Ôn tập về văn bản thuyết minh – Sách giáo khoa ngữ văn lớp 8 tập 2

Đang tải...

Ôn tập về văn bản thuyết minh 

Mục đích của bài ôn tập giúp học sinh hệ thống được kiến thức về văn bản thuyết minh.

A. HƯỚNG DẪN NỘI DUNG ÔN TẬP

I. Ôn tập lí thuyết

1. Văn bản thuyết minh có vai trò và tác dụng trong đời sống:

Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong mọi lĩnh vực đời sống nhằm cung cấp tri thức (kiến thức) về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,… của các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên, xã hội bằng phương pháp trình bày, giới thiệu, giải thích.

Chúng ta dùng kiểu văn bản này để thuyết minh cho cấu tạo, cách bảo quản, cách sử dụng một chiếc máy nổ, một chiếc máy bơm, hoặc một cái quạt, một chiếc xe máy. Chúng ta cũng có thể dùng kiểu văn bản này để thuyết minh cho một sản phẩm mới, một sáng kiến mới được áp dụng, hoặc để giới thiệu với mọi người về đặc sản quê hương, về danh lam thắng cảnh của đất nước với bạn bè năm châu.

Qua việc đọc hoặc nghe văn bản thuyết minh, ngưòi đọc làm giàu vốn tri thức của mình bằng những hiểu biết về sự vật, hiện tượng một cách chính xác, trung thực.

2. Văn bản thuyết minh có những tính chất khác với văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận:

  • Văn bản thuyết minh trình bày trung thành với những đặc điểm cơ bản của đối tượng, phản ánh một cách khách quan, bảo đảm tính chính xác, khoa học, đơn nghĩa, nhằm giúp người đọc hiểu được đối tượng một cách đúng đắn, chi tiết, đầy đủ. Nội dung của văn bản thuyết minh không phải là nội dung hư cấu, tưởng tượng mà cần phải phản ánh đúng đắn nhất, chân thực nhất về đối tượng. Văn bản thuyết minh thường được viết theo một khuôn mẫu nhất định.
  • Văn bản tự sự chủ yếu trình bày sự việc: diễn biên hành động nhân vật trong thời gian, không gian, có hư cấu tưởng tượng. Trong cách viết văn bản tự sự, chấp nhận cách viết đa nghĩa không mang tính khuôn mẫu.
  • Văn bản miêu tả chủ yếu là trình bày tỉ mỉ, chi tiết sự vật, hiện tượng tồn tại trong thực tiễn, có hư cấu, tưởng tượng, không bắt buộc phải phản ánh một cách tuyệt đối chính xác, khoa học. Trong cách viết, văn bản miêu tả chấp nhận cách viết đa nghĩa, không mang tính khuôn mẫu.
  • Văn bản nghị luận chủ yếu là lí lẽ, luận điểm, là những suy luận mang dấu ấn của ngưòi viết nhằm giúp người đọc hiểu được vấn đề.

3. Muốn làm tốt văn bản thuyết minh, người viết cần phải có vốn hiểu biết về đối tượng thuyết minh.

Hiểu biết càng sâu sắc, thấu đáo thì nội dung văn bản thuyết minh càng hàm súc, mạch lạc và rõ ràng. Ngưòi viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, quan trọng.

4. Những phương pháp thuyết minh thường được chú ý vận dụng:

  • Phương pháp định nghĩa, giải thích: là phương pháp được viết theo cấu trúc của một phán đoán: S là P.
  • Phương pháp liệt kê: là phương pháp kể ra, đưa ra một loạt tính chất, đặc điểm của đối tượng nhằm khẳng định hay nhấn mạnh cho một điều gì đó, một đặc tính nào đó cần thuyêt minh, làm rõ.
  • Phương pháp nêu ví dụ: là phương pháp dẫn ra, đưa ra những dẫn chứng lấy từ sách báo, từ đời sống thực tiễn để làm sáng tỏ cho điều mình trình bày.
  • Phương pháp số liệu: là phương pháp đưa vào văn bản những con số mang tính chất định lượng chính xác để giải thích, chứng minh hay giới thiệu về một sự vật, hiện tượng nào đó.
  • Phương pháp so sánh: là phương pháp đem so sánh, đôi chiếu sự vật, hiện tượng nào đó chưa thật gần gũi, còn mới mẻ với mọi người, với những sự vật, hiện tượng thông thưòng, dễ gặp, dễ thấy để giúp người đọc hiểu biết về sự vật, hiện tượng đó một cách cụ thể, dễ dàng hơn.

Xem thêm Ngắm trắng – Ngữ văn lớp 8 tại đây.

B. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Bài tập này yêu cầu học sinh nêu cách lập ý và lập dàn bài cho các đề trong SGK. Để làm được bài này, học sinh nên tham khảo các bài hướng dẫn trong SGK. Ví dụ, giới thiệu một đồ dùng học tập, học sinh có thể xem lại đoạn văn mà một bạn học sinh đã làm (SGK, trang 14), hay giới thiệu về một danh lam thắng cảnh ở quê hương em, có thể dùng lại dàn ý bài “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn ”, hoặc có thể dựa theo mẫu có lập lại dàn ý mới.

2. Bài tập này yêu cầu học sinh viết đoạn văn theo các đề bài nêu trong SGK, trang 36.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

CHIẾC NÓN

Chiếc nón có tự bao giờ? Mỗi lần thấy bà, thấy mẹ đội nón, tôi cứ bâng khuâng về câu hỏi đó.

Cái nón quê kiểng bình dị thật ưa nhìn. Xương nón làm bằng tre, nứa, được vót tròn óng chuốt, được kết thành những vòng tròn có đường kính khác nhau theo khuôn nón. Cái chóp nón lúc nào cũng hướng về trời cao. Lá lợp nón là sản phẩm của núi rừng. Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn, Tây Nguyên, Ư Minh… là nguồn vô tận về lá nón. Lá cọ, lá kè cũng để làm nón. Chiếc nón mới làm ra lại được quết một lớp mỏng dầu rái (thảo mộc), óng ánh, vừa bền vừa đẹp.

Dáng hình chiếc nón cũng nhiều vẻ. Nón ba tầm quai thao của các cô gái Kinh Bắc trong lễ hội mùa xuân: hội Lim, hội chùa Dâu, hát quan họ. Lại có một chiếc nón của các bà, các cô đội lúc làm đồng, vừa chắc bền, vừa tiện lợi: che nắng mưa, làm quạt… Các cô thôn nữ làm duyên sau vành nón ấy. Chiếc nón thanh nhẹ còn che chở cho đôi má hồng, má lúm đồng tiền thêm xinh, thêm giòn.

Ai đã sáng tạo ra chiếc nón bài thơ xứ Huế? Lá nón trắng nõn nà, bài thơ mờ tỏ, ẩn hiện. Chiếc quai nón bằng lụa thanh tao. Vành nón nghiêng nghiêng, dịu dàng, e lệ, thầm kín của cô gái miền núi Ngự sông Hương. Chả thế mà du khách, các cậu khoá ngẩn ngơ:

Học trò xứ Quảng ra thi,

Thấy cô gái Huế bước đi không đành.

Còn có chiếc nón dấu anh lính thời xưa, mà khi xem phim ta mới biết:

Ngang lưng thì thắt bao vàng,

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.

Chiếc nón là vật dụng thân thiết của mọi người, nhất là nhà nông, vừa rẻ, vừa tiện lợi, nhẹ nhàng dễ mang theo. Có nhiều làng nghề thủ công làm nón nổi tiếng xưa nay từng được truyền tụng qua ca dao dân ca:

Muốn ăn cơm trắng, cá mè,

Muôn đội nón tốt thì về làng Chuông.

Hay:

Hỡi cô đội nón ba tầm,

Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang.

Phiền rằm chợ chính Yên Quang,

Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua.

Chiếc nón làng Găng, chiếc nón bài thơ xứ Huế đã trở thành món quà lưu niệm của khách phương xa. Nghe nói trong phòng khách của nhà thơ Xi-mô-nốp (Nga) có chiếc điếu cày và chiếc nón bài thơ mà ông đã mang từ Việt Nam về? Và trong chúng ta, ai đã từng được xem điệu múa nón, tưởng như đàn bướm sặc sỡ đang rập rờn bay trong ngàn hoa? Hình ảnh cô nữ sinh Huế ngày xưa tưởng như gặp trong mộng.

Những nàng thiếu nữ sông Hương,

Da thơm là phấn, môi hường là son.

Tựu trường san sát chân thon,

Lao xao nón mới, màu sơn sáng ngời.

(Tựu trường – Nguyễn Bính)

Ngày nay, ở các đô thị, hầu như không thấy học sinh đội nón đến trường, mà chỉ thấy những chiếc mũ vải đủ màu sắc xinh xinh. Nhưng trên đường làng, giữa các phiên chợ miền quê, chiếc nón lá màu trắng thanh nhẹ vẫn thấy nhiều. Các bà, các mẹ, các cô thôn nữ..,.làm sao rời được chiếc nón quê hương?

Trên con đường phát triển, công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày một phong phú hơn, sang trọng hơn. Nhưng giậu cúc tần, luỹ tre xanh, đồng lúa chín, con trâu hiền lành, tiếng sáo diều… và chiếc nón ba tầm, chiếc nón bài thơ sẽ con mãi trong tâm hồn nhân dân ta. Những câu hát bài ca về chiêc nón bình dị, quê kiểng ấy vẫn là sợi nhớ, sợi thương giăng mắc trong hồn ngươi, man mác và bâng khuâng có bao giờ vơi…

(Theo Tạ Đức Hiền, Nâng cao Ngữ văn 8,

NXB Hà Nội) 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận