Bình giảng truyện Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri – Bài văn chọn lọc lớp 8

Đang tải...

Bình giảng truyện Chiếc lá cuối cùng

____________________________BÀI SỐ 26__________________________

Bình giảng truyện Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri

Bình giảng truyện Chiếc lá cuối cùng

BÀI LÀM

O Hen-ri (1862 – 1910) là nhà viết truyện ngắn nổi tiếng của Mĩ. Các truyện ngắn của ông đều mang những nét độc đáo riêng biệt, thể hiện tinh cảm ưu ái của ông đối với những con người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội Mĩ. Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện như vậy. Số lượng nhân vật của câu chuyện không nhiều. Chỉ có bốn người: Giôn-xi – cô hoạ sĩ bị ốm và Xiu – cô bạn cùng chung phòng trọ, người bác sĩ đến chữa bệnh cho Giôn-xi và cụ già Bơ-men – hoạ sĩ già sống cùng ngôi nhà trọ đó.

Với Chiếc lá cuối cùng, chúng ta bước vào thế giới của những nghệ sĩ nghèo. Họ tìm đến quảng trường Gri-niz gần công viên Oa-sinh-tơn không phải vì cái vẻ cổ kính, kì quặc, cũng không phải vì cái phong cảnh tuyệt vời của nó mà vì “tiền thuê rẻ”. Trong cái xã hội mà thước đo là đồng tiền thì “tiền thuê rẻ” cũng nói lên khá nhiều điều và tác giả cũng mỉa mai nhận xét: “phố này có một khả năng rất quý. Hãy tưởng tượng một tay thương nhân nào đó mang hoá đơn đòi tiền sơn hay giấy và vải vẽ đi qua con đường này, đột nhiên lại gặp ngay chính mình trở ra, tiền nợ không thu được một xu nhỏ”. Và cái không gian đó cho dù nó được gọi là quảng trường thì nó vẫn vị chia nhỏ thành những quảng trường “chằng chịt” khiến cho phạm vi không gian càng bị thu hẹp lại. Sự “chật hẹp” hiện ra như “mọc rêu” khiến cho khu nhà càng thêm cô quạnh, hoang tàn. Cái không gian nghèo nàn ngay từ bên ngoài ấy chỉ tiếp nhận những con người ngụ cư.

Họ đến từ các miền quê khác nhau: một cô từ bang Men tới, cô kia quê ở Ca-li-pho-ni-a và họ cùng thuê chung một phòng trọ. “Sở thích của họ về nghệ thuật món rau diếp xoăn trộn dầu dấm và kiểu ống tay rộng hợp nhau” cùng với nghệ hội hoạ mà họ lựa chọn đã gắn hai cô lại thành một đôi bạn thân thiết. Họ thuê phòng sống ở dây và hàng ngày làm việc “con đường dẫn tới nghệ thuật băng những bức tranh minh hoạ cho những truyện ngắn của các tạp chí, do các nhà văn trẻ viết để lát con đường của họ dẫn tới văn học”. Tất cả không ngoài mục đích tìm kiếm cái để lèn chặt dạ dày thường hay trống rỗng của họ và cao hơn nữa để duy trì sự sống của chính họ mỗi khi mùa đông băng giá đến. Công việc họ làm chắc chắn không đưa lại cho họ thu nhập cao trong khi đó họ có khá nhiều điều cần phải đối phó.

Nếu cái không gian được chọn để miêu tả đã sẵn có sự chật hẹp và mốc meo thì thời gian được miêu tả cũng có gam màu xám xịt. Khoảng thời gian mà hai cô gái quen nhau chưa nhiều. Họ làm bạn với nhau từ tháng năm và tới thặng mười một thì họ phải đương đầu với một thử thách lớn. Giôn-xi bị ốm. Đối với những người nghèo, cho dù họ là hoạ sĩ, thì đói rét và bệnh tật thường xuyên là khách không mời đáng ghét, thường xuyên gõ cửa rình rập và đe doạ họ. Trong mùa đông, điều đó càng trở nên ác liệt hơn. Và tác giả chọn bệnh tật làm đối tượng miêu tả trực tiếp để tả những phương diện khác. Chọn một nhân vật trong trạng thái ốm đau bệnh tật làm tiêu điểm cho hành vi hoạt động của các nhân vật khác là đòn bẫy để từ đó làm nỗi lên các tình cảnh nhân đạo, tạo ra thước đo phẩm chất nhân vật. Đây là cách làm quen thuộc ở ngòi bút o Hen-ri. Đây cũng là một cách tạo dựng tình huống có vấn đề dẫn dắt tới cách giải quyết đột biến, bất ngờ khi kết thúc truyện.

Song trước hết cũng cần phải đề cập tới cách thức sử dụng ngôn từ của tác giả. Dường như ông hài hước hoá tất cả, ông chế giễu tất cả. Bệnh tật – ở đây là bệnh viêm phổi – được ông miêu tả như là một gã đàn ông vô hình nhưng vô địch như một gã lực sĩ ngoại hạng sẵn sàng so găng với mọi đối thủ ở bất kì hạng cân nào. Đó là “gã khách lạ, lạnh lẽo, chưa ai từng thấy, mà thầy thuốc gọi là chứng viêm phổi, oai vệ đi khắp xóm, ngón tay lạnh ngắt của gã chạm vào chỗ này một người chỗ kia một người”. Đó là “tên bợm già có hơi thở dồn dập và nắm tay đỏ lòm”. Hắn đáu vào Giôn-xi “một phụ nữ nhỏ bé, thiếu máu” và khiến cô ta nằm lăn ra bất động. Chuyện đó xảy ra vào tháng mười một.

Người phụ nữ bất hạnh, bất lực trước bệnh tật, bất động trên chiếc giường sắt sơn, tạo ra ấn tượng về một bức tranh được đóng khung treo tường. Không gian trở nên hẹp hơn, sự vật đi vào chiều tĩnh lặng. Duy đôi mắt của người bệnh là còn dấu hiệu của sự sống, song đôi mắt ấy cứ “trân trân nhìn cái đầu hồi nhà gạch bên cạnh”. Cái nhìn “trân trân”, cái nhìn bất động khiến cho mọi sự hoạt động như ngừng lại. Màu sắc của bức tranh ảm đạm hơn, và tiếp đó được gia tăng qua trạng thái tinh thần của người bệnh được đưa ra qua nhận xét của bác sĩ: “cái cung cách con người ta cứ sắp hàng đứng sẵn bên phía anh chủ thâu đám ma, làm cho mọi thứ thuốc men đều trở thành vô dụng”. “Nhưng khi nào bệnh nhân bắt đếm những chiếc xe đi theo đám tang của mình thì tôi phải loại trừ khả năng chữa bệnh của thuốc men đi năm mươi phần trăm”. Thêm vào đó là cách diễn đạt của bác sĩ cũng khá cụ thể theo một thang độ so sánh rõ ràng: “bệnh tình của cô ấy có thể nói là mười phần chỉ còn hi vọng được một phần thôi”. “Nếu chị làm cho cô ta hỏi được một câu về mốt tay áo mới của áo choàng mùa đông thì tôi xin thưa với chị là khả năng khỏi bệnh của cô ấy sẽ là một trăm năm chứ không phải trên mười nữa”.

Và cô bệnh nhân ấy “yên trí là mình không thể hỏi được” đã bình thản lạnh lùng nhìn qua cửa sỗ trong tư thế nằm trong giường bệnh đếm từng chiếc lá thường xuân đang rụng dần trong gió lạnh.

Đối với Giôn-xi, chiếc lá là biểu tượng của thước đo thời gian, thước đo cuộc đời. Cuộc đời của cô, cô đã xây dựng cho mình một niềm tin bất hạnh: cô sẽ ra đi khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống. Một niềm tin định mệnh đớn đau. “Trong khắp thế gian, cô đơn nhất là một tâm hồn đã chuẩn bị cho chuyến đi xa xôi bí ẩn của minh. Những sợi dây ràng buộc cô với tình bạn, với thế gian này cứ lơi lỏng dần từng cái một thì ý nghĩ kì quặc kia hình như lại càng choán lấy tâm trí cô mạnh mẽ hơn”. Sự so sánh cuộc đời con người với chiếc lá mong manh trước làn gió mạnh trong giá rét phũ phàng của mùa đông là một sự so sánh tuyệt vời sâu sắc. Nghèo thường đi đôi với hèn, nhưng ở đây không phải cuộc sống tựa vai vào người khác như vậy. Giôn-xi tự cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác, cô đau khổ tự giày vò vì thấy người khác phải chăm sóc mình, phải bận tâm vì mình. Niềm hi vọng ở đây duy nhất cô đặt cả vào chiếc lá thường xuân vàng úa, mỏng manh, đăng quằn quại trong gió lạnh. Cuộc đời của cô sẽ chấm dứt khi chiếc lá đó lìa cành. Đây quả là một sự so sánh tuyệt vời rất phù hợp với kiểu tư duy hình tượng Đông phương. Cuộc đời được ví với những cái mảnh mai yếu ớt, dễ đỗ, dễ vỡ, là ngọn đèn cạn dầu leo lét trước gió. Và cuộc đấu tranh để bảo tồn cái nhỏ nhoi ấy, để bảo vệ cái nhỏ nhoi ấy là phẩm chất tuyệt vời của tình người.

Câu chuyện Giôn-xi nhìn chiếc lá định mệnh để đón giờ phút lâm chung, được Xiu, cô bạn gái lớn tuổi hơn và là người đang cưu mang Giôn-xi, nói lại với cụ Bơ-men. Cụ cũng là một hoạ sĩ nhưng “lại là người thất bại trong nghệ thuật”. Bởi lẽ, “cụ múa cây bút vẽ đã bốn mươi năm mà vẫn không với tới được gấu áo vị nữ thần của mình”. Nhưng con người già nua trong tuổi tác ấy (cụ đã ngoài sáu mươi tuổi) lại không hề già trong ý đồ tạo dựng nghệ thuật, “cụ luôn luôn có ý định vẽ một bức tranh kiệt tác”, nhưng tiếc thay “chưa bao giờ bắt đầu cả”. Cụ kiếm tiền bằng cách ngồi làm mẫu cho các hoạ sĩ. Cho dù vậy cụ vẫn luôn luôn nói về cái “tác phẩm kiệt xuất sắp tới”. Điều đáng quý ở cụ là cụ hay “chế nhạo cay độc sự mềm yếu của bất kì ai” và “tự coi mình là con chó xồm lớn chuyên gác cửa bảo vệ hai nữ nghệ sĩ Giôn-xi và Xiu.

Câu chuyện về cuộc đời yếu đuối và mong manh như chiếc ỉá giữa cơn phong ba của Giôn-xi, qua cửa miệng của Xiu đã được cụ già Bơ-men tiếp đón bằng sự “khinh bỉ và nhạo báng”. Nhưng bất chấp thái độ của cụ già, căn bệnh của Giôn-xi không hề thuyên giảm. Và cụ già “nhỏ bé dữ tợn” đã hứa một cách trịnh trọng qua mùi rượu dâu loại nặng “sặc sụa”: “Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất”. Tác phẩm kiệt xuất là mơ ước suốt đời của cụ già nghệ sĩ này. Một ngày mới lại về và Giôn-xi “thều thào ra lệnh” kéo chiếc màn xanh để cô ta nhìn ra ngoài, cho dù Xiu không muốn. Xiu phải “làm theo một cách chán nản”. “Nhưng, ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài cả một đêm, tưởng chừng không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Tuỵ ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ”. Và “ngày hôm đó trôi qua và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc níu vào cái cuống của nó trên tường. Thế rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lại ào ào, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ và rơi lộp độp xuống đất từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan”.

Chiếc màn xanh lại được kéo lên khi buổi sáng lại về. “Chiếc iá thường xuân vẫn còn đó”. Và Giôn-xi chợt hiểu ra “Có một cái gì đấy làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào” và hi vọng “một ngày nào đó em hy vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ” lại trỗi dậy trong cô; cùng với niềm hi vọng ấy nhựa sống lại lên men, nghị lực và mầm sống lại hồi sinh, khiến bác sĩ phải thốt lên: “được năm phần mười rồi”. “Chăm sóc chu đáo thì chị sẽ thắng” và “Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã thắng. Giờ chỉ còn việc bồi dưỡng và chăm nom – thế thôi”. Điều gì khiến Giôn-xi khoẻ trở lại? Có thể một phần do thuốc men phát huy hiệu lực, có thể một phần do bàn tay chăm sóc chu đáo của Xiu. Hẳn là thế. Nhưng bao trùm lên tất cả, cái đã lôi Giôn-xi ra khỏi con đường dẫn về cõi hư vô là màu xanh của chiếc lá thường xuân, chiếc là cuối cùng trên bức tường đối diện với phòng của họ. “Chiếc lá đó chẳng bao giờ nói rung rinh hoặc lay động khi gió thổi”. Bởi vì đó chính là tác phẩm kiệt xuất của cụ Bơ-men. Cụ đã vẽ nó vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng. Và để tạo được tác phẩm kiệt xuất ấy cụ Bơ-men đã không ngần ngại đỗi nó bằng cuộc sống của chính mình. Nghệ thuật chân chính mang trong nó chức năng sinh thành và tái tạo. Nó thức dậy niềm tin vào cuộc sống, nó mở đường cho những khát vọng lớn lao, nó chắp cánh cho những ước mơ tái tạo, Và vì thế, cho dù hình tượng Bơ-men chỉ được phác tả, lại là hình tượng tạo được ấn tượng sâu sắc nhất. Trong tác phẩm này, dưới ngòi bút của o Hen-ri, con quỷ bệnh tật đang rình rập để hòng tước đoạt niềm tin vào cuộc sống ở Giôn-xi đã bị cụ già Bơ-men đánh bại. Cụ đã trả lại màu xanh cho chiếc lá đã úa vàng, trả lại màu hồng cho đôi má của người được phác hoạ, hình tượng cụ Bơ-men vẫn sống trong lòng người đọc bởi kiệt tác mà cụ đã tạo ra bằng màu xanh hi vọng, một chiếc lá vẽ đã cứu một mạng người. Chiếc lá cuối cùng trở thành niềm hi vọng của sự hồi sinh được xây dựng bằng tình người.

Bình giảng truyện Chiếc lá cuối cùng

TẢI VỀ FILE

>> Xem thêm :

+ Cảm nhận về nhân vật Bơ-men trong truyện Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri – Bài văn chọn lọc lớp 8

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận