Đề 55 – Bàn về vấn đề tự giáo dục – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đang tải...

Bàn về vấn đề tự giáo dục

ĐỀ 55: Có ý kiến cho rằng: “Mọi người nhận hai thứ giáo dục, một thứ là do người khác truyền cho và một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo. Bàn về vấn đề tự giáo dục.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:

Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí thông qua một câu nhận định (Mỗi người nhận hai thứ giáo dục, một thứ là do người khác truyền cho và một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo)

– Giải thích khái niệm “tự giáo dục”: nghĩa đen, nghĩa bóng?

– Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho tự giáo dục?

– Bàn luận, mở rộng vấn đề: một con người không có giáo dục cũng như không biết tự trui rèn đạo đức, phẩm chất của bản thân thì con người ấy sẽ như thế nào?

– Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)

– Bản thân em đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nào?

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

– Kiến thức của nhân loại là vô bờ bến, chúng ta tiếp thu những kiến thức ấy không chỉ nhờ giáo viên truyền cho ta mà còn do ta phải tự mình kiếm lấy bằng cách tích luỹ từ nhũng thất bại.

– Vậy tự giáo dục có giá trị như thế nào đối với chúng ta?

– Trích dẫn câu nhận định.

II. THÂN BÀI

a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)

Tự giáo dục có nghĩa là gì? => Đó là chúng ta tự mình đúc kết những kinh nghiệm từ những lần thất bại, hoặc tự mình đọc thêm sách báo, tham khảo thêm nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Và vấn đề tự giáo dục quan trọng hơn cả việc người khác truyền kiến thức cho ta.

b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)

Người luôn luôn có tinh thần tự giáo dục là người như thế nào?

Đó là người có sự phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống. Biết vươn lên sau khi thất bại. Biết rút kinh nghiệm và tự mình hoàn thiện không chỉ về mặt kiến thức mà còn về mặt tinh thần, tư tưởng.

Tại sao chúng ta phải tự giáo dục?

+ Bởi vì kiến thức nhân loại và hiểu biết đời sống là bao la, không có giới hạn nào cả.

Nếu như ta không tự giáo dục lấy bản thân thì ta sẽ theo sau thời đại, sẽ là người lỗi thời.

+ Tự giáo dục còn giúp cho ta rèn luyện những đức tính tốt khác như: kiên tri, nhẫn nại, tinh thần ham học hỏi.

+ Dẫn chứng: Trong việc học tập, ngoài kiến thức ở lớp, chúng ta còn phải đọc thêm sách báo, xem ti vi để biết thêm nhiều kiến thức hơn. Trong cuộc sống, mỗi khi ta vấp ngã, sai lầm cần phải biết rút kinh nghiệm, bài học cho bản thân để từ đó mà hoàn thiện nhân cách đạo đức cùa mình.

c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Có những con người luôn có tư tưởng “ếch ngồi đáy giếng” tự cho là mình là người hiểu biết, biết hết kiến thức của thiên hạ. Hoặc có những người hay ỷ lại vào thầy cô là người truyền đạt kiến thức và như thế là đủ nhưng họ đâu biết rằng kiến thức nhân loại là bao la, không bao giờ chúng ta học hết đưọc.

III. Kết bài

– Tự giáo dục là đức tính tốt và ta cần duy trì nó thường xuyên.

– Riêng bản thân em sẽ luôn phấn đấu, nỗ lực để tự trau dồi, học hỏi thêm nhiều kiến thức hơn không chỉ trong sách vở mà còn ngoài thực tế cuộc sống.

BÀI VĂN THAM KHẢO

Mỗi chúng ta ai cũng được giáo dục, được học hỏi nhiều điều hay từ thầy cô, bạn bè và có thể học từ chính bản thân chúng ta. Vì vậy có ý kiến cho rằng: “Mỗi người nhận hai thứ giáo dục, một thứ là do người khác truyền cho và một thứ quan trọng hơn là do chính mình tự tạo”. Vậy ta hiểu “tự giáo dục” là như thế nào?

Quả đúng như vậy, tự giáo dục là tự mình dạy bản thân, rút ra bài học từ chính con người mình hay được chỉ dạy những điều tốt, hay, dở từ người khác và đó cũng chính là sự tự nhận thức, có cái nhìn về những vấn đề có sự ảnh hưởng đến sự phát triển của bản thân. Vậy tại sao chúng ta cần được giáo dục?

Một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và dân tộc thông qua sự giáo dục của cộng đồng. Chính sách giáo dục là điểm bắt đầu, là nơi sản sinh ra nguồn lực cho sự cường thịnh cùa một nước. Vì thế mà chúng ta cần phải được giáo dục toàn diện. Cũng giống như anh trai tôi, anh ấy đã được nhận và tiếp thu những kiến thức chuyên môn để giờ đây anh ấy trở thành tổng giám đốc của một công ti phần mềm và không ngừng ở đó, anh ấy còn tự giáo dục bản thân về nhiều mặt khác.

Trong cuộc sống hiện nay, nếu muốn thành công, được người khác yêu mến, tôn trọng thì bản thân phải luôn tiếp thu những điều mà người khác mang lại cho mình, từ đó mà tự cải tạo, chấn chỉnh bản thân và trở thành con người có nhân cách và phẩm chất, đạo đức tốt.

Bên cạnh đó còn có những thành phần xã hội không được giáo dục, họ cũng không thể tự nhận thức được chính bản thân, có những gia đình cha mẹ không được giáo dục đủ trình độ và khi có con thì không đủ kinh phí để cho con cái đi học và vì thế những đứa con ấy đã trở thành thành phần xấu của xã hội, bị mọi người chê bai, xa lánh.

Tóm lại, đất nước chúng ta có cường thịnh hay không tuỳ thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sinh ra những nhân tài thực sự hay không. Đó không phải là một việc khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng gì hơn.

(Bài làm của HS)

>> Xem thêm Đề 56: Bàn về lời khuyên” Có chí thì nên” tại đây.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận