Thế giới quanh ta – 10 vạn câu hỏi vì sao?

Đang tải...

Thế giới quanh ta – 10 vạn câu hỏi vì sao?

Trên thế giới có bao nhiêu thứ tiếng?

Hiện nay trên thế giới có khoảng sáu tỉ con người, chia nhau sống trên năm lục địa và phân ra khoảng hai trăm quốc gia. Phần lớn các con người không chỉ khác nhau về phong tục tập quán mà còn dùng những ngôn ngữ khác nhau.

Theo bản điều tra báo cáo của UNESCO Liên Hiệp Quốc thì trên thế giới có hai nghìn bảy trăm năm mươi thứ tiếng. Nhưng một số nhà xã hội học ở Nga và Đức lại nói rằng trên thế giới có năm nghìn sáu trăm năm mươi mốt thứ tiếng. Nói chung trên thế giới có hai nghìn đến ba nghìn thứ tiếng.

Nhưng trong các thứ tiếng phong phú này, thì có trên một nghìn bốn trăm thứ tiếng hoặc không được công nhận là thứ tiếng độc lập, hoặc sắp bị tiêu vong. Có khoảng hai mươi thứ tiếng hầu như ngày nay không còn ai biết nói nữa, ba phần tư các thứ tiếng trên thế giới còn chưa có chữ viết. Chỉ có khoảng 500 thứ tiếng đã được người ta nghiên cứu tương đối đầy đủ.

Trên thế giới có khoảng mười ba thứ tiếng mà số người sử dụng lên tới trên năm mươi triệu. Trong số đó tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga đều có trên một trăm triệu người trên thế giới sử dụng. Tiếng Pháp tuy có số người sử dụng không tới một trăm triệu nhưng lại có đến 26 quốc gia lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức. Camơrun là một nước nhỏ ở miền Tây châu Phi, nghe nói nước này có trên một nghìn thứ tiếng. Trên thế giới thứ tiếng có số người sử dụng ít nhất là Oat, chỉ có 50 người nói.

Lại có một thứ tiếng nhân tạo đó là Quốc tế ngữ. Quốc tế ngữ là một thứ tiếng bổ trợ trên thế giới. Các nước trên thế giới đều có người biết sử dụng.

Thế giới có bảy kỳ quan nào?

Hai thế kỷ trước Công nguyên, thành La Mã có một tác giả lữ hành gia tên là Antơbat. Sau khi đi chu du ở các nước trên thế giới, ông đã nêu lên bảy nơi danh thắng lớn phản ảnh được trình độ khoa học và văn hoá của toàn thể các vùng chung quanh biển Địa Trung Hải. Ngày nay người ta gọi bảy nơi danh thắng này là “Bảy kỳ quan thế giới”. “Bảy kỳ quan thế giới” gồm có:

  1. Kim tự tháp cổ Ai Cập: Đó là công trình kiến trúc cổ xưa nhất trong lịch sử của bảy kỳ quan, đã được người đời xưa xây dựng trước đây khoảng 4.600 năm, cho tới nay vẫn còn gìn giữ hoàn hảo.
  2. Vườn treo ở Babilon: Là một đài đắp bằng đất có bốn tầng, cao 25 mét, trên mỗi tầng có trồng những hoa cỏ kỳ lạ, nhìn từ xa thì nom cứ như là một vườn hoa đẹp treo trên cao. Tương truyền vườn hoa này là do Quốc vương Babilon đã cho xây dựng để an ủi bà Vương phi sống xa cố hương.
  3. Đền thờ nữ thần Artemix ở Ephdo: Đền thời này cao 120 mét, rộng 65 mét, xung quanh có 127 cột trụ bằng đá. Trên các cột đá này mang những hình điêu khắc thể hiện các chuyện thần thoại
  4. Tượng Thần Dớt ở Olympia đặt trong đền thờ Thần Dớt trên núi Olympia ở miền Nam Hy Lạp: Tượng cao 15 mét, thân bằng gỗ đen, trang sức bằng vàng, ngà voi và đá quý. Tay phải của Thần giơ ra bức tượng nữ thần Chiến thắng, còn tay trái nắm chiếc gậy tượng trưng cho quyền uy của mình, thần thái rất là trang nghiêm. Tiếc rằng trong thế bức tượng này đã bị huỷ hoại.
  5. Lăng mộ Halicacnax ở Thổ Nhĩ Kỳ: Thế kỷ IV trước Công nguyên, quốc vương Calia ở tiểu Asia đã xây dựng khu lăng mộ này cho vương hậu. Lăng mộ được dựng lên bằng đá hoa hình chữ nhật, phía trên có 24 hình kim tự tháp. Trên đỉnh có tạc tượng vua Halicacnax ngồi cùng với vương hậu trên chiến xa. Đến thế kỷ XV, lăng mộ này đã bị huỷ hoại.
  6. Tượng thần Mặt trời trên đảo Rôt ở Địa Trung Hải: Bức tượng này đã được sáng tác để kỷ niệm sự kiện đảo Rôt thoát khỏi cuộc vây hãm kéo dài. Tượng được đúc bằng đồng thau, cao tới 39 mét, đặt ở cửa hải cảng của đảo này. Năm 224 trước Công nguyên bức tượng đã bị phá huỷ trong một trận động đất.
  7. Cây đèn biển ở Alecxandria làm trên đảo Phalax bên ngoài cửa hải cảng Alecxandria nước Ai Cập: cao 122 mét. Trên đỉnh tháp có bức tượng thần Apolon lớn. Đến đêm trên đỉnh tháp đốt một ngọn nến rất ta, chỉ dẫn cho tàu bè đi lại. Tương truyền kể lại rằng các tàu bè ở cách xa 40 km cũng có thể trông thấy ánh đèn trên đỉnh tháp. Ngọn đèn biển này còn được giữ cho tới thế kỷ XII sau Công nguyên.

Tại sao con đường thông thương cổ đại được gọi là “Con đường tơ lụa”?

Dưới triều nhà Hán, Trung Quốc đã mở được một con đường thông thương buôn bán có khởi điểm là Thủ đô Trường An thời bấy giờ (nay là Tây An) và vắt ngang qua đại lục châu Á, chạy thẳng tới Địa Trung Hải rồi vượt biển, đạt tới điểm cuối cùng là thành La Mã. Thông qua con đường thông thương kéo dài hơn bảy ngàn kilômet, liên kết ba lục địa châu Á, châu Phi và châu Âu, dân tộc Hán đã chuyển tới toàn thế giới nền kỹ thuật nông nghiệp, thủ công nghiệp tiên tiến, bao gồm cả bốn phát minh lớn của Trung Quốc. Ngược lại nhiều sản vật và văn hoá độc đáo của phương Tây như sư tử, lạc đà, nho, dưa chuột, cả đến Phật giáo của Ấn Độ, hội hoạ của Hy Lạp cũng được truyền nhập vào Trung Quốc. Nền kinh tế và văn hoá của hai miền Đông Tây, nhờ có Con đường thông thương này đã được giao lưu, đem lại ảnh hưởng rất lớn cho sự phát triển của nền văn minh thế giới.

Trên con đường buôn bán này, hối bấy giờ thứ hàng được trở đi nhiều nhất là tơ lụa, một đặc sản của Trung Quốc. Vì thế con đường này đã được gọi là “Con đường tơ lụa”. Nghe nói khi một vị hoàng đế La Mã lần đầu tiên mặc bộ quần áo bằng tơ lụa do Trung Quốc sản xuất để đi xem hát đã gây chấn động cả kinh thành La Mã.

Năm 139 trước Công nguyên, Trương Khiên xuất phát đi Tây Vực, nhưng chẳng bao lâu ông bị quân Hung Nô bắt. Sau 11 năm bị giam giữ, ông trốn thoát và đến năm 126 trước Công nguyên thì trở về được Trường An. Dưới sự chỉ đạo của quân Hung Nô, khống chế được khu vực Hà Tây thông tới Tây Vực. Năm 119 trước Công nguyên, một lần nữa Hán Vũ Đế lại sai Trương Khiên đi sứ Tây Vực. Ông tới trước Ô Tôn (Nay thuộc vùng sông Y Lê và hồ Y Tắc Ư lại sai phó sứ đến các nước Đại Nguyệt Thị, An Tức (nay là Iran), Quyên Độc (Ấn Độ thời cổ). Sau đó đến năm 115 trước Công nguyên thì trở về Trường An.

Do những hạn chế của điều kiện lịch sử, sứ thần Hán chưa thể theo Con đường thông thương này mà tới được đế quốc La Mã của phương Tây. Nếu không, theo lời các sử gia, lịch sử của thế giới sẽ phải viết lại.

Tại sao Vạn Lý Trường Thành không được đưa vào “Bảy kỳ quan thế giới”?

Vạn Lý Trường Thành là một công trình kiến trúc vĩ đại cổ xưa nhất trên thế giới. Nom nó như một con rồng khổng lồ uốn khúc từ trên xuống, kéo dài liên miên tới 6.700 km. Cùng với kim tự tháp Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành được coi là hai kỳ tích có tính chất tiêu biểu nhất trên Trái đất này. Tuy nhiên tên của kim tự tháp Ai Cập thì được đặt lên hàng đầu của “Bảy kỳ quan thế giới”, còn Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc lại bị gạt ra ngoài bảy kỳ quan ấy. Đó là sao vậy?

“Bảy kỳ quan thế giới” gồm có: Kim tự tháp của Ai Cập, vườn treo Babilon, lăng mộ Halicanax ở Thổ Nhĩ Kỳ, tượng Thần Dơt trên núi Olympia ở Hy Lạp, đền thờ thần Artêmix ở Ephedow, ngọn đèn thần Phalax ở Ai Cập, bức tượng tạc hình thần Apolon ở đảo Rôt.

“Bảy kỳ quan thế giới” này đã được nhà thơ Antơbat nêu lên trong thế kỷ II trước Công nguyên. Hồi ấy nhà thơ này sống tại thành Xidon ở Phenixi trên bờ biển phía Đông của Địa Trung Hải, mà trong thời kỳ ấy thì còn chưa khai thông con đường tơ lụa từ Trung Quốc sang tới bờ biển phía Đông Địa Trung Hải. Vì thế nhà thơ nói trên còn chưa được biết rằng ở phương Đông có một toà Trường Thành hùng vĩ. Bởi vậy ông đã không đưa toà Trường Thành ấy vào một trong “Bảy kỳ quan thế giới” và đó là điều có thể hiểu được.

Cho tới thời kỳ cận đại, cách nói về “Bảy kỳ quan thế giới” lại có những nội dung khác. Hiện nay, “Bảy kỳ quan thế giới” mà người ta nói chỉ có: Đấu trường cổ hình tròn ở thành La Mã nước Italia, đèn biển Phalax ở Alecxandria nước Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, các công trình kiến trúc bằng đá xếp hình vòng tròn trên biển Xư Khân ở nước Anh, ngọn tháp nghiêng Pixa ở Italia, Tháp Lưu Ly ở Nam Kinh Trung Quốc, Nhà thờ Xôphi ở Ixtambun Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại sao trong tiếng Nhật lại có nhiều chữ Hán đến như thế?

Nhật Bản là một nước láng giềng của Trung Quốc, trong thời cổ đại nước này đã có nhiều mối quan hệ trao đổi với Trung Quốc.

Dưới triều nhà Tùy và nhà Đường, nền kinh tế của Trung Quốc phồn vinh, văn hoá phát triển hưng thịnh. Nhật Bản trước sau đã cử đi mười ba nhóm “Khiển Đường Sứ” (sứ giả phái đến nhà Đường) tới triều đình nhà Đường để học tập, nhóm đông nhất lên tới hơn sáu trăm người. Một số kẻ đọc sách và hoà thượng Nhật Bản ùn ùn kéo đến thủ đô nhà Đường và Trường An để học tập các loại kiến thức văn hoá cùng các sách kinh điển của đạo Phật. Sau khi học tập thành công, một số người còn ở lại Triều đình nhà Đường để làm quan, nhưng phần lớn đã về nước rồi tích cực truyền bá văn hoá của triều đại nhà Đường.

Cả đến Thiên hoàng của nước Nhật thời bấy giờ cũng mời những danh sư sang bên ấy để có thể học tập văn hoá của nhà Đường, đồng thời Thiên hoàng cũng bổ nhiệm một số lưu học sinh từ triều nhà Đường trở về trao cho họ trách nhiệm mô phỏng theo các chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá của nhà Đường để tiến hành cải cách trong nước. Chuyện này được lịch sử ghi lại với cái tên là “Đại hoá cách tân”.

Những người có học của Nhật Bản tới lưu học tại triều đình nhà Đường đã tinh thông văn hoá Trung Quốc, họ sử dụng thể chữ thảo và những bộ của chữ Hán nhằm sáng tạo ra một thứ văn tự để viết tiếng Nhật gọi là “binh giả danh” (Katakana) và “phiến giả danh” (Hiragana). Trong số các chữ này có những chữ Hán được hoàn toàn để nguyên, chỉ có cách đọc bị đổi khác mà thôi.

Trong thời kỳ cận đại, Nhật Bản tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của các quốc gia phát triển ở phương Tây để tiến hành cải cách, nhờ đó họ phát triển rất nhanh về văn hoá và đã vượt Trung Quốc.

Từ cuối thế kỷ XIX, một số phần tử trí thức ở Trung Quốc lại kéo nhau sang Nhật để học tập kinh tế, và văn hoá của Nhật Bản. Vì trong ngôn ngữ Nhật Bản có nhiều chữ Hán, cho nên khi xuất dương những người này không phải học ngữ văn tự mà vẫn nhanh chóng thích nghi được. Chẳng hạn như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, hai vị này vừa tới đất Nhật đã có thể đối thoại giao lưu ngay với những người có học ở Nhật Bản, tất cả đều dựa vào ảnh hưởng của truyền thống văn hoá Trung Quốc với Nhật Bản.

Tại sao một số kỷ lục cao nhất trên thế giới được gọi là “Kỷ lục thế giới Guiness”?

Guiness vốn là tên một xưởng làm rượu. Xưởng này đã có tới hơn 200 năm lịch sử. Nó vốn sản xuất một thứ rượu gọi là rượu Guiness. “Làm rượu” và “nhất thế giới” tất nhiên là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng đã có một cơ hội ngẫu nhiên làm cho hai điều này có thể gắn bó với nhau.

Năm 1951 viên quản lý xưởng này tên là Piphây, trong khi đi săn bỗng nhiên nảy ra một ý nghĩ mới lạ: con chim có màu lông óng vàng phải chăng là loài chim bay nhanh nhất châu Âu? Ông ta bèn tìm hỏi tất cả các cơ quan tư vấn, lục lọi rất nhiều tư liệu sách vở, nhưng cuối cùng cũng chẳng có ai trả lời được cho ông ta câu hỏi này.

Vì thế ông ta mới bắt đầu biên soạn một cuốn sách chuyên môn trả lời những câu hỏi đại loại như thế của tất cả mọi người. Piphây thu thập các tư liệu về vấn đề này, đồng thời cùng với một người anh em là Maiaot hợp tác thành lập một cơ quan chuyên môn thu thập tài liệu về những gì “nhất trên thế giới”.

Năm 1955 đã xuất bản cuốn sách lớn về các kỷ lục thế giới Guiness. Chỉ trong ba tháng, sách đã bán hết không còn cuốn nào và trở thành một trong các cuốn sách được khách hàng tranh cướp.

Về sau ban biên tập của cuốn sách này năm nào cũng phải bỏ rất nhiều thời gian để thẩm tra, phân tích, sửa chữa các tài liệu có liên quan để xuất bản một cuốn sách mới. Đến đầu những năm 90 thế kỷ XX, cuốn sách về kỷ lục thế giới Guiness đã được dịch thành hàng chục thứ tiếng. Tổng số lượng phát hành lên tới vài chục triệu bản.

Tất cả những cái gì “nhất thế giới” đều được ghi lại trong bộ sách về kỷ lục thế giới Guiness, bao quát đủ các mặt trong thế giới tự nhiên và thế giới con người, lớn thì đến vũ trụ và các thiên thể, nhỏ thì cho đến các loài côn trùng, cỏ hoa, tảo, nấm… Nhờ có những chủ trương là “thú vị” và “mới lạ”, nó được độc giả ở tất cả các nước hết sức hoan nghênh, và được coi là “thư viện những cái nhất thế giới”. Vì thế tất cả các kỷ lục nhất thế giới được thu thập vào trong sách này đều được người ta gọi là “kỷ lục Guiness”.

Thư viện thế giới lớn nhất thế giới ở đâu?

Thư viện Quốc hội Mỹ là thư viện lớn nhất thế giới. Nó được xây dựng ở thủ đô Washington tại một nơi tao nhã, phong cảnh rất đẹp. Thư viện này được sáng lập năm 1800. Sau đó nó hai lần bị đốt cháy trong chiến tranh rồi đến 1888 lại được xây dựng lại và chín năm sau công trình mới được hoàn thành.

Thư viện Quốc hội Mỹ là một công trình kiến trúc cao năm tầng ở trên một hình vuông diện tích tới 3 vạn m2. Trung tâm của hình vuông ấy là một phòng đọc cực to hình bát giác, đủ chỗ cho 250 người đọc, bốn chung quanh chia làm phòng đọc cho nghị viện, phòng đọc báo, phòng hội hoạ và phòng đọc cho người mù. Tổng số chỗ ngồi là 1500 chỗ.

Đến năm 1939 ở phía Đông thư viện chính lại xây dựng một thư viện phụ sáu tầng. Ngoài kho sách có thể tàng trữ 10 triệu cuốn, còn có phòng đọc, phòng mục lục…

Số sách mà Thư viện Quốc hội Mỹ lưu trữ thì hết sức phong phú, số lượng có trên tám mươi triệu sách, hình vẽ và các thứ tư liệu, hơn 33 triệu bản thảo của danh nhân. Tại đây có cả bài diễn văn nhận thức của Washington, vị Tổng thống thứ nhất của nước Mỹ và những bài diễn thuyết khi tranh cử của Tổng thống Mỹ qua các khoá.

Có những cuốn sách cổ xuất bản trước thế kỷ XVI. Lại có những tư liệu hội hoạ hiện đại đầy đủ nhất của nước Mỹ, những cuộn băng thu gọn những tư liệu ghi âm, những bản nhạc, những phim điện ảnh và những sách in cho người mù, cũng như những sách có âm thanh.

Nếu như đem các giá sách trong thư viện xếp liên tiếp với nhau thì sẽ có chiều dài hơn 500 km. Thư viện Quốc hội Mỹ dùng phương pháp quản lý hiện đại. Giữa thư viện chính, thư viện phụ và toà nhà lớn của Quốc hội đều có những phương tiện cơ giới để đưa sách đi, chỉ cần 45 giây là sách có thể được đưa tới tay độc giả. Tính trung bình cứ 10 giây lại có một cuốn sách hay một bản tư liệu được đưa tới toà nhà lớn của thư viên và cứ khoảng hai giây lại có một cuốn sách được nhập vào kho của thư viện từ trên thế giới.

Tại sao giải thưởng Nobel trở thành giải thưởng cao quý nhất trên thế giới?

Giải thưởng Nobel đã được đặt ra theo di chúc và với di sản của nhà hoá học người Thuỵ Điển tên là Nobel. Từ khi giải này được trao vào đầu năm 1901, bao giờ nó cũng được coi là giải thưởng đem lại vinh dự cao nhất cho các nhà khoa học trên thế giới. Giải Nobel có thể trở thành giải thưởng đem lại vinh dự cao nhất trên thế giới chủ yếu là do mấy nguyên nhân chính sau đây:

– Đầu tiên là món tiền của giải thưởng này nằm ở mức cao nhất được cấp định kỳ, tính trong số các giải thưởng về học thuật và hoà bình. Các món tiền thưởng này được lấy ra trong một phần di sản của Nobel. Di sản này gồm khoảng chín triệu hai trăm nghìn đô la. Mỗi năm lấy ra khoảng hai mươi vạn đô la tiền lãi để dùng làm phần lớn.

– Hai là các giải Nobel được chia ra làm năm hạng mục vật lý, hoá học, sinh học hay y học, văn học và sự nghiệp hoà bình, đều dùng để thưởng cho các nhân vật có cống hiến cao nhất trong năm ấy về các lĩnh vực nói trên.

Danh sách các nhân vật được thưởng phải thông qua các chuyên gia về các bộ môn thuộc viện khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển. Viện nghiên cứu Calalinxca Thuỵ Điển, Viện Văn học Thuỵ Điển và Quốc hội Na Uy xác định, sau khi sưu tầm rất nhiều tư liệu và cân nhắc nhiều lần. Trong gần một trăm năm nay, sau khi giải Nobel đã được đặt ra, một số được giải thực đã có những cống hiến vĩ đại và độc đáo đối với nhan loại trong lĩnh vực của mình.

Chẳng hạn, năm 1901, Rơnghen là người đầu tiên được giải về vật lý đã phát hiện quang tuyến X là những tia giúp cho có thể nhìn xuyên các vật và cho đến nay vẫn còn được ứng dụng rộng rãi trong cả y học và khoa học.

Lại như bà Quyri được giải hoà bình năm 1911 đã phát hiện nguyên tố hoá học có tính phóng xạ Rađiom

Lại như giải thưởng văn học năm 1964 được dành cho tác giả người Pháp Sactrơ. Các sáng tác của ông có tư tưởng phong phú tràn ngập tinh thần tự do và đi tìm chân lý, có ảnh hưởng rất sâu xa đến thời đại của chúng ta.

Người trên thế giới ngày càng thừa nhận uy tín, tính khoa học và nghiêm túc của giải Nobel. Vì thế giải Nobel đã trở thành điều tượng trưng cho vinh dự tối cao và cũng là điều khích lẹ tối cao đối với người thành công.

Tại sao Beethoven được tôn vinh là “Nhạc Thánh”? Dapan

Trên thế giới có một số nhạc sỹ đạt tới thành tựu cao đều có thêm một danh hiệu tôn xưng đặt trước tên mình. Trong số đo riêng một mình nhà soạn nhạc Áo nổi tiếng Beethoven có được cái danh hiệu “Nhạc Thánh”

Beethoven từ nhỏ đã sống trong cảnh bần cùng, ông phải vừa làm việc kiếm tiền vừa học tập và nhờ đó mới có được tri thức mới và tư tưởng mới. Cuộc sống gian khổ đã mài giũa ý chỉ của ông. Vì thế trong các tác phẩm của ông luôn luôn thấy nổi lên chủ đề đấu tranh chống lại số phận.

Beethoven không bao giờ chiều theo thói đời, không bao giờ a dua với thời thế. Nhờ tài năng xuất chúng và với phẩm cách bất khuất của mình, ông đã được tất cả các đồng nghiệp tôn kính, được người đời khâm phục.

Năm 1815, ông 45 tuổi, hai tai bỗng nhiên đều bị điếc, nhưng ông dựa vào những cố gắng kiên cường, dù cho tai điếc vẫn soạn ra được những tác phẩm kiệt xuất, trong số đó có bản “Giao hưởng hợp xướng” (cũng gọi là bản Giao hưởng số 9).

Nếu như các “thánh nhân” thường có trí tuệ và phẩm cách siêu phàm, thoát tục, thì trong cái danh hiệu “Nhạc Thánh” của Beethoven không những chỉ bao hàm nội dung nói trên, mà lại còn hàm ý cả phong cách tư tưởng và thể nghiệm độc đáo.

Chúng ta có thể tìm trong bản Giao hưởng Định mệnh (cũng gọi là bản Giao hưởng số 5) mà nghe thấy cái tâm thanh như một triết nhân muốn tìm hiểu ý nghĩa chân chính của đời sống con người, cũng có thể dựa vào bản Giao hưởng Anh hùng (cũng có tên là bản Giao hưởng số 3) để nghe thấy những gì Beethoven ca ngợi và tỏ lòng tôn kính các anh hùng, càng có thể dựa vào bản Giao hưởng Điền viên (cũng còn được gọi là bản Giao hưởng số 6) để nghe thấy những lời âu yếm hướng vọng tới thiên nhiên của ông.

Trong các tác phẩm của Beethoven đã đúc hợp các khổ nạn của ông, dũng khí của ông, niềm hoan lạc của ông và cả nỗi bi ai của ông. Lãnh vực nghệ thuật và lãnh vực tư tưởng mà ông đạt tới thì cả thời bấy giờ lẫn cho tới ngày nay chưa có một người nào khác vươn tới được. Có thể nói Beethoven không hổ thẹn với danh hiệu “Nhạc Thánh” mà người ta tặng cho ông.

>> Xem thêm : Chiến tranh và hòa bình – 10 vạn câu hỏi vì sao?

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận