Tham khảo đề thi Ngữ Văn 9 hay (có gợi ý đáp án) – Đề 1

Đang tải...

Mời các bạn tham khảo bộ đề thi Ngữ Văn 9 có chọn lọc gồm 2 phần là đọc hiểu và làm văn. Bộ đề thi Ngữ Văn 9 có đi kèm với gợi ý đáp án cho mỗi phần, nhằm giúp các bạn có thể tự củng cố và rèn luyện kiến thức và kỹ năng Ngữ Văn của mình. Theo dõi đề 1 trong bộ đề thi Ngữ Văn 9 dưới đây.

ĐỀ THI NGỮ VĂN 9

ĐỀ BÀI

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

          Tôi nghe kể rằng, khi một con chim đại bàng biết sắp có bão, nó sẽ bay tới một chỗ nào đó thật cao và chờ gió tới. Khi cơn bão ập đến, đại bàng sẽ mở rộng cánh và chính cơn gió đầy nguy hiểm ấy sẽ nâng đại bàng lên cao, cao hơn cả bão. Trong khi mưa bão gầm gào giận dữ ở bên dưới, thì đại bàng đang sải cánh bên trên. Đại bàng không đi trốn cơn bão, đại bàng lại dùng cơn bão để nâng nó lên cao hơn, vì nó cưỡi trên những cơn gió mang bão tới, có lẽ chính vì vậy mà đại bàng mạnh mẽ, oai hùng và được coi là vua chim chăng?…

             (Theo Sống đẹp – Điều kì diệu của cuộc sống, NXB Hà Nội, 2017, tr 21)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?

Câu 2: Nêu nội dung của văn bản?

Câu 3: Trong văn bản trên, đại bàng đã làm gì để tránh bão? Hành động đó của đại bàng có ý nghĩa như thế nào?

Câu 4: Bài học rút ra từ văn bản trên là gì? 

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ câu chuyện ở phần Đọc – hiểu, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Nếu cứ chờ đợi cho đến lúc mọi thứ đã sẵn sàng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu(I.Turgeniev)

Câu 2: Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh

Bằng hiểu biết của mình và dựa vào ý kiến của Trần Đăng Khoa, em hãy chứng minh rằng: bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy (Ngữ văn 9, Tập 1) là một bài thơ hay.

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU

Câu

Nội dung

1

Phương thức biểu đạt: tự sự kết hợp với nghị luận

2

Nội dung của văn bản: Chuyện kể về cách chim đại bàng đối mặt với cơn bão

3

– Trong văn bản trên, ta thấy đại bàng đã tránh bão bằng cách:

+ nó sẽ bay tới một chỗ nào đó thật cao và chờ gió tới

+ khi cơn bão ập đến, nó mở rộng cánh và chính cơn gió đầy nguy hiểm ấy sẽ nâng đại bàng lên cao, cao hơn cả bão

– Ý nghĩa: Những khó khăn trong cuộc sống của chúng ta cũng giống như những cơn bão vậy. Khi gặp khó khăn hãy làm như đại bàng, đừng lẩn tránh mà đối mặt với vấn đề, học hỏi, thích nghi và xử lí chúng với nghị lực và niềm tin vào bản thân.

4

Bài học:

Cuộc sống dẫu khó khăn thì đừng vội vàng bỏ cuộc, lẩn tránh; hãy đối mặt, kiên cường, có niềm tin sẽ thành công trong cuộc sống.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu

Yêu cầu cần đạt

1

* Triển khai nội dung của bài viết 

–  Giải thích: Nếu chỉ khoanh tay ngồi chờ thời cơ đến rồi mới hành động thì ta sẽ chẳng bao giờ làm được cả (phủ định lối sống ỷ lại, thụ động, chờ thời, ngại khó)

– Bàn luận:

+ Hoàn cảnh khách quan chỉ là thứ yếu

+ Thời cơ thực sự không tự nhiên đến, cuộc sống không phải cũng dọc sẵn cho ta những điều thuận lợi để thực hiện thành công một dự định gì

+ Nếu không có sự nỗ lực hành động, không chủ động thúc đẩy tạo cơ hội cho chính mình thì con người sẽ chẳng bao giờ bắt đầu, chẳng bao giờ khởi nghiệp được

+ Nêu 1 số dẫn chứng: cách mạng tháng 8/1945 …

– Mở rộng vấn đề: Bài học nhận thức và hành động

+ Có thể liên tưởng đến một vài ý kiến: Người bình thường chỉ biết chờ đợi cơ hội, người thông minh biết nắm lấy cơ hội còn người tài trí biết tạo ra cơ hội…

+ Thời đại ngày nay, thời đại đòi hỏi tính chủ động sáng tạo, khả năng “đi tắt đón đầu” của mỗi con người, mỗi quốc gia

+ Mỗi người phải sớm từ bỏ lối sống ỷ lại, thụ động chờ thời. Luôn phải chủ động hành động, dám vươn đầu thách thức, vượt lên trên hoàn cảnh

+ Khi đang ngồi trên ghế nhà trường phải luôn học tập và rèn luyện chuẩn bị hành trang cho ngày mai, tạo cho bản thân một tư thế luôn sẵn sàng chủ động cho dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa…

2

a. Mở bài:

– Giới thiệu Nguyễn Duy và bài thơ “Ánh trăng”. Giới thiệu ý kiến

b. Thân bài:

* Giải thích:

– Một bài thơ hay là bài thơ có sự kết hợp của các yếu tố: giản dị, xúc động và ám ảnh. Ba yếu tố này cùng một lúc được thể hiện hòa quyện trong bài thơ. Nó là kết tinh tình cảm nồng cháy và lí trí một cách nhuần nhuyễn mang tính nghệ thuật của nhà thơ

– Thế nào là giản dị, xúc động, ám ảnh trong thơ?

+ Giản dị trong thơ: nó thể hiện ở đề tài, ngôn ngữ, trong đặt câu, hiệp vần, trong sử dụng hình ảnh và nội dung thể hiện…

+ Xúc động: trước hết là sự xúc động của chính nhà thơ. Thơ là tiếng lòng của thi nhân trong một sự dồn nén cao độ của cảm xúc. Từ tiếng lòng của thi nhân, bằng thơ và qua thơ tạo sự giao cảm và hội ngộ về cảm xúc giữa độc giả và nhà thơ. Từ đó, thấy được thơ là sự giao hòa giữa thế giới riêng tư của cá nhân và xã hội.

* Chứng minh:

– Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy là một bài thơ hay bởi đó là một bài thơ hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố: giản dị, xúc động và ám ảnh.

– Bằng sự cảm thụ văn học chứng minh cái giản dị, xúc động và ám ảnh thể hiện trong bài thơ qua đề tài, chủ đề, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh, hình tượng … của bài thơ:

+ Bài thơ có nội dung  chủ đề rất quen thuộc, đã trở thành đạo lý của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ

+ Để thể hiện nội dung chủ đề, nhà thơ chọn trăng – hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hồn nhiên, khoáng đạt, tươi mát làm biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống và nhắc con người cùng có thái độ sống ân nghĩa, thủy chung.

+ Cả bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn rất bình dị, tạo giọng điệu tâm tình sâu lắng, tự nhiên như một lời tự nhắc nhở, đồng thời cũng là sự sẻ chia, gợi nhắc với mọi người

+ Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự với trữ tình – nhân vật trữ tình trong bài thơ, người đọc cảm nhận được những cảm xúc sâu lắng, xúc động, những trăn trở, suy nghĩ mà tác giả muốn gửi gắm.

+ Kết cấu, giọng điệu của bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo tính chân thực, bình dị, có sức truyền cảm sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

+ Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ tự nhiên, chân thành và thấm thía qua cách chọn lọc các hình ảnh, chọn tình huống, chọn từ ngữ.

c. Kết bài:

– Khẳng định lại tài năng, tấm lòng của Nguyễn Duy

– Đánh giá lại nhận xét

>> Xem thêm: Đề Đọc Hiểu Ngữ Văn Lớp 8 Mới Nhất (có gợi ý) – Đề Số 3

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận