Tả đồ vật (Kiểm tra viết) – tuần 25 – tiếng việt 5

Đang tải...

Tả đồ vật Kiểm tra viết

Chọn một trong các đề bài để viết.

Khi làm bài văn miêu tả các đồ vật cần tả được đặc điểm về hình dáng, công dụng của đồ vật và tình cảm của mình đối với đồ vật.

M:

1. Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em.

Các em có thể dựa vào dàn ý bài văn đã lập ở tuần 24 để viết thành bài văn hoàn chỉnh.

2. Tả cái đồng hồ báo thức.

Khi em lên lớp ba, bố bảo em đã lớn, cần biết tự giác, không nên để ngày nào mẹ cũng phải gọi dậy đi học nữa. Vì vậy, bố mua cho em một chiếc đồng hồ báo thức.

Chiếc đồng hồ này bố mua riêng cho em. Em thích thú đặt lên bàn học cạnh giường, vỏ đồng hồ làm bằng nhựa cứng, có hình chú chuột Mickey màu vàng đứng xòe chân chào trông rất đáng yêu. Hai tai chú chuột to màu đen, cái mõm xinh xinh hếch lên nhìn ngộ ngộ. Chú còn được thắt nơ ở cổ và mặc cái quần soóc phồng.

Bụng của chuột là mặt đồng hồ, có nắp bằng nhựa trong. Mặt đồng hồ chia đều thành mười hai số, gần số 6 là ô vuông nhỏ có số chỉ ngày. Nhiệm vụ chỉ giờ thuộc về ba anh em kim đồng hồ. Là anh em, nhưng mỗi kim có hình dáng và tính cách khác nhau. Anh kim giờ ngắn, rất nặng nề, phải lâu lắm mới nhích được một chút. Anh kim phút thì dài và nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn kim giờ, một chốc là lại đi một bước. Kim giây là em út, dài ra rất mảnh, cứ láu ta láu táu chạy liên tục, làm phát ra những tiếng “tích tắc tích tắc…” đều đặn. Mặt sau của đồng hồ có hai núm nhỏ màu đen, một núm để điều chỉnh giờ và một núm để hẹn giờ báo thức.

Từ khi có đồng hồ, em không còn phiền mẹ phải nhắc nhở mình từng tí nữa. Chiếc đồng hồ đều đặn mỗi sáng gọi em dậy đi học, buổi chiều nhắc em ngồi vào bàn học bài. Đồng hồ luôn chạy rất chính xác và không khi nào quên nhắc em những việc cần làm.

Nhờ đồng hồ, em luôn đi học đúng giờ và làm bài đầy đủ, không bị thầy cô giáo và bố mẹ nhắc nhở. Đồng hồ như người bạn giúp em có ý thức tự giác và học hành ngày càng tiến bộ.

3. Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.

Các em dựa vào dàn ý bài văn đã lập ở tuần 24 để viết thành bài hoàn chỉnh. Chú ý câu văn phải ngắn gọn, đầy đủ các thành phần, giàu hình ảnh, cảm xúc.

4. Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

Khi em bắt đầu đi học lớp một, bác em mua tặng em một món quà mà em rất thích: Đó là bộ đồ chơi xếp hình.

Nhận hộp quà trên tay, em thích mê đi, quên cả cảm ơn bác. Bộ xếp hình gồm những khối hình vuông, tròn, hình chữ nhật được làm bằng nhựa cứng, có đủ màu, xanh lá cây, xanh nước biển, đỏ và vàng, đựng trong chiếc ba lô bằng nhựa trong xinh xắn. Tập sách hướng dẫn mỏng có in 50 hình mẫu để em có thể xếp theo. Giở tập hình mẫu, em như chìm vào thế giới đầy màu sắc với những căn nhà, ô tô… được xếp từ các hình khối.

Cứ rảnh rỗi là em lại giở bộ xếp hình ra xếp. Ban đầu em làm theo những hình mẫu, lắp ráp một cách khó khăn, nhiều hình phải tưởng tượng rất khó và lắp mãi mới xong. Dần dần, em lắp được hết các hình một cách nhanh chóng, lại sáng tạo được nhiều hình mới. Mỗi lần như vậy, em lại sung sướng đem “thành quả sáng tạo” của mình chạy đi khoe mẹ. Mẹ mỉm cười nhìn em đầy tự hào và lại khen bác mua được món quà vừa thú vị vừa có ý nghĩa.

Bộ xếp hình không chỉ là đồ chơi mà còn là dụng cụ học tập giúp em rèn luyện trí tưởng tượng, sự khéo léo, kiên trì. Giờ đây, bộ xếp hình đã trở nên dễ dàng và không còn hấp dẫn em nữa nhưng em vẫn giữ gìn thật cẩn thận như một món quà quý giá.

5. Tả một đồ vật trong viện bảo tàng hoặc trong nhà truyền thống mà em đã có dịp quan sát.

Các em dựa vào dàn ý đã lập ở tuần trước dể viết thành bài hoàn chỉnh.

Xem thêm Cửa sông

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận