Về đám tang của cụ tổ trong hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng – Văn mẫu 11

Đang tải...

 

Bài làm

             Vũ Trọng Phụng là một nhà văn trào phúng bậc thầy. Với ngòi bút tinh tế và sắc sảo, Vũ Trọng Phụng đã đưa lên trang văn những mảng hiện thực đen tối nhất, xấu xa nhất, lố bịch rởm đời nhất của cái xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời, Vũ Trọng Phụng đã dựng nên những nghịch lý đau xót nhất, tàn ác nhất, đáng khinh bỉ nhất của một cuộc sống đảo điên vì đồng tiền, giẫm đạp lên nhau vì đồng tiền nhơ bẩn. Và cũng chính bằng những lời lẽ chua cay đầy khinh miệt, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên một đám tang điển hình cho cái xã hội bẩn thỉu ấy, đám tang của cụ tổ trong Hạnh phúc của một tang gia trích trong Số đỏ: đám tang này vừa đáng cười, vừa đáng khóc, vừa đáng khinh bỉ, vừa đáng xót xa, gieo vào lòng những ấn tượng sâu sắc mạnh mẽ.

             Cái đám tang trong Hạnh phúc  của một tang gia ấy được dựng lên trong những nghịch lý, trong những sự đối lập đầy mâu thuẫn gay gắt. Đó là một đám tang diễn ra trong hạnh phúc, trong vui sướng, trong mừng rỡ, đó là một đám tang mà từ khâu báo tin, chuẩn bị đến đưa tang đều làm cho người ta bật cười mỉa mai, chế giễu, nhưng cười rồi lại khóc, cười rồi lại xót xa, cười rồi lại chìm vào trong nghĩ suy trở trăn day dứt. Những nhân vật trong đám tang ấy đều là những tên hề, những kẻ lố lãng và hợm hĩnh được xây dựng nên trong sự khinh bỉ căm ghét của nhà văn. Đám tang ấy phải chăng vừa là một tràng cười dài, vừa là một giọt nước mắt lớn đầy chua cay đau xót?

             Đám tang của cụ tổ, cái chết của cụ tổ dường như là một niềm vui sướng vô bờ bến, dường như là kết quả của một sự mong đợi từ rất lâu: “Ba hôm sau, ông cụ già chết thật”. Câu văn báo tin hay một tiếng thở phào nhẹ nhõm, một tiếng cười trút đi gánh nặng? Tác giả không hề nói giảm nói tránh mà nói một cách trực tiếp về cái chết, nói trong một sự mỉa mai đầy phũ phàng. Từ “chết thật” đặt trong sự đối lập với “chết giả” thể hiện một nghịch lý rất đau xót: dường như con người đã phải tìm về cái chết mà cũng không được yên thân. Ngay từ câu đầu tiên, ý vị trào phúng đã nổi bật lên đầy mai mỉa.

             Người nhà của cụ tổ đã chuẩn bị đám tang cho cụ trong một niềm vui sướng vô bờ, trong những toan tính riêng tư cho bao dự định tốt đẹp sắp đến, ông Phán – con rể cụ hớn hở nhận ra giá trị của đôi sừng trên đầu mình, hí hửng cho kế hoạch thừa kế và làm một cuộc doanh thương vĩ đại. Cụ cố Hồng – con ruột của cụ tổ – người đáng lẽ phải mang nỗi đau đớn nhất thì lại mải mê hoan hỉ với một ý tưởng độc đáo: “Cụ cố Hồng nhắm nghiền mắt lại để mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu, để cho thiên hạ phải chỉ trỏ: “úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa” Cụ chắc cả mười phần rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế…”. Cụ cố Hồng vốn thích sự già bởi sự già làm cho cụ trở nên cao quý hơn. Thời điểm này chính là lúc thích hợp nhất để cụ phô trương cho tất cả mọi người cái sự già của mình, cái sự hiếu thảo và oai phong của mình. Trong mỗi suy nghĩ, trong mỗi hành động, bản chất của cụ cố Hồng đều hiện lên rất rõ – bán chất hám danh trưởng giả, bán chất bẩn thỉu của một quái thai trong xã hội đồng tiền.

             Có một chút khác biệt, ông Văn Minh không biểu lộ niềm vui một cách trực tiếp mà lại giữ thái độ nung nấu đăm chiêu như đang suy nghĩ trăn trở. Ông nghĩ suy trăn trở thật, nhưng không phải vì đám ma mà lại là lo cho đám cưới, lo xử trí Xuân Tóc Đỏ và lo lót việc hư hỏng của cô Tuyết, em gái ông. Ông lao vào một cuộc tranh cãi với vợ chồng cụ cố Hồng về việc cưới chạy tang cho cô Tuyết. Đám tang lúc này bỗng chốc đã hoá thành tiếng cười, nỗi buồn bỗng chốc trở thành niềm vui hoan hỉ.

             Cảnh chuẩn bị đám tang được miêu tả rất ngắn, không phải vì việc chuẩn bị sơ sài, mà ngắn bởi đám tang ấy đã được chuẩn bị sắp đặt từ rất lâu, rất kỹ càng, giờ cụ tổ chết thật thì ai vào việc nấy, có hệ thống, có tổ chức quy củ đàng hoàng. “Bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng thỏa thích… người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám ma… Tối hôm ấy, khách khứa đến hỏi thăm, phúng viếng, chia buồn tấp nập”. Niềm vui dường như đang tràn ngập chỉ bằng một từ “tấp nập”, cả không khí chuẩn bị tang gia đã hiện lên tưng bừng vui sướng như một đám cưới, một ngày lễ hội. Nhà văn càng miêu tả, ta càng nhận ra những nghịch lý, những mâu thuẫn ngược đời khiến người ta phải bật cười thành tiếng, cười khinh bỉ, chế giễu và mỉa mai.

             Đỉnh cao của niềm hạnh phúc trong tang gia chính là cảnh đưa tang – một cảnh đưa tang hoành tráng, ngoạn mục, đầy trang trọng. Nhưng ẩn sau niềm vui, tiếng cười đưa tang ấy là những lời lên án tố cáo, những tiếng khóc xót xa cay đắng cho một xã hội thực dân nửa phong kiến bẩn thỉu, lố lăng, hợm hĩnh, lởm đời, thô bỉ.

             Đám tang được đưa vào đúng 7 giờ sáng với rất nhiều người tham gia có cả cảnh sát bảo vệ. Hai viên cảnh sát Min Đo, Min Toa “giữa lúc không có ai thuê, được mời đi bảo vệ cho đám tang to tát này thì thật vô cùng vui sướng và rất hết lòng” Hai viên cảnh sát có chung niềm vui với gia chủ: niềm hạnh phúc có việc làm chính đáng kiếm ra tiền, thể hiện được uy danh oai phong lẫm liệt. Phái chăng cái xã hội kia đã quá thối nát, không còn phép tắc kỷ cương, để cho những kẻ nhân danh pháp luật phải khốn nạn như thế.

             Các quan khách của đám tang đều là bạn của cụ cố Hồng, “ngực các ông đầy những huân chương: Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh…”. Chưa bao giờ người ta được thấy nhiều huy chương cao quý như thế đậu trên áo của những ngài quan khách. Các ngài còn được miêu tả với những bộ râu độc đáo, đa dạng và phong phú: râu loăn quăn, râu ba chòm, râu lún phún…” những bộ râu tỏ vẻ khí phách đàn ông, nhưng thực chất chỉ như những thằng hề với một bộ sưu tập về râu mỉa mai, nực cười. Ngoài ra, trong đám tang còn có sư cụ Tăng Phú – vênh váo đắc thắng, cô Tuyết – nét mặt buồn rầu, tưởng như đang buồn cho người vừa khuất núi, nhưng hoá ra cô đang lo lắng băn khoăn vì “không tìm thấy bạn giai” ông Typn, Joseph Thiết, Xuân Tóc Đỏ…

             Đám tang đi đến đâu là rầm rộ huyên náo đến đấy: “Đám cứ đi…” lặp lại đến hai lần, diễn tả quá trình đưa đám đầy thách thức. mọi cái xấu xa, lố lăng, rởm đời đều ngang nhiên diễn ra, phơi bày trên đường phố. Dường như người ta đã mặc nhiên chấp nhận những cái nhố nhăng ấy như một tất yếu khách quan của xã hội đương thời. Cái đám đông đi đưa ma ấy cứ nhốn nháo, nhặng xị, họ kháo nhau về đủ thứ chuyện: chuyện về nhà cửa. về cái tủ mới sắm, cái áo mới may… ngoài mặt thì giả vờ theo lệ của một đám ma, nhưng bên trong chúng lại toan tính, chúng trêu nhau, hẹn hò nhau: “Một mớ âm thanh hỗn độn hoà vào ban nhạc kèn ta kèn tây của đám tang”.

             Dường như Vũ Trọng Phụng đã đưa tất cả các nhân vật lên trang viết để dựng thành một vở kịch với những thằng hề tự nhảy nhót, tự bộc lộ bản chất xấu xa, tự phơi trần bản chất “chó đểu” của xã hội thực dân nửa phong kiến.

             Màn sống động nhất của vở kịch chính là cảnh hạ huyệt. Cậu Tú Tân bắt mọi người phải giơ chân, múa tay, cúi đầu đè cậu chụp ảnh. Ông Phán mọc sừng lại nổi bột lên với tiếng khóc kỳ lạ “Hứt! Hút! Hứt‘ Tiếng khóc ấy rất kỳ quái, người ta không thể biết âm thanh về nghĩa ấy là tiếng khóc hay tiếng cười. Đây là tiếng khóc duy nhất trong đám tang nhưng lại là một tiếng khóc trống rỗng và giả dối. Cái đám ma ấy dường như tất cả, chỉ thiếu duy nhất một linh thương chân thành, như một giọt nước mắt thực sự xót thương.

             Nhà văn phê phán tất cả, nhà văn cười tất cả, không hề bênh vực bất kỳ một nhân vật nào, kể cả người chết: “đến ông cụ nằm dưới mồ cũng phải vui sướng, nếu không ngồi nhỏm dậy mà gật gù cái đầu”. Đến cả người chết cũng chấp nhận và vui sướng về những sự nhố nhăng ấy.

             Đám tang cụ tổ trong Hạnh phúc của một tang gia làm cho người ta cười ra nước mắt, cười trong chế giễu, mai mỉa và xót xa. Cái đám tang ấy như một xã hội thực dân thu nhỏ với tất cả sự lố bịch, xấu xa, bẩn thỉu, rởm đời được phơi bày trần trụi, làm cho người đọc phải cười mà trăn trở day dứt và căm hận.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận