Đề 39 – Suy nghĩ về trang phục khi đến trường của nữ sinh thời nay – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đang tải...

Trang phục khi đến trường của nữ sinh

Trang phục khi đến trường của nữ sinh

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:

Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: hiện tượng đời sống xã hội (việc nữ sinh thời nay nên mặc áo dài truyền thống hay trang phục hiện đại chưa đúng mực khi đến trường?)

– Vậy truyền thống có nghĩa là gì?

– Giải thích hiện tượng trong đề bài là hiện tượng như thế nào? Hiện tượng ấy có ảnh hưởng như thế nào đối với các thế hệ trẻ?

– Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng đó? (đưa ra cụ thể các nguyên nhân)

– Những cách khắc phục nào (đối với hiện tượng tiêu cực) và phát triển, tuyên truyền ra sao (đối với hiện tượng tích cực)?

– Bài học, kinh nghiệm nào mà em rút ra từ những gì vừa phân tích ở trên?

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

– Ngày nay, các nữ sinh khi đi học đa phần đều mặc áo dài truyền thống thế nhưng thời gian gần đây xuất hiện trào lưu mặc trang phục hiện đại chưa đúng mực khi đến trường.

– Vậy quan điểm của em về vấn đề này như thế nào?

II. THÂN BÀI

a. Giải thích hiện tượng: (Đặt câu hỏi: là gì?)

+ Hiện tượng nữ sinh mặc trang phục hiện đại chưa đúng mực đến trường đó là hiện tượng gì?

– Đó là hiện tượng học sinh nữ mặc những bộ trang phục không phù hợp với môi trường học đường vì quá “hiện đại” như: váy nhiều màu, quần ngắn, áo quá mỏng hợp thời trang, áo hai dây…

– Mặc áo dài truyền thống đi học thể hiện được nét duyên dáng của nữ sinh.

b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Như thế nào? Tại sao? Vì sao?)

• Tại sao hiện tượng mặc trang phục hiện đại chưa đúng mực khi đến trường lại diễn ra?

+ Bởi vì nó thể hiện phần nào cá tính mạnh mẽ của học sinh.

+ Thể hiện mình là người có gu thẩm mĩ trong cách ăn mặc.

+ Cạnh tranh với bè bạn xung quanh.

• Hậu quả dẫn đến của hiện tượng này là gì?

+ Do vi phạm quy định nhà trường nên bị nhà trường nhắc nhở thường xuyên.

+ Bạn bè xa lánh vì ăn mặc không nghiêm túc, dị hợm.

+ Mình trở thành tâm điểm cho mọi người bàn tán.

+ Mất dần nhân cách, đạo đức và tạo cái nhìn không thiện cảm cho mọi người xung quanh đối với mình.

• Cái bất lợi của việc mặc áo dài truyền thống là gì ?

+ Mùa nắng nóng: việc mặc áo dài khiến cho người mặc không được thoải mái.

+ Mùa mưa: đường phố lầy lội dễ vấy bẩn lên áo khi đi học, dễ vướng căm xe.

+ Chi phí cho việc may một chiếc áo dài đắt hơn.

c. Nguyên nhân do đâu dẫn đến việc học sinh mặc trang phục hiện đại chưa đúng mực khi đến trường?

– Học sinh cho rằng chiếc áo dài truyền thống chưa phù hợp với thời đại hiện đại ngày nay.

– Ý thức học sinh chưa cao, chưa phân biệt được nơi nghiêm túc và nơi thả sức diện đồ hiện đại. Môi trường học đường cần phải có sự nghiêm túc, đàng hoàng.

– Mong muốn thể hiện mình trong nhà trường của các em quá mãnh liệt.

– Mong muốn được mọi người nể phục, trầm trồ khen ngợi.

d. Biện pháp khắc phục

– Nhà trường cần phối hợp với xã hội, gia đình để giáo dục các em ý thức cao hơn trong vấn đề ăn mặc đến trường.

– Tạo một môi trường lành mạnh, thi tài về vấn đề trang phục cho các em thoả sức thể hiện mình và sáng tạo (Ví dụ như: thi thiết kế thời trang, thời trang giấy,…)

III. KẾT BÀI

– Mặc áo dài truyền thống hay mặc trang phục hiện đại đến trường đều có mặt lợi và hại.

– Ta cần phải hiểu rõ và đúng đắn trong việc ăn mặc khi đến trường.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Có thể nói, chiếc áo dài trắng thướt tha, bay bay trong gió luôn là hình ảnh đẹp đẽ; thể hiện nét đẹp dịu dàng khi nói đến người con gái Việt Nam, đặc biệt là các nữ sinh Việt Nam. Nét đẹp truyền thống ấy đã được giữ gìn, tôn vinh không chỉ trong nước mà còn trên khắp thế giới. Thế nhưng hiện nay xuất hiện một trào lưu trong môi trường học đường, đó chính là các nữ sinh mặc những trang phục khá hiện đại nhưng không đúng mực đến trường. Quan điểm của chúng ta về vấn đề này như thế nào?

Hiện tượng các nữ sinh mặc những trang phục khá hiện đại nhưng không đúng mực đến trường là hiện tượng các em mặc những trang phục không phù hợp với môi trường học đường như: váy nhiều màu, quần quá ngắn, áo quá mỏng, áo hai dây,…Những trang phục này tuy khá là gần gũi với các em nhưng lại không phù hợp với môi trường giáo dục học đường. Còn chiếc áo dài trắng đã trở thành trang phục truyền thống bao lâu nay của các em nữ sinh, tạo nên nét duyên dáng, dịu dàng của người con gái Việt Nam ta.

Hai cách ăn mặc khi đến trường mà chúng ta vừa đề cập ở trên đã cho ta thấy sự khác nhau trong nhận thức của các em. Vậy thì, một vấn đề cần đặt ra là tại sao cách ăn mặc trang phục hiện đại không đúng mực ấy lại diễn ra? Phải chăng, đó chính là cách mà các em học sinh thể hiện cá tính mạnh mẽ của bản thân – một cách thể hiện bản lĩnh với bạn bè xung quanh mình. Hay đó là cách mà các em thể hiện được xu hướng thẩm mĩ “mới” trong cách ăn mặc của mình khi đến trường? Dù là với lí do nào đi chăng nữa thì việc ăn mặc như thế là không phù hợp. Bởi khi các em ăn mặc như thế khi đến trường, chắc chắn các em sẽ phải đối diện với những lời nhắc nhở từ nhà trường vì vi phạm nội quy của nhà trường. Hình ảnh mặc đồ váy ngắn, nhiều màu, áo quá mỏng,…có thể nói là những hình ảnh phản cảm, làm mất đi sự trong sáng vốn có của bộ trang phục mà nó còn làm mất đi hình ảnh trong sáng, hồn nhiên của các nữ sinh trong mắt các bạn khác. Những người xung quanh các em sẽ xa lánh bởi họ không muốn “đụng” tới những người ăn mặc dị hợm, khác lạ một cách không phù hợp. Không chỉ vậy, bản thân người mặc trang phục không phù hợp ấy cũng sẽ dần dần mất đi nhân cách, đạo đức tạo một cái nhìn không thiện cảm đối với những người xung quanh. Vậy còn việc mặc trang phục áo dài thì sao? Có thể nói, chiếc áo dài trắng thể hiện nét đẹp tinh khôi, trong trắng, sự dịu dàng của người con gái Việt Nam. Trang phục này khi sử dụng trong môi trường học đường thì rất phù hợp. Thế nhưng, đi kèm sự phù hợp ấy vẫn còn tồn tại đâu đó sự bất tiện trong một số thời tiết, hoàn cảnh nhất định. Những khi mùa nắng nóng kéo về, chiếc áo dài khiến cho những người mặc nó cảm giác không thoải mái. Còn mùa mưa, đường phố lầy lội khiến cho tà áo dài màu trắng bỗng trong phút chốc bị vấy bẩn. Chi phí để may một chiếc áo dài cũng đắt hơn một bộ trang phục bình thường. Thêm một tình huống cũng khá phổ biến đó là khi các em nữ sinh chạy xe đạp, thường hay gặp phải trường hợp tà áo dài vướng vào dây xích của xe. Khi ấy, chiếc áo dài không chỉ bị vấy bẩn mà còn có thể bị rách, gây khó khăn cho các em trong việc di chuyển.

Vậy, những nguyên nhân nào dẫn đến việc nữ sinh mặc trang phục hiện đại chưa đúng mực khi đến trường? Đối với những em học sinh này, họ cho rằng chiếc áo dài truyền thống chưa phù hợp với thời đại hiện đại ngày nay. Thời đại bây giờ theo họ là phải theo mốt này mốt nọ cho hợp với xã hội đang phát triển. Bản thân các em cũng chưa có nhận thức đúng đắn về mặc trang phục phù hợp khi đến trường bởi môi trường học đường cần phải luôn có sự nghiêm túc, đàng hoàng, chuẩn mực. Và cũng chính vì mong muốn thể hiện mình trong nhà trường của các em quá mãnh liệt, thêm vào đó là mong muốn được mọi người xung quanh khen ngợi mình là người “sành điệu” đã dẫn đến sự sai lầm trong suy nghĩ của mình. Còn những bất lợi trong việc mặc áo dài cần phải có sự khéo léo, cẩn thận của các em nữ sinh nhằm khắc phục một số ít bất tiện của chiếc áo trong cuộc sống cũng như khi đến trường.

Làm cách nào để chúng ta có thể khắc phục được tình trạng nữ sinh mặc trang phục hiện đại chưa đúng mực khi đến trường? Điều này có thể khắc phục được nếu như nhà trường cần phối hợp với xã hội, gia đình để giáo dục các em ý thức cao hơn trong vấn đề ăn mặc đến trường. Ban lãnh đạo nhà trường thường xuyên làm công tác tư tưởng mỗi khi đến giờ chào cờ, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở mỗi ngày, bạn bè bảo nhau,…Hay nhà trường cũng có thể tạo nên một môi trường lành mạnh, thi tài về vấn đề trang phục cho các em thoả sức thể hiện mình và sáng tạo như thi thiết kế thời trang giấy. Những biện pháp này chắc chắn sẽ giúp cho các em nữ sinh có ý thức tốt hơn về cách ăn mặc khi đến trường.

Nói tóm lại, mặc trang phục áo dài truyền thống hay sử dụng trang phục hiện đại khi đến trường nói về một khía cạnh nào đó thì vẫn có thể chấp nhận được nhưng cần phải trong sự cho phép của nhà trường, xã hội và phải phù hợp với môi trường học đường. Chúng ta cần phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại giúp cho chúng ta có thể hòa nhập vào sự phát triển chung của toàn thế giới để làm sao những trang phục mà chúng ta lựa chọn tôn vinh nét đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam.

>> Xem thêm Đề 40: Phân tích và làm sáng tỏ ý nghĩa câu nói của Nguyễn Bá Học :” Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận