Bài viết số 6 – Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao tập 2

Đang tải...

Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao tập 2

I – BÀI TẬP

      1. Nhận xét về đặc điểm và yêu cầu của các đề văn nêu ở Bài viết số 6 trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai.

      2. Hãy chuẩn bị để phát biểu ý kiến của anh (chị) về nhận xét sau đây : Tình cảm yêu nước trong thơ mới rất mờ nhạt, mơ hồ.

      3. Tìm hiểu và nêu phương hướng lập ý cho các đề văn sau :

      Đề 1. Cái tôi độc đáo của Tản Đà trong bài Hầu Trời.

      Đề 2. Hình tượng nhân vật trữ tình trong bài Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu.

      Đề 3. Thành công của Xuân Diệu trong việc sử dụng hình ảnh và nhịp điệu ở các bài thơ Vội vàng, Đây mùa thu tới và Thơ duyên.

II – GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

       1. Bài viết số 6 chủ yếu hướng vào các tác phẩm thơ, rèn luyện cách phân tích thơ hiện đại đầu thế kỉ XX cho học sinh. Các đề đều gắn với những tác phẩm văn học đang học trong phần Đọc văn như Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu, Hầu Trời (Tản Đà), một số bài thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận,… Vì thế để viết tốt bài văn này, cần nắm vững các giá trị về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm, đã học.

        2. Một nhận xét nào đó có thể đúng hoàn toàn, có thể sai và có thể vừa đúng vừa sai ; cũng có những nhận xét chưa chuẩn xác, cần điều chỉnh. Bài tập này nêu lên một nhận xét tình cảm trong thơ mới. Nhận xét ấy đúng, sai như thế nào tuỳ vào nhận thức của học sinh. Cần vận dụng những hiểu biết về lập luận bác bỏ đã học.

       3. Một số gợi ý về phương hướng giải các đề

       Đề 1.Cái tôi trong thơ trữ tình là sự bộc lộ bản lĩnh và ỷ thức cá nhân của nhà thơ trước hiện thực cuộc sống. Nó thường thể hiện qua cách xưng hô, cách nói, giọng điệu, cách dùng từ ngữ, hình ảnh,…

       − Ở bài thơ Hầu Trời, cái tôi độc đáo của Tản Đà được thể hiện trên nhiều phương diện : từ việc “bịa” chuyện “hầu Trời” đến cách xưng hô tên tuổi, quế quán ; từ nụ cười hóm hỉnh, tinh quái sau câu chữ đến cách tự đề cao mình (tự cho văn mình hay đến mức Trời cũng phải tán thưởng ; không thấy ai có thể làm tri âm, tri kỉ với mình ngoài Trời và chư tiên, tự xem mình là “trích tiên” bị đày xuống hạ giới vì tội ngông, coi các đấng siêu nhiên cũng bình dân, suồng sã, ngang hàng với mình,…). Đấy chính là những biểu hiện của một cái tôi “ngông ngạo”, “ngông nghênh” thường thấy trong văn học trung đại nhưng cũng in đậm dấu ấn của Tản Đà.

       Đề 2. Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương thể hiện ở một số phương diện sau đây :

       − Vẻ đẹp của “chí làm trai”.

       − Vẻ đẹp của tinh thần dám chịu trách nhiệm trước lịch sử.

       − Vẻ đẹp của tinh thần cách mạng, thấm thìa nỗi nhục mất nước.

       − Vẻ đẹp “hùng tâm tráng chí” của con người quyết ra đi.

       Có thể nói Vẻ đẹp của nhân vật trữ tình thể hiện rõ nhất ở hình ảnh ra đi và ước nguyện “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió” ở cuối bài thơ.

       Hai câu thơ kết bài nói lên rất rõ cái “hùng tâm tráng chí” của người viết. Cái ước nguyện của tác giả thật lớn lao, cao cả. Nội dung tâm hồn, tình cảm ấy được diễn tả bằng giọng thơ đĩnh đạc, ung dung. Người ra đi lồng lộng giữa đất trời, biển cả . Bể Đông, cánh gió, sóng bạc,… hay là cả đất trời non nước quê hương đã tiễn con người ấy ra đi. Hình ảnh người ra đi đạp trên muôn trùng sóng bạc nhắc ta nhớ tới câu nói nổi tiếng của người anh hùng Triệu Thị Trinh năm xưa : “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp sóng dữ chém cá kình ở biển Đông…”.

       Đề 3. Để tạo nên bộ “y phục tối tân” giữa làng thơ mới Việt Nam hồi đầu thế kỉ XX, Xuân Diệu đã thay đổi và cách tân nhiều yếu tố hình thức của thơ ca. Hình ảnh và nhịp điệu là những yếu tố nổi bật trong đó.

       − Từ các bài thơ đã nêu trong đề, người viết chỉ ra các từ ngữ – hình ảnh và những cách ngắt nhịp độc đáo, khác lạ nhằm làm mới câu thơ, ý thơ. Phân tích và chỉ ra vai trò và tác dụng của các yếu tố hình ảnh và nhịp điệu ấy trong việc thể hiện nội dung.

      − Một số hình ảnh độc đáo : “Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu – Lả lả cành hoang, nắng trở chiều”, “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá”, “Mây biếc về đâu bay gấp gấp – Con cò trên ruộng cánh phân vân” (Thơ duyên), “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang – Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”, “Những luồng run rẩy rung rinh lá… – Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”, “ít nhiều thiếu nữ buồn không nói – Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì” (Đây mùa thu tới), “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, “Con gió xinh thì thào trong lá biếc”, Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !” (Vội vàng).

      − Nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp, vồ vập, cuống quýt,… thể hiện khá rõ trong bài Vội vàng ; nhịp điệu tha thiết, êm ả, mơ hồ, có phần u hoài, bâng khuâng,… thể hiện khá rõ trong các bài Thơ duyên và Đây mùa thu tới.

Xem thêm Trả bài viết số 5 tại đây

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận