Vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt và nhân vật người đàn bà hàng chài – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Cảm nhận của anh, chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (“Vợ nhặt” – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu)

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Trình bày cảm nhận, nhận thức của ngưòi viết về những vẻ đẹp khuất lấp bên trong tâm hồn của hai nhân vật: người vợ nhặt (Vợ nhặt — Kim Lân) và người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa — Nguyễn Minh Châu).

Khi làm bài học sinh có thể “bổ dọc” hoặc “bổ ngang” vấn đề, tuy nhiên với cách nào thì cũng phải làm nổi bật được thủ pháp xây dựng nhân vật của hai nhà văn giữa bề ngoài với bản chất bên trong tâm hồn con người, để thấy được hạt ngọc lấp lánh sau vẻ thô tháp đời thường.

Có thể xác lập ý như sau:

+ Khái niệm vẻ đẹp khuất lấp.

+ Ngươi vợ nhặt: bề ngoài — bên trong.

+ Người đàn bà hàng chài: bề ngoài — bên trong

  • Bề ngoài: xấu xí, thô kệch, nhẫn nhục.
  • Bên trong: hiểu biết và đức hi sinh cao cả.

=> Rút ra giá trị nhân văn của các tác phẩm.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích, chứng minh và những suy nghĩ, đánh giá riêng của người viết.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong hai tác phẩm.

II. Lập dàn ý

Mở bài

Đọc Vợ nhặt của Kim Lân và Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu — hai truyện ngắn thật dung dị nhưng đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng sâu sắc về hình ảnh hai người đàn bà: người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài. Họ cũng là những người phụ nữ nghèo khổ, lam lũ nhưng trong họ đều ẩn chứa “những vẻ đẹp khuất lấp” tiêu biểu cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Thân bài

*Vẻ đẹp khuất lấp

  • Nhìn hình thức bên ngoài mỗi con người chưa chắc đã phản ánh hết những gì khuất lấp bên trong. Có thể cái xấu xa, thấp hèn núp đằng sau vẻ đẹp cao sang, lịch lãm bên ngoài; có thể cái đẹp, cái cao thượng nấp sau vẻ thô kệch, xấu xí, lấm láp bề ngoài… Nguyễn Minh Châu luôn tâm niệm: thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người để nâng đỡ, ca ngợi.
  • Hình ảnh người vợ nhặt và ngưòi đàn bà hàng chài đã chứa đựng những mâu thuẫn giữa bề ngoài và bên trong như thế, nếu chỉ nhìn họ với con mắt hời hợt thì không thể thấy hết được những vẻ đẹp ẩn chứa bên trong tâm hồn mỗi người. Cái giống nhau ở họ là cả hai đều vô danh tính, xấu xí, nhạt nhoà trong bao số phận nghèo khổ, thua thiệt, bị cuộc sống dồn đẩy vào những hoàn cảnh trớ trêu, éo le nhưng họ vẫn luôn giữ được phẩm chất đẹp đẽ mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

*Hình ảnh người vợ nhặt

  • Chị xuất hiện trước mặt Tràng lần thứ hai với thân hình gầy sọp, quần áo tả tơi như tô đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Chị ăn nói cong cớn, chỏng lỏn, trơ trẽn. Tràng mời ăn giầu, chị không ăn mà nói thẳng: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Và chỉ chờ Tràng nói: “Đấy, muốn ăn gì thì ăn” thì mắt chị sáng lên rồi ngồi sà xuống “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì”. Ăn xong cầm dọc chiếc đũa quệt ngay miệng thở: “Hà, ngon!”. Thế rồi Tràng nói đùa: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. “Ai ngờ thị về thật”, chấp nhận theo không người đàn ông về làm vợ mà chẳng rõ ngọn ngành. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy, đó là người đàn bà chẳng còn lòng tự trọng, chẳng còn nhân cách.
  • Nhưng đọc kĩ, ta sẽ thấy ở chị những nét đẹp khuất lấp mà không dễ gì phát hiện ra ngay.

+ Đó là một cô gái nhanh nhẹn, vui vẻ, hoạt bát khi chị chạy đến đẩy xe thóc cho Tràng lên dốc tỉnh lần đầu.

+ Chị thấy e thẹn, ngượng ngùng khi về qua xóm ngụ cư: kéo nón che nghiêng nửa mặt, đầu hơi cúi xuống.

+ Chị theo Tràng về nhà làm vợ cũng là vì khát vọng được sống và hạnh phúc. Trong lòng chị cũng yêu và quý mến Tràng thực sự qua những biểu hiện của chị với Tràng trên đường về nhà.

+ Chị thở dài thấy buồn, cám cảnh trước “cái nhà vắng teo, đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”.

+ Chị ngồi khép nép ở mép giường và nhìn Tràng bỗng thấy ngượng nghịu.

+ Khi chị được hai mẹ con Tràng yêu thương, chị cảm nhận được hạnh phúc của mái ấm gia đình mặc dù trong bữa ăn đón chị về vô cùng thảm hại. Chị đã trở thành người phụ nữ hiền thục, chăm chỉ, dậy sớm cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa sạch sẽ…

+ Chị còn là người mở ra, “khai sáng” cho cái đầu ngờ nghệch của Tràng khi nghe tiếng trống thúc thuế ngoài đình: “Ở đây vẫn phải đóng thuế cơ à? – Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”.

=> Rõ ràng thẳm sâu trong mỗi con người, có biết bao điều đẹp đẽ mà ta mới nhìn không thể thấy. Nếu đặt chị vợ nhặt vào một hoàn cảnh sung sướng đầy đủ khác, có lẽ chị chẳng thể có những vẻ lấm láp về nhân cách như thế.

*Hình ảnh người đàn bà hàng chài

  • Nhà văn không đặt cho nhân vật của mình một cái tên cụ thể, có lẽ hình ảnh của bà nhạt nhoà trong bao hình ảnh những người phụ nữ cùng cảnh ở vùng biển này: đông con, đói khổ, lam lũ mà còn phải chịu cảnh bạo hành của người chồng vũ phu, độc ác.
  • Xuất hiện trước mắt người đọc là hình ảnh một người đàn bà thân hình cao lớn, đường nét thô kệch, rỗ mặt, dáng đi mệt mỏi, chậm chạp như một bà già… Hình ảnh ấy là hiện thân của sự nghèo khổ, vất vả nhưng chưa đủ, bà còn luôn bị người chồng đánh đập tàn bạo bằng thắt lưng da của lính ngụy ngày xưa, cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Vậy mà bà vẫn nhẫn nhục chịu đựng, cam chịu: không kêu ca, không chống trả, không tìm cách chạy trốn. Khi được toà án huyện khuyên bỏ người chồng độc ác lên bờ sinh sống thì bà xin: “Con lạy quý toà. Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Qua thái độ nhẫn nhục, cam chịu và cách xưng hô khiến người ta sẽ nghĩ đây là người đàn bà không bình thường.
  • Nhưng đi sâu khám phá mối thấy chiều sâu trong tâm hồn người đàn bà ấy ánh lên vẻ đẹp lấp lánh của đức hy sinh, lòng vị tha của một người vợ, người mẹ.

+ Vì sao mỗi lần bị đánh đau đớn, tàn bạo như vậy mà bà vẫn cam chịu? Chỉ có bà mới thấu được hoàn cảnh của chính mình: đông con, nghèo khó, vất vả lại làm nghề rất đặc trưng: nghề biển. Con người đã quen với sóng gió, biến cả thì dù có gian lao, nguy hiểm nhưng vẫn phải bám biển để sống.

+ Bà hiểu thiên chức của người mẹ, sinh con ra phải có trách nhiệm với con, sống cho con chứ không phải sống cho mình.

+ Bà tự trách mình: “Cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật”. “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được cái thuyền rộng hơn” thì sẽ đỡ khổ.

+ Bà hiểu chồng, cảm thông, dung tha cho những hành động tàn độc của lão. Trước kia lão là anh con trai hiền lành, cục tính nhưng chưa đánh vợ bao giờ. Về sau, chỉ vì lão đông con, cuộc sống cơ cực vất vả trút lên đầu lão, lúc nào thấy cực quá thì lão xách vợ ra đánh cho hả giận. Bà hiểu tính khí lão cũng như biển kia khi dông bão, khi hiền hoà. Bà hiểu bà cũng như bao người phụ nữ trên biển rất cần có người đàn ông để chèo chống phong ba bão táp, dù người đàn ông ấy có độc ác, tàn bạo thì vẫn phải chấp nhận để cùng nhau nuôi đặng sắp con, vì nhà nào cũng cả chục đứa.

+ Bà chắt chiu niềm vui nhỏ bé trong cuộc sống để mà sống: lúc vui nhất là lúc nhìn thấy đàn con được ăn no và vợ chồng cũng có lúc vui vẻ, hoà thuận.

+ Bà tỏ ra cảm thông với Đẩu — ông Bao Công phố biển phần nào còn “trẻ người non dạ” chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, mà mới chỉ có lòng tốt và kiến thức sách vở. Bà càng nói, càng “để lộ ra vẻ sắc sảo”, “con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình”.

+ Nhắc đến con, bà lại khóc, mỗi lần bị đánh, bà lại xin lão chồng đưa lên bờ mà đánh để tránh cho những đứa con khỏi bị tổn thương khi phải chứng kiến cảnh đau lòng ấy, lớn lên rồi chúng sẽ ra sao? Chúng sẽ gặp phải cảnh như mẹ để rồi lại nhẫn nhục cam chịu, hay vũ phu như người cha của chúng? “Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thăng trầm trong việc thấu hiểu cái lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rỗ rệt ra bề ngoài”.

=> Thế ra, nhìn bề ngoài của người đàn bà xấu xí tưởng như dở hơi, đần độn ấy lại chất chứa bao điều uẩn khúc với những đức tính cao đẹp mà nhiều người khác khó có thể có được. Bà đã đem lại một bài học cho Đẩu và Phùng về cách nhìn đời: không thể nhìn bề ngoài để đánh giá bên trong, phải biết phát hiện cái thực chất sau cái bề ngoài của hiện tượng. Không thể nhìn sự vật một cách giản đơn, dễ dãi mà phải thâm nhập vào mạch ngầm của cuộc sống để khám phá, phát hiện ra những vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong.

Kết bài

Hai nhân vật có những nét riêng trong số phận, có những nét phẩm chất đậm nhạt khác nhau, nhưng ở họ đều toát lên vẻ đẹp của một tâm hồn nhân hậu, hiền thục, bao dung, vị tha, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh — biếu hiện cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nhìn ra những vẻ đẹp khuất lấp ấy tiềm ẩn trong tâm hồn con người lao động bình dị, lam lũ, hai nhà văn đã góp phần tạo nên những giá trị nhân đạo mới mẻ và sâu sắc cho nền văn học Việt Nam hiện đại.

 

» Xem thêm : Phân tích nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội tại đây.

 

 

 

 

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận