Ngữ văn 6 Bài 12 Treo biển

Đang tải...

KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1.Truyện cười là loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiêng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội.

2.Tóm tắt truyện

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề chữ to : “ở đây có bán cá tươi”.

Biển vừa treo, có người xem cười bảo : đề cá “tươi” chắc là quen bán cá ươn. Nhà hàng nghe nói, bỏ chữ “tươi”.

Hôm sau có người góp ý chữ “ở đây”, nhà hàng bỏ hai chữ này.Cách vài hôm có người cười chê hai chữ “có bán”. Nhà hàng lại bỏ nốt.

Còn lại một chữ “cá”. Nhà hàng nghĩ không còn ai bắt bẻ. Nhưng người láng giềng vẫn góp ý.

Nhà hàng cất cái biển đi.

3.Treo biển là một truyện cười nhằm phê phán tính chất thụ động, ba phải của nhà hàng. Treo biển để quảng cáo rồi lại cất đi chỉ vì những ý kiến bắt bẻ ngẫu nhiên. Truyện cười này cũng gợi một bài học về sự suy nghĩ chín chắn khi làm việc và phải có chủ kiến khi tiếp thu phê bình.

Truyện tuy ngắn, nhưng có lớp lang để cho tính chất thụ động, ba phải được bộc lộ rõ rệt (qua bốn lần góp ý).

Nhà hàng cứ cắt bỏ dần cho đến khi bỏ nốt thông tin quan trọng nhất thì cũng là khi không cần cái biển nữa. Việc treo biển lên và cất biển đi phí công, phí sức nên thật đáng cười chê.

HƯỚNG DẪN ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1.Nội dung tấm biển treo ở cửa hàng có bốn yếu tố :

-ở đây có vai trò chỉ địa điểm ;

-có bán có vai trò chỉ hoạt động bán của cửa hàng ;

-cá chỉ mặt hàng bán ra ;

-tươi chỉ chất lượng của hàng.

2.Có bốn người góp ý về cái biển đề ở cửa hàng cá :

-Người thứ nhất nhằm vào chữ tươi;

-Người thứ hai nhằm vào chữ ở đây ;

-Người thứ ba nhằm vào chữ có bán ;

-Người thứ tư nhằm vào chữ cá.

Xét về sự góp ý của mỗi người đều có vẻ có lí riêng  của mình. Nhưng đấy là ý kiến cá nhân chứ không phải của mọi khách hàng. Biển hiệu nhằm thông báo          về thông tin cho khách hàng nên cần phải vừa đủ vừa rõ ràng. Tiếp thu không cân nhắc như nhà hàng thì đúng là không cần biển nữa.

Như vậy chỉ có ý kiến thứ hai là hợp lí, ý kiến thứ ba đúng một nửa vì chỉ cần bán là đủ thông tin, không cần phải thêm chữ có. Còn lại các ý kiến khác đều không thỏa đáng, không cần phải tiếp thu.

3.Các chi tiết làm cho mọi người cười là :

-Nhà hàng treo lên một tấm biển thừa thông tin.

-Khi thấy khách hàng chê thì vội vã sửa chữa theo ý khách mà không suy xét.

-Cắt bỏ dần dần, đến khi tưởng không còn ai bắt bẻ thì lại vẫn bị bắt bẻ, và cũng chịu luôn.

-Treo biển lên để quảng cáo lại cất biển đi, thật tốn phí công sức và thời gian.. Chi tiết cất biển, đó là khi cái cười bộc lộ rõ nhất, bởi vì thể hiện trọn vẹn tính chất. thụ động, không có chủ kiến của nhà hàng. Treo biển lên lại hạ biển xuống, tốn công, tốn sức mà tình hình vẫn không khác trước khi làm biển. Thật đáng cười.

4.Ý nghĩa của truyện Treo biển :

Treo biển là truyện hài hước tạo nên tiếng cười vui vẻ, cười chê một cách nhẹ nhàng người làm việc không suy xét kĩ, thiếu chủ kiến khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, rút cuộc tốn công, tốn sức.

Qua câu chuyện này có thể rút ra bài học về sự cẩn trọng suy xét khi làm việc, sự cân nhắc, tiếp thu có chọn lọc các ý kiến của người khác.

HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Xem lại câu trả lời 2 trong mục Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản.

Như vậy tấm biển hợp lí nhất là biển ghi mấy chữ bán cá tươi:

-bán để thông tin là bán chứ không phải mua.

-cá là tên mặt hàng, để chỉ rõ mặt hàng được bán ra là cá chứ không phải cua hay ốc.

-tươi để chỉ chất lượng hàng tốt.

Bài học về cách dùng từ là dùng đủ số từ cần thiết, không cần có những từ thừa. Dùng đúng từ cần dùng để thông tin không bị sai lạc.

THAM KHẢO

Truyện gây cười à chỗ : ai nói gì nhà hàng cá cũng nghe, cũng thấy có lí. Người ta còn bật cười bởi nhà hàng không lo bán cá mà cứ loay hoay mãi với cái biển. Tưởng làm cho nó hoàn thiện hơn sau mỗi lần có người góp   ý, ai ngờ cái “hoàn thiện” nhất lại là tình trạng không có biển ban đầu ! Cái cười bật ra từ một việc làm đáng cười, tưởng vô lí (làm gì có người lẩn thẩn đến mức ấy, nhất là lại là nhà hàng ?), nhưng lại có lí (thế mới có chuyện để cười cho vui).

[…] Truyện này làm ta nhớ đến một loạt truyện dân gian khác như Làm theo lời vợ dặn, Đẽo cày giữa đường… Cái hiện tượng giống nhau là các nhân vật trong truyện (anh Ngốc, anh thợ mộc, nhà hàng) đều thụ động, hành động của họ hoặc máy móc, hoặc bảo sao làm vậy. Chỉ có điểm khác là kết quả. Làm theo lời vợ dặn khiến người ta phát khóc ; Đẽo cày giữa đường khiến người ta tức ; và Treo biển khiến người ta cười.

Còn cười được là do kết quả ấy chẳng chết ai, chẳng thiệt ai là bao ! Người treo biển vẫn sống sờ sờ ra đấy, chỉ có các con chữ đáng lẽ được treo lên thì lại bị dập đến chết.

Đủ biết, biết chữ nhiều khi cũng khổ. Ấy là cái khổ biết chữ mà ít biết nghĩa. Nhất là ít biết dùng chữ ! Nhất là ít biết để chữ ở chỗ nào !

Xem lại hướng dẫn đọc hiểu bài Chân, tay, tai, mắt, miệng :

Ngữ văn 6 Bài 11 Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

Đang tải...

Bài mới

loading...

Comments are closed.