trở thành một kỉ niệm không bao giờ phai trong trái tim tôi. Nó cho tôi hiểu hơn tình cảm của cô – người mẹ hiền thứ hai thân thiết của chúng tôi.

TRẦN NGỌC

Lời nhận xét :

– Người viết đã kể một câu chuyện cảm động, sâu sắc về kỉ niệm với cô giáo cũ của mình. Tình cảm cô trò gắn bó, trái tim ấm áp, tình thương yêu của cô dành cho lũ học trò nhỏ… khiến người đọc xúc động.

– Văn phong trong sáng, biểu cảm : ‘‘Bốn cô trò ngồi quây quần bên bếp trấu. Lửa bếp hắt ánh sáng lên khuôn mặt mấy cô trò, hồng rạng rỡ. Nhìn cô cời bếp, nụ cười hiền hậu, sao tôi thấy ấm áp quá, như mẹ, như chị tôi vậy. Bỗng nhiên, cảm giác nhớ nhà tan biến lúc nào không hay. Chỉ còn là sự ấm áp mà cô mang lại. ”

– Bài viết diễn đạt mạch lạc, tự nhiên : “Nước mắt tôi làm nhòe hết trang thư. Quay sang thấy Hiên và Ngọc cũng đang lau nước mắt. Lặng đi một lúc, Hiên là người đầu tiên phá vỡ bầu không khí nặng nề đó. Chúng tôi bắt đầu ăn hoa quả và bánh kẹo. Đang tuổi ăn tuổi lớn, bữa cơm hồi chiều dường như không đủ đối với chúng tôi. Yêu cô quá ! Cô thật tâm lí. Chúng tôi tự nhủ sẽ không đi ngủ mà sẽ làm hết bài và không trốn về nhà nữa, không để cô phải buồn lòng. Chúng tôi học say sưa. Nhưng trẻ con mau quên, buồn đấy rồi vui ngay và cũng ngay lập tức có thể buồn lại. Học được một lúc, tôi bắt đầu rấm rứt khóc…

– Câu chuyện có nhiều tình huống lí thú, tạo sự lôi cuốn với độc giả.

 

Xem thêm Kể lại một giấc mơ trong đó em gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày tại đây.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận