Hướng dẫn phân tích Truyện Kiều: Chí khí anh hùng – Sách bài tập ngữ văn lớp 10 tập 2

Đang tải...

TRUYỆN KIỀU

CHÍ KHÍ ANH HÙNG

BÀI TẬP

1. Những lời nói của Từ Hải trong đoạn trích Chí khí anh hùng đã bộc lộ chất anh hùng của Từ Hải như thế nào ?

2. Nguyễn Du biểu lộ sự trân trọng, kính phục đối với Từ Hải bằng các từ ngữ nào ?

3. Ngưòi anh hùng theo quan niệm xưa là người phi thường. Theo anh (chị), ngôn từ và cách tả Từ Hải trong đoạn trích đã nêu lên nét phi thường như thế nào ?

 

GỢI Ý LÀM BÀI

1. Có những cách khác nhau được vận dụng để miêu tả nhân vật: có thể quan sát từ bên ngoài; cũng có thể nhìn từ bên trong nhân vật, thông qua lời phát ngôn của chính nhân vật. Nguyễn Du đã kết hợp cả hai lối miêu tả này. Hãy đọc kĩ lời Từ Hải nói với Kiều trong các câu :

Từ rằng: “Tâm phúc tương tri

[…]

Chầy chăng là một năm sau vội gì!”.

Chính Từ Hải bộc lộ chất anh hùng của mình qua những lời nói với Kiều : không đồng ý Kiều đi theo mình như thói nữ nhi thông thường, quyết tâm lập sự nghiệp lớn để xứng đáng với Kiều. Chú ý các từ ngữ : mười vạn tinh binh, tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường, mặt phi thương.

 

2. Các nhà văn, nhà thơ có thể bày tỏ thái độ đối với nhân vật bằng nhiều cách, trong đó có cách sử dụng từ ngữ định danh nhân vật. Hãy dựa vào chú thích để tìm hiểu hàm nghĩa của các khái niệm :

– Lòng bốn phương chỉ tầm vóc vũ trụ của ngưòi anh hùng. Đây là con người không phải của một làng xã cụ thể mà là của thế giới rộng lớn ; con người này tung hoành, vẫy vùng trong một không gian hoành tráng, kì vĩ, có tầm vũ trụ.

– Mặt phi thường nói lên tính chất siêu việt, hơn người củạ người anh hùng. Các từ ngữ chỉ thái độ trân trọng, kính phục nhân vật Từ Hải của Nguyễn Du : những từ Hán Việt có sắc thái tôn xưng như trượng phu (người đàn ông có tài năng xuất chúng), mặt phi thường ; hình tượng chim bằng. (Chú ý : Ở những đoạn khác, Nguyễn Du dùng từ anh hùng để gọi Từ Hải.)

 

3. Cách miêu tả Từ Hải trong đoạn trích mang đậm tính chất ước lệ, lí tưởng hoá, không theo bút pháp tả thực.

– Về cách dùng từ, có các từ, cụm từ như : trượng phu, lòng bốn phương, trời bể mênh mang, bốn bể, chim bằng, gió mây tả con người vũ trụ, không gian hoạt động không cụ thể mà mang tầm vũ trụ. Các từ, cụm từ này thường được nhiều nhà văn, nhà thơ xưa sử dụng để tả nhân vật anh hùng nên có thể xem là công thức chung.

– Người anh hùng còn có một nét đặc trưng nữa là suy nghĩ nhanh, dứt khoát : thoắt, thẳng dong, dứt áo ra đi. Vẫn là cách tả ước lệ có phần giống với nghệ thuật sân khấu tuồng. Đây là cách tả người anh hùng rất phổ biến trong văn học trung đại, phục vụ cho việc tô đậm phẩm chất phi thường. Nếu có điều kiện, anh (chị) có thể đọc đoạn Nguyễn Du tả chân dung Từ Hải (từ câu 2165 đến câu 2176) để thấy cái chung trong thi pháp tả người anh hùng.

 

Xem thêm Văn bản văn học tại đây.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận