Hướng dẫn làm văn nghị luận Nêu suy nghĩ của em về câu chuyện “Cách nhìn của trẻ” – Tập làm văn 9

Đang tải...

Cách nhìn của trẻ, văn nghị luận

Đề bài: Nêu suy nghĩ của em về câu chuyện “Cách nhìn của trẻ”.

Cách nhìn của trẻ

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại một gia đình nghèo nhất nhì trong vùng. “Đây là cách để dạy con biết quỷ trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình ” – người cha nghĩ đó là bài học tốt cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: “Chuyến đi như thế nào hả con? ”.

– Thật tuyệt vời bố ạ!

– Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

– Ồ, vâng.

– Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?

Đứa bé không ngần ngại:

– Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đêh trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để mình sống, họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…

Đến đây, người cha không nói gì cả.

“Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi… ” — Cậu bé nói thêm.

(Quà tặng cuộc sống)

Bài làm 1

Có một người đàn ông từng rất tự hào nói với tất cả mọi người rằng: “Tôi giàu”. Ông có tới ba ngôi nhà ở trung tâm thành phố. Ông có một chiếc xe hơi sang trọng khiến mọi người trầm trồ, ngưỡng mộ. Ông làm chủ một công ti lớn, có hai nhà máy tân tiến bậc nhất thành phố. Và nhờ công ti làm ăn phát đạt, ông có một tài khoản trong ngân hàng lớn tới mức luôn nằm trong danh sách khách hàng ưu đãi nhất trong những người được ưu đãi. Thế nhưng hơn hết, điều khiến mọi người thật sự khâm phục ông, điều khiến người đàn ông ấy tự hào, lại không phải là những thứ vật chất tầm thường ấy. Ông có hai người con thông minh, hiếu thảo, chúng không chỉ dễ gần, đáng mến mà còn biết yêu thương, quan tâm tới mọi người và một người vợ đảm đang, tài giỏi, vun đắp nên một gia đình hoàn hảo, hạnh phúc. Những người nhân viên của ông ở công ti luôn coi ông như những người bạn, họ thoải mái trao đổi, đóng góp những ý kiến khiến cho công việc luôn trôi chảy, thành công. Nhờ cách ông đối xử chân thành với mọi người, ông có những người bạn rất thân thiện, luôn giúp đỡ và đưa cho ông nhiều lời khuyên bổ ích. Ông thường làm những bài thơ, hay viết thư tay gửi cho bạn bè của mình nhân ngày sinh nhật hoặc những ngày lê kỉ niệm. Đó là cái “giàu” mà mọi người xung quanh ông luôn ngưỡng mộ.

Bạn thấy đấy, trong cuộc sống, chữ “giàu” không chỉ là giàu về vật chất, của cải. Giàu có về tâm hồn, bạn bè, gia đình mới là “giàu” đáng trân trọng nhất và cũng khổ nhận ra nhất. Một người nhiều tiền bạc, của cải, bạn có thể nhận ra ngay khi gặp và tìm hiểu họ. Nhưng một tâm hồn “giàu có” thì chỉ có thể cảm nhận bằng một tâm hồn khác, thật trong sáng.

Cậu bé trong câu chuyên Cách nhìn của trẻ, qua con mắt nhìn của trẻ thơ và cảm nhận bằng tâm hồn non nớt của mình, cậu đã nhận ra cuộc sống rất “giàu có” của những người nông dân. Họ không có nhiều tiền của, vật chất nhưng cuộc sống của họ chẳng vì thế mà thiếu thốn, trái lại còn rất “sung túc”. Cậu bé đã đặt ra một phép so sánh giữa cuộc sống “nghèo khó” của cậu và sự “giàu có” của những người nông dân ở nông trang nọ. Gia đình cậu bé chỉ mua một chú chó, và nuôi nó để giữ nhà. Nhưng những người nông dân nuôi bốn chú chó không chỉ để bảo vệ họ mà còn coi chúng như những người bạn. Việc xây một hồ bơi tốn rất nhiều tiền của nên nhà cậu bé chỉ có bể bơi dài đến giữa sân trong khi ở nông trang có cả một dòng sông dài bất tận với dòng nước trong lành, mát mẻ, quanh năm xuôi dòng. Mái hiên nhà cậu chỉ dài đến trước sân, còn họ lại có cả một bầu trời che chở. Ban đêm, trong khi sân vườn nhà cậu bé được chiếu sáng bởi những ngọn đèn tiêu tốn nguồn điện, lại khiến cho không khí nóng nực thì ở quê, họ có cả một bầu trời đầy sao chiếu sáng. Không khí không chỉ trong lành mà họ còn có thể ngắm những vì sao lấp lánh tuyệt đẹp. Vào những đêm trăng rằm, ánh trăng bạc như dát vàng cả không gian hoà vào bầu trời miền quê ấy. Ớ thành phố, mọi người sống trong những ngôi nhà được bao bọc quanh những bức tường, họ luôn sống trong vỏ bọc mà chính họ tạo nên để bảo vệ bản thân khỏi những hiểm nguy ngoài xã hội. Còn ở nông trang, họ chẳng cần phải xây những bức tường cao quanh nhà bởi những người hàng xóm luôn thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau và tôn trọng mọi người. Có thể nói, trong đoạn truyện này, tác giả đã vô cùng tinh tế khi sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập, để từ đó giúp cho người đọc dẫn nhận ra sự khác biệt hoàn toàn trong quan niệm về sự giàu có và sự nghèo khổ cửa cậu bé đáng yêu trong câu chuyện.

Qua con mắt của cậu bé, cuộc sống ở nông thôn thật là “giàu có”! Giàu có bởi họ được sống hoà mình vào thiên nhiên, dưới một bầu trời xanh bất tận, bên một dòng sông hiền hoà và những người xóm giềng tốt bụng. Cuộc sống của họ có thể khó khăn, thiếu thốn vật chất, nhưng chắc chắn rằng, không một ai có thể nói đó là một cuộc sống “nghèo khó’”. Bởi cuộc sống ấy luôn tràn ngập thiên nhiên tươi đẹp và tình yêu thương con người mà, qua con mắt và tâm hồn trong sáng của mình, cậu bé đã khiến ta cũng cảm nhận được cuộc sống ấy là “giàu có” thực sự.

Cũng chính phép so sánh mà cậu bé đưa ra đã khiến người cha của cậu ngỡ ngàng. Ông đưa cậu về vùng quê ấy bởi ông lo lắng nếu con trai được sống sung túc ngay từ nhỏ, cậu sẽ quên đi giá trị của nỗ lực, quên đi những vất vả, khó nhọc mà cha cậu đã vất vả để gây dựng nên một cuộc sống như bây giờ. Ông mong khi nhìn thấy những con người phải chật vật, lo toan cho cuộc Sống hằng ngày, cậu sẽ biết quý trọng những gì mình đang có, cố gắng vượt lên chính mình và quan trọng hơn là biết yêu thương người khác. Thế nhưng có lẽ ông chẳng bao giờ ngờ được rằng, cái mà cậu con trai bé nhỏ của ông cảm nhận được lại là cái mà ông chẳng bao giờ nghĩ tới. Không chỉ nhận ra cái nghèo trong cuộc sống của gia đình mình, cậu đã nhận thấy cái giàu ở những người khác. Sở dĩ, cậu bé nhận ra được những điều ấy, là bởi người cha đã cho cậu được trực tiếp nhìn và cảm nhận những biểu hiện muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Bạn biết không, khi đọc đến đây, bỗng dưng trong tôi chợt bừng lên một suy nghĩ, dù chỉ diễn ra trong thoáng chốc thôi, nhưng chẳng hiểu sao, tôi thấy nó thật đúng: những điều bạn học được từ cha mình, nhiều hơn rất nhiều so với những gì mà bạn đã học ở trường. Nếu ở trường, các thầy cô dạy định nghĩa của từ “giàu có” thì người cha của cậu bé đã dạy cậu một định nghĩa khác của từ ấy, một cách định nghĩa đầy tính nhân văn.

Câu nói ngây thơ, trong sáng nhưng lại đầy ý nghĩa mà cậu bé thốt lên ở cuối câu chuyện đã khiến cho người cha cũng như bạn đọc đều phải suy nghĩ. “Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi”. Cậu bé khiến cho người cha và chúng ta cảm thấy dường như ta đang theo đuổi những giá trị vật chất mà vô tình quên đi những giá trị tinh thần rất đáng quý. Mỗi con người, dù có thật nhiều tiền của, vật chất hay không, cũng đều là một người giàu có. Nếu thử dừng lại và suy nghĩ, có lẽ bạn cũng nhận ra mình thật giàu có đấy. Bạn biết không, có một người cha, một người mẹ cũng là có cả một kho báu vô giá rồi!

Mai Quỳnh Hoa

(Trường THCS Giảng Võ)

Bài làm 2

Người Hà Lan có những câu nói rằng: “Có tiền ta có thể mua được một cuốn sách nhưng không mua được kiến thức. Có tiền ta có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian. Có tiền ta có thể mua được một chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ…”. Để tạo nên một cuộc sống cho riêng mình, bạn cần có rất nhiều yếu tố: tình bạn, tình yêu, công việc, sức khoẻ,…Và một trong số đó là tiền bạc, vật chất. Ta có thể mua được biết bao thứ vật chất hay những tiện nghi hiện đại nhất bằng tiền. Thế nhưng, bên cạnh đó còn có những thứ là vô giá mà bạn không thể sử dụng tiền để có được. Trong cuộc sống, tiền giúp ta tồn tại nhưng không có nghĩa nó có thể thể đem lại cho ta mọi thứ.

Trong chuyến đi của mình, cậu bé trong câu chuyện đã thấy được một điều rằng mình rất nghèo trong khi gia đình cậu là một gia đình giàu có. Khi tới nông trại ấy, thấy được cuộc sống của những người nông dân vất vả, khổ cực thế nào thì cậu cũng đồng thời thấy được sự giàu có trong tâm hồn và những giá trị trong cuộc sống của họ. Thiên nhiên đã đem lại cho con người ta rất nhiều thứ. Nhà cậu bé có một con chó thì họ có đến bốn con. Bằng tiền, cha cậu có thể xây một chiếc hồ bơi lớn nhưng không thể dài bằng con sông nơi làng quê nghèo khổ này. Khi ở nhà cậu phải sử dụng đèn lồng để thắp sáng ngoài vườn thì nơi đây họ có muôn vàn những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời. Chúng ta đều chỉ có thể sống trong một ngôi nhà, trên một mảnh đất dù lớn nhưng vẫn không thể bằng những cánh đồng bao la, bất tận kia. Những bức tường nhà có thể giúp ta bảo vệ xung quanh nhưng không gì mạnh mẽ hơn tình thân ái, đoàn kết từ những người láng giềng. Cậu bé đã nhận ra rằng, tiền bạc không thể mua được tất cả. Dù ta có rất rất nhiều tiền đi nữa thì vẫn luôn tồn tại những thứ vô giá, làm cách nào ta cũng không thể có được. Thiên nhiên là một thế giới vô cùng phong phú, đem lại cho ta rất nhiều giá trị. Tiền đối với chúng ta là giá trị rồi nhưng đối với thiên nhiên thì tiền lại trở nên nhỏ bé, vô nghĩa tới nhường nào. Tiền bạc không thể mua được những con sông quê hương dài bất tận với lượng phù sa màu mỡ; tiền không thể mua được những ngôi sao sáng rực rỡ trong đêm tối, soi sáng giấc mơ của những người nông dân nghèo khổ; càng không thể mua được cả bầu trời rộng lớn cao ngất kia với những đám mây bồng bềnh…

Trong cuộc sống, tiền sẽ giúp ta có được sự đầy đủ về mặt vật chất nhưng khó có thể đem lại cho ta cảm giác bình yên. Những người nông dân kia, tuy họ rất nghèo khổ, phải sống cuộc sống khó khăn đến vậy nhưng trong họ luôn tồn tại niềm vui tận đáy tâm hồn. Bởi họ nhận được những điều vô giá mà những người giàu chưa chắc đã nhận được. Một cuộc sống tốt đẹp là khi người ta có được niềm vui, sự hạnh phúc; được sống trong sự bình yên. Vật chất chỉ là một phần rất nhỏ bé tạo nên cuộc sống của mỗi chúng ta mà thôi. Những gì chúng ta nhận được đều phải dựa vào sự hi sinh và nỗ lực. Tiền bạc sẽ chỉ góp phần vào việc giúp ta tồn tại chứ không thể đem lại cho ta niềm vui cuộc sống trọn vẹn.

Sau chuyến đi này, cậu bé cũng như mỗi chúng ta đều đã nhận ra được những giá trị sống thực thụ. Đừng quá phụ thuộc vào đồng tiền, đừng làm nô lệ cho nó. Hãy nhớ rằng quanh ta còn rất nhiều thứ do thiên nhiên ban tặng mà kể cả bạn có dùng tiền cũng không thể có được. Tiền sẽ mang lại hạnh phúc đến với những người biết sử dụng nó, dùng chúng để đem lại niềm vui cho những người bất hạnh.

Nguyễn Bảo Khôi

(Trường THCS Trưng Vương)

Bài làm 3

Trên đời này, người cha, người mẹ nào cũng thương yêu con và luôn mong cơn nên người, biết suy nghĩ, biết yêu quý cuộc sống xung quanh mình.

Người cha trong câu chuyện của Quà tặng cuộc sống cũng vậy. Với mong muốn có thể dạy cho con biết quý trọng những người nghèo khổ, cơ cực, ông đã đưa con về một vùng quê và dừng chân tại nông trại của một gia đình bần. hàn nhất nhì vùng. Sau khi tìm hiểu cuộc sống của những người nông dân tại đây, người cha dẫn con trở về. Ông mừng vì cậu bé tỏ ra rất thích thú với chuyến đi thực tế tuyệt vời.

Sẽ không có gì đáng nói nếu đứa bé lập tức rút ra được bài học cho cuộc sống, biết thông cảm với người nghèo. Tuy nhiên, đến khi người cha hỏi ý kiến, cậu con trai bèn bày tỏ không ngần ngại: “Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống, họ có cả những cánh đồng trải dài. chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…”. Những bày tỏ của cậu bé ngây thơ tạo nên một bất ngờ lớn cho người đọc, khiến ta không khỏi ngỡ ngàng. Những suy nghĩ ấy không sai, trái lại, chúng rất đúng! Chúng xuất hiện trong ý nghĩ, trong quan niệm của trẻ thơ một cách tự nhiên.

Song, cậu bé không hề biết rằng: những con người nghèo khổ ấy đã tự nuôi chó của mình, chăm sóc chúng để rồi những chú chó ấy sinh ra thêm những chú chó con khác. Cậu cũng không biết rằng hồ bơi của cậu làm ra chỉ với mục đích bơi lội, giải trí, còn con sông dài là của chung cả trăm người, là nguồn nước cho dân làng làm ăn, sinh sống, đong gạo, nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ,… mỗi ngày. Những chiếc đèn lồng sáng trong sân vườn nhà cậu đặt mua thật đắt tiền, trong khi những ngôi sao trẽn bầu trời miền quê cao rộng – những vì sao không có mặt trong thành phố phồn vinh, nhộn nhịp với những mái ngói san sát – là những vật thể tự nhiên, hoàn toàn không mất tiền mua. Còn thực phẩm họ trồng ra mất bao nhiêu công canh tác, chăm bón là để bán đi chứ không phải của riêng. Cuộc sống của những nông dân ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thực chất không giống như những quan sát ngây ngô của cậu bé nhỏ tuổi.

Tuy nhiên, qua câu chuyện, chúng ta cũng thấy được cái mặt thi vị trong cuộc sống của người nông dân nghèo khổ. Họ có bốn con chó. Ngày ngày, họ cùng chơi đùa và được chăm sóc chúng, chứng kiến chúng lớn lên trong tình thương và công sức của mình. Họ có những nguồn sáng từ vũ trụ ban cho, không mất tiền mua mà vẫn được ngắm nhìn, chiêm ngưỡng. Nguồn sáng ấy không phải là những chiếc đèn lồng xinh đẹp mà là những ngôi sao dễ thương, lấp lánh chỉ có ở bầu trời miền quê thoáng đãng, cao rộng. Họ có cả một chân trời tha hồ nhìn ra xa tít tắp mặc dù đằng sau chỉ là một túp nhà nhỏ bé. Họ có cánh đồng trải dài dùng để cấy trồng, gieo hạt và thu hoạch những sản phẩm do bàn tay họ làm nên. Và quan trọng nhất, đáng quý nhất là họ tuy không được bảo vệ bởi những bức tường vững chãi, kiên cố, nhưng họ lại được đùm bọc bởi những người bạn láng giềng, bởi tình làng xóm đằm thắm, gần gũi. Tĩnh cảm ấy quý giá biết bao! Nó không mua được bằng tiền như hồ bơi, đèn lồng, thực phẩm hay những bức tường. Vì thế, nó vô giá!

Như vậy, câu kết luận của cậu bé: “Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi…” phải chăng không phải là không có lí? Ở một góc nhìn nào đó sâu xa hơn, có thể ông bố và đứa trẻ “nghèo” hơn những người nông dân kia thật. Bởi vì những người nông dân ấy có những thứ thật hay mà cậu bé không có. Đó là những ánh sao đêm, đố Ịà những thực phẩm tự tay tạo thành, đó là cả cánh đồng trải dài trước hiên nhà và đó còn là những người bạn láng giềng che chở cho nhau.

Xã hội phát triển kéo theo nhiều đổi thay về tâm thức và tình cảm trong con người, khiến chúng ta trót quên đi những thứ dung dị mà quý giá xung quanh mình, làm cho đời sống tình cảm của chúng ta bỗng phai mờ và nguội lạnh dần đi. Câu chuyện của Quà tặng cuộc sống đã nhắc cho ta nhớ về những giá trị tinh thần đẹp đẽ đang bị vùi vào quên lãng ấy, giúp ta nhận ra được ngoài sự tấp nập, xô bồ lo nghĩ kiếm sống mưu sinh, con người ta còn cần quan tâm nhiều hơn tới những điều gần gũi mà đáng quý.

Nguyễn Phương Thảo

(Trường THCS Trưng Vương)

Xem thêm Đời sống tình cảm gia đình trong “Chiếc lược ngà”, Truyện Kiều, Nguyễn Du, Văn nghị luận

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận