Chuyên đề Truyện hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9 Tác phẩm ” Làng”

Đang tải...

Tìm hiểu tác phẩm “LÀNG”

(Trích – Kim Lân)

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN

– Truyện ngắn Làng có cốt truyện đơn giản, ít sự việc, không hướng vào tái hiện những sự kiện bên ngoài hay xung đột xã hội mà hướng vào thế giới nội tâm nhân vật, miêu tả trạng thái và diễn biến tâm lí của ông Hai. Đó là loại cốt truyện tâm lí, không phải cốt truyện sự kiện, hành động. Phần chính của truyện (được trích trong SGK) là diễn biến tình cảm và thái độ của ông Hai đối với làng quê khi ở nơi tản cư ông nghe tin làng mình lập tề theo giặc đến khi cái túi ấy được cải chính.

– Tình huống truyện là việc ông Hai tình cờ nghe được cái tin làng Chợ Dầu của mình theo giặc khi ông vừa từ phòng thông tin bước ra, đang phấn chấn vì những tin tức ta đánh thắng giặc ở nhiều nơi. Vốn là người rất yêu và tự hào về cái làng của mình, tin ấy đã khiến ông Hai sững sờ rồi đau khổ, tủi hổ. Suốt mấy ngày liền, ông không dám bước chân ra khỏi nhà, vì sợ phải nghe những lời bàn tán về cái tin làng Chợ Dầu theo giặc. Ông chỉ biết trút nỗi lòng của mình vào cuộc trò chuyện với đứa con út. Tinh thế của ông Hai bị dồn đến chỗ tưởng như bế tắc khi người chủ nhà tỏ ý không muốn cho gia đình ông – dân của cái làng theo giặc – ở nhờ nữa. Cuối cùng thì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã được cải chính, ông Hai phấn chấn, vui vẻ đi khắp mọi nhà để cải chính cái tin ấy và kể chuyện làng mình đánh giặc. Qua nhân vật ông Hai, tác giả đã thể hiện chân thực và cảm động sự thống nhất giữa tình cảm làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến ở người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

– Đặc sắc nghệ thuật:

+ Thành công nổi bật của truyện Làng là sự sáng tạo tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên.

+ Thành công về nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhất là miêu tả tâm lí nhân vật chính – ông Hai. Ngoài ông Hai, nhân vật phụ như mụ chủ nhà cũng được miêu tả khá sinh động, từ ngôn ngữ đến tâm lí, tính cách.

+ Góp vào thành công của truyện còn phải kể đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ – ngôn ngữ nhân vật và người trần thuật. Kim Lân vốn rất am hiểu và gần gũi với những nhân vật quần chúng của mình, nhà văn để họ được nói năng, suy nghĩ, hành động một cách hết sức tự nhiên mà bộc lộ được tâm lí, tính cách. Ngôn ngữ của ông Hai – cả trong những lời đối thoại và lời độc thoại đều rõ là lời ăn tiếng nói, cách nghĩ của một ông lão nông dân vốn gắn bó tha thiết với làng quê và rất trung thành với cách mạng, với kháng chiến.

+ Nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn Làng cũng khá đặc sắc. Tuy lời trần thuật vẫn ở ngôi thứ ba vô hình, nhưng quan điểm và ngôn ngữ của người trần thuật thống nhất với quan điểm và ngôn ngữ của nhân vật chính, nhiều chỗ nhập vào dòng tâm tư của nhân vật ông Hai.

II – LUYỆN TẬP

1. Tình huống nào làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai? Nhận xét về nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của tác giả.

2. Phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai từ lúc nghe tin làng mình theo giặc đến khi tin ấy được cải chính. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vặt ông Hai.

3. Đọc lại đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út và cho biết vì sao ông Hai lại trò chuyện như thế với đứa con nhỏ. Qua những lời trò chuyên ấy, em cảm nhận được điều gì về tấm lòng của ông Hai với làng quê, đất nước, với cuộc kháng chiến?

Gợi ý

1. – Tinh huống truyện là sự việc ông Hai tình cờ nghe được cái tin làng Chợ Dầu của mình theo giặc khi ông vừa từ phòng thông tin bước ra, đang phấn chấn vì những tin tức ta đánh thắng giặc ở nhiều nơi. Nhưng vì sao cái tin ấy lại có tác động mạnh đến tâm trạng của ông Hai, tạo nên sự đau xót, tủi hổ ghê gớm trong lòng nhân vật? Đó là bởi ông Hai rất yêu và tự hào về cái làng Chợ Dầu của mình, thậm chí ông có cái tính thích khoe làng. Nhưng căn nguyên sâu xa còn ở chỗ ông Hai không chỉ là một “thôn dân” – một người của làng, mà còn là một “công dân” – một người dân yêu nước. Ở ông, lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến bao trùm và chi phối tình yêu làng quê. Bởi vậy mà ông đã đi tản cư vào vùng kháng chiến. Vì thế, khi nghe tin làng mình theo giặc, ông Hai vô cùng đau xót, tủi hổ, suốt mấy ngày liền ông không dám bước ra ngoài đường, và có lúc ông nghĩ: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

Tạo dựng tình huống ấy, tác giả đặt nhân vật vào sự xung đột nội tâm giữa hai tình cảm: tình yêu làng quê và lòng yêu nước. Đồng thời, qua diễn biến tâm trạng của nhân vật, Kim Lân khẳng định: lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến là tình cảm chủ đạo, bao trùm; tình cảm làng quê, tình cảm quê hương phải đặt trong sự thống nhất với lòng yêu nước. Đó cũng là đặc điểm chung trong đời sống tinh thần, tình cảm của con người Việt Nam thời kì kháng chiến.

Tình huống truyện được tạo dựng một cách tự nhiên, hợp lí. Từ một sự việc có vẻ như ngẫu nhiên, ở bên ngoài (câu nói của người đàn bà tản cư ở chỗ hàng nước mà ông Hai vô tình nghe được) đã chuyển thành tình huống bên trong nội tâm nhân vật, trở thành tình huống tâm lí. Từ tình huống ấy, tác giả có điểu kiện soi chiếu vào đời sống nội tâm nhân vật, miêu tả diễn biến tâm lí của ông Hai.

Xem thêm: Chuyên đề Truyện hiện đại Việt Nam – Ngữ văn 9

2. – HS tìm nêu các chi tiết miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai ở ba thời điểm: khi bất ngờ nghe tin làng mình theo giặc, trong những ngày tiếp sau đó và khi cái tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính. Chú ý: tâm lí nhân vật không chỉ được biểu hiện trực tiếp trong những cảm xúc, ý nghĩ mà còn được thể hiện qua cảm giác ở ngoại hình và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.

Ban đầu là những cảm xúc đột ngột hiện ra bằng các trạng thái cơ thể: cổ nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân rồi lặng đi tưởng chừng không thở được. Rồi tiếp đó là nỗi xấu hổ, đau xót khiến ông cúi gằm mặt mà đi. Nỗi đau đớn, tủi hổ về việc làng mình theo giặc khiến ông Hai cảm thấy như mình cũng là kẻ có tội, lúc nào cũng nơm nóp lo sợ, không dám ló mặt ra ngoài. Sau cùng thì tâm trạng của ông Hai được biểu hiện trone những lời độc thoại dưới hình thức trò chuyện với đứa con út, mà thực chất là lời tự minh oan và khẳng định tấm lòng thuỷ chung của mình với kháng chiến để làm vợi bớt phần nào nỗi khổ tâm nặng nề đã dằn vặt ông bấy lâu.

Ở đoạn kết, khi cái tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính thì một lần nữa tình yêu làng, yêu nước ở ông Hai lại được thể hiện một cách thành thực và cảm động. Ông đã thay đổi hẳn: “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy”. Ông vui mừng và hào húng kể với bác Thứ rằng cái tin làng Chợ Dầu theo giặc là sai sự thật. Và ông còn hào hứng khoe cả việc nhà mình bị Tây đốt nhẵn. Rồi ông vội vã, lật đật đến các nhà trong xóm để kể, để khoe về những điều đó.

– Tác giả đã rất hiểu tâm lí của người nông dân, đặc biệt là tình cảm với làng quê và tâm lí cộng đồng của họ. Tâm lí nhàn vật ông Hai được thể hiện từ ngoại hình, cử chỉ đến ngôn ngữ, hành động. Không chỉ diễn tả chính xác, tinh tế các trạng thái tâm lí mà tác giả còn miêu tả thành công quá trình vận động, chuyển biến của tâm trạng nhân vật.

3. Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc, ông Hai chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con còn rất ngây thơ. Đây là một đoạn văn diễn tả rất cảm động và sinh động nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hại – một người nông dân – với quê hương, đất nước, cách mạng và kháng chiến (cần chú ý nội dung và giọng điệu những lời ông Hai trò chuyện với đứa con út và cả những ý nghĩ trong lòng ông).

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận