Đáp án đề 1 – Bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt lớp 5

Đang tải...

  Xem thêm  Đề 1 – Đề bài luyện tập – Bồi dưỡng học sinh giỏi Tiếng Việt lớp 5 tại đây.   

 Đáp án đề 1 học sinh giỏi Tiếng Việt 5

     1. – Đây là những từ đồng nghĩa không hoàn toàn (SGK gọi là “từ đồng nghĩa có nghĩa gần giống nhau”). Bài tập yêu cầu chỉ ra những chỗ khác nhau về nghĩa giữa các từ in đậm; nói cách khác, chỉ ra các sắc thái nghĩa khác nhau của những từ này.

      – Cụ thể như sau :

     a) trắng bệch : trắng nhợt nhạt (thường nói về khuôn mặt).

     b) trắng muốt: trắng mịn màng, trông rất đẹp.

     c) trắng ngần : trắng và bóng, vẻ tinh khiết, sạch sẽ.

     d) trắng phau : trắng đẹp và tự nhiên, không có vết bẩn.

     e) trắng xoá : trắng đều trên diện rộng.

     2. Trước hết, em cần nắm được nghĩa của từ in đậm trong câu (VD, nghĩa của từ làng : khối dân cư ở nông thôn làm thành một đơn vị hành chính có đời sống riêng về nhiều mặt). Sau đó, em tìm các từ đồng nghĩa với từ in đậm ấy. Cụ thể :

     a) làng : làng mạc, làng xóm, xã, thôn, ấp, buôn, bản,…

     b) chăm nom : chăm sóc, coi sóc, trông nom, chăm chút, chăm lo, săn sóc,…

     c) nhỏ : nhỏ bé, bé bỏng, bé con, bé dại, bé xíu, nhỏ con, nhỏ nhắn, nhỏ xíu, tí xíu,…

     3. Gợi ý : Khổ thơ bộc lộ cảm xúc của tác giả trước những vẻ đẹp của đất nước :

     – Vẻ đẹp của những “dòng sông bát ngát” đang chảy giữa đôi bờ “dào dạt lúa ngô non”. Đó cũng chính là vẻ đẹp hứa hẹn một cuộc sống ấm no cho những người dân trên đất nước ta.

     –  Vẻ đẹp của những “con đường ca hát” (vui, phấn khởi) vì được chạy qua công trường đang xây dựng những mái nhà ngói mới. Đó cũng chính là vẻ đẹp của hạnh phúc đầy hứa hẹn đối với nhân dân ta.

     4.

    1. Xác định yêu cầu : Tả một cảnh vật thiên nhiên mà em yêu thích.

    Chú ý : Cảnh vật thiên nhiên là cảnh vật không do con người tạo ra. Vì vậy, em cần xác định đúng đối tượng miêu tả theo gợi ý của đề bài, VD : ngọn núi, cánh rừng, dòng sông, bãi biển, hồ nước, dòng thác,… Em có thể chọn tả một cảnh thiên nhiên nơi em ở hoặc nơi em từng đến mà mình cảm thấy yêu thích.

    2. Tìm ý, lập dàn bài :

    a) Mở bài (giới thiệu bao quát về cảnh sẽ tả)

    – Đó là cảnh gì, ở đâu (vị trí cụ thể) ? Cảnh hiện ra trước mắt em

vào lúc nào (thời điểm miêu tả) ?

    – Hoặc : Lí do yêu thích và chọn tả cảnh vật đó là gì ? (VD : vì cảnh đó gắn với kỉ niệm thòi thơ ấu ; vì đó là cảnh thiên nhiên có vẻ đẹp độc đáo ; vì cảnh vật đó mang những nét đặc trưng của quê em, là niềm tự hào của người dân quê hương,…)

    b) Thân bài (tả từng phần của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian)

    Căn cứ vào cảnh vật em miêu tả để lựa chọn trình tự cụ  thể. VD : tả dòng sông, em cần làm rõ các ý chính dưới đây.

   – Đặc điểm nổi bật của dòng sông : Sông chảy thẳng hay quanh co, uốn lượn ? Lòng sông rộng hay hẹp ? Nước sông nhiều hay ít ? Màu sắc của nước sông thế nào ? Sông chảy chậm (lững lờ) hay nhanh (băng băng) ?…

   – Cảnh vật trên sông và hai bên bò sông : Trên mặt sông có những hình ảnh gì nổi bật (nếu có) ? cảnh hai bên bồ có những nét gì làm em thích thú (VD : cây cối, đồng bãi, con đê, điếm canh đê, ngôi nhà, con đò, cây đa, bến nước, người hoạt động ở hai bên bờ sông,…) ?

   – Em thích ngắm dòng sông vào thời điểm nào (hoặc : dòng sông gắn với kỉ niệm gì làm em thích thú và có ấn tượng sâu sắc) ?

    c) Kết bài (nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ)

    Cảnh vật thiên nhiên gợi cho em những suy nghĩ và cảm xúc gì (hoặc để lại trong em ấn tượng gì khó phai, làm em thích thú) ?

    3. Tham khảo (một số đoạn văn tả cảnh thiên nhiên) :

    * Rừng miền Đông

    Đang vào mùa rừng dầu trút lá. Tàu lá dầu liệng xuống như cánh diều, phủ vàng mặt đất. Mỗi khi có con hoẵng chạy qua, thảm lá khô vang động như có ai đang bẻ chiếc bánh đa. Những cây dầu con mới lớn, phiến lá đã to gần bằng lá già rụng xuống. Lá như cái quạt nan che lấp cả thân cây. Đang giữa trưa nắng, gặp rừng dầu non, mắt bỗng dịu lại như đang lạc vào một vùng rau xanh mát.

    Hết rừng dầu lại đến rừng cao su. Màu xanh lá dầu chỉ có thê so sánh với màu cao su vừa thay lá. Những cánh rừng cao su thăm thẳm, như cái hang động màu ngọc bích, sắc lá càng xanh biếc trong màu đất đỏ tươi.

(Theo Chu Lai)

    * Hồ Tơ-nưng

     Hồ Tơ-nưng ở phía bắc thị xã Plây-cu. Hồ rộng mênh mông, nước trong như lọc.

    Trên bờ, cây ê-ban màu lục điểm hoa trắng mọc um tùm. Mặt hồ phẳng lặng phản chiếu cảnh trời mây, rừng núi. Hồ xanh thẳm khi trời quang mây tạnh. Hồ như khoác tấm áo choàng đỏ tía lúc trời chiều ngả bóng. Hồ long lanh dưới ánh nắng chói chang của những buổi trưa hè.

    Hàng trăm thứ cá sinh sôi nảy nở ở đây. Cá đi từng đàn, khi thì tung tăng bơi lội, khi thì lao vun vút như những con thoi. Cá nhảy cả lên thuyền, lướt trên mặt sóng. Cá tràn cả lên bờ lúc mưa to, gió lớn.

   Chim chóc cũng đua nhau đến bên hồ làm tổ. Những con sít lông tím, mỏ hồng kêu vang như tiếng kèn đồng. Những con bói cá mỏ dài, lông sặc sỡ. Những con cuốc đen trùi trũi len lỏi giữa các bụi ven bờ,…

(Tiếng Việt 3, tập một, 2000)

    * Thác Y-a-li

    Cách xa nửa ngày đường, đã nghe tiếng nước réo, tưởng như có trăm vạn tiếng quân reo giữa núi rừng trùng điệp. Đó là nguồn nước sông Bô-cô thúc mạnh vào sườn núi Chư-pa bắt núi phải cắt đôi. Nước ào ạt phóng qua núi rồi đổ xuống, tạo nên thác Y-a-li. Thác nước thẳng đứng, chảy mòn đá, thành mười hai bậc từ trên đỉnh núi xuống mặt nước. Nước trút từ trên trời xuống, trông như một biển mù sương, đẹp tuyệt vời. Nhất là lúc sắp hoàng hôn, mặt trời xói thẳng vào dòng nước lấp lánh như người ta dát một mẻ vàng vừa luyện xong.

(Theo Thiên Lương)

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận