Đề 18: Hãy thay lời bé Thu kể lại kỉ niệm Thu gặp cha sau tám năm xa cách – Bài văn chọn lọc lớp 9

Đang tải...

Đề 18: Hãy thay lời bé Thu kể lại kỉ niệm Thu gặp cha sau tám năm xa cách (truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng).

 

Bài làm

Cứ mỗi lần cầm cây lược trong tay, tôi lại bần thần nhớ đến người cha kính yêu của mình. Đã năm mươi năm trôi qua, kể từ ngày lần đầu tiên tôi được gặp ba. Thời gian sao mà trôi nhanh, bất giác bao kỉ niệm của thời thơ ấu như hiện về trong tôi.

Ngày ấy, cái xóm ấp nhỏ lúc nào cũng rộn rã, tiếng cười đùa, hò reo của lũ trẻ con chúng tôi. Người lớn đều đi chiến đấu hay đi làm đồng. Xóm có năm đứa nhưng mỗi đứa một tuổi, tôi là đứa lớn nhất khi đó mới lên tám, người ta thường gọi tôi là út nhỏ nhà ông Sáu. Cha tôi luôn là niềm tự hào để tôi khoe với lũ trẻ vì ba là bộ đội giải phóng. Dù chưa một lần được gặp nhưng qua các tấm hình của má cho xem, trong ấn tượng của tôi ba hiện lên thật oai phong, ba là một vị anh hùng.

Ngày thứ nhất bên ba

Trong suốt cuộc đời mình, có lẽ không bao giờ tôi quên được buổi chiểu đáng nhớ ấy. Cũng như các buổi chiều khác, lũ trẻ chúng tôi lại tụ tập chơi nhà chòi. Bỗng có tiếng gọi to : “Thu ! Con”. Tôi giật mình, quay lại. Trước mắt tôi là một người đàn ông lạ mặc bộ quân phục đã bạc màu, trên khuôn mặt có vết thẹo dài, đỏ ửng trông dữ tợn và rất sợ. Tôi chưa kịp định thần thì người đó đưa hai tay về phía trước, tiến về phía tôi chầm chậm và nói giọng run run :

– Ba đây con !

Lần này, tai tôi không nghe nhầm, đúng là người đó xưng “ba” với tôi mà, còn nhắc lại hai lần nữa. Tai tôi ù đi, đầu óc tối sầm lại, trong đầu cứ vang vang câu hỏi : Tại sao ? Tại sao ? Người này đâu giống ba tôi ? Ông ta mỗi lúc càng tiến lại gần. Lo sợ, tôi chạy thật nhanh và kêu lên : “ Má ! Má !”.

Trái với dự đoán của tôi, khi nhìn thấy ông ấy má tôi không đuổi đánh mà lại khóc, đỡ ba lô cho ông ta và nói :

– Ba nó đã về đấy ư ?

Tôi nép vào đằng sau má. Trong đầu hiện lên biết bao câu hỏi : “Vì sao đó lại là ba mình ? Không thể nào ! Ba mình mà dữ tợn thế ư ? Ba hiền hậu và oai phong lắm mà !”. Nghĩ vậy nên dù má nói thế nào tôi vẫn không thể tin nổi đó là ba của mình và kiên quyết không nhận. Những ngày tiếp theo thực sự là những ngày đấu tranh ngầm nhưng quyết liệt giữa tôi và người đàn ông mà tôi cho là xa lạ đó. Thật kì lạ, ông ấy suốt ngày chẳng đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở gần tôi, vỗ về, nựng tôi. Thấy vậy, tôi lại càng ghét ông ta hơn. Má tôi cứ như không hiểu lòng tôi vậy, má muốn tôi gần gũi ông ta, gọi ông ta là “ba”, cho nên, đến bữa ăn, má không gọi mà sai tôi :

– Thu ra gọi ba vào ăn cơm đi con !

“Gọi ba vào ăn cơm ư ? Không đời nào !” – tôi thầm nghĩ và cãi lại má :

– Thì má cứ kêu đi.

Má liền nổi giận cầm đũa bếp dọa đánh tôi. Tôi đành phải gọi nhưng vẫn giữ nguyên lập trường, tôi nói trổng :

– Vô ăn cơm !

Tôi nói như hét mà ông ấy cứ ngồi im như người điếc vậy. Thấy thế, tôi tức lắm nhưng sợ má nên vẫn kêu lần nữa :

– Cơm chín rồi !

Lần này, ông ta quay lại nhìn tôi vừa khe khẽ lắc đầu, vừa cười. Bữa cơm hôm đó rồi cũng trôi đi, tôi cứ ngồi im ăn, mặc cho má và người đó nói chuyện. Người đàn ông có vết thẹo dài vẫn luôn chăm chú nhìn tôi, đôi lúc bất giác nhìn lên bắt gặp ánh mắt ông ta đang nhìn mình tôi lại thấy rất lạ. Thực ra nếu nhìn kĩ ông ấy cũng không quá dữ tợn. Tuy vậy, ông ấy cũng không giống ba trong ảnh chút nào.

Ngày thứ hai với người đàn ông lạ…

Dù đã sang đến ngày thứ hai nhưng người đàn ông kia vẫn chẳng đi đâu ra khỏi nhà. Tôi làm gì, đi đâu, ông ấy cũng dõi theo khiến tôi càng cảm thấy khó chịu hơn. Má vẫn khẳng định đó là ba Sáu và mắng tôi ngang bướng: Đúng là tôi ngang bướng bởi đó rõ ràng không phải ba Sáu. Đến trưa, khi đang nấu cơm má phải chạy ra chợ mua thức ăn, tôi đòi đi theo, má nhất định không cho. Thế là tôi đành ở nhà với người đàn ông đó. Tôi không ra ngoài mà ngồi trong bếp lúi cúi với nồi cơm. Đang suy nghĩ miên man, nhìn ngọn lửa cháy bập bùng thì tiếng xèo xèo vang lên. Nồi cơm đã sôi rồi, phải chắt nước, làm thế nào bây giờ ? Nồi to quá, tôi không thể nhắc xuống. Tôi quay lại thì thấy ông ấy đã đứng cạnh tôi từ lúc nào. Tôi đưa ánh mắt nhìn ông ta cầu cứu và kêu lên :

– Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái !

Tôi thực sự bối rối, hoang mang. Nếu không chắt nước thì cơm sẽ nhão, má về la, đánh mất. Tôi tiếp tục kêu cứu :

– Cơm sôi rồi, nhão bây giờ !

Nhưng sao tôi cầu cứu rồi mà ông ta chẳng hề động lòng vậy ? Có phải vì tôi không gọi ông ta bằng “ba” ? Không ! Không… nhất định không thể gọi “ba” được, cái Thu đâu phải là đứa dễ bị khuất phục thế ! Sau một hồi lúng túng, bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi : “Đúng ! Không bắc nồi ra được thì mình sẽ lấy cái vá múc ra từng vá nước vậy. Thật là sáng suốt !” Tôi làm luôn, nhưng trong lòng vẫn tức giận, tôi nguyền rủa ông ta. Tại sao ông ta thấy thế mà không giúp đỡ chứ ? Ông ấy thật nhẫn tâm !

Bữa cơm ngày thứ hai có thể cũng trôi qua như hôm trước nếu…

Khi đó, tôi ngồi ăn cho xong bữa cơm. Đang ăn, bỗng ông ta gắp vào bát tôi một miếng trứng cá vàng to. Lúc đó, trong lòng tôi thực sự có những xao động vì ngoài má ra, đây là lẩn đầu tiên tôi được người lớn tuổi như ba mình gắp thức ăn cho. Tôi nhìn chén cơm suy nghĩ, bất thần cầm cái đũa gẩy mạnh hất miếng trứng ra khỏi bát khiến cơm bắn tung tóe khắp mâm. Bỗng mông tôi đau rát ! Người đàn ông ấy đã phát vào mông tôi và giận dữ nói :

– Sao mày cứng đầu quá vậy, hả ?

Có lẽ, ông ấy đã quá giận dữ. Tôi lặng im, không nói không rằng. Đây là lẩn đầu tiên tôi bị đánh đau như thế, má dù đánh cũng chỉ đánh nhẹ mà thôi ! Tôi muốn khóc thật to nhưng tự nhủ trước mặt ông ta không được yếu đuối. Tôi nhặt trứng vào bát rồi bước ra khỏi nhà, tôi phải sang nhà ngoại đế méc với ngoại. Vừa nhìn thấy ngoại, tôi túi thân, chạy đến ôm chầm lấy tấm thân gầy gố của ngoại và khóc tức tưởi cho thoả nỗi lòng. Ngoại yêu và chiều tôi nhất nhà nên có gì tôi cũng chạy đến tâm sự với ngoại. Chiều đến, má qua đón tôi về nhưng tôi nhất định không chịu, tôi không muốn nhìn thấy người đàn ông dữ tợn đó nữa. Tôi nhất quyết ngủ với ngoại.

Đêm đến… Tiếng ếch nhái ngoài con kênh trước nhà kêu ì ộp. Tôi nằm mãi mà khône sao ngủ được, đến lúc này tôi thực sự hoang mang. Người đàn ông đó rốt cuộc là ai ? Sao lại cứ bắt tôi gọi bằng “ba” ? Sao lại giận và đánh tôi ? Ngoại như đoán biết được tâm trạng cô cháu gái nhỏ, ngoại nói :

– Thu à ! Tại sao con không nhận ba con ? Người đó là ba Sáu của con mà !

– Không ngoại ơi ! Ba Sáu con không giống ông ta ! – Tôi trả lời.

– Sao con lại bảo không giống với ba Sáu ? Có phải ba đi chiến đấu lâu nên nhìn già hơn không ?

Để minh chứng với ngoại, tôi liền nói :

– Vì ba Sáu của con không có vết thẹo dài dữ tợn trên má như ông ấy, ngoại ạ !

Ngoại cười móm mém, xoa đầu tôi và nói :

– Đó là ba Sáu con. Ba con vì đi đánh giặc bị Tây bắn bị thương nên có vết thẹo đó.

Từng lời ngoại nói cứ vang vang trong đầu tôi. Trời ơi ! Thì ra đó là ba Sáu thật ư ? Vậy mà… tôi đã không nhận ba, lại còn nói trổng nữa chứ ? Bao nhiêu năm mong mỏi gặp ba, giờ gặp lại không nhận ra ba. Tôi thấy ân hận quá ! Giờ biết làm sao đây ?

Ngày thứ ba bên ba…

Sáng sớm hôm sau, ngoại thức dậy sớm và nói :

– Hôm nay, ba Sáu lại phải lên đường. Con có về chào ba không Thu ?

Tôi gật đầu đồng ý và theo ngoại về. Đến nhà, từ ngoài cổng đã thấy rất đông bà con bên nội, bên ngoại. Khác với những ngày trước, sự xuất hiện của tôi không khiến ai chú ý nữa, kể cả ba và má. Ba bận tiếp khách còn má thì chuẩn bị đồ đạc. Tôi thấy mình như bị bỏ rơi, lặng lẽ đứng nép vào cửa, có lúc đông quá thì đứng nép vào góc nhà nhìn mọi người. Tôi lo lắng, không biết có nên chạy đến gọi ba không, ba sắp đi rồi. Nhưng tôi xấu hổ… nên cứ đứng yên.

Đến lúc ba phải đi, ba nhìn quanh tìm kiếm tôi nhưng ba không chạy lại ôm tôi mà chỉ nhìn trìu mến. Lòng tôi xao động, chân tôi muốn chạy thật nhanh đến ôm lấy ba nhưng sao không thể bước. Ba khẽ nói với tôi :

– Thôi ! Ba đi nghe con !

Tiếng của ba sao trìu mến vậy. Tiếng nói ấy đã thúc giục tôi :

– ..a…a…ba !

Tôi hét lên và chạy đến ôm cổ ba. Tôi ôm ba thật chặt, lòng cảm thấy ấm áp lạ lùng. Tôi thèm được gọi ba, thèm được ôm ba suốt tám năm nay rồi. Nghĩ đến việc ba sắp phải ra đi, tôi sợ hãi, nói trong tiếng khóc :

– Ba ! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con !

Ba cũng rơm rớm nước mắt và nói :

– Ba đi rồi ba sẽ vể với con.

– Không !

Tôi hét lên, tôi không thể để cho ba đi nữa, không thể… Tôi cố sức ôm ghì chặt ba. Mọi người và ngoại dỗ dành, an ủi tôi. Ngoại nói :

– Cháu của ngoại giỏi lắm mà ! Cháu để ba cháu đi rồi ba cháu sẽ mua về cho cháu một cây lược.

Biết là không thể giữ ba được nữa, ba tôi là bộ đội còn phải đi chiến đấu, diệt thằng Tây ác ôn nên tôi ôm ba lần nữa và dặn :

– Lúc về ba mua cho con một cây lược nghe ba !

Tôi quệt nước mắt vẫy chào tạm biệt cha ! Tôi đâu biết rằng đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ba. Trong một trận chiến đấu, ba bị bắn trọng thương và hi sinh. Bác Ba – đồng đội của ba đã trao cho tôi kỉ vật ba dành cho tôi : chiếc lược ngà trên có khắc dòng chữ : “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Nhìn từng nét chữ của ba khắc trên cây lược nhỏ nhắn, tôi đã bật khóc, lòng tôi đau đớn. Ba Sáu của tôi đã không còn…

Năm mươi năm đã trôi đi, bé Thu bướng bỉnh ngày nào giờ đã trở thành cựu chiến binh. Năm mươi năm tôi đã cố gắng ? sống thật tốt để không hổ danh con của ba sáu, cũng là năm mươi năm tôi nhớ ba khôn nguôi. Với tôi, chiếc lược ngà trở thành vật bất li thân, người bạn tri kỉ. Tôi tin rằng, ở thế giới bên kia, ba Sáu sẽ mỉm cười hạnh phúc và tự hào về cô con gái bướng bỉnh ngày nào !

HÀ KIỀU TRANG

Lời nhận xét :

– Người viết đã nhập vai bé Thu kể lại câu chuyện khá thành công, khiến người đọc thực sự xúc động. Sự am hiểu diễn biến tâm lí nhân vật một cách sâu sắc đã làm nên sức hấp dẫn của bài viết.

– Cách kể lôi cuốn, sử dụng đan xen thủ pháp đối thoại, độc thoại nội tâm, miều tả… khiến cho câu chuyện trở nên sinh động.

– Người viết đã lựa chọn điểm nhìn của bé Thu sau 50 năm khiến cho câu chuyện vừa mang tính hồi tưởng, có chất triết lí, song vẫn có nét hồn nhiên của trẻ thơ.

 

Xem thêm Phân tích diễn biến tâm lí và hành động của bé Thu tại đây.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận