Thu Vịnh (Nguyễn Khuyến) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài giảng “Thu vịnh” (Nguyễn Khuyến) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

THU VỊNH

NGUYỄN KHUYẾN

        1. Bài thơ được sáng tác vào thời gian nào không rõ. Trong bài Đọc thơ Nguyễn Khuyến ở đầu sách Thơ văn Nguyễn Khuyến của nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, nãm 1971, Xuân Diệu cho là trước khi tác giả cáo quan về nhà, dựa vào hai câu kết: thẹn với ông Đào vì chưa bỏ quan về như ông.

        Người viết bài này nghĩ khác. Bài thơ này có nói cảnh thu nhưng lồng vào đó là tâm sự tác giả. Tâm sự ấy là tâm sự sau khi đã về làng, nước nhà coi như đã mất vào tay giặc. Hai câu luận nói lên điều ấy khá rõ mặc dù rất kín đáo. Còn ở hai câu kết, thẹn là thẹn mình không được khẳng khái, cứng cỏi như ông Đào.

        Bài thơ này nằm trong chùm thơ mùa thu, ba bài nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. Đồng thời cũng nên biết Nguyễn Khuyến còn khá nhiều bài thơ thu bằng chữ Hán. Bút pháp trong thơ chữ Hán có khác với thơ nôm, nhưng cảm xúc là của một người, trước những cảnh có khi giống nhau, nên có khi hình ảnh dùng tương tự và cũng đẹp, cũng hay.

        Ví dụ: Tả nền trời xanh, bài Thu nhiệt (Nống thu) có câu: Thanh nhiễm thiên y bát kiến ngân.

        Tức là: Màu xanh nhuộm áo trời liền một màu chẳng thấy đường may.

        Bài Thu tứ (Ý thu) có câu: Tiêu bán hư không thanh vị liễu.

        Nghĩa là: Nền trời hư không xanh đến vô tận v.v …

        Cảnh tình có khác nhau nhưng đều chung một tinh thần nhè nhẹ, thanh thanh, tinh vi, kín đáo.

        Đáng lưu ý là các chi tiết cảnh vật trong các bài thơ này cũng như nhiều bài thơ khác đều rút ra từ cảnh vật ở quê hương tác giả. Thôn Vị Hạ, làng Yên Đổ, nay là xã Yên  Đổ, thuộc huyện Bình Lục, ngày xưa là tỉnh Hà Nam nay là Hà Nam Ninh. Trước đó là vùng đồng chiêm trũng, chỉ làm được một mùa, còn toàn ngập nước; trong làng vô số là ao với những bờ tre quanh co bao bọc những mái tranh mái rạ.

        Nhà của cụ Tam nguyên – dân gian gọi là ông Hoàng Và, tức ông hoàng giáp làng. Và, tức là Vị Hạ – còn đó: một ngôi nhà ngói nhỏ, nơi thờ phụng ông bà, còn giữ nguyên được cái biển “ân tứ vinh quy” và bằng sắc vua ban, nối thẳng góc với nhà thờ là mấy gian nhà trống trải, vắng vẻ. Cổng xây bằng gạch có mái, cũ kĩ, rêu phong. Từ cổng vào sân, một bên là hàng giậu, một bên là hàng sơ li thấp, có các loại dây leo phủ xanh. Vườn khá rộng, “không quá chín sào” đúng như trong thơ. Chung quanh vườn, ba mặt đều là hàng tre. Tre già thưa thớt, măng non thẳng vút, uốn câu. Phía trước là cánh đồng, ao chuôm, ruộng chiêm liên tiếp. Ra cổng, nhìn về phía nam, núi An Lão trơ vơ với một chùm cây trên ngọn nổi lên giữa cánh đồng. Trên đầu là bầu trời mênh mông, bát ngát.

        Cảnh thu trong bài này là cảnh thu nghe, nhìn từ ngôi nhà nói trên.

        2. Cảnh thì coi như là rõ, nhưng tình người thì khó nắm bắt.

        Thu vịnh là nghĩa làm sao? Cứ xét nhóm từ này như một kết cấu độc lập thì có thể hiểu hai cách: Một là: vịnh mùa thu; hai là: làm thơ mùa thu. Xưa nay, nhiều người thường hiểu theo cách thứ nhất. Xét ra không đúng. Ấy là khi đặt nó vào hệ thống ba bài thơ thu: Thu điếu là câu cá mùa thu. Thu ẩm là uống rượu mùa thu, vậy thì Thu vịnh phải là làm thơ mùa thu. Ba việc làm khác nhau, ba tâm trạng khác nhau nhưng đều cùng dưới trời thu cả. Thu vịnh có tả cảnh mùa thu nhưng không phải vịnh mùa thu.

        Câu 1-2.

                                                          Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

                                                          Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

        Nền trời thu. Xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu. Mấy tầng cao tức là rất cao, tưởng như có nhiều lớp nhiều tầng. Trời thu không mây, xanh ngắt, thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu cái lắng, mấy tầng cao càng gợi ra cái lắng cái sâu thêm.

        Cần trúc: chỉ cây tre mảnh khảnh uốn cong như cần câu hoặc cây mãng chưa ra lá, ngọn còn in hình cần câu; tre hay măng gì cũng được, miễn là có cái dáng thanh thanh, cong cong có duyên. Nên trời thu mà quy lại chỉ có màu xanh ngắt, thì hàng tre cũng thu lại dáng cần trúc là phải, vậy mới hài hòa. Lơ phơ: không phải phất phơ mà đong đưa khe khẽ, nhưng rõ nhất là thưa thớt, mảnh khảnh, và như có gì bên trong. Gió hắt hiu: gió không mạnh nhưng không ra buồn, không như đìu hiu, và cũng như có gì bên trong.

        Tất cả đều như có một mối cảm thông thầm lặng, sâu kín rất êm rất nhẹ, chừng như vi tế, rất khó nắm bát. Xanh ngắt những mấy tầng cao thì mới càng ngắt xanh; mấy tầng cao mà vẫn một màu xanh ngắt thì cái cao mới càng thăm thẳm, cần trúc có gió hắt hiu thì mới lơ phơ, có cần trúc lơ phơ thì mới biết có gió hắt hiu. Cầu trúc có chút gió để đong đưa khe khẽ, nhưng đong đưa cũng chỉ khe khẽ gần như đứng yên. Trên nền trời thu xanh thẳm lại im lìm mấy cần trúc mảnh khảnh, lơ phơ. Cái động của cần trúc càng tăng cái lặng thinh sâu thẳm của màu trời. Màu trời sâu thẳm, lặng thinh lại như dồn ít cả cái sâu lắng vào bên trong của một mình cần trúc, để cho nó vừa đủ đong đưa mà cũng vừa đủ đứng yên. Đó là nói cái động và cái tỉnh. Còn cái mênh mông của bầu trời mà không cái lơ phơ vài ngọn uốn cong của cần trúc thì làm sao mà mông mênh? Và cái cần trúc khẳng kheo ấy không được bầu trời mênh mông làm nền thì làm sao tỏ hết được cái lơ phơ? Vậy, hai câu đề thuỷ mạc hai nét cảnh thu, đơn sơ, thanh thoát, nhưng là cảnh thu nhịp nhàng với tâm hồn tác giả: cảnh thu làm thơ. Trong đó, mọi chi tiết màu sắc, đường nét, cử động đều hài hòa, giao cảm với nhau thành một nỗi niêm gì đó, sâu lắng, vi tế, lặn vào bên trong, nhưng lại có sức vang ngân man lác. Nói trời thu nhưng đã là hồn thu.

        Câu 3, 4.

                                                          Nước biếc trông như từng khói phủ,

                                                          Song thưa để mặc bóng trăng vào.

        Nước biếc: một hình ảnh quá quen, gần như sáo mòn; non xanh nước biếc là cảnh đẹp, mùa nào cũng được, không cứ mùa thu; không có gì đáng nói. Từng khói phủ: khói gì? khói thổi cơm chiều thổi ra từ mái rạ? Không có lẽ. Vậy là hơi nước bốc thành sương chiều, màu lam, mờ mờ như khói. “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” là thứ khói ấy. Trông như là so sánh nhưng không xác định, tạo ra cái gì lửng lơ, vừa là nó mà vừa là không phải nó. Nước biếc trong các ao luôn lẫn vào trong sương mờ trông như có từng khói phủ lên trên. Đó là đặc trưng của cảnh thu chăng? Có người muốn hiểu thật chính xác và muốn thêm chất sống cho lời giảng của mình, đã nhằm đúng một ngày thu có trăng ở đất Bác, ra đồng và lúc chiều buông để nhìn tận mắt trên các ao đầm thử có cái mặt nước khói trùm này không. Sự cẩn thận và sự say mê đó với văn học như vậy cũng thật khoa học và cũng khá là thơ. Mùa thu vốn có trăng rằm trong vắt đêm trung thu, nhưng cũng vốn nhiều sương khói suốt mùa, sớm mai và chiều thu không kể cả đêm, và nhất là trên mặt nước. Ngay trong thơ thu của Nguyễn Khuyến bằng chữ Hán cũng nhiều lần gặp hình ảnh đó:

                                                          Tà dương yên thuỷ đạm như vô

                                                          (Bóng chiều khói nước lạt như không – Ý thu 1)

                                                          Trúc li tích thuý mộ phù yên

                                                          (Giậu tre đọng biếc nổi sương chiều – Tiết trùng dương năm Kỉ Sửu).

        Vậy sương chiều phủ lên mặt nước thu là bình thường, là cảnh mọi người thấy được. Nhưng cũng như cảnh mây trời in trong đáy nước, ai cũng nhìn quen, mà đến khi Nguyễn Khuyến lọc vào thơ mình: “Long lanh đáy nước in trời” thì mọi người mới thấy đó là nét thu trong, đẹp. Ở đây, cảnh mặt nước khói sương ấy qua tâm hồn nhà thơ mới thành một dáng thu ngâm vịnh. Từng khói phủ thì không giống làn khói phủ, khói đã trở nên dày hơn, nhiều lớp hơn, có chiều cao, có độ sâu, như có chứa chất, và cái đó được phủ lên, trùm lên, che khuất và trong. Nước biếc có từng khói phủ là nước không còn rõ màu biếc nữa, lẫn vào màu khói lam mờ, màu thật đã không còn thật nữa, hóa mông lung, mơ hồ. Lại thêm trông như nữa. Nghĩa là khói phủ đã mơ hồ, mông lung rồi mà còn thêm lửng lơ, bất định nữa, thì lại càng mơ hồ, mông lung. Đó là một dáng thu ở mặt đất sau dáng thu ở nền trời bên trên. Nhưng cũng đã lặng yên, sâu lắng, dồn chứa bên trong.

        Song thưa gợi ý nhẹ, thanh, cởi mở. Bóng trăng vào là cái gì mát mẻ, trong suốt, tràn ngập vào tận bên trong cửa sổ. Để mặc tức không ngăn cản, mặc sức, tha hồ.

        Cửa sổ song thưa, mặc cho ánh trăng thu tràn vào. Nói song thưa là nói không chặt, để hở, nhưng tiếp theo bóng trăng vào thì song thưa trở thành cởi mở, cảm thông. Nó bóng trăng vào mà vào qua song thưa để ngỏ thì bóng trăng hóa ra mênh nông hơn, thoải mái hơn, song thưa và bóng trăng vừa ý nhau, cảm thông nhau hơn. Lại thêm để mặc cho cửa sổ và ánh trăng ha hồ mà buông thả cho nhau, làm thanh, làm mát cho nhau, nhưng tất cả đều lặng lẽ, và bên trong cái im lìm lại là cái gì đang chờ đợi, đang sắp sửa.

        Nếu ở câu trên là một trạng thái có chiều cao, độ sâu, trùm lên, phủ lại, thành một khối, một thể tích, thì ở câu này lại là một trạng thái mở ra, tràn vào, bày ra một bề rộng, một cái diện. Cái diện ấy, mặc dù hình như bị giới hạn bởi cửa sổ song thưa, vẫn cứ mênh mông, mênh mông ở bên trong, ở tinh thần và âm điệu. Có phải âm thanh ở câu trên nhiều chỗ tối, đi lại, còn âm thanh ở câu dưới sáng và mở ra không? Khối hay diện, gói lại hay mở ra cũng đều lặng yên, sâu lắng, như hất chứa, như suy tư, như sắp sửa và đều ẩn vào bên trong.

        Một điều ngạc nhiên khi nhìn lại: Cảnh vật trong bốn câu đầu hình như không cùng một thời điểm. Nhìn thấy trời xanh, nước biếc, chú ý rõ được cái đong đưa rất khẽ của cần trúc, thì phải có trời sáng; sương mù đã buông, ít nhất cũng vào hoàng hôn; còn bóng trăng vào cửa sổ thì sớm nhất cũng đã vào đêm.

        Cho là từ câu đầu đến câu bốn, trời đất đã biến chuyển theo thời gian từ xế chiều đến chập tối rồi sang đêm, ngòi bút đã chiều theo tâm tư tác giả mà lựa chọn mấy nét cành vật khác nhau, nhưng hình như đều cùng nhất trí gợi lên một trí thái lặng yên, sâu lắng, nhiều chan hòa cảm thông, và chất chứa ẩn giấu vào bên trong. Mà đó là tâm tư của tác giả, là tâm hồn của mùa thu, mùa thu làm thơ không giống mùa thu (cá, mùa thu uống rượu.)

        Câu 5, 6.

                                                          Mấy chùm trước giậu, hoa năm ngoái,

                                                          Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?

        Sao lại hoa năm ngoái? Hoa năm nay mà giống hệt năm ngoái? hay là hoa năm ngoái hiện về trong năm nay? là hoa gì? không thấy nói. Còn mấy chùm thì câu thơ cho hiểu là mấy chùm hoa. Sau khi nhìn mặt nước phủ sương, nhìn ánh trăng vào cửa sổ, nhà thơ trông ra bờ giậu ngoài sân, ở đó, đổ mấy chùm hoa. Và bỗng dưng, nhà thơ thấy đó là hoa năm ngoái.

        Câu này là một câu luận. Trong bài hát cú, câu luận chiếm một địa vị quan trọng. Đi sâu, mở rộng, suy luận là đây. Chiều sâu, tầm cao của bài thơ hay cũng ở đây. Tác giả không phải là người câu nệ trong phép tắc làm thơ. Nhưng ở đây câu luận có ý nghĩa. Vào đề, thích thực, dù sao cũng đang nói về cảnh tuy đã chọn theo một hướng nhất định. Đi vào câu luận là khác. Trên kia mới là con mắt nhìn, chừng nào còn khách quí đây là trái tim xúc cảm, can thiệp hẳn hoi vào cảnh vật, cảnh vật khoác thêm màu sắc chủ quan của tác giả. Hoa trước mắt, năm nay hẳn hoi mà cảm ra là hoa năm ngoái. Có không? Cái gì đã xảy ra trong lòng người?

        Có một chuyện thơ lý thú. Ngày xưa, một người nọ có một bức tranh đẹp. Tranh vẽ cảnh mùa xuân, một cây đào đang hoa, mấy chú bướm đang lượn vành. Có ông bạn làm thơ để chơi, chủ nhân nhờ đề vịnh một câu. Ông bạn nhìn tranh, ngẫm nghĩ rồi viết:

                                                          Kinh niên hồ điệp phi bất khứ,

                                                          Luỹ tuế đào hoa kết vị thành.

                                                          (Đã bao năm bướm bay mà chẳng thấy đi khuất

                                                          Cũng bao năm đào nở mà nở vẫn chưa xong).

        Chủ nhân khen lấy khen để. Bởi vì con bướm, cây đào trong anh tuy có sinh động nhưng vẫn là những vật tĩnh, nằm im trong một không gian và một thời gian cố định. Nay người làm thơ đã dùng cây đũa thần của mình làm cho con bướm và cây đào sống dậy. Đâu phải con bướm vẽ! Không, nó đã bay từ năm nào, và nay hãy còn bay nhưng chưa đi. Đâu phải là cây đào trong tranh! Không, cây đào đã làm cái việc nở hoa, nay ấy năm rồi mà vẫn chưa xong. Tài người làm thơ là biến cái tĩnh thành cái động, biến giây phút nhất thời ngưng đọng thành cái vĩnh viễn của cuộc sống nổi sôi.

        Đây cũng là dùng lời thơ để biến đổi thời gian. Đâu phải hời hợt chuyện bên ngoài, mà là chuyện sâu kín bên trong. Đột nhiên thấy hoa thành hoa ăam ngoái, mà cũng chẳng nói hoa, là con người bỗng dưng trở thành lửng lơ, bất định, đang ở hiện tại mà như lùi về quá khứ, hay quá khứ hiện về trong hiện tại, đang xác định mà thành không xác định, đang ở thế khẳng định mà chuyển sang thế phủ định, đang thực hóa thành cái hư hư thực thực. Có vẻ như muốn nhuộm màu triết học. Nói ảo giác thì chưa phải và không đến nỗi. Nhưng trong tâm hồn nhất định đã có diễn biến gì sâu xa.

        Thử xem cách đặt câu. Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái. Mấy chùm, xen vào trước giậu rồi mới đến hoa năm ngoái. Âm điệu câu thơ toát từ nội dung, buộc phải đọc theo nhịp 2/2/3 hay đúng hơn 4/1/2 và sau nhịp thứ hai, phải nghỉ ngơi khá dài: Mấy chùm trước giậu … hoa năm ngoái. Bởi: Mấy chùm đến hoa năm ngoái là có một đoạn ngẫm nghĩ trong lòng người làm thơ, một đoạn suy tư và sau đó đột nhiên mới xuất hiện không phải hoa năm nay mà hoa năm ngoái.

        Nội dung của niềm suy tư ấy là gì, tìm hiểu câu sau xong sẽ đề cập đến một thể.

                                                          Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?

        Mùa thu, những con ngỗng trời mà văn chương thường gửi một cách đẹp đẽ là những con hồng con nhạn, từ phương bắc di cư về phương nam tránh rét, thường bay qua trời nước từ chập tối đến khuya, và thỉnh thoảng cất tiếng kêu trên không. Hiện tượng sinh vật học là thế. Ở đây, cũng như ở câu trước nói ngỗng nước nào, bỗng dưng con người cũng trở thành lửng lơ, bất định, đang ở nước mình mà như rơi vào nước nào, đang khẳng định mà thành nghi vấn, đang thực mà hóa ra hư. Cũng có vẻ muốn nhuốm màu triết học.

        Cách đặt câu cũng cùng một dạng với câu trên. Một tiếng đặt ra trước, không biết là tiếng gì, rồi đến trên không, cũng chưa rõ là tiếng gì, sau mới rõ ra là tiếng ngỗng, cuối cùng đột ngột là ngỗng nước nào. Đọc câu thơ này cũng theo nhịp điệu như câu trên:

                                                          Một tiếng trên không … ngỗng … nước nào?

        Từ một tiếng trên không đến ngỗng phải dừng hơi khác và từ ngỗng đến nước nào cũng phải ngắt hơi thì mới buông ra nước nào thành đột ngột được. Quãng giữa những nhóm thơ ở những chỗ ngưng hơi ấy là một thời gian trầm ngâm suy trong lòng người làm thơ.

        Đúng đây là hai câu luận. Không còn là tả cảnh, dù là cảnh nhịp nhàng với tâm tư mình. Bên trên là cảnh và vật hài hòa, cảm thông nhau trong một niềm sâu lắng, lặng yên nhưng có gì chất chứa bên trong. Đây là con người hài hòa, cảm thông với cành vật, cảnh vật thể hiện tâm tư con người, và con người hiển hiện trong cảnh vật. Như trên kia đã nói, không chỉ có con mắt nhìn mà chủ yếu là trái tim rung cảm. Chủ quan trùm lên khách quan. Cho nên hai câu này tuy còn là mượn cảnh thu. cũng còn có thể nói tả cảnh thu – vì thế nên nhiều người chỉ dừng ở đó – nhưng chủ yếu đã biểu hiện tâm trạng của tác giả.

        Nhìn hoa trước giậu, nghe ngỗng trên không, bỗng dưng sao lại nghĩ đến chuyện năm ngoái, chuyện nước nào? Chính vì trong tâm tư con người, dù ai có nói gì thì nói, có chê gì thì chê, vẫn canh cánh một nỗi đau mất nước, vẫn bứt rứt cho cái bất lực của mình, vẫn thương xốt, luyến tiếc cho cái quá khứ độc lập của nước nhà. Cho nên thấy hoa năm nay mà không muốn nhìn hoa năm nay, bởi hoa năm nay còn làm sao đẹp được nữa, trong khi con người chỉ còn có u buồn, nên mới nhìn ra đó là hoa năm ngoải.

        Ôi! hoa năm ngoái / Ai không nhớ “hoa đào năm ngoái” của chàng Kim lúc trở về vườn Thuý, thấy hoa mà nhớ đến cảnh cũ – người xưa. Có ai biết chăng thơ Đường cũng có “cánh hoa xưa”?

                                                          Đình thụ bất tri nhân khứ tận,

                                                          Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa.

                                                          (Cây sân chẳng biết người đi hết,

                                                          Xuân về lại nở cánh hoa xưa).

        Cùng là chuyện nhớ cổ thương kim. Có điều trong lòng ông Tam nguyên đâu phải là một bóng dáng người yêu hoặc   một quá khứ sang giàu. Chỉ có một nỗi xót đau cho hiện tại, cho vận nhà ách nước trong hiện tại, cái hiện tại trăm lần đáng phải phủ định. Quá khứ không hẳn mọi sự đều tốt đẹp, nhưng cũng còn có đất nước, có tổ tiên, có văn hiến lễ nghĩa, có đạo lí nhân tình, quá khứ ấy ngày nay đâu còn nữa. Vứt cái hoa năm nay đi! Đối với tấm lòng của con người ấy chỉ có hoa năm ngoải.

        Còn ngỗng nước nào? Khoa học cho biết loài chim nào không ở cố định một nơi, khi ở phương bắc khi ở phương nào. Nước ta thuộc phương nam. Cho nên lúc sang ta nó là ngỗng nước ta. Thực ra đâu phải vấn đề ở con ngỗng trời! Vấn đề là ở nước nào. Đã sang ta là chim của đất nước ta, tại sao lại buột mồm nói gở là nước nào? Bởi vì đất nước này không còn là của mình nữa, cho nên tiếng ngỗng kia cũng thành tiếng ngỗng nước nào. Nghe như bâng quơ nhưng thật là tình cả sâu đậm với non sông đất nước. Trước đây mấy chục năm, khi Nam Kì bị cắt rời khỏi Tổ quốc, cái đau xót trước cảnh đất nước không còn là của mình nữa, nhà thơ mù Lục Tỉnh đã gửi vào một vần thơ bình thường nhưng sâu thăm thẳm: “Bờ cõi xưa đã chia đất khác”. Ngay bản thân Nguyễn Khuyến cũng bao lần để nhói lên trong thơ mình cùng một nỗi xót xa. Bài Hồ Hoàn Kiếm có câu:

                                                          Chiếc én tìm về quên lối cũ (lời dịch)

        Bài Trung thu năm Giáp Thản lại nói:

                                                          Dù xanh mũ trắng lẫn ta ai…

        Quên lối cũ vì lối cũ không còn là của mình. Lẫn ta ai nghe như tả cảnh nhưng là xót đau, vì trên đất Hà Nội nào lẽ ra chỉ có ta, nhưng nay lại có cả ai, có cả lũ người nào, đất này không còn là của ta nữa.

        Ấy, nhân mùa thu, nhìn hoa trước sân, nghe tiếng hồn nhạn trên trời mà nổi dậy cả một niềm xót xa, lặng lẽ mà gần như nẫu ruột, chết lòng. Có cần gì phải to tiếng cao lời! Chiều sâu câu thơ lắng vào chiều sâu của tâm hồn người làm thơ.

        Câu 7, 8.

                                                          Nhân hứng cũng vừa toan cất bút 

                                                          Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

        Ông Đào là Đào Uyên Minh (365 – 427), còn gọi là Đào Tiềm, một nhà thơ lớn đời Tấn (thế kỷ IV, V) ở Trung Quốc, từng làm một chức quan nhỏ, nhưng bị quan lại xấu xa chèn ép, nên bỏ về. Lúc bỏ quan có câu nói nổi tiếng: “Ta không thể vì năm đấu gạo mà phải khom lưng”. Về nhà làm ruộng, có lúc rất quẫn bách nhưng nhất định từ chối không nhận sự chiếu cố của bọn quyền quý và chết trong cảnh đói nghèo bệnh tật.

        Nhìn cảnh thu lắng đọng, nhiều chất suy tư, lại bỗng dưng nghe khơi dậy trong lòng bao nỗi niềm xót xa, đúng là lúc hứng thơ lồng lên, và tác giả toan cất bút đề thơ, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy thẹn với ông Đào nên thôi.

        Nỗi thẹn và thôi, nhưng rồi vẫn có thơ, vậy thì không thẹn. Thẹn vì thơ mình không hay bằng thì đó là một cách khiêm tốn. Còn thẹn vì cái gì nữa thì hãy xem.

        Coi như bài thơ này làm vào lúc đã thôi quan thì không còn vấn đề thẹn vì không dám về như ông Đào. Vậy chỉ có thẹn làm sao cho có được những vần thơ thật xứng đáng, xứng đáng với thu đất nước, với thu lòng mình, như thơ ông Đào:

       Thái cúc đông li hạ, Du nhiên kiến Nam Sơn.

       (Dưới giậu đông hái cúc, xa ngám núi Nam Sơn – Uống rượu – bài số 5).

        hoặc: Ném mũ về làng cũ, Quan cao cũng chẳng màng

        (Lời dịch – Tháng 7 năm Tân Sửu)

        Thơ ông Đào có cái khảng khái, cứng cỏi, ông Đào từ quan về nhà cũng có thái độ cứng cỏi, khảng khái. Điều đó, tuy Nguyễn Khuyến lấy làm tâm đác với ông, nhưng vẫn thấy mình chưa bằng. Người ta còn nhớ Nguyễn Khuyến phải nén lòng làm một vài việc mà trong bụng không hề thôi bứt rứt: dạy học con nhà Hoàng Cao Khải, cho con là Nguyễn Hoan ra làm quan.. Có lẽ thẹn là thẹn như vậy.

        Hiểu như thế thì hai câu này mới đi với hai câu trên. Vì chính hiểu hai câu trên như đã hiểu thì mới đi tới hai câu này một cách có lôgic, cái lôgic ngụ trong tỉnh cảm. Trên là từ cảnh mà đến tình, đến người, đây là từ tình mà đến tình, giữa người với nhau. Lời thơ cũng có cái gì lửng lơ, kín đáo: nhân hứng vừa toan, nghĩ ra thêm thẹn.

        Nhân hứng là một cái gì ngẫu nhiên, không quyết định trước. Toan cất bút thì chưa phải là cất bút, mà mới là xu thế. Cũng vừa đều là từ có nghĩa giảm đẳng, mới nghĩ ra, mới vừa định làm. Còn nghĩ ra thì nhất định phải có ngẫm nghĩ lâu trước rồi mới thấy được điều mình muốn tìm. Còn thẹn thì đâu nói rõ là thẹn gì, tại sao lại thẹn. Và, thêm thẹn thì là đã từng thẹn, nay thẹn nhiều hơn. Câu thơ đó càng thêm chất suy tư, nhịp nhàng với cả bài thơ.

        3.1. Tác giả miêu tả cảnh thu ở quê hương mình, từ màu trời, ngọn trúc, mặt nước, ánh trăng đến chùm hoa trước giậu tiếng ngỗng trên không để đi đến cái sâu lắng đầy suy tư, chất chứa trong cảnh vật, và thông qua đó, gửi gắm tâm trạng xót xa cũng sâu lắng, đầy suy tư, chất chứa trước cảnh đất nước sang tay người khác, quá khứ tốt lành đã không còn nữa, mà mình thì thương đau, bất lực, chẳng làm được gì.

        3.2. Đó là cảnh mùa thu của tâm hồn thơ tác giả. Mùi thu có cao, có nhẹ, mông lung, man mác… nhưng đều quy vào tinh thần chung là lắng đọng, suy tư, chất chứa ở bên trong như chính tâm hồn tác giả cũng đang lắng đọng, suy tư trước cảnh nước nhà nên mới có cái nhìn mùa thu quê mình thành một mùa thu như vậy.

        Vì thế mùa thu làm thơ ấy (Thu vịnh) không giống mùa thu của lúc ngồi câu (Thu điếu). Mùa thu ngồi câu chỉ là sự vắng lặng tuyệt đối, im ắng tuyệt đối như sự chăm chú của người câu. Sóng gợn thì không hơi, lá rơi thì không tiếng, thậm chí tiếng động dưới chân bèo lại càng tăng thêm sự tĩnh mịch. Nó cũng không giống mùa thu của lúc uống rượu (Thu ẩm). Mùa thu này là cái gì nhoè ra, nhoè ra tất cả như tâm thần của người dần dần say: Mái cỏ thì le te, đom đóm thì lập loe, bóng trăng loe ra, mát người hoe lên, và người say nhè, âm thanh ở các vần đều như nhoè ra, nhoè ra tất cả.

        Ba bài thơ, ba cảnh thu, ba hồn thu, ba trạng thái tâm hồn của tác giả. Cảu cá dù sao cũng là chuyện lao động – có khi cũng chỉ là câu chơi, không cần được cá – nên cảnh còn rất khách quan, chỉ hòa với tâm hồn ở điểm yên lặng. Uống rượu thì có thể đã là chuyện có gì đó trong lòng rồi – có khi uống chỉ vì nghiện, vỉ nhu cầu sinh lí, không có trí tuệ, tình cảm gì. Và đúng là trong tâm tư có chuyện rồi nên mới có câu:

                                                          Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

                                                          Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

        Đừng vội nghĩ rằng câu ấy là cười, là than, là liều với cái bệnh mắt của mình – ông Tam nguyên vốn đau mắt nặng – mà phụ tấm lòng có chiều sâu của tác giả. Sự thật trong đó là: mắt lão cũng như lòng lão. Không “ai vầy” mà cũng “đỏ hoe”, hầu như chảy máu, nhưng máu lại chảy vào trong, bên ngoài mấy ai biết! Đến làm thơ thì đích xác có chuyện tâm tư.

        Nhưng cũng vẫn là thứ tâm tư kín đáo, không tiện nói ra, không nói ra nhưng vẫn đủ rõ, người đọc thành tâm có thể nghe thấy đầy đủ. Cho nên mới có sự lắng đọng suy tư của cảnh vật, mới có cái xôn xang âm thầm ở câu luận, cái ngập ngừng hổ thẹn ở câu kết mà nguồn gốc là sự xót xa cho nước nước nhà và cho nỗi bất lực của mình.

        3.3. Đây là một trong ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến xưa nay ai cũng cho là hay. Nó cũng là một trong những bài thơ làm nên tình yêu quê hương trong thơ Nguyễn Khuyến, mà tình yêu quê hương đất nước, cụ thể là tình yêu thiên nhiên và con người của nông thôn cần cù và nghèo khổ nhưng lành mạnh và ân tình, là nét độc đáo nhất, là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Khuyến đối với lịch sử phát triển văn học dân tộc. Ngay trong bài này cũng đã thấy việc thuần hóa thơ luật, làm cho ngôn ngữ nhân dân, thừa kế và phát triển truyền thống trong thơ có hoạ và có nhạc đã đến một trình độ tinh vi, có điều không dễ mấy ai bì kịp.

>> Xem thêm: Ngóng Gió Đông – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận