Ôn tập về tả đồ vật – tuần 24 – tiếng việt

Đang tải...

Ôn tập về tả đồ vật

1. Lập dàn ý miêu tả một đồ vật.

Khi lập dàn ý bài văn miêu tả các đồ vật, cần nêu được ra các ý chi tiết về đồ vật và tình cảm gắn bó của mình đối với đồ vật ấy.

M:

a) Quyển sách Tiếng Việt 5, tập 2.

Mở bài:

Mẹ em mua cho em bộ sách lớp 5.

Em thích nhất là quyển sách Tiếng Việt 5 tập 2.

Thân bài:

– Sách dài 24cm, rộng 17cm, bìa làm bằng bìa cứng láng bóng. Bìa trước in nền màu xanh da trời, có hình các bạn nhỏ của nhiều dân tộc. Phía trên bức ảnh là hàng chữ Tiếng Việt 5 tập 2.

– Bìa sau của sách màu trắng, có dán tem và đề giá 9.900đ.

– Gáy sách màu xanh da trời, có hàng chữ Tiếng Việt 5 tập 2.

– Sách dày 176 trang, tất cả đều được in màu đẹp và bắt mắt, còn thơm mùi giấy mới.

– Các bài học chia thành 16 tuần với 5 chủ điểm: Người công dân, Vì cuộc sống thanh bình, Nhớ nguồn, Nam và nữ, Những chủ nhân tương lai.

– Ngoài tập đọc, sách còn có những bài học về chính tả, luyện từ và câu, kể chuyện, tập làm văn và nhiều hình vẽ minh họa.

– Em thích nhất là bài tập đọc Con gái.

Kết bài:

– Quyển sách Tiếng Việt làm em thêm yêu môn Tiếng Việt.

– Em giữ gìn sách cẩn thận, bọc sách bằng bìa cứng, không viết bậy lên sách và khi giở luôn thật nhẹ nhàng.

b) Tả cái đồng hồ báo thức.

Mở bài:

– Em lên lớp ba, bố bảo em đã lớn, cần biết tự giác dậy đi học.

– Vì vậy bố mua cho em chiếc đồng hồ báo thức.

Thân bài:

– Em đặt đồng hồ lên bàn học cạnh giường.

– Vỏ đồng hồ làm bằng nhựa cứng, có hình chú chuột Mickey màu vàng đang đứng xòe chân chào.

– Tai chuột to màu đen, cái mõm xinh xinh hếch lên. Chú còn được thắt nơ ở cổ và mặc cái quần soóc phồng.

– Bụng của chuột là mặt đồng hồ, có nắp bằng nhựa trong.

– Mặt đồng hồ được chia đều thành mười hai số, gần số 6 là một ô vuông có số chỉ ngày.

– Nhiệm vụ chỉ giờ thuộc về ba anh em nhà kim đồng hồ. Kim giờ ngắn, to, di chuyển chậm. Kim phút dài, nhỏ hơn, kim giây dài và mảnh, chạy liên tục phát ra những tiếng tích tắc.

– Mặt sau của đồng hồ có hai núm nhỏ màu đen để điều chỉnh giờ và hẹn giờ báo thức.

– Chiếc đồng hồ đều đặn buổi sáng gọi em dậy đi học, buổi chiều nhắc em ngồi vào bàn học bài.

Kết bài:

– Nhờ có đồng hồ báo thức, em luôn đi học đúng giờ và làm bài đầy đủ.

– Đồng hồ như người bạn giúp em tự giác và học hành tiến bộ.

c) Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.

Mở bài:

– Trong nhà, đồ vật mà em yêu thích nhất là chiếc bàn học.

– Đó là nơi em học bài, là thế giới đầy thú vị của riêng em.

Thân bài:

– Bố mua cho em chiếc bàn này từ khi em bắt đầu đi học.

– Bàn được kê cạnh cửa sổ, nhìn ra vườn.

– Chiếc ghế ngồi được thay đổi vì em lớn dần nhưng chiếc bàn học thì vẫn gắn bó với em.

– Bàn được làm bằng gỗ, mặt bàn vẫn còn nhiều vân hoa mờ.

– Bàn được gắn liền với một giá sách khá rộng, có năm ngăn.

– Toàn bộ bàn được đánh véc ni màu cánh gián rất bóng.

– Một chiếc đèn học được gắn chặt vào bàn luôn đảm bảo cho em đủ ánh sáng để học bài.

– Bàn có chân đỡ rộng và vững, có chỗ để chân thoải mái, có thêm một ngăn tủ để cất cặp sách.

– Em dán thời khóa biểu, ảnh gia đình vào bàn, trang trí thêm những bức tranh tự vẽ.

– Em luôn tự thu dọn bàn học của mình thật gọn gàng, không viết, vẽ bậy lên mặt bàn.

Kết bài:

– Em rất trân trọng, giữ gìn chiếc bàn học của mình.

d) Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

Mở bài:

– Em rất thích bộ đồ chơi xếp hình.

– Đó là quà bác em tặng cho em khi em bắt đầu đi học lớp một.

Thân bài:

– Bộ xếp hình gồm những hình khối vuông, tròn, hình chữ nhật làm bằng nhựa cứng, có màu xanh lá cây, xanh nước biển, đỏ, vàng, đựng trong chiếc ba lô bằng nhựa trong.

– Tập sách hưóng dẫn mỏng có in 50 hình mẫu.

– Khi rảnh rỗi là em giở bộ xếp hình ra xếp. Ban đầu em làm theo những hình mẫu, lắp ráp khó khăn. Dần dần, em lắp được hết tất cả các hình, lại tự sáng tạo được nhiều hình mới.

– Mẹ khen bác mua được món quà vừa thú vị vừa có ý nghĩa.

Kết bài:

– Bộ xếp hình không chỉ là đồ chơi mà còn là dụng cụ học tập giúp em rèn luyện trí tưởng tượng và sự khéo léo, kiên trì.

– Em giữ gìn bộ xếp hình cẩn thận như một món quà quý giá.

e) Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.

Mở bài:

– Trong nhà truyền thống của trường em có một chiếc trống cũ.

– Đó là chiếc trống có từ ngày trường em thành lập.

Thân bài:

Trốhg được thầy hiệu trưởng đầu tiên chọn mua và đánh những tiếng đầu tiên khai giảng khóa đầu.

– Trống cao khoảng hơn một mét, hai đầu thon, ở giữa phình, nhìn xa giống như cái bom bia.

– Bao quanh mặt trống là thanh gỗ dẹt được sơn son thếp vàng, có đóng đinh tre gắn liền với thân trông.

– Thân trông ghép bằng những mảnh gỗ màu nâu đỏ, viền quanh bằng đai da to bằng đốt ngón tay giống một chiếc thắt lưng.

– Hai mặt trống làm bằng da trâu dày, nhẵn, ngả màu ố vàng.

– Vỗ vào mặt trông thấy những tiếng “Tùng tùng” vang vọng chứng tỏ trống vẫn còn tốt.

– Trống không còn mới nhưng vẫn được trân trọng lưu giữ trong nhà truyền thống, ngày khai giảng lại được đem ra sơn sửa và thầy hiệu trưởng lại đánh trống để mở đầu cho năm học mối.

Kết bài:

– Trống được giữ gìn, coi trọng như một kỷ vật của trường.

– Nó là nhân chứng cho truyền thống thi đua phấn đấu của thầy và trò trong trường.

2. Trình bày miệng bài văn miêu tả em vừa lập dàn ý.

Cần trình bày rõ ràng, lưu loát theo dàn ý vừa lập, nêu được đầy đủ những ý cần thiết.

Xem thêm Nối các vế câu ghép bằng cặp từ hô ứng

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận