Chí Phèo – Nam Cao – Sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 tập một

Đang tải...

Chí Phèo – Nam Cao

Phần một: TÁC GIẢ

I. BÀI TẬP

1. Vì sao có thể nói, quan điểm nghệ thuật của Nam Cao khá hệ thống, toàn diện và tiến bộ ?

2. Nêu vắn tắt những giá trị nổi bật ở mỗi mảng đề tài trong sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng.

3. Hãy trình bày ngắn gọn đặc điểm bút pháp nghệ thuật của Nam Cao.

4. Hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao đã nói lên được điều gì về tính hiện thực và nhân đạo của tác phẩm ?

II. GỢI Ý LÀM BÀI

1. Nam Cao là một trong số không nhiều các nhà văn trước Cách mạng tự giác về quan điểm nghệ thuật. Mặc dù không có những tác phẩm chính luận chuyên bàn về quan điểm nghệ thuật, nhưng rải rác trong các sáng tác của Nam Cao, ta thấy quan điểm nghệ thuật của ông khá hệ thống, nhất quán và có nhiều điểm tiến bộ so với phần đông nhà văn cùng thời. Nhiều khía cạnh trong quan điểm đó chứng tỏ sự phát triển ở trình độ cao của tư duy nghệ thuật hiện thực. Bởi thế, có thể nói, phải đến Nam Cao, chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam mới thực sự tự giác đầy đủ về những nguyên tắc sáng tác của nó. Phần này trong SGK đã trình bày khá kĩ, ở đây chỉ lưu ý một số điểm sau:

– Kể từ năm 1940 trở đi, đặc biệt là từ năm 1943, với sự ra đời của bản Đề cương văn hoá của Hội Văn hoá cứu quốc, xác định quan điểm nghệ thuật trở thành một vấn đề tâm huyết trong nhiều tác phẩm của Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao,… Trong số này, tiêu biểu hơn cả là Nam Cao. Có thể nói, ông là người phê phán văn học lãng mạn tiêu cực một cách kiên quyết, triệt để và toàn diện nhất. Ông cho rằng âm hưởng chủ đạo của các tác phẩm lãng mạn thoát li là “cái giọng sướt mướt của kẻ thất tình”. Nhà văn phê phán đích đáng bệnh chạy theo thời thượng của các cây bút lãng mạn thoát li lúc bấy giờ : “đua nhau tả những cuộc tình duyên của trai thành thị gái đồng quê. Vai chủ động trong các truyện ấy đều là những cô thôn nữ rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ” (Một chuyện xú vơ nia).

– Lên án văn học lãng mạn thoát li, Nam Cao khẳng định văn học hiện thực, khẳng định nghệ thuật vị nhân sinh. Ông cho rằng “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối ; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” ; nhà văn cần phải “đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…” (Giăng sáng).

–  Nam Cao quan niệm một tác phẩm hiện thực phải có giá trị phổ quát: “vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn”, đặc biệt phải thấm nhuần nội dung nhân đạo cao cả : “chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mê, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời thừa). Phải đặt quan điểm này vào hoàn cảnh phức tạp của văn học Việt Nam đương thời mới thấy hết ý nghĩa của nó, mới thấy yêu cầu xác đáng của Nam Cao đối với một tác phẩm hiện thực chủ nghĩa chân chính.

– Trong số những nhà văn hiện thực trước Cách mạng, Nam Cao là người có ý thức trách nhiệm cao về ngòi bút của mình. Thẹo ông, nghề viết văn trước hết phải là một nghề sáng tạo. Nhà văn phải biết “khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có”. Ông châm biếm sâu cay những cây bút thiếu bản lĩnh, a dua chạy theo thị hiếu tầm thường “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Để làm được công việc khó khăn ấy, Nam Cao cho rằng nhà văn phải “đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán” và có lương tâm nghề nghiệp, nhất là không được cẩu thả, “cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” (Đời thừa).

– Trước Cách mạng, Nam Cao đã có khoảng hơn 60 tác phẩm được in, tập trung vào hai mảng đề tài người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.

Anh (chị) cần đọc kĩ mục 11.2, SGK để làm bài tập.

3. Nam Cao là cây bút có phong cách nghệ thuật độc đáo :

– Có biệt tài diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật.

– Tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm sinh động, chân thật.

– Phá vỡ lối kết cấu theo trình tự thời gian truyền thống.

– Miêu tả những cái nhỏ nhặt, xoàng xĩnh hằng ngày mà nêu được những triết lí sâu sắc.

– Có giọng điệu riêng.

4. – Theo yêu cầu của đề, phải từ hình tượng của nhân vật mà nói rõ giá trị của tác phẩm. Vì vậy, không thể chỉ nói các giá trị mà không có những bằng chứng rút ra từ hình tượng nhân vật hoặc chỉ kể lại hình tượng nhân vật không nhằm một định hướng nào.

– Tác phẩm trong ý nghĩa khách quan, có thể hàm chứa nhiều giá trị. Trước hết phải làm nổi bật giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Có như vậy, trọng tâm của bài mới nổi rõ đúng như đề ra.

– Sau phần mở đầu, lần lượt trình bày từng giá trị. Giá trị hiện thực chủ yếu là phản ánh đúng đắn sự tha hoá của ngưòi nông dân dưới ách thống trị của bọn phong kiến, đế quốc thời Pháp thuộc. Giá trị nhân đạo chủ yếu là sự phản ánh “trong cùng cực”, Chí Phèo vẫn mong muốn một cuộc sống bình thường, một hạnh phúc giản đơn. Cái thiện căn của con người vẫn chưa chết hẳn.

– Khi đề cập đến giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm, cũng nói đến nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật với các chi tiết cụ thể, có lựa chọn.

Để tránh trùng lặp, những tìm tòi quan sát này có thể không tách thành từng phần riêng biệt.

Phần hai: TÁC PHẨM

I. BÀI TẬP

1. Nhan đề đầu tiên của truyện ngắn Chí Phèo là Cái lò gạch cũ, nhưng trước Cách mạng tháng Tám, khi in thành sách, nhà xuất bản tự ý đổi thành Đôi lứa xứng đôi. Anh (chị) nhận xét gì về hai nhan đề này của tác phẩm ?

2. Hãy phân tích hình tượng nhân vật thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo.

3. Anh (chị) hãy nêu một số nhận xét về thành công nghệ thuật của Nam Cao trong tác phẩm này.

II. GỢI Ý LÀM BÀI

1. – Đặt tên truyện là Cái lò gạch cũ, phải chăng tác giả muốn nói đến sự luẩn quẩn bế tắc, gắn với hình ảnh Chí Phèo ở đầu truyện, khi nó còn là thằng bé đỏ hỏn được bọc trong một váy đụp vứt ở cái lò gạch bỏ không và hình ảnh cuối truyện : thị Nở, sau khi nghe tin Chí Phèo đã đâm chết bá Kiến và tự sát một cách khủng khiếp, đã nhớ lại những lúc gần gũi với hắn và nhìn nhanh xuống bụng rồi thoáng thấy hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không ở nơi vắng người qua lại ? Có thể sẽ có một Chí Phèo con ra đòi cũng ở cái lò gạch ấy để “nối nghiệp” bố. Như vậy, Cái lò gạch cũ như là biểu tượng về sự tồn tại của hiện tượng Chí Phèo trong một xã hội bất công, trong một môi trường sống phi nhân tính, gắn liền với chủ đề chính của tác phẩm.

– Còn Đôi lứa xứng đôi thì nhấn mạnh vào tính bản năng trong mối tình giữa Chí Phèo và thị Nở – một con “quỷ dữ của làng Vũ Đại” mặt mũi “vằn dọc vằn ngang” và một mụ đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” bị người ta tránh như “tránh một vật nào rất tởm”. Như vậy, cách đặt tên Đôi lứa xứng đôi, dễ gây sự tò mô, nhưng chưa phản ánh đúng nội dung cơ bản của tác phẩm.

2. Nhân vật thị Nở :

– Trước hết, đây là con người bất hạnh, dị dạng, xấu xí, nhưng thị cũng khao khát hạnh phúc như bao người phụ nữ bình thường khác. Sau khi gặp Chí Phèo, thị thấy tiếng “vợ chồng” ngường ngượng mà thinh thích. Như vậy, chứng tỏ được sống có vợ có chồng là niềm mong ước âm thầm của người đàn bà khốn khổ này.

– Thị Nở là một người tình nghĩa và yêu thương Chí Phèo một cách chân thành, mộc mạc. Thấy Chí Phèo ốm, thị nghĩ : “còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình”. Vì thế, thị đã nấu cháo hành và ân cần múc cho Chí ăn. Thị sống với Chí năm ngày và hai người “nhất định là lấy nhau”.

– Điều đáng nói là nếu như ban đầu, thị Nở chỉ khơi dậy ở Chí Phèo bản năng đàn ông thì sau đó, sự săn sóc ân tình, giản dị và tình thương yêu mộc mạc của người đàn bà này đã khơi gợi nhân tính, đánh thức bản chất lương thiện lâu nay bị vùi dập nhưng vẫn không tắt trong Chí Phèo.

Miêu tả với giọng văn như đùa cợt, chế giễu, nhưng cũng đầy thương cảm, Nam Cao đã thể hiện thái độ đồng cảm đối với thị Nở ; mặt khác, ông đã khẳng định mạnh mẽ vai trò to lớn của người đàn bà này trong việc khiến cho Chí Phèo thức tỉnh. Thị Nở là nhân vật được xây dựng thành cộng, bằng một ngòi bút miêu tả quá sắc sảo, tô đậm những chi tiết về ngoại hình, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Thị Nở là một nhân vật điển hình, góp phần làm rõ tính bi kịch bị cự tuyệt quyền làm ngưòi của nhân vật trung tâm là Chí Phèo, và cũng góp phần quan trọng thể hiện chủ đề của tác phẩm.

3. – Về mặt nghệ thuật, trước hết Chí Phèo đã ghi nhận thành công trong việc xây dựng nhân vật, tiêu biểu nhất phải kể đến nhân vật Chí Phèo và bá Kiến. Đây có thể coi là những nhân vật điển hình sắc nét vừa có ý nghĩa tiêu biểu, vừa hết sức sinh động, có cá tính độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Khi xây dựng những nhân vật ấy, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật. (Tiêu biểu nhất là tâm lí của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở và khi tình yêu của Chí bị thị Nở từ chối).

– Chí Phèo có một lối kết cấu mới mẻ, tưởng như vô cùng phóng túng, thoải mái, không theo trình tự thời gian, lúc đầu đi thẳng vào giữa truyện, sau mới ngược thời gian kể về lai lịch nhân vật. Tuy vậy, thực chất lại rất chặt chẽ, hợp lôgíc.

– Cốt truyện rất hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính và luôn biến hoá đầy bất ngờ, càng về cuối càng gay cấn, quyết liệt.

– Ngôn ngữ trong tác phẩm rất sống động, vừa điêu luyện, nghệ thuật vừa rất gần với lời ăn tiếng nói trong đời sống thường nhật. Giọng điệu của tác phẩm phong phú và biến hoá, có sự đan xen lẫn nhau. Cách trần thuật cũng rất linh hoạt, lúc thì trần thuật theo quan điểm của tác giả, lúc thì trần thuật theo nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo nhân vật bá Kiến, thị Nở,… Nhà văn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên, linh hoạt.

 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận