Viết bài làm văn số 3 – Nghị luận văn học – SBT Ngữ Văn lớp 11 tập 1

Đang tải...

Viết bài làm văn 3 nghị luận văn học

I. BÀI TẬP

1. Đề 1, trang 92, SGK.

2. Ý kiến của anh (chị) về một trong những điểm đặc sắc của phần “thích thực” trong bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.

II. GỢI Ý LÀM BÀI

1. a) Khi phân tích đề bài, cần chú ý :

– Đề văn nêu yêu cầu so sánh ; vì vậy, anh (chị), cần sử dụng thao tác lập luận so sánh để làm bài. Song đừng vội cho rằng, ở đây, thao tác lập luận so sánh được dùng chỉ để nhằm rút ra những nét khác nhau giữa hai chị em, hai người con gái đẹp, cho dù sự khác nhau đó là nội dung chủ yếu nhất và lí thú nhất của bài làm. Trong bài, thao tác ấy còn cần được vận dụng để tìm ra sự giống nhau giữa hai nhân vật đó ; có thế, bài làm mới mong trở nên phong phú, toàn diện.

– Bài làm không thể dừng lại ở sự so sánh đơn thuần về sắc, về tài. Đấy mới là sự so sánh đầu tiên. Điều quan trọng nhất là, qua những điểm giống nhau và nhất là qua sự khác nhau về tài hay về sắc, Nguyễn Du muốn người đọc nhận ra tính cách và số phận của mỗi giai nhân – điều còn quan trọng hơn là tài năng hay nhan sắc.

. – Thông qua sự so sánh giữa hai nhân vật, cần nhận ra và làm rõ nghệ thuật tả người tài tình của Nguyễn Du. Nên coi đây cũng là một yêu cầu cần thiết của bài làm.

b) Phần thân bài của bài làm có thể nêu lên những ý sau :

– “Hai ả tố nga” trong Truyện Kiều có những nét rất giống nhau :

+ Cả hai chị em đều là những giai nhân tuyệt sắc “mười phân vẹn mười’’.

+ Nhan sắc của cả hai như đều báo hiệu rằng, ẩn chứa trong đó là một tâm hồn đẹp đẽ, hoặc phúc hậu, hoặc đằm thắm, mặn mà.

– Nhưng Thuý Kiều và Thuý Vân lại có những nét đẹp rất khác nhau :

+ Trong cách miêu tả của Nguyễn Du, vẻ đẹp của Thuý Vân được làm nên từ một ngoại hình (khuôn mặt, nét mày, tiếng cười, giọng nói, nước tóc, màu da) trang trọng, đầy đặn, nở nang, trong khi vẻ đẹp của Thuý Kiều lại được làm nên từ sự sắc sảo, thắm tươi như toả ra từ đòi sống nội tâm của người con gái ấy (nét đẹp ngoại hình duy nhất của Kiều được Nguyễn Du nói đến, không phải ngẫu nhiên, lại là, và phải là đôi mắt).

+ Nhan sắc của hai chị em đều đẹp hơn những vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhưng với Thuý Vân, thiên nhiên chịu thua, nhường, trong khi vói Thuý Kiều, thiên nhiên lại hờn, ghen.

+ Nguyễn Du không hề nói đến tài của Thuý Vân mà chỉ nói đến tài của Thuý Kiều. Và cái tài của Thuý Kiều được Nguyễn Du miêu tả kĩ nhất lại là tài âm nhạc, thứ nghệ thuật mà có ngưòi đã gọi là “bản ghi nhanh của tình cảm”. Và bản đàn Thuý Kiều tâm đắc nhất lại là khúc nhạc có cái tên buồn não lòng : bạc mệnh.

– Nguyễn Du rõ ràng đã không chỉ so sánh tài sắc của chị em Kiều, mà còn muốn người đọc, thông qua tài sắc mà nhìn ra được tính cách và đoán ra được số phận của mỗi ngưòi (nàng Vân nhân hậu, hiền lành, còn nàng Kiều sắc sảo, tài tình, thắm thiết ; cuộc đời Thuý Vân sẽ bình lặng; còn cuộc đời Thuý Kiều sẽ sóng gió, đa đoan).

2. a) Khi phân tích đề bài, cần chú ý :

– Xác định rõ đâu là phần “thích thực” của bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc để sự trình bày không thiếu (không bỏ sót các từ ngữ, câu văn, hình ảnh đặc sắc), cũng không thừa (lạc sang các phần khác của bài Văn tế).

– Không nên lầm tưởng đề bài yêu cầu nói về tất cả những điểm đặc sắc trong phần “thích thực” của bài Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc. Trong bài làm, cần chọn ra một trong những điểm đặc sắc ấy để trình bày, luận giải. Việc chọn điểm đặc sắc nào để trình bày phụ thuộc vào quan điểm và ý thích của mỗi cá nhân.

– Đề bài không yêu cầu so sánh, nhưng để làm bài văn theo đề này, thao tác lập luận so sánh lại rất cần thiết. Vì muốn chứng minh một điểm nào đó là đặc sắc thì người viết không thể có cách nào khác hơn là vận dụng thao tác lập luận so sánh để cho người đọc thấy được : điểm đó, tính chất đó, trong các tác phẩm khác còn chưa có hoặc chưa rõ nét, chưa hay đến thế.

b) Có thể chọn một trong các điểm đặc săc sau:

– Lần đầu tiên, ngưòi nông dân trở thành hình tượng trung tâm của một tác phẩm văn học viết với những nét đẹp chân thực, giản dị, hào hùng.

– Phần “thích thực” khẳng định một mẫu người anh hùng mới đối chọi, thách thức vói những chuẩn mực quen thuộc về một đấng anh hùng.

– Cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh nghệ thuật có tính hiện thực cao, gần gũi mà mới mẻ, không ít khi vượt khỏi những ràng buộc của ước lệ.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận