Tôi thấy mình đã lớn – Văn tự sự – Tập làm văn 8

Đang tải...

Tôi thấy mình đã lớn

Đề bài. Tôi thấy mình đã lớn.

1. Yêu cầu

– Bài viết này đòi hỏi phải thể hiện được những kĩ năng về văn tự sự đã học.

– Yêu cầu kể chuyện để khẳng định là mình đã lớn. cần hiểu lớn theo hai nghĩa : lớn về thể chất (cao thêm, nặng thêm, phát triển thêm về thể lực) và lớn về tinh thần (chín chắn hơn, khôn ngoan hơn, chững chạc hơn,…).                                        

2. Gợi ý

– Hãy nhớ lại những sự việc cụ thể liên quan đến đánh giá : đã lớn. Có thể là trong một chuyến đi chơi, trong cách cư xử với em, với bạn, với người thân trong nhà.

– Sau đó suỳ nghĩ cách sắp xếp các sự việc để dẫn tới suy nghĩ và đánh giá rằng mình (hoặc ai đó) đã lớn.

– Đánh giá tôi đã lớn có thể là suy nghĩ và đánh giá của chính bản thân người kể chuyện, cũng có thể là đánh giá của một thành viên nào đó trong gia đình, hoặc thầy (cô) giáo, hoặc bạn bè, cũng có thể kết hợp cả hai chủ thể và khách thể.

3. Lập dàn ý

Mở bài (Tạo ra tình huống để kể lại câu chuyện)

– Có thể dựa vào câu chuyện cha mẹ nói về anh (hoặc chị) của mình đã lớn.

– Có thể nhân ngày sinh nhật, nhân khi được cử làm đại diện cho lớp, cho trường tham gia hoạt động giao lưu với lớp khác, trường khác,…

Thân bài (Kể lại những sự việc, hiện tượng chứng tỏ mình đã lớn)

– Giới thiệu tình huống xảy ra câu chuyện đáng nhớ.

– Thời gian, không gian, địa điểm.

– Diễn biến câu chuyện.

– Kết thúc câu chuyện.

– Nhận xét và đánh giá của người kể chuyện và nhutig người xung quanh…

Kết bài : Bài học, suy nghĩ, cảm tưởng của người viết.

4. Bài làm minh hoạ

Bài 1

Thời gian trôi đi nuôi dưỡng tâm hồn con người, giúp ta trưởng thành hơn cả về thể chất, tinh thần và chắp cánh cho ta những ước mơ, những hi vọng vào tương lai. Giống như mọi người, dòng xoáy của thời gian cho tôi sự trưởng thành để một ngày tôi chợt nhận ra :”Tôi đã lớn khôn”.

Con người tôi đang ngày càng lớn lên theo năm tháng. Nhớ ngày nào, tôi còn là con bé con nhút nhát chỉ biết tò tò theo sau chân mẹ, thế mà bây giờ, cô nhóc ấy đã trở thành một học sinh Trung học cơ sở, cao hơn cả mẹ. Tôi không chỉ lớn hơn mà tầm tay cũng xa hơn trước. Tôi có thể dễ dàng lấy những cuốn từ điển trên giá cao nhất xuống, có thể giúp mẹ treo quần áo lên mắc tủ mà không cần bắc ghế, có thể giúp bố khiêng thang lên gác thượng để sửa ăng-ten, có thể đi hết một đoạn đường núi dài không cần có ai dắt hay cõng,… Những việc ấy hồi nhỏ tôi chưa đủ sức thì bây giờ đều trở nên đơn giản, dễ dàng. Tôi cũng không còn cảm thấy tự hào khi giúp bố mẹ làm những công việc nhà nĩte, tất cả đều đã trở thành những việc làm thường ngày của tôi, không có gì khó khăn hay quá sức cả. Cái cảm nhận mình đang lớn lên ban đầu đối với tôi còn rất mơ hồ nhưng càng lúc tôi càng nhận thức được rõ ràng hơn.

Tôi không chỉ lớn lên ở con người mà còn lớn lên trong suy nghĩ của mình. Trước đây, tôi chỉ biết đến trường và học theo các bạn mà chẳng cần lo nghĩ xa xôi gì hết. Ngay cả việc vào học trường cấp hai, tôi cũng để cho bố mẹ quyết đính. Hồi đó, tôi hầu như dựa dẫm hết vào bố mẹ nhưng dần dần, tôi cũng biết tự lo cho mình. Sau mỗi học kì, tôi biết tự xem lại kết quả học tập của mình, so sánh với các bạn khác và kết quả năm học trước để rút kinh nghiệm cho mình tiến bộ hơn. Trong một tập thể mà ý thức thi đua luôn được đề cao, tôi cũng đã học tập được rất nhiều từ các bạn mình. Tôi biết rằng không ai có thể hiểu mình cần gì hơn chính bản thân mình. Tôi đã có suy nghĩ và ý kiến riêng, tôi có thể tự lo cho mình. Không giống như lúc còn nhỏ (luôn hành động theo bản năng và ý muốn của riêng mình), tôi hiểu rằng không thể không chú ý tới mọi người xung quanh. Tôi đang học cách sống để không phải tranh giành, học cách nhường nhịn và chấp nhận suy nghĩ của người khác. Mỗi người nhìn nhận suy nghĩ theo một chiều hướng khác nhau, điều cần thiết là tôi biết lúc nào cần hiểu và khi nào cần thuyết phục cho người khác hiểu mình.

Từ sự khôn lớn ấy, tôi cũng tự đặt cho mình những ước mơ. So với khi còn nhỏ thì những mong muốn ấy đã không còn chỉ là những ý muốn bột phát, mơ mộng, viển vông nữa. Thời gian đã cho tôi sự chín chắn trong những quyết định cho tương lai. Trước kia, ước muốn của tôi có nhiều vô số mà bây giờ tôi cũng không còn nhớ hết nữa. Khi ấy, tôi chỉ biết nhìn mọi thứ một cách đơn giản, thấy ai làm gì hay hay thì cũng mong muốn mình có thể làm được như vậy. Thế nhưng bây giờ thì tôi hiểu rằng chẳng có mục tiêu nào có thể đạt được một cách đơn giản mà không cần có cố gắng của chính mình. Tôi chẳng mấy khi nghĩ tới nhữhg điều con nít như khi còn nhỏ mà suy nghĩ rất kĩ để tự đánh giá khả năng của mình và đặt ra một mục tiêu chắc chắn. Tôi không muốn phải thay đổi mơ ước của mình cho dù tôi có lớn hơn nữa. Hiện nay, tôi vẫn chưa biết ước mơ lớn nhất trong tương lai của mình là gì nhưng khi đã có thể quyết định được, tôi sẽ luôn hi vọng và cố gắng hết sức để đạt được.

Nhưng ước mơ ấy càng lớn bao nhiêu, tôi càng nhận thức được trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trước hết, tôi cấn có bổn phận đối với những người xung quanh. Là một người con, tôi phải nỗ lực phấn đấu trưởng thành để không phụ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà. Là một người trò, tôi phải cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức để xứng đáng với sự dạy dỗ của các thầy cô giáo. Là một người bạn, tôi cần học tập và giúp đỡ các bạn của mình để cùng tiến bộ hơn… Tôi hiểu rằng bất cứ ai cũng có trách nhiệm riêng. Khi tôi đã là một học sinh khoác trên người bộ đồng phục của Trường Ngô Sĩ Liên thì đi đâu tôi cũng là đại diện cho ngôi trường của mình. Tôi hiểu rằng mọi người có thể nhìn nhận và đánh giá ngôi trường thân yêu theo những hành vi ứng xử của tôi. Khi tôi là một người Hà Nội thì tôi là đại diện cho con người thủ đô và khi tôi là người Việt Nam thì tôi cũng là đại diện cho cả dân tộc mình. Càng suy nghĩ về những trách nhiệm ấy tôi càng cảm nhận được sức nặng đặt trên vai mình.

Sự trưởng thành của tôi không chỉ bản thân tôi biết mà mọi người xung quanh cũng đều công nhận. Hè vừa rồi, nhà nội tôi có một niềm vui rất lớn : Người bác của tôi đã sống bên Mĩ gần hai mươi năm cùng với hai cô con gái đã trở về thăm quê hương. Suốt thời gian ấy, bác và hai chị sống ở nhà tôi, bà tôi cũng từ quê ra.

Ở nhà nhộn nhịp, đông vui hơn nên công việc cũng nhiều hơn trước. Trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm, còn chị Thu thì đang thi học kì, chỉ có tôi ở nhà cùng bác tiếp khách và dọn dẹp nhà cửa. Tôi đã cố gắng làm được nhiều việc nhà để bác và bà được nghỉ ngơi. Một hôm, trong bữa cơm, bác đã khen tôi làm bố tôi rất vui và hài lòng. Tối hôm đó, trước khi tôi đi ngủ, mẹ nói với tôi :

– Con gái mẹ đã lớn hơn nhiều rồi đấy !

Tôi sung sướng đi vào giấc ngủ không chỉ vì lời khen của mẹ hay của bác mà vì niềm vui khi thấy bố mẹ tự hào về mình – có nghĩa là Tôi Đã Lớn Khôn.

Cho dù trách nhiệm có to lớn tới đâu, cho dù ước mơ còn là một khoảng cách rất xa và khó khăn, tôi vẫn sẽ không ngừng cố gắng, bởi tôi biết rằng xung quanh mình vẫn còn những người thân yêu luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi bất cứ lúc nào.

(Khúc Mai Thương, lớp 8A1, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nhận xét

Câu chuyện của bạn Thương không có cốt truyện. Chỉ là những biểu hiện về thể chất và tinh thần của một cô bé được “tổng kiểm kê” bằng con mắt của người tỉnh táo – một người đã lớn khôn.

Phải có sự quan sát mới có thể kể về sự lớn lên của mình về thể chất : Nhớ ngày nào, tôi còn là con bé con nhút nhát chỉ biết tò tò theo sau chân mẹ, thế mà bây giờ, cô nhóc ấy dã trở thành một học sinh Trung học cơ sở, cao hơn cả mẹ. Tôi không chỉ lớn hơn mà tầm tay cũng xa hơn trước. Tôi có thể dễ dàng /ấy những cuốn từ điển trên giá cao nhất xuống, có thể giúp mẹ treo quần áo lên mắc tủ mà không cần bắc ghế, có thể giúp bố khiêng thang lên gác thượng để sửa ăng-ten, có thể đi hết một đoạn đường núi dài không cần có ơi dắt hay cõng,… Những việc ấy hồi nhỏ tôi chưa đủ sức thì bây giờ đều trở nên đơn giản, dễ dàng.

Không những thế, bạn còn ghi lại những biểu hiện cho thấy sự chín chắn, trưởng thành trong suy nghĩ. Bạn cũng khéo léo kết hợp sự tự đánh giá của mình cùng với sự đánh giá của mẹ. Ngay một ý nghĩ như thế này : Khi tôi đã là một học sinh khoác trên người bộ đồng phục của Trường Ngô Sĩ Liên thì đi đâu tôi cũng là đại diện cho ngôi trường của mình. Tôi hiểu rằng mọi người có thể nhìn nhận và đánh giá ngôi trường thân yêu theo những hành vi ứng xử của tôi. Khi tôi là một người Hà Nội thì tôi là đợi diện cho con người thủ đô và khi tôi là người Việt Nam thì tôi củng là đại diện cho cả dân tộc mình,… cũng chứng tỏ người viết đã thành người lớn. Một bài viết khá thuyết phục.

Nếu có thể coi là nhược điểm thì phần Mở bài hơi cầu kì. Hơn nữa, thời gian trôi đi thì làm sao lại tạo ra dòng xoáy được ?

Bài 2

Sự trưởng thành đến với tôi không như một cơn gió chợt thoảng qua mà nó nảy nở trong lòng tôi, rất âm thầm như một mầm cây mới. Tôi chợt nhận ra và đã bắt đầu cảm nhận được nó từ một ngày rất đặc biệt.

Những ngày nắng mùa hè đang dần thôi chói chang và mùa thu đã kịp lấp vào đó vài cơn gió dịu mát để báo trước sự có mặt của mình. Đã hai tuần rồi đấy, hai tuần mà mỗi ngày trôi qua với tôi đều có sự khác lạ nào đó, dù chỉ là nhỏ bé. Tôi biết trong tâm hồn tôi đã có sự thay đổi. Tôi đã để ý nhiều hơn đến mọi thứ xung quanh, không như hồi trước. Có lẽ, đối với tôi, thời gian như đang trôi chậm lại.

… Thi thoảng, những dòng suy nghĩ lại chợt gợi ra trong tôi những hình ảnh về ngày hôm đó, một buổi sáng mùa hè có nắng trong vắt. Bữa ăn sáng trong gia đình thiếu đi tiếng đùa vui, tiếng trêu ghẹo nhau, cả những tiếng cười khúc khích và lời nhắc nhở của người lớn. Yên lặng rồi đấy, vậy mà sao chẳng thấy ai vui cả, bố mẹ, anh em tôi đều chẳng nói lời nào. Giây phút này đến với tôi khó khăn hơn so với sự tưởng tượng của tôi trong mấy tháng trước, tuần trước và cả ngày hôm qua. Ai cũng cảm nhận được bằng những rung động : nó sắp đến rồi đấy, giây phút mà anh trai tôi sẽ bước lên máy bay để đến với cuộc sống mới của một du học sinh. Bảy năm, quãng thời gian dài nhưng lại quá nhanh để thích nghi được với những ngày tháng xa lạ. Một cuộc sống mới không có anh trai tôi.

Trên đường đi tới sân bay, bố mẹ tranh thủ dặn dò con trai về việc thích ứng với môi trường sống mới, cả về những bữa ăn đầu tiên sẽ do tự tay anh tôi phải nấu. Rồi sau đấy, anh tôi ngồi tựa vào ghế, nhìn ra ngoài cửa kính ô tô. Nắng giòn rực rỡ làm lấp lánh những bông lúa trĩu nặng đang mùa gặt. Nếu được nhìn cảnh tượng đẹp như vậy vào một thời điểm khác, chắc hẳn tôi đã thấy thú vị lắm. Chợt, anh tôi quay sang hỏi :

– Em có nhớ con búp bê mà hồi xưa hai anh em mình chơi không ?

Câu hỏi làm tôi bất ngờ, nhưng rồi tôi cũng mỉm cười. Phải, không hiểu sao cái kỉ niệm trẻ con ấy lại làm tôi khó quên đến thế. Hồi bé, tôi cũng như bao cô bé khác, lúc nào cũng thích chơi đồ hàng và đặc biệt là búp bê. Tôi có một con búp bê trông rất xinh xắn, dễ thương. Phải nói rằng được vuốt ve, chải chuốt cho mái tóc bóng mượt của búp bê và được ôm, búp bê vào lòng mỗi ngày, rồi thì thầm những chuyện con nít chẳng đâu vào đâu cũng có một cảm giác thú vị kì lạ. Chẳng thế mà nghe mọi người kể lại thì ai cũng bảo hồi đó tôi đí đâu cũng mang theo người bạn tí hon ấy. Vậy mà, đến một buổi sáng thức dậy, khi tôi chạy lon ton đi tìm búp bê thì đã thấy anh trai tôi ngồi trên sàn nhà, ở giữa phòng, loay hoay tìm cách tháo tay búp bê, trong khi xung quanh là la liệt nào bộ váy, rồi cả chân búp bê, cả đôi giày xinh xinh của nó nữa. Với bản năng của một đứa trẻ con, tôi lao đến, giành lại búp bê rọi ngồi bệt xuống sàn và khóc. Có lẽ, chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến thế, khóc miết, nước mắt cứ chảy ra  từ đôi mắt sưng đỏ.  Anh tôi bối rối, vừa dỗ tôi nín vừa cố lắp lại chân tay cho búp bê, nhưng sao anh tôi càng cố thì  lại càng không lắp được. Thế là anh tôi lập cập chạy đi lấy mấy con thú bông khác đưa cho tôi. Tôi lắc đầu rồi còn khóc dữ hơn. Anh ngồi xuống bên cạnh tôi, dỗ : “Anh xin lỗi, anh xin lỗi”. Rồi anh bắt đầu lấy con gấu màu nâu với con thỏ bông ra trước mặt tôi diễn vở kịch “Những người bạn nhỏ” : “Ngày xửa ngày xưa, trong một khu rừng có một con thỏ…”. Thấy tôi hơi nín khóc, anh tôi lấy tay quệt quệt nước mắt cho tôi rồi diễn tiếp vở kịch mà lần đầu tiên trong đời tôi xem. Ngoài cửa, bố mẹ đang cười thầm nhìn cảnh hai anh em ngồi giữa nhà, xung quanh la liệt thú bông, em thì tròn mắt xem còn anh trai ngồi say sưa kể chuyện…

Hai anh em tôi cứ thế gợi ra hết kỉ niệm này tới kỉ niệm khác. Có lẽ chưa lần nào chúng lại hiện lên rõ ràng trong đầu óc tôi đến thế. Nào là lần tôi bắt anh cõng đi chơi nhưng cuối cùng chính tôi lại là người bị đau ê ẩm do anh tôi chẳng may bước hụt. Dù lần đó anh cũng bị ngã lại còn bị mắng nhưng anh tôi vẫn thương em gái, còn mua phở cho tôi ăn nữa. Chả biết bao lần hai anh em đùn đẩy nhau đi tưới cây, rửa bát rồi tranh ti vi,… Cứ thế, chúng tôi hết nói chuyện rồi cười, trông như thể hai người bạn thân lâu lắm mới gặp nhau, trông thật ngốc nghếch làm sao. Và xe ô tô đã dìừig trước cổng sân bay từ bao giờ…

Mọi người lại rơi vào trạng thái im lặng như hồi sáng. Những kỉ niệm ban nãy giờ lại làm tôi thấy xót xa. Tôi biết anh tôi cũng có chung cảm nhận đó. Chỉ chụp mấy kiểu ảnh rồi lại dặn dò, thời gian còn lại gia đình tôi ngồi bên nhau suy nghĩ. Giờ phút anh tôi đi lại đến nhanh đến vậy. Tôi cảm thấy trong mình có một sự ngột ngạt khó tả. Khi anh tôi bước vào trong làm thủ tục, tôi thấy chân mình run run. Tôi bỗng cúi đầu xuống, tôi không muốn nhìn thấy sự ra đi của anh mình, tôi chỉ sợ không kìm được cảm xúc nữa mà thôi. Chợt, tôi thấy một bàn tay đập lên vai mình, anh tôi nói gấp gáp :

– Em ở lại nhớ chăm sóc bố mẹ nhé !

Rồi anh lại chạy đi. Mọi thứ bắt đầu nhoà dần. Tôi thấy mình đang bước qua một khoảnh khắc, sự chia tay với tuổi thơ ấu hồn nhiên, vô tư và đang chới với, chập chững bước tiếp đến một cuộc sống của con người trưởng thành. Tôi hiểu trong bảy năm nữa, mỗi anh em tôi đều sẽ lớn lên và sau bảy năm nữa, sự khôn lớn có lẽ không cho tôi trở lại thành một cô nhóc nhí nhảnh, nghịch ngợm như ngày nào, cả anh tôi cũng vậy. Từ giờ phút này, tôi đang dần bỏ lại đằng sau những trò chơi, tiếng cười đầy trong trẻo. Nhưng, tôi đã bắt đầu chơi vơi như muốn níu kéo lại điều gì đó. Tôi còn chưa nói với anh trai tôi rằng “Em xin lỗi”, điều mà tôi chưa bao giờ nói, chưa từng- định nói và điều sẽ không còn kịp nói nữa. “Em biết là em đã sai khi đổ hết lỗi cho anh để anh bị mắng, em xin lỗi khi đã không chịu ăn cháo mặc dù anh đã đội mưa để mua về cho em…”. Những lời thổn thức trong tâm hồn khiến cổ họng tôi nghẹn ngào, không thốt ra thành tiếng. Tôi nhìn sang mẹ và bố. Tôi thấy bất lực khi không thể an ủi, làm chỗ dựa cho mọi người. Tôi bỗng nhớ đến lời dặn của anh. Phải, tôi sẽ không khóc nữa. Tôi chợt nhận ra vai trò của mình : là một điểm tựa, một tình cảm để bù đắp cho bố mẹ.

Từ giây phút đó, tôi biết được mình là ai và điều tồi sẽ phải làm. Một thế giới mới đang chờ tôi bước vào : thế giới của sự trưởng thành.

(Ngô Mai Anh, lớp 8H2, Trường THCS Trưng Vương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nhận xét

Bạn đã kể lại một khoảnh khắc, một ranh giới mỏng manh giữa tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành. Tuy thế, câu chuyện của bạn lại có phần lạc sang hướng những kỉ niệm thời ấu thơ. vẫn biết rằng khi người ta hồi tưởng về quá khứ có nghĩa là đã ra khỏi quá khứ. Những kỉ niệm về việc người anh nghịch tháo búp bê và đền cho em một vở diễn gấu bông tự sáng tác đã chiếm quá nhiều dung lượng của bài viết. Bởi vậy mà ấn tượng về sự lớn khôn bị lu mờ. Mặc dù khi kết bài, bạn đã nhấn . mạnh rằng : Từ giây phút đó, tôi biết được mình là ai và điều tôi sẽ phải làm. Một thế giới mới đang chờ tôi bước vào : thế giới của sự trưởng thành.

Nhìn chung, bài văn mạch lạc, tuy có nhược điểm như đã nêu. Cũng có thể đây là trường hợp ngoại lệ chăng, khi bạn viết : Bữa ăn sáng trong gia đình thiếu đi tiếng đùa vui, tiếng trêu ghẹo nhau, cả những tiếng cười khúc khích và lời nhắc nhở của người lớn. Yên lặng rồi đấy, vậy mà sao chẳng thấy ai vui cả, bố mẹ, anh em tôi đều chẳng nói lời nào. Có vẻ gì đó căng thẳng quá mức, mà việc đi du học của người anh lại là một niềm vui.

Bài 3

Trường cấp hai nơi tôi theo học là một ngôi trường danh tiếng. Đa số học sinh đều con nhà khá giả. Tôi nằm trong đám thiểu số thuộc “tầng lớp dưới” nghĩa là nhà tôi nằm trong địa bàn của trường – danh từ chung vẫn gọi là “quân đúng tuyến”.

Bố mẹ tôi cũng gắng lao động để cho chị em tôi theo học cho bằng chị bằng em. Thương bố mẹ, tôi chăm chỉ học tập và luôn là một học sinh tiêu biểu. Nhưng rồi khi lên lớp tám, tôi lớn lên và có chút thay đổi, tôi bắt đầu để ý đến những đứa bạn xung quanh.

Mỗi sáng, tụi nó được bố đưa đến trường trên những chiếc xe máy láng bóng hay những chiếc xe hơi đắt tiền, bóng lộn. Chỉ có ba tôi đưa con đến trường trong một chiếc xe máy bé tẹo, cũ kĩ, nước sơn đã sờn, nó chạy đến đâu là nhả khói mù mịt, người ta gọi nó là “ba bét nhè”. Tôi thật sự thấy ngại ngùng với những đứa bạn xung quanh mình. Nhưng cái điều làm tôi thật sự bối rối là cách ăn mặc của ba tôi. Ba tụi nó ăn mặc sang trọng, lịch lãm, hoặc luôn mặc những bộ đồ thể thao đắt tiền trông rất mốt và khoẻ khoắn. Vậy mà ba tôi, một thợ chữa xe chỉ mặc mấy cái áo phông cũ sờn rách với những chiếc quần ka ki bộ đội nhuốm đầy bụi thời gian. Ba thường đi đôi dép nhựa quai hậu gọn gàng, sạch sẽ. Ba thì đường hoàng còn tôi chợt thấy mình thật tầm thường, nhỏ nhoi, kém cỏi giữa tụi bạn học.

Rồi tôi cứ dần dần trở thành một đứa nhút nhát, tự ti, một học sinh trầm lặng, cô độc, khép kín. Có những khi ngồi sau xe ba, tôi thấy mấy đứa bạn đang ngồi trên xe hơi nhìn tôi chòng chọc, những nhóm bạn đứng trước cổng trường xì xào bàn tán, hai gò má tôi nóng ran, chân tay lóng ngóng. Lâu dần tôi dứt khoát đòi tự đi học dù là sát giờ.

Cuối năm học, nhà trường mời ba tới lớp để dự lễ trao phần thưởng cho học sinh giỏi trong đó có tôi. Nhưng, thật ra, tôi chỉ ước sao ba đừng có mặt.

Tối hôm ấy, tôi đã lạnh lùng hổi ba một câu :

– Sao ba không ăn mặc đẹp như ba các bạn ?

Ba tôi không trả lời mà chỉ ôm ghì tôi rất lâu. Mẹ quay lại nhìn tôi như nhìn người xa lạ, không giấu vẻ tức giận :

– Con có trưởng thành chút nào không vậy ? Con dám nói với ba như thế sao. Mẹ rất buồn đấy.

Mẹ đã giận tôi trong một thời gian rất dài. Quãng thời gian đủ để cho tôi ngẫm ra những điều cần thiết.

Ba mặc những bộ đồ ấy để luôn thấy thoải mái, sẵn sàng luồn mình dưới những chiếc ô tô hoặc ngồi cả ngày bên những chiếc xe máy hỏng hóc và làm cho chúng hoạt động trở lại như mới… để kiếm tiền dành dụm nuôi tôi ăn học. Và tôi thật ngốc nghếch : Ba không thể ăn mặc đẹp là vì… tôi. vả lại, vốn là một cồng nhân quân giới nay về phục viên, ba vẫn giữ nếp sống giản dị đó. Ngày lễ tết, ba thường bận bộ quân phục trông thật oai vệ. Ba đã đốt cháy những năm tháng tuổi xuân vì nền độc lập của dân tộc, vậy mà tôi vì chút sĩ diện lại không thấy tự hào về ba mình. Tôi ân hận vô cùng. Nghĩ đến những vết thương còn lại trên người ba, nghĩ đến những cơn đau trào nước mắt mỗi khi trở trời, lòng tôi quặn thắt lại vì sự ngu dại của mình, vì thương yêu ba hơn bao giờ hết. Tôi hiểu ra mình eần phải làm gì… và tôi quyết học giỏi để xứng đáng với ba mình, để sửa chữa lỗi lầm của mình.

Ngày tốt nghiệp tôi đã đỗ thủ khoa, ba đã cùng tôi đến lớp nhận phần thưởng. Tất cả những phụ huynh khác đon đả, chào hỏi và vui vẻ nói chuyện với ba tôi. Hôm ấy, tôi đã nghe được câu chuyện của những đứa bạn xì xào với nhau : “Bác ấy thật vui tính và tự tin, bác ấy lao động vất vả để nuôi con ăn học, bác ấy tự hào về con mình…”.

Tôi thấy tự hào về ba mình vô cùng ! Chính lúc này, tôi chợt hiểu ra rằng : Mình Đã Lớn Khôn.

(Lê Việt Hà, lớp 8A3, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Nhận xét

Thật ra, câu chuyện của Việt Hà về ba mình cũng có thể hiểu như là một sự dại dột làm cho bố mẹ không vui. Nhưng bạn lại muốn chúng ta hiểu rằng qua sự dại dột ấy, bạn đã lớn khôn rồi.

Chẳng có gì là đặc biệt, nếu bạn không hằng ngày tiếp xúc với những ông bố đi xe hơi, xe máy bóng lộn, nếu bạn không phải so sánh sự giản dị của một người cha giữa những người cha ăn mặc sang trọng. Một bên là người thợ chữa xe với áo phông cũ, sờn rách và quần ka ki bộ đội lấm bụi, với một bên là các ông bố với những bộ quần áo đắt tiền, sẵn tự ti với biệt ngữ “quân đúng tuyến”, bạn chạnh lòng là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, chạnh lòng đến mức quay ra trách bố mình, cảm thấy lạnh lùng và có phần “xấu hổ” vì bố là không thể chấp nhận. Rất may là bạn đã tự nhận ra sự “ngu dại” của mình và đấy là dấu hiệu của sự lớn khôn.

Có thể thấy từ ngu dại bạn dùng như thế là hơi quá. Phải chăng vì bạn muốn thật nghiêm khắc với bản thân ? Một chỗ khác, từ đốt cháy (trong câu Ba đã đốt cháy; những năm tháng tuổi xuân vì nền độc lập của dân tộc) dùng chưa chuẩn.

Bài 4

… Một buổi sáng thức dậy, tôi kéo rèm, mở toang cửa sổ, hít một hơi thật đầy, đủ để cảm nhận được mùi hương của gió mới và nắng mới. Tôi nhìn lại căn phòng của mình. Những con gấu bông không còn được choàng khăn, đắp chăn và nằm la liệt trên giường nữa, mà đã ngồi gọn gàng trong tủ kính. Ở góc phòng, không còn những quyển truyện tranh hay những hộp màu lem nhem nữa, mà là một góc học tập ngăn nắp với những quyển sách văn học nặng trịch bên giá… Những hình ảnh lạ mà quen như thổi vào tôi suy nghĩ mới : Tôi thấy mình đã khôn lớn.

Có người thấy mình lớn khôn hơn khi vừa trải qua một lần vấp ngã. Có người lại thấy mình lớn khôn hơn khi vừa làm được một việc mà từ trước tới giờ họ không làm được. Riêng tôi, tôi thấy mình khôn lớn hơn sau một ngày chủ nhật đặc biệt.

… Sáng hôm ấy, tôi cùng mẹ đi chơi và mua đồ. Mẹ tôi rất hay phải đi công tác xa, vì vậy, những khoảng thời gian như thế này thực sự là hiếm. Những lúc ấy, tôi thường “tranh thủ” đòi mẹ mua nhiều thứ. Và đến khi không được mua, khuôn mặt vốn chẳng xinh đẹp gì của tôi chảy xị xuống ; cái miệng của tôi cũng chẳng chịu nói câu nào. Vậy mà lần này khác hẳn. Khi đi ngang qua những cửa hàng, vốn tôi rất thích, tôi đã định đòi mẹ mua mấy bộ quần áo. Nhưng trước lúc nói ra những câu vòi vĩnh, mè nheo, tôi đã kịp nghĩ lại : “Trông những bộ quần áo ấy thật đẹp, nhưng nếu mình mặc thì liệu chúng còn đẹp hay không ? Hãy thử nhớ lại xem, đã có bao nhiêu bộ quần áo cất trong tủ mà mình chưa bao giờ “động đến” vì quá xấu ? Phải rút kinh nghiệm thôi.”. Tôi liếc nhìn mẹ. Dường như mẹ đang khẽ mỉm cười. Có lẽ vì mẹ thấy lần đầu tiên cô con gái của mẹ vẫn tươi tỉnh ngay cả khi không được mua những bộ quần áo đẹp mà không đẹp ấy.

Trưa. Nắng chói chang đổ từ trên cao xuống gay gắt. Như một cơn mưa lớn. Xối xả. Mẹ nói với tôi thật mà như đùa : “Hôm nay Cún đi chợ nhỉ ?”. Tôi ngạc nhiên, suýt thì tôi hỏi lại xem mẹ vừa nói gì. Bởi bình thường, tôi chỉ được sai đi mua vài quả chanh hay “to tát” lắm thì mới là mớ rau. Thế mà… Mẹ vừa nói gì thế nhỉ ? Hôm nay tôi đi chợ và có lẽ mẹ cũng không muốn cho cả nhà ăn rau không. Tôi được “chịu trách nhiệm” toàn bộ bữa ăn của gia đình. Quả là một “nhiệm vụ cao cả” ! Không một lời thắc mắc, tôi sung sướng đạp xe ra chợ, mặc cho cái nắng nóng đến cháy da cháy thịt đang vây quanh mình. Vừa đi, tôi vừa nghĩ “thực đơn”… Chưa kịp đi qua, các cô bán hàng đã xôn xao mời gọi. Tôi chỉ nghe loáng thoáng “Ôi, hôm nay mẹ đâu mà lại để con gái đi một mình thế này…”. Chẳng mấy quan tâm đến những câu nói ấy, tôi rẽ thẳng vào một cửa hàng quen. Chọn đồ xong, tôi không quên nói thêm vào một câu : “Cô cân đủ cho cháu đấy nhé ! Về nhà mẹ cháu sẽ cân lại”. Xong xuôi, tôi lại khẩn trương đạp xe về nhà. Mẹ nhìn túi thịt, nhận xét vài câu. Tôi biết mình mua thịt không được ngon lắm, nhưng rồi cũng tự an ủi : “Dù sao cũng là lần đầu tiên ! Bữa cơm hôm ấy mới ngon làm sao.”.

Chiều, tôi ngồi vào bàn học, thẩn thơ nhớ lại những việc buổi sáng. Tự dưng, tôi ngồi nghĩ, nghĩ rất lâu… Và sau đó lấy làm lạ.

Mà lạ thật ! Từ bé tới giờ, chưa bao giờ tôi trải qua những việc như thế. Hay nói cho đúng, tôi chưa bao giờ có cách xử sự như thế. Mặc dù tôi biết, những việc đó thật bình thường đối với mọi người. Tôi nhận ra những thay đổi mới lạ trong suy nghĩ và tâm hồn mình.

Tôi thấy mình trở nên quan trọng hơn. Tôi được đóng góp ý kiến của mình. Tôi không còn phải nghe những câu nói, kiểu như : “Trẻ con đi ra chỗ khác chơi, cho người lớn nói chuyện !”.

Tôi thấy mình trở nên quan trọng hơn. Tôi biết rằng không phải cứ muốn là được. Tôi biết là phải làm những điều nên làm, không làm theo ý thích. Tôi biết phân tích đúng sai khi đứng trước một sự việc.

Tôi biết sống cần phải có ước mơ. Và để thực hiện ước mơ đó thì phải có quyết tâm.

Mỗi người đều phải vượt qua một ranh giới giữa lứa tuổi trẻ thơ và lứa tuổi trưởng thành. Có lẽ, đối với tôi, ranh giới đó là ngày chủ nhật hôm ấy. Ở tuổi mười bốn, tôi thấy mình đã lớn khôn.

(Phạm Phương Thảo, lớp 8H, Trường THCS Trưng Vương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

 Nhận xét

Cũng là một cách nhận ra mình đã lớn, bạn Thảo chỉ ghi lại một ngày chủ nhật đáng nhớ của tuổi mười bốn. Lí lẽ của bạn cũng khá thuyết phục đấy chứ ? Có ngựời thấy mình lớn khôn hơn khi vừa trải qua một lần vấp ngã. Có người Iại thấỵ mình lớn khôn hơn khi ưừa làm được một uiệc mà từ trước tới giờ họ không làm dược. Riêng tôi, tôi thấy mình khôn lớn hơn sau một ngày chủ nhật đặc biệt.

Bạn đã khéo chọn ba thời điểm. Buổi sớm nhìn căn phòng với những chú búp bê đã chia tay, ngồi gọn gàng trong tủ kính. Rồi cái việc không nhõng nhẽo vòi vĩnh mua quần áo đẹp. Việc tự đi chợ lúc trưa, chịu trách nhiệm về cả bữa ăn của gia đình, thay vì được sai đi mua vật quả chanh hay to tát lắm thì mới là mớ rau. Và buổi chiều ngồi ngẫm lại. Bạn đã có lí vì những việc bạn làm thật ra rất bình thường, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng nó đặc biệt ở chỗ từ bé đến giờ, chưa bao giờ tôi trải qua những việc như thế. Một người như vậy, hẳn có quyền nói rằng mình đã lớn khôn, mặc dù mới mười bốn tuổi. Đúng không nào ?

Xem thêm 

Người ấy sống mãi trong tim tôi

Kỉ niệm ngày đầu tiên đi học

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận