Cuộc chia tay của những con búp bê – Thực hành đọc hiểu văn bản ngữ văn 7

Đang tải...

CUỘC CHIA TAY CỬA NHỮNG CON BÚP BÊ

(Khánh Hoài)

I – GỢI DẪN

  1. Về kiểu văn bản và phương thức biểu đạt:

Văn bản này được xếp vào nhóm văn bản nhật dụng. Vấn đề trọng tâm trong đó là quyền trẻ em – một trong những nội dung cơ bản mà các văn bản nhật dụng trong Chương trình Ngữ văn 7 đề cập.

Phương thức biểu đạt chủ yếu của văn bản là tự sự. Ngoài ba cuộc chia tay tạo thành ba yếu tố hạt nhân của văn bản, tác giả còn sử dụng phương thức biểu cảm qua cách kể chuyện đồng thời bộc lộ trực tiếp cảm xúc của nhân vật chính (cũng là người trong cuộc). Sư kết hợp khéo léo giữa hai phương thức này giúp cho văn bản có được giọng điệu truyền cảm, gợi lên nhiều nỗi xa xót trong tâm hồn bạn đọc.

  1. Đại ý :

Qua ba cuộc chia tay cảm động (của những con búp bê, của tình cảm thầy trò, bè bạn và của hai anh em), văn bản giúp bạn đọc cảm nhận những tình cảm chân thành, sâu nặng của hai anh em trong câu chuyện, đồng thời cảm nhận được nỗi đau đớn, xót xa của những bạn nhỏ chẳng may rơi vào hoàn cảnh gia đình bất hạnh, từ đó biết thông cảm và chia sẻ với những người bạn ấy.

  1. Tóm tắt:

Vì bố mẹ chia tay nhau, hai anh em Thành và Thuỷ cũng phải mỗi người một ngả: Thuỷ về quê với mẹ còn Thành ở lại với bố. Hai anh em nhường đồ chơi cho nhau, Thuỷ đau đớn chia tay thầy cô, khi chia tay còn quyến luyến anh không muốn rời,… Ba cuộc chia tay gợi lên ở bạn đọc những xúc cảm mạnh mẽ cùng nỗi xót thương cho cảnh ngộ mà lẽ ra những người bạn nhỏ không phải gánh chịu.

  1. Cách đọc :

Văn bản được thể hiện theo phương thức tư sự với ba cuộc chia tay. Bởi vậy sẽ có hai yếu tố đáng lưu ý là lời dẫn chuyện và lời nhân vật:

–        Lời dẫn chuyện thường có tính chất khách quan nhưng trong văn bản này, lời dẫn chuyện cũng là lời của nhân vật trong truyện nên các sự kiện được kể đều thấm đẫm cảm xúc, bao trùm lên trên hết là tình thương của người anh đối với em.

–        Lời nhân vật : có nhiều nhân vật, song mỗi nhân vật lại được thể hiện trong nhiều trạng thái khác nhau. Ví du :

+ Khi chia đồ chơi, tâm trạng của Thuỷ rất mâu thuẫn : vừa thương anh vừa không muốn những con búp bê phải chia rẽ. Bởi thế, cô bé vừa giận dỗi với anh song đã lại chảy nước mắt.

+ Trước sự quyến luyến của hai anh em, người mẹ vừa phải giả giọng cay nghiệt (Thằng Thành, con Thuỷ đâu ) vừa không kìm nén được lòng mình (Mẹ vuốt tóc tôi và nhẹ nhàng dắt tay em Thuỷ : “Đi thôi con”). Việc thể hiện những tâm trạng phức tạp như vậy rất khó, cần phải tập đọc nhiều lần.

+ Giọng cô giáo và các bạn ngậm ngùi, đau xót,…

Nói chung, để có thể đọc diễn cảm được câu chuyện, bám sát các trạng thái cảm xúc, tâm trạng của các nhân vật, cần đọc kĩ để có thể thực sư nhập tâm vào diễn biến, hoàn cảnh của truyện.

II – KIẾN THỨC CƠ BẢN

Truyện Cuộc chia tay của những con búp bê viết về cuộc chia tay cảm động và đau xót giữa hai anh em Thành và Thuỷ, do bố mẹ các em li hôn. Nhân vật chính trong truyện là Thành (anh trai) và Thuỷ (em gái).

Câu chuyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể chính là người chứng kiến câu chuyện xảy ra, trực tiếp tham gia cốt truyện — tức là cùng chịu nỗi đau vì sự mất mát về tình cảm như em gái mình. Cách lựa chọn ngôi kể này giúp tác giả có điều kiện trực tiếp thể hiện suy nghĩ, tình cảm và diễn biến tâm trạng của nhân vật, tăng thêm tính chân thực của truyện, làm cho truyện hấp dẫn và sinh động hơn. Chính vì thế, mặc dù tiêu đề của truyện là Cuộc chia tay của những con búp bê nhưng người đọc vẫn hiểu là cuộc chia tay của Thành và Thuỷ. Tuy nhiên, tiêu đề truyện còn một hàm ý khác. Những con búp bê thường gợi liên tưởng đến sự hồn nhiên, trong sáng, vô tư. Cuộc chia tay của những con búp bê tạo ra một tình huống tâm lí – đó là cuộc chia tay không đáng có, cũng như không đáng có cuộc chia tay giữa Thành và Thuỷ – hai anh em vốn rất mực gần gũi, thương yêu và luôn luôn quan tâm, chia sẻ cùng nhau (biết anh bị rách áo, Thuỷ đem kim chỉ ra tận sân bóng vá áo cho anh ; Thành tỉ mỉ giúp em trong học tập, chiều nào cũng đến lớp đón em, vừa đi vừa trò chuyện ; Thành nhường hết đồ chơi cho em nhưng Thuỷ lại sợ “lấy ai gác đêm cho anh” nên lại nhường anh con búp bê Vệ Sĩ,…).

Đọc truyện, điều dễ nhận thấy là giữa lời nói và hành động của Thuỷ bộc lộ những mâu thuẫn rõ rệt khi thấy anh chia hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ ra hai bên : trong suy nghĩ, Thuỷ không muốn chia rẽ hai con búp bê, nên Thuỷ vừa ngạc nhiên vừa giận dữ “Sao anh ác thế !” đã lại rất thương Thành, sợ đêm đêm không có con Vệ Sĩ canh giấc ngủ cho anh. Đe giải quyết được mâu thuẫn ấy, chỉ có một cách duy nhất là bố mẹ các em không nên chia tay. Nhưng thực tế thật là nghiệt ngã. Cuộc chia tay của người lớn đã để lại hậu quả đau đớn cho các em. Cuối truyện, Thuỷ đã để lại con Vệ Sĩ, với một cử chỉ vầ giọng nói đứt khoát : “Em để nó ở lại… Anh phải hứa… Anh nhớ chưa ? Anh hứa đi !” — mỗi lời khẩn khoản của Thuỷ như một nhát dao cứa vào tâm hồn người đọc. Chứng kiến cảnh Thành và Thuỷ dành sư quan tâm chăm chút cho nhau, ai chẳng động lòng — nhất là đối với Thuỷ, một bé gái giàu lòng vị tha, vừa thương anh, vừa thương cả những con búp bê, không chịu để chúng chia lìa. Chi tiết Thuỷ để lại con Vệ Sĩ cho anh là một chi tiết có tính cao trào, đặc sắc, giàu ý nghĩa nhân văn của truyện.

Bố mẹ chia tay, Thuỷ phải xa ngôi trường thân thiết. Toàn những cảnh quen thuộc trên con đường mà hai anh em đã đi lại hàng nghìn lần từ tuổi ấu thơ, nhưng hôm nay Thuỷ đột nhiên dừng lại, “mắt cứ nhìn đau đáu vào một gốc cây hay một mái nhà nào đó”, rồi đến trước lớp 4B, “cắn chặt môi im lặng”.

Bạn bè kinh ngạc. Cô giáo kêu lên sửng sốt, an ủi vỗ về và tặng Thuỷ cuốn sổ cùng cây bút máy. Thật cảm động trước chi tiết cô kêu trời “tái mặt và nước mắt giàn giụa” khi biết rồi đây Thuỷ không được tiếp tục đi học nữa.

Không chỉ tiêu đề của truyện, không chỉ hành động để lại con búp bê Vệ Sĩ, chi tiết khi dắt Thuỷ ra khỏi trường, tâm trạng của Thành “kinh ngạc thấy mọi người đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật” cũng thể hiện rõ rệt sự tương phản và phi lí trong cuộc chia tay. Nó tạo nên tâm trạng bơ vơ, thất vọng của nhân vật trong truyện. Đó cũng là thông điệp về ý thức bảo vệ tình cảm gia đình mà nhà văn muốn gửi đến người đọc.

III – LIÊN HỆ

Đọc bài Hai chị em của nhà thơ Vương Trọng, có thể chia sẻ với tình cảnh của hai bạn Thành và Thuỷ trong bài văn :

–        Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa !

Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi

Thằng bé khóc bung chưa quen chịu đói

Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Bố mẹ đi sảng sớm, khác mọi hôm

Không nấu nướng và không hề trò chuyện

Hai cái bóng hai đâu ngõ hẻm

Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau ?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu

Ngoài hai tiêng ra tòa vừa nghe nói

Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi

Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.

Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve

Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp

Nó sung sướng vảo ra tíu tít

Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra…

Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa

Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ

Đứa còn mẹ thì thôi mất bố

Hai chị em rồi sẽ mất nhau.

Nín đi em… Em khản giọng khóc gào

Chị mếu máo đầm đìa nước mắt

Những bố mẹ bên bờ chia cắt

Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình.

(Mưa đền cây, NXB Phụ nữ, H, 1987)

File PDF

Xem thêm

Ca dao, dân ca – Những câu hát về tình cảm gia đình

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận