Hướng dẫn phân tích Truyện Kiều: Trao duyên – Sách bài tập ngữ văn lớp 10 tập 2

Đang tải...

TRUYỆN KIỀU

Phần hai: CÁC ĐOẠN TRÍCH

TRAO DUYÊN

BÀI TẬP

1. Tìm hiểu vị trí của đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều.

2. Tìm những câu thơ trong đoạn trích Trao duyên cho thấy Kiều nhớ về các kỉ niệm của tình yêu. Qua các câu thơ này, hãy nêu nhận xét về tình yêu của Kiều.

3. Anh (chị) cảm nhận được gì về nỗi đau của Kiều qua các từ, cụm từ : thịt nát xương mòn, chín suối, chị về, hồn, thác oan ? Hãy giải thích vì sao cái chết ám ảnh Kiều.

4. Trong đoạn trích, Kiều nói chuyện với Thuý Vân rồi chuyển sang nhắn gửi cho Kim Trọng. Sự chuyển đổi đối tượng trò chuyện ấy nói lên điều gì trong tình cảm của Kiều ?

 

GỢI Ý LÀM BÀI

1. Trước sự kiện “trao duyên” cho Thuý Vân, Thuý Kiều đã bán mình lấy tiền hối lộ cho bọn sai nha để bố và em trai Vương Quan khỏi bị giam cầm, đánh đập. Có nghĩa là lời thề nguyền với Kim Trọng không thể thực hiện được nữa, Nguyễn Du đã có một sáng tạo nhỏ mà quan trọng so với Kim Vân Kiều truyện: ở nguyên tác, Thuý Kiều trao duyên cho Thuý Vân trước khi bán mình, tức là “trao duyên” trước khi tình yêu với Kim Trọng bị tan vỡ. Lôgic của cảm xúc như vậy không có sức thuyết phục bằng việc đặt sự kiện trao duyên sau khi đã bán mình.

 

2. Ví dụ, các câu thơ có những từ, cụm từ như: quạt ước, chén thề, chiếc vành, tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền, đốt lò hương, so tơ. Cần đọc các chú thích để hiểu những câu thơ đó gọi nhớ những kỉ niệm nào.

Khi kỉ niệm được Kiều trân trọng, nâng niu tức là tình yêu đối với Kiều hết sức sâu sắc, mạnh mẽ. Kiều hi sinh tình vì hiếu nhưng đầy đau đớn, dằn vặt.

 

3. Bài tập này yêu cầu :

– Cảm nhận về nỗi đau của Kiều qua các từ, cụm từ đã cho.

– Giải thích vì sao cái chết ám ảnh Kiều.

Các từ ngữ yêu cầu được giải nghĩa đều nói đến cái chết ở các góc độ khác nhau. Không bảo vệ được tình yêu với Kim Trọng, Kiều thấy cuộc sống trở nên vô nghĩa. Nàng đau đớn tưởng tượng đến cái chết (cái chết giả tưởng). Sự tập trung dày đặc các từ ngữ liên quan đến cái chết cũng góp phần cho thấy nàng thiết tha với tình yêu như thế nào.

 

4. – Khi Kiều nói vói Thuý Vân là khi nàng tính việc nhờ Thuý Vân thay mình “trả nghĩa” cho chàng Kim, một việc thiên về lí trí. Nhưng trong khi bàn việc trao duyên, nghĩ đến người yêu, tình cảm của Kiều lại bộc lộ mạnh mẽ. Kiều như quên Thuý Vân đang ngồi trước mặt mà chuyển sang trò chuyện với chàng Kim trong tưởmg tượng : “Ôi Kim lang ! Hõi Kim lang ! – Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !”. Nếu chỉ đơn thuần là những lời dặn dò Thuý Vân thì tâm trạng nhân vật sẽ đều đều, bi kịch của thân phận và tình yêu không được đẩy tới đỉnh điểm, nhân cách cao đẹp của Kiều cũng không có điều kiện bộc lộ (Lí do đơn giản : Kiều không thể nói hết nỗi lòng nếu chỉ có Thuý Vân trước mặt. Kiều còn than thân trách phận, còn tâm sự với Kim Trọng như Kim Trọng đang ở trước mặt nàng).

– Việc chuyển đổi đối tượng này cho thấy Kiều luôn nghĩ về Kim Trọng, do đó chiều sâu tình cảm của nàng được bộc lộ.

Đây lại thêm một cách tả, cách nhìn tình yêu của Kiều từ một phương diện khác. Nghệ thuật diễn tả nội tâm đã góp phần khắc hoạ vẻ đẹp toàn diện, mới mẻ của Thuý Kiều. Nguyễn Du muốn cho độc giả thấy Thuý Kiều không chỉ là cô gái hiếu nghĩa mà còn là cô gái có tình yêu sâu sắc.

 

Xem thêm Hướng dẫn phân tích Truyện Kiều:

Nỗi thương mình tại đây.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận