Tập làm văn : Kể chuyện (kiểm tra viết) – Tiếng Việt 4

Đang tải...

1. Kể một câu chuyện em đã được nghe hoặc được đọc về một người có tấm lòng nhân hậu.

Bài tham khảo

Con ngỗng vàng

      Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe nói về tấm lòng nhân hậu của một thanh niên có tên gọi là Ngốc. Câu chuyện được bắt đầu như sau:

      Xưa có một người có ba con. Con thứ ba tên là Ngốc, thường bị khinh rẻ chế giễu và làm việc gì cũng bị gạt ra.

      Một hôm, con cả muốn vào rừng đốn củi. Trước khi anh ta đi, người mẹ cho anh ta một chiếc bánh trứng ngon lành và một chai rượu vang để mang theo ăn uống. Anh vào rừng gặp một ông lão bé nhỏ, tóc hoa râm, ông lão chào anh ta nói:

      – Cho lão xin miếng bánh ở trong bị anh và một ngụm rượu vang. Lão vừa đói vừa khát đây.

      Anh chàng ranh mãnh đáp:

      – Nếu tôi cho lão bánh và rượu thì tôi chẳng còn gì. Thôi lão xéo đi! Rồi anh ta để mặc ông lão ở đấy bỏ đi.

      Anh đẵn cây được một lát thì tuột tay, rìu chém vào cánh tay, phải về nhà băng bó. Tai nạn ấy do chính ông lão bé nhỏ gây ra.

      Sau đó, người con thứ hai đi vào rừng. Người mẹ cũng cho một chiếc bánh trứng và một chai rượu vang, y như đối với con cả. Ông lão bé nhỏ cũng đến xin anh miếng bánh và ngụm rượu.

      Người con thứ hai cũng nói:

      – Tôi cho lão cái gì, là tôi thiệt cái đấy. Thôi, lão xéo đi.

      Rồi anh để kệ ông ấy mà đi.

      Anh ta cũng bị trừng phạt ngay: mới chặt cây được vài nhát thì chặt ngay vào chân, phải lê về nhà.

      Chàng Ngốc bèn nói:

      – Thưa bố, bố cho con đi đốn củi một bận.

      Bố đáp:

      – Thôi, hai anh mày đã bị thương. Mày đốn củi thế nào được!

      Chàng Ngốc xin mãi, cuối cùng bố đành bảo:

      – Thôi thì mày cứ đi đi. Có vấp thì mới sáng ra.

      Mẹ cho một chiếc bánh ủ tro và một chai bia chua.

      Anh vào rừng, cũng gặp ông lão bé nhỏ, lão chào anh rồi bảo:

      – Cho lão xin miếng bánh và một ngụm rượu, lão vừa đói vừa khát đây.

      Chàng Ngốc đáp: Cháu chỉ có bánh ủ tro và rượu bia chua thôi. Nếu cụ thấy tạm được thì ông cháu ta cùng ngồi xuống đánh chén.

      Họ ngồi xuống. Chàng Ngốc rút bánh ủ tro ra thì thấy đó là một chiếc bánh trứng ngon lành, rượu bia chua biến thành rượu vang ngon. Ăn uống xong, ông lão bảo:

      – Cháu tốt bụng, sẵn sàng chia phần của mình cho người khác. Để lão ban phúc cho. Chỗ kia có cây cổ thụ. Cháu đẵn xuống sẽ thấy trong đám rễ cây có của quý.

      Nói xong ông lão từ biệt lên đường.

      Chàng Ngốc đi đẵn cây. Hạ cây xuống thì thấy trong đám rễ có một con ngỗng lông bằng vàng thật. Anh nhấc ngỗng lên ẵm vào một quán trọ để ngủ đêm.

      Chủ quán có ba cô con gái. Ba cô thấy ngỗng, tò mò không biết chim gì mà lạ thế, chỉ muốn lấy một chiếc lông của nó.

      Cô cả nghĩ cách, nhổ trộm một chiếc. Khi chàng Ngốc vừa ra, cô nắm lấy cánh ngỗng. Nhưng tay cô bị dính chặt vào đó.

      Cô thứ hai cũng chăm chăm muốn lấy một chiếc lông vàng nhưng vừa đụng tay thì cũng bị dính ngay vào chị.

      Cô ba cũng định chạy tới lấy lông ngỗng. Hai cô chị kêu lên:

      – Ôi trời ơi là trời! Tránh ra!

      Cô ba chẳng hiểu vì sao lại phải tránh ra, nghĩ bụng hai chị làm được thì mình cùng làm được, liền nhảy lại. Cô vừa đụng tói các chị thì cũng bị dính vào. Cả ba cô suốt đêm phải ở liền với ngỗng.

      Sáng hôm sau, chàng Ngốc cứ thế mang ngỗng đi chẳng hề để ý đến ba cô gái dính vào ngỗng. Giữa đường cha xứ gặp cả đoàn bèn nói:

      – Đồ gái gì mà không biết xấu hổ, cứ bám lấy giai mà đi. Cha bèn nắm tay cô út kéo lại, cha vừa đụng đến thì chính cha cũng  bị dính luôn.

Người giữ đồ thánh thấy thế bèn chạy theo nắm lấy áo cha kéo lại cũng bị dính luôn.

      Năm người đang bước thấp bước cao thì gặp hai bác nông dân vừa đi làm về, cha xứ nhờ họ gỡ hộ. Nhưng hai bác vừa chạm vào cũng bị dính luôn. Như vậy là cả bảy người đi theo chàng Ngốc ôm ngỗng.

      Họ đi tới kinh kì, ở đó nhà vua có cô công chúa không ai làm cho cô ta cười được nhưng vừa thấy bảy người lếch thếch theo nhau khiến cô bật cười. Thế là chàng Ngốc đã thực hiện được lời vua phán: “Ai làm cho công chúa cười được vua sẽ gả công chúa cho”.

      Nhưng thấy anh Ngốc, vua lại không muốn gả, bèn thách đố anh Ngốc nếu anh uống hết một hầm rượu vang thì sẽ gả công chúa cho.

      Chàng Ngốc nghĩ đến ông lão bé nhỏ có thể giúp được mình bèn tìm vào rừng. Tới chỗ cây bị đẵn anh thấy có một người buồn rười rượi và nói với anh.

      – Tôi khát quá, uống bao nhiêu cũng không đỡ khát. Tôi muốn uống rượu.

      Chàng Ngốc mừng quá bèn dẫn anh ta đến hầm rượu vang. Chưa hết một ngày mà anh ta đã uống cạn hầm rượu vang đó.

      Chàng Ngốc lại đòi lấy công chúa, vua lại ra điều kiện mới:

      – Anh phải tìm một người ăn hết một núi bánh. Chàng Ngốc lại vào rừng gặp một người thắt bụng bằng một cái dây da đang than thở:

      – Tôi đói quá, đã ăn hết cả một lò bánh rồi mà vẫn đói.

      Chàng Ngốc nghe vậy cả mừng bèn nói:

      – Anh đi theo tôi, tôi sẽ chỉ cho anh chỗ nhiều bánh.

      Người ở rừng chỉ ăn một ngày là hết sạch cả núi bánh.

      Lần thứ ba, chàng Ngốc đòi lấy công chúa thì vua lại đòi một chiếc tàu đi được cả trên cạn lẫn dưới nước.

      Chàng Ngốc lại đi vào rừng, lần này Ngốc gặp lại ông cụ mà Ngốc đã cho bánh, cụ nói:

      – Chính lão đã uống rượu và ăn hộ bánh cho anh. Để lão cho anh chiếc tàu, gì lão cũng làm được vì anh là người tốt.

      Ông già liền cho anh chiếc tàu, vua thấy không còn cách gì để từ chối được nữa nên gả công chúa cho chàng Ngốc. Đám cưới được tổ chức linh đình. Sau khi vua mất, chàng Ngốc lên ngôi. Vợ chồng họ sống bên nhau thật lâu và hưởng hạnh phúc trọn đời.

2. Kể lại câu chuyện Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca bằng lời của cậu bé An-đrây-ca.

Bài tham khảo

      Hồi đó, tôi lên chín sống với mẹ và ông. ông tôi đã 96 tuổi rồi nên rất yếu.

      Một buổi chiều, ông nói với mẹ: “Bố khó thở lắm!” Mẹ liền bảo tôi đi mua thuốc. Tôi nhanh nhẹn đi ngay nhưng dọc đường lại gặp mấy đứa bạn đang chơi đá bóng rủ nhập cuộc. Chơi được một lúc, mới nhớ lời mẹ dặn, tôi vội chạy một mạch đến cửa hàng mua thuốc rồi mang về nhà.

      Bước vào phòng ông nằm, tôi hoảng hốt thấy mẹ đang khóc nấc lên. Thì ra ông đã qua đời. Tôi òa lên khóc và kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe. Mẹ an ủi tôi:

      – Không, con không có lỗi, chẳng thuốc nào cứu nổi ông đâu. Ông đã mất từ lúc con vừa ra khỏi nhà.

      Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Chỉ vì tôi mải chơi bóng. Mua thuốc về chậm mà ông chết. Cả đêm đó, tôi khóc nức nở dưới gốc cây táo do tay ông vun trồng. Mãi sau này, khi đã lớn, tôi vẫn luôn tự dằn vặt: “Giá tôi mua thuốc về kịp thì ông còn sống thêm được ít năm nữa.”

3. Kể lại câu chuyện “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi bằng lời của một chủ tàu người Pháp hoặc người Hoa.

Bài tham khảo

      Tôi là một chủ tàu người Pháp, do làm ăn thua lỗ nên đã bán lại tàu của mình cho ông “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi.

      Được biết ông Bưởi mồ côi cha từ nhỏ, phải theo mẹ quẩy gánh hàng rong. Có một nhà họ Bạch thấy ông Bưởi khôi ngô bèn nhận làm con nuôi và cho ăn học. Năm 21 tuổi, ông Bưởi làm thư kí cho một hãng buôn. Một thời gian sau, ông tự đứng ra kinh doanh, trải đủ mọi nghề: buôn gỗ, buôn ngô, mở hiệu cầm đồ, lập nhà in, khai thác mỏ. Có lúc mất trắng tay, nhưng ông không bao giờ nản chí.

      Một thời gian sau, ông Bưởi mở công ti vận tải đường biển cạnh tranh với chúng tôi, mặc dù lúc này người Hoa đã độc chiếm các đường sông miền Bắc. ông Bưởi cho người đến các bến tàu diễn thuyết. Trên mỗi chiếc tàu, ông dán dòng chữ “Người ta thì đi tàu ta” và treo một cái ống để khách nào đồng tình với ông thì vui lòng bỏ ống tiếp sức cho chủ tàu. Khách đi tàu của ông mỗi ngày một đông, rất ít người đi tàu của tôi, chính vì thế mà tôi đã phá sản, buộc tôi phải bán tàu lại cho ông Bạch Thái Bưởi. Sau này ông mua xưởng sửa chữa tàu, thuê kĩ sư giỏi trông nom. Lúc thịnh vượng, công ti của ông Bưởi có tới mười hai chiếc tàu lớn nhỏ mang những cái tên lịch sử: Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Trắc, Trưng Nhị… Chỉ trong mười năm, ông Bạch Thái Bưởi đã trở thành “một bậc anh hùng kinh tế”

      Ông Bạch Thái Bưởi mãi mãi là một tấm gương mà tôi phải học tập và kính nể.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận