Đề 46 – Trình bày suy nghĩ của em về tinh thần tự học – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đang tải...

Suy nghĩ của em về tinh thần tự học

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:

Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí

– Giải thích khái niệm “tinh thần tự học”?

– Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho tinh thần tự học?

– Bàn luận, mở rộng vấn đề: nếu không có tinh thần tự học thì chúng ta có bắt kịp thời đại hay không?

– Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)

– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

– Xã hội ngày càng phát triển, tri thức nhân loại ngày càng đổi mới và phong phú bắt buộc ta phải luôn luôn học tập và tiếp thu thêm những kiến thức mới.

– Vậy tinh thần tự học đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?

II. THÂN BÀI

a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

– Học là gì? => Đó là việc chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc do chúng ta tự đúc kết những kinh nghiệm, thất bại mà thành.

– Tinh thần tự học là như thế nào? => Đó là ý thức tự trau dồi, rèn luyện để thu nhận kiến thức và hình thành kĩ năng bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình.

b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)

Tại sao chúng ta phải có tinh thần tự học?

+ Kiến thức nhân loại thì bao la, mà sự hiểu biết của con người thì có hạn cho nên ta phải luôn tự học hỏi thêm.

+ Tự học giúp cho ta bổ sung những kiến thức còn thiếu trong sách vở mà ta học ở trường lớp.

+ Tự học sẽ giúp cho ta có tính tự giác trong học tập.

+ Việc tự học có thể giúp cho chúng ta có sự sáng tạo, đột phá trong việc học.

+ Tránh làm cho ta có tư tưởng ỷ lại hay phụ thuộc vào một ai đó trong việc học.

+ Giúp cho ta sáng tạo thêm những phương pháp, cách thức học tập mới mẻ hơn.

+ Do tính chất của việc tự học là một công việc khó khăn, gian khổ cần có sự nỗ lực nhiều nên đã giúp cho ta rèn luyện những phẩm chất đạo đức khác: rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt cho mình: kiên nhẫn, tự tin, khiêm tốn…

+ Giúp ta tìm được niềm vui, hạnh phúc lớn lao trong việc chiếm lĩnh tri thức của nhân loại.

– Dẫn chứng: Tấm gương học tập suốt đời của Bác Hồ: tự học ngoại ngữ “Pháp, Anh, Nga, Đức, Ý, Trung Quốc…”, tự học viết báo bằng tiếng nước ngoài, học ở bất kì nơi đâu, học ở bất kì người nào mà Bác gặp được. Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tự học bằng cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng mà thắp sáng đêm đêm học tập mà đỗ đạt Trạng Nguyên. Hay Ê-đi-xơn tuy thất bại rất nhiều lần trong việc sáng tạo bóng đèn, nhưng ông cũng cố gắng tự nghiệm ra những sai sót của mình mà thành công.

c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Phê phán những con người có hành động lười biếng, ỷ lại vào bạn bè, không thấy được tầm quan trọng của việc học. Điều đó đã đi ngược lại với tinh thần tự học .

– Phê phán những con người khi có bằng cấp thì lại không chịu tiếp tục học hỏi, có tư tưởng “ếch ngồi đáy giếng”.

– Nhiều học sinh ỷ lại vào thầy cô, cho rằng việc học ở thầy cô như vậy là đủ nhưng như thế là chưa đúng. Do không có sự sáng tạo trong học tập dẫn đến việc học sinh học vẹt, học tủ.

– Dẫn chứng: Lấy dẫn chứng từ bản thân người học, trong trường lớp, ngoài xã hội mà người học biết.

III. KẾT BÀI

– Tinh thần tự học là con đường tốt nhất giúp chúng ta rèn luyện, trau dồi tri thức và hoàn thiện bản thân.

– Liên hệ câu nói của Lê-nin: “Học, học nữa, học mãi”.

BÀI VĂN THAM KHẢO

BÀI VĂN 1

Xã hội đang ngày càng phát triển, tri thức nhân loại ngày càng được đổi mới và phong phú, đa dạng bắt buộc chúng ta phải luôn luôn học tập, trau dồi và tiếp thu thêm những kiến thức mới. Để đáp ứng được những yêu cầu, đổi mới, đa dạng đó ta cần nghĩ đến việc tự học. Vậy tinh thần tự học đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta?

Vậy học là gì? Đó là quá trình chúng ta tiếp thu kiến thức của nhân loại dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc do chúng ta tự đúc kết những kinh nghiệm, thất bại của minh mà thành. Còn tinh thần tự học có nghĩa như thế nào? Đó là ý thức tự trau dồi, rèn luyện để thu nhận kiến thức và hình thành kĩ năng bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình mà không cần ai giúp sức.

Vậy thì tại sao chúng ta phải có tinh thần tự học? Bởi vì với đà ngày càng phát triển của nhân loại, nếu như ta không tiếp thu cái mới, những kiến thức của thế giới mà chỉ bó hẹp kiến thức của mình thì chắc chắn trong một tương lai không xa chúng ta sẽ trở nên lạc hậu. Kiến thức nhân loại thì bao la, mà sự hiểu biết của con người thì có hạn cho nên bắt buộc ta phải luôn tự học hỏi thêm. Tự học còn giúp cho ta bổ sung những kiến thức mà sách vở chưa đủ cung cấp. Ví như khi ta học một bài học trên lớp, với kiến thức thầy cô truyền đạt mà sau đó ta còn về nhà đọc thêm các sách tham khảo, tư liệu có liên quan thì ta sẽ bổ khuyết những kiến thức mà ta còn chưa rõ để nắm chắc bài học trên lớp hơn.

Bên cạnh đó, tự học còn giúp cho chúng ta có tính tự giác cao trong học tập. Nếu như việc học đã được chúng ta tạo thành thói quen thì tính tự giác sẽ được hình thành song song nhắc nhở chúng ta tốt hơn trong việc học tập. Ngoài ra, việc tự học còn có thể giúp cho chúng ta có sự sáng tạo, đột phá trong việc học. Tránh làm cho ta có tư tưởng ỷ lại hay phụ thuộc vào một ai đó. Nó giúp cho ta sáng tạo thêm những phương pháp, cách thức học tập mới mẻ hơn. Do tính chất của việc tự học là một công việc khó khăn, gian khổ cần có sự nỗ lực nhiều nên đã giúp cho ta rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt khác như kiên nhẫn, tự tin, khiêm tốn,… Nó còn giúp cho chúng ta có được niềm vui, hạnh phúc lớn lao trong việc chiếm lĩnh tri thức của nhân loại.

Trong quá trình tự học như vậy, ta còn có thể tìm thấy cho mình niềm vui, hạnh phúc lớn lao trong việc chiếm lĩnh tri thức của nhân loại. Tiêu biểu cho việc tự học ta có thể lấy Bác Hồ làm minh chứng là rõ ràng nhất. Trong cuộc đời bôn ba của Bác thì việc học ngoại ngữ là một vấn đề nan giải nhưng tuyệt vời đối với Bác Hồ. Mặc dù biết nói rất nhiều thứ tiếng nhưng các tiếng mà Bác thông thạo như người bản ngữ là tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Mỹ, tiếng Nga,…Bác đã tự học viết báo bằng tiếng nước ngoài, học ở bất kì nơi đâu, học ở bất kì người nào mà Bác gặp được. Tinh thần tự học của Bác thật đáng nể. Dẫu gian khó, cực khổ nhưng vì con đường độc lập cho dân tộc thì Bác vẫn cố gắng, nỗ lực thực hiện. Hay như trong lịch sử xưa kia, Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi tự học chữ bằng cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ quả trứng mà thắp sáng đêm đêm học tập mà đỗ đạt Trạng Nguyên. Hay như nhà khoa học Ê-đi-xon tuy đã thất bại rất nhiều lần nhưng nhờ tinh thần kiên trì, tự học, tự nghiên cứu ông đã phát minh ra chiếc bóng đèn tròn. Ông tự nghiệm ra những sai sót của mình và cuối cùng ông đã thành công.

Trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người có hành động lười biếng, ỷ lại vào bạn bè, không thấy được tầm quan trọng của việc học. Điều đó thực sự đã đi ngược lại với tinh thần tự học. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phê phán những con người khi có bằng cấp thì lại không tiếp tục chịu học hỏi, có tư tưởng “ếch ngồi đáy giếng” xem như là ta đã biết hết. Nhiều học sinh ỷ lại vào thấy cô, cho rằng việc học ở thầy cô như vậy là đủ nhưng như thế là chưa đúng. Do không có sự sáng tạo trong học tập dẫn đến việc học sinh học vẹt, học tủ khiến cho bản thân ngày càng sa sút hơn trong học tập. Những con người này thật đáng chê trách.

Lê-nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Việc tự học phải luôn là công việc lâu dài và mãi mãi bởi vì kiến thức nhân loại bao la, rộng lớn mà nếu chúng ta không cố gắng học tập, trau dồi thì ta sẽ là người thất bại trong tương lai.

(Bài làm của HS)

BÀI VĂN 2

Cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Nó đòi hỏi mọi người phải vươn lên để theo kịp sự phát triển đó. Chính vì vậy mà tinh thần tự học là một thử có vai trò quan trọng đối với mỗi con người chúng ta. Vậy tại sao chúng ta cần phải có tinh thần tự học trong cuộc sống hiện đại như ngày nay ?

Quả đúng như vậy, nếu có tinh thần tự học thì ta có thể tìm tòi ra những kiến thức mới hoặc bổ sung thêm kiến thức mới vào tri thức của ta. Vậy tự học là như thế nào? Trước hết, ta phải hiểu học là quá trình tìm hiểu, thu nhận kiến thức qua hướng dẫn của thầy cô trong những bài giảng hoặc từ trong sách vở. Vậy chúng ta biết tự học là tự suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo nhằm rút ra những điều cần thiết, hữu ích cho bản thân. Tự học cũng có nhiều hình thức như, tự mình mày mò tìm hiểu hoặc có sự hướng dẫn của thầy cô,… Dù ở hình thức nào thì sự chủ động tiếp nhận tri thức của người học sinh vẫn là quan trọng nhất.

Chúng ta cần phải tự học mới có thể thấy hết những ý nghĩa lớn lao của việc tự học. Tự học giúp ta nhớ lâu và vận dụng những kiến thức mà ta đã học vào cuộc sống một cách hữu ích hơn. Không những thế, việc tự học còn giúp con người trở nên năng động, sáng tạo, không ỷ lại và không phụ thuộc vào người khác. Từ đó, biết tự bổ sung những khiếm khuyết của mình để tự mình hoàn thiện bản thân.

Tự học tuy là một công việc rất dễ, nhưng nó đòi hỏi lòng quyết tâm và sự kiên trì. Càng cố gắng tự học con người càng trau dồi được nhân cách và tri thức của mình. Chính vì vậy tự học là một việc làm độc lập mà không ai có thể học hộ, học giúp. Bù lại, phần thưởng cho việc tự học là niềm vui, sự hạnh phúc khi ta có được thêm kiến thức. Chúng ta biết có rất nhiều người nhờ tự học mà tên tuổi của họ được tạc vào lịch sử. Như Bác Hồ kính yêu của chúng ta với đôi bàn tay trắng ra đi từ Bến cảng nhà Rồng, nhờ tự học mà Bác biết nhiều tiếng ngoại ngữ và đã tìm được đường đi cho cả dân tộc Việt Nam đến bến bờ hạnh phúc và tự do, độc lập.

Macxim Gorki với cả một thời thơ ấu gian khổ, không được đi học như nhũng người khác nhưng với tinh thần tự học ông đã trở thành đại văn hào Nga. Và còn rất nhiều những tấm gương khác nữa như: Lê Quý Đôn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền,… Nhờ tự học mà những tấm gương trên đã trờ thành bậc hiền tài, làm rạng danh gia đình và quê hương đất nước.

Việc tự học có ý nghĩa to lớn như vậy cho nên bản thân mồi người chúng ta phải xây dựng cho mình tinh thần tự học trên nền tảng của sự say mê, ham học, ham hiểu biết, giàu khát vọng và kiên trì trên con đường chinh phục tri thức. Từ đó, bản thân mỗi người cần chủ động, tích cực, sáng tạo, độc lập trong học tập có như vậy mới chiếm lĩnh được tri thức để vươn tới những ước mơ, hoài bão của mình.
Nói tóm lại, càng hiểu vai trò và ý nghĩa của việc tự học, ta càng cố gắng và quyết tâm học tập hơn. Bởi tự học là con đường ngắn nhất và duy nhất để giúp bản thân hoàn thiện, để biến ước mơ thành hiện thực. Có lẽ vậy mà Lê-nin đã đặt ra một phương châm “Học, học nữa, học mãi”.

(Bài làm của HS)

BÀI VĂN 3

Lê-nin có câu: “Học, học nữa, học mãi”. Câu nói này của ông giúp chúng ta có thêm hứng thú cho việc học. Học là một việc rất quan trọng, nó không bao giờ kết thúc từ mười hai năm đi học cho đến khi chúng ta lớn lên và đi làm, những kiến thức luôn vây quanh ta. Nhiều bạn cho rằng việc học là một việc nhàm chán nhưng nếu bạn có thể tự học thì nó đối với bạn rất có ích, việc học có thể trở nên dễ dàng hơn và bạn sẽ hứng thú khi được học tập. Vậy lợi ích và hứng thú của việc tự học là như thế nào?

Thật vậy, việc tự học đã được khai sinh ra từ lúc con người biết đọc và viết, nó có thể ghi chép vào trong đầu chúng ta những kiến thức cần thiết, nhờ những kiến thức này xã hội chúng ta mới có thể phát triển như ngày hôm nay. “Tự học” có nghĩa là tự làm lấy bài tập của chính mình không cần đợi nhắc nhở, không những thế “tự học” còn có nghĩa là tự tìm tòi những kiến thức mình chưa biết để trao dồi thêm những kĩ năng mà mình chưa được học. Việc “tự học” là tự tìm hiểu những kiến thức mình chưa biết và cần phải học tập khi chúng ta học được điều gì đó mới mẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy hứng thú hơn trong việc học và từ đó sinh ra động lực khiến chúng ta tiếp tục lấy việc học là điều thú vị, hấp dẫn cho mình.

Thứ hai là khi tự học chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn là khi bị người khác ép mình phải học. Vậy tại sao chúng ta phải tự học? Chúng ta phải tự học vì khi bạn nghĩ học là một việc rất mệt mỏi nhưng không phải thế, học chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống của chính bạn, bạn có thể quyết định số phận của chính mình nếu bạn cố gắng ngay từ bây giờ, việc tự học là việc thay đổi cuộc đời mình thì chuyện từ một học sinh học chưa tốt trờ thành học sinh giỏi là hoàn toàn có thể. Nếu bạn nghĩ học là mệt mỏi thì hãy nhớ rằng hàng ngàn con người ở Huế cần được đi học, có những con người học rất giỏi nhưng học không có đủ điều kiện đi học họ luôn học bằng chính sức của mình. Bạn thấy người khác học rất giỏi bạn cũng muốn được như họ nhưng có bao giờ bạn tự hỏi ý thức tự học của bạn có bằng họ không, họ giỏi nhờ sự siêng năng chứ không nhờ sự lười biếng nhút nhát. Việc học cũng là liều thuốc cứu chữa bạn mỗi khi bạn chán nản. Có thể lúc bắt đầu bạn cảm thấy chán nản, muốn bỏ học nhưng khi quen dần bạn cảm thấy việc học rất dễ dàng. Việc học giống như một ly cà phê vậy nếu bạn chỉ uống chút ít bạn cảm thấy rất đắng nhưng khi uống hết cả ly bạn cảm thấy đó là một điều tuyệt vời và bạn không hề cảm thấy đắng mà thay vào đó là sự đam mê. Thầy Nguyễn Ngọc Ký không chỉ học giỏi mà còn là tấm gương cho sự tự học. Thầy không bỏ cuộc tuy mình bị mất hai tay nhưng thầy vẫn sử dụng hai chân của mình để học và giờ đây thầy đã là một nhà văn giỏi.

Quả đúng như vậy, bạn đã biết được những người có tính tự học cao và là những người xã hội cần. Bên cạnh đó, có những bạn lười biếng, mê chơi game nhưng lúc nào cũng có mơ ước mình học giỏi nhưng cứ tiếp tục mơ mộng thì họ vẫn tiếp tục vùi sâu vào cái hố do chính mình đào ra. Có một câu chuyện nói về một cậu học sinh giỏi bảy năm liền, cậu ấy học rất giỏi nhưng gặp phải những người bạn không tốt, họ rủ cậu ta đi chơi, trốn học cuối năm ấy cậu bị học sinh trung bình từ đó cậu đánh mất đi sự ham học của mình mà thay vào đó là những cơn nghiện game Online. Cậu ta từng là một học sinh giỏi nhưng bây giờ cậu ta là một tên nghiện, cũng chỉ là một thói quen nhưng từ sự ham học người ta gọi là đam mê còn mê game thì gọi là nghiện. Nếu bạn đã lỡ rơi vào cái hố của chính mình thì đừng vội bỏ cuộc, bạn phải vươn lên thoát khỏi chiếc hố đó. Lúc đó, bạn sẽ thấy được thành quả của mình, bạn có thể tự tin bước vào lớp và nghĩ mình là một ngôi sao sáng. Tất cả là do bạn lựa chọn.

Nói tóm lại, việc tự học là rất cần thiết cho tất cả mọi người. Hãy từ bỏ những trò chơi vô bổ bạn chơi hằng ngày và thay vào đó là những phút giây học tập bổ ích, lành mạnh. Bạn có thể dành thời gian rảnh của mình cho việc đọc sách, đôi khi bạn cũng có thể đọc những cuốn truyện thiếu nhi như Đô-rê-mon để giải toả đầu óc sau những giờ học căng thẳng. Riêng tôi, tôi cũng đã rút ra được bài học cho chính mình tôi là một cậu bé mê chơi game nhưng giờ đã không còn nữa, những phút giây thư giãn của tôi là những cuốn sách có ích cho việc học cùng những cuốn sách kỹ năng sống tuyệt vời.

(Bài làm của HS)

>> Xem thêm Đề 47: Trình bày suy nghĩ của em về tinh thần đoàn kết tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận