Sự kết hợp các yếu tố trong Quê hương của Tế Hanh

Đang tải...

Mời các bạn đọc tham khảo hướng dẫn làm đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ Văn 8 gồm nghị luận văn học về bài thơ Quê hương của Tế Hanh. Bài viết là tài liệu tham khảo cho các bạn khi phân tích bài thơ Quê hương của Tế Hanh.

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN

MÔN: NGỮ VĂN 8

(Thời gian làm bài 150 phút)

ĐỀ BÀI

Câu 1 (8,0 điểm)

Suy nghĩ của em về bài học được rút ra từ câu chuyện sau:

          Ngày xưa, bên sườn của một núi lớn có một tổ chim đại bàng. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào trại gà dưới chân núi. Một con gà mái tình nguyện ấp của trứng lớn ấy. Đến ngày kia, trứng nở ra một chú đại bàng con xinh đẹp, nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi lớn như một con gà. Chẳng bao lâu sau, đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà không hơn không kém. Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn. Một ngày, trong khi đang chơi đùa trong sân, đại bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời. “Ồ – đại bàng kêu lên – Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó”. Bầy gà cười ầm lên: “Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh là một con gà và gà không biết bay cao”. Đại bàng tiếp tục ngước nhìn gia đình thực sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo nó điều không thể xảy ra. Đó là điều đại bàng cuối cùng đã tin là thật. Rồi đại bàng không mơ ước nữa và tiếp tục sống như một con gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm gà, đại bàng chết.

                                                                                             (Theo nguồn internet)

Câu 2 (12,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: “Quê hương” của Tế Hanh là bài thơ trữ tình có sử dụng yếu tố miêu tả và tự sự rất hợp lý, nhưng miêu tả và tự sự ở đây chỉ giúp cho yếu tố trữ tình càng thêm nổi bật. Nhờ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố này nên hình ảnh thơ càng chân thực, tinh tế, thể hiện tấm lòng yêu quê hương dạt dào của nhà thơ.

Bằng những hiểu biết của em về bài thơ “Quê hương”, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên?

HƯỚNG DẪN CHẤM

Nội dung

Điểm

Câu 1.

Về mặt hình thức:

– HS phải viết được văn bản có bố cục rõ ràng, cấu trúc hợp lí;

– Diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ. Viết đúng văn phạm; chữ viết rõ ràng, không sai chính tả.

Về nội dung:

 

1. Giải thích, nêu ý nghĩa câu chuyện

2,0 điểm

– Đại bàng là loại vật biểu trưng cho sức mạnh. Chúng thuộc về trời xanh, thuộc về những điều kỳ vĩ.

– Nhưng chú đại bàng này lại rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đó là khi chú phải sống lạc vào bầy gà và nhầm tưởng mình cũng là loài vật nhỏ bé. Đại bàng không nhận thức được bản thân mình là ai và mình có khả năng gì

– Đáng chú ý ở chỗ đại bàng có ước mơ, đại bàng được khao khát bay lên trời xanh “Ồ – đại bàng kêu lên- Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó” nhưng ước mơ đó nhanh chóng bị đè bẹp, đập vỡ bởi những người xung quanh

– Bởi không nhận thức được bản thân, không tin tưởng vào khả năng và dám thực hiện ước mơ của mình nên con chim cao quý ấy đã phải lãnh nhận một kết cục đau buồn: đại bàng đã sống và chết như loài gà nhỏ bé

– Chú đại bàng là một ẩn dụ cho một kiểu người trong xã hội – những con người có ước mơ, có hoài bão xong lại không dám tin vào chính mình, dễ dàng bị những lời đánh giá của những người bên cạnh mình làm lung lạc

– Câu chuyện về chú đại bàng mang lại bài học sâu sắc về sự tự nhận thức bản thân và niềm tin vào chính mình. Mỗi con người đều có khả năng tiềm ẩn và để biến ước mơ thành hiện thực, con người cần có ý chí vững chắc, niềm tin mạnh mẽ vào khả năng của mình. Có như vậy, con người mới phát huy năng lực thực sự của bản thân, trở thành những con đại bàng sải cánh trên trời xanh.

0,25

 

0,25

 

0,25

 

0,25

 

0,5

 

 

0,5

 

2. Phân tích, lý giải:

3,0 điểm

– Tin vào chính mình là tin vào khả năng, tin vào lập trường của mình. Niềm tin này xuất phát từ nhận thức về bản thân (mình là ai, đến từ đâu, có vị trí như thế nào trong xã hội, mình có thể làm gì). Nhưng như thế chưa đủ, cần phải trang bị cho mình lòng dũng cảm, vững vàng vượt qua mọi lời nói xung quanh để thực hiện ước mơ của chính mình. Làm được như vậy, con người sẽ bước gần hơn đến ước mơ, hoài bão.

– Tại sao con người cần phải nhận thức bản thân và tin tưởng vào chính mình?

+ Là yếu tố quan trọng. Khi biết mình là ai sẽ hiểu mình sẽ cần làm gì cho xứng đáng. Nhận thức đúng đắn về chính mình để không bị nhòa đi giữa thế giới rộng lớn hàng triệu cá thể.

+ Tự nhận thức phải đi cùng niềm tin vững chắc và quyết tâm cao độ. Khả năng của con người là vô hạn và đôi khi bị ẩn giấu. Cuộc sống đều đều, trầm lặng đôi khi làm cho con người không bộc lộ hết khả năng, phải đặc trong hoàn cảnh đặc biệt, thử thách đặc biệt, con người mới có thể khám phá ra. Thử thách đặc biệt ấy có thể là những ước mơ, những dự định lớn lao, lúc này nhận thức và tin tưởng vào khả năng đóng vai trò quyết định đến sự thành bại. Nếu có niềm tin con người sẽ có sức mạnh vượt qua rào cản, sẽ khó bị đánh gục bởi những rào cản. Nó giúp ta gạt bỏ đinh kiến, những phủ định của những người xung quanh để dẫn thân vào con đường đã chọn.

+ Những giá trị lớn trong cuộc đời chỉ được tạo ra bởi những con người có nhận thức đúng đắn về bản thân và khả năng về chính mình. Dẫn chứng: Phát minh khoa học, thành tựu vĩ đại (Bác Hồ hai bàn tay trắng tìm đường cứu nước, Nguyễn Thế Hoàn vượt qua hoàn cảnh khó khăn đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2014,…). Nếu mặc cảm về mình thì họ có đạt được không

– Phê phán: Trong cuộc sống chúng ta bắt gặp người như chú đại bàng trong câu chuyện, vì không nhận thức bản thân, không dũng cảm tin vào khả năng của mình mà sống cuộc sống tầm thường, vô nghĩa. Bị những đinh kiến kéo lại, không dám bước trên con đường ước mơ. Dám ước mơ và dũng cảm bước trên con đường chinh phục ước mơ, con người mới có thể làm được những điều vĩ đại.

0,75

 

 

 

 

0,5

 

0,5

 

 

 

 

0,5

 

 

0,75

 

3. Bình luận, liên hệ

3,0 điểm

– Nhắc nhở vai trò niềm tin trong cuộc sống. Nó lay chuyển những ai đang ngủ quên trong sự bằng lòng với cuộc sống tầm thường của hiện tại, bị những định kiến xã hội làm cho mềm yếu. Hãy biết sống có ước mơ, khẳng định giá trị bản thân qua những hành động cụ thể. Đó là con đường dẫn con người đến thành công, hạnh phúc.

– Tin vào chính mình, điều đó không có nghĩa con người trở nên tự cao, bảo thủ, mù quáng. Niềm tin cần gắn liền với nhận thức đúng đắn, ước mơ cao đẹp. Cuộc sống của chúng ta sẽ trôi đi vô nghĩa nếu chúng ta chịu bằng lòng với những gì đang có, nếu chúng ta ngừng ước mơ và cố gắng. Ta sẽ không biết khả năng kỳ diệu của ta nếu dễ dàng từ bỏ ước mơ khi nghe phán xét của những người xung quanh.

– Liên hệ bản thân: Câu chuyện có tác động như thế nào đối với cuộc sống hiện tại, tự xem bản thân mình đã nhận thức được bản thân và tin vào chính mình chưa… Khẳng đinh lại: Tự tin vào những đều mình mơ ước hay chịu sống một cuộc đời bình lặng đều phụ thuộc vào mỗi người, do mỗi người. Sống hết hình với những điều ao ước là con người sống một đời ý nghĩa, cao đẹp.

1,0

 

 

1,0

 

 

1,0

Câu 2:

* Yêu cầu về kĩ năng:

– Bài làm có bố cục hoàn chỉnh.

– HS viết dạng bài nghị luận chứng minh, kết hợp được với giải thích nhận định. Bài viết thể hiện HS có kiến thức về bài thơ “Quê hương”, về tác giả Tế Hanh về những biện pháp nghệ thuật được thể hiện ở hình ảnh thơ chân thực, tinh tế, sự kết hợp giữa 3 phương thức biểu đạt song phương thức chính vẫn là biểu cảm và phải làm nổi bật tình yêu quê hương dạt dào của nhà thơ.

– Diễn đạt mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác. Dùng từ, đặt câu chuẩn xác.

* Yêu cầu về nội dung

 

1. Giải thích nội dung nhận định và khẳng đinh nhận định hoàn toàn đúng

3,0 điểm

 “Quê hương” của Tế Hanh là bài thơ trữ tình có sử dụng yếu tố miêu tả và tự sự rất hợp lý, nhưng miêu tả và tự sự ở đây chỉ giúp cho yếu tố trữ tình càng thêm nổi bật. Nhờ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ba yếu tố này nên hình ảnh thơ càng chân thực, tinh tế, thể hiện tấm lòng yêu quê hương dạt dào của nhà thơ.

– Miêu tả (mô tả đặc điểm tính chất của sự vật, hiện tượng), tự sự (kể về người, việc,…) là yếu tố làm cơ sở bộc lộ cảm xúc, giúp cho yếu tố trữ tình có căn cứ và càng thêm nổi bật.

– Trong bài thơ:

+ Tự sự: Thể hiện ở việc kể về nghề nghiệp của người dân quê hương, vị trí, công việc hằng ngày ra khơi đánh cá, trở về, về hoàn cảnh của tác giả khi xa quê.

+ Miêu tả: Quang cảnh thiên nhiên khi ra khơi đánh cá, nổi bật là hình ảnh người dân chài lưới với con thuyền làm chủ công việc, làm chủ vũ trụ, cảnh tấp nập khi đoàn thuyền trở về đầy cá, người dân chài lưới sau những ngày vất vả với bao thành quả lao động. Và chiếc thuyền sau mỗi lần về bến. Trong trí nhớ của tác giả về màu nước xanh, cánh buồm trắng, mùi vị…

Song tất cả sự tự sự và miêu tả trên đều làm cho hình ảnh thơ thêm chân thực, tinh tế, phục vụ xuyên suốt cho một mạch cảm xúc trữ tình: Tình yêu quê hương dạt dào của nhà thơ.

– Điều này hoàn toàn đúng.

0, 5

 

0,5

 

 

0,5

 

0,5

 

 

0,5

0,5

2. Chứng minh tính đúng đắn của ý kiến

7,0 điểm

a. Kể, tả khi giới thiệu quê hương với niềm tự hào, sự am hiểu, gần gũi

+ Lời kể giản dị, chân thực nhưng tinh tế, lấy những nét riêng, đặc trưng của người miền biển: lấy thời gian để đo chiều dài của không gian.
+ Lời thơ tha thiết, bồi hồi, chan chứa niềm tự hào về quê hương.

b. Kể, tả về cảnh lao động (ra khơi đánh cá, trở về) của người dân chài lưới cùng với những công cụ gắn bó thân thiết của họ (con thuyền, cánh buồm gắn với con người lao động) để bộc lộ cảm xúc tự hào, tự tin, yêu mến, trân trọng thành quả lao động. Qua đó thể hiện sự tinh tế trong cách miêu tả, chân thực trong cảm xúc và sự am hiểu, gắn bó với con người, cuộc sống lao động và quê hương- những biểu hiện của tình yêu quê hương tha thiết

+ Chỉ vài nét chấm phá tinh tế về cảnh “dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá” trong một “sớm mai hồng”, câu thơ đã mở ra bức tranh thiên nhiên tươi sáng, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống. Thể hiện cái nhìn lạc quan tin tưởng về một chuyến ra khơi bình yên, mưa thuận gió hòa, niềm mong mỏi của nhà thơ về sự che chở của thiên nhiên đối với người dân.

+ Đặc tả về chiếc thuyền khi ra khơi bằng biên pháp so sánh, các động từ mạnh “hăng”, “phăng”, “vượt”; cánh buồn được so sánh với mảnh hồn làng vừa tinh tế, vừa giàu sức gợi (cả tâm hồn của làng quê gửi gắm với cánh buồn ra khơi) “rướn” tấm thân đón gió, nắng biển khơi như mang cả làng quê ra khơi đánh cá. Con thuyền được làm vật trung tâm truyền cảm hứng cho nhà thơ đặc tả. Nó chở chính người lao động ra khơi, rồi trở về, chở cả niềm tin, sự sống, thành quả lao động của làng quê.

+ Kể và đặc biệt là tả về cảnh đoàn thuyền trở về để bộc lộ sự trân trọng thành quả, niềm tin vào sức mạnh của lao động, sự chinh phục thiên nhiên của con người để xây dựng quê hương đất nước. Các tính từ: ”Ồn ào”, ”tấp nập” -> toát lên không khí đông vui, hối hả đầy sôi động của cánh buồm đón ghe cá trở về. Người đọc như thực sự được sống trong không khí ấy, được nghe lời cảm tạ chân thành đất trời đã sóng yên, biển lặng để người dân chài trở về an toàn và cá đầy ghe, được nhìn thấy “những con cá tươi ngon thân bạc trắng”. Tế Hanh không miêu tả công việc đánh bắt cá như thế nào nhưng ta có thể tưởng tượng được đó là những giờ phút lao động không mệt mỏi để đạt được thành quả như mong đợi.

Đặc tả về người dân chài- nhân vật trung tâm làm nên thành quả lao động với những nét chấm phá tinh tế, tiêu biểu thể hiện tình cảm chân thành và sự am hiểu về vẻ bề ngoài người dân lao động miền biển: làn da ngăm rám nắng. Thân hình nồng thở vị xa xăm là cách nói gợi cảm thể hiện sự liên tưởng từ hình khối sang cảm giác được ngửi thấy, nếm thử. Hình ảnh người dân chài vừa chân thực vừa lãng mạn với tầm vóc phi thường. Ông không những chỉ tả chân thực về họ mà còn thổi cho họ một sức mạnh phi thường với niềm tin tưởng, sự cảm phục về sự cường tráng và sức mạnh chinh phục thiên nhiên, ngang tầm vũ trụ.

Chiếc thuyền- người bạn đồng hành được nhân hóa như những con người lao động biết mệt mỏi, nghỉ ngơi để nếm trải những hạnh phúc khi hoàn thành nhiệm vụ lao động.

c. Phác kể về hoàn cảnh của bản thân xa quê để thể hiện trực tiếp trong nỗi nhớ khôn nguôi về quê hương của người con khi xa cách

 + Nỗi nhớ chân thành, tha thiết nên lời thơ kể giản dị; cách bộc lộ cảm xúc trực tiếp “Nay xa cách… Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”
+ Tả về  hương vị lao động làng chài chính là ông đã nhớ đến cháy lòng hương vị riêng đầy quyến rũ của quê hương. Dường như nỗi nhớ quê của ông không những bắt nguồn từ những gì ông nhìn thấy “nước xanh”, “cánh buồn vôi”, những gì ông mô tả, ông kể mà còn là những vị mùi thấm vào hơi thở, thớ thịt của người xa quê, còn là mùi vị xa xăm hắt về của biển cả. Nhà thơ đã cảm nhận được chất thơ trong cuộc sống lao động hàng ngày của người dân nên hình ảnh thơ tươi sáng, khỏe khoắn, mang hơi thở nồng ấm của lao động, của sự sống.

0,75

0,75

 

 

0,75

 

 

0,5

 

 

0,5

 

 

0,5

 

 

 

 

0,75

 

 

 

 

0,5

 

0,5

0,5

 

 

 

1,0

3. Đánh giá về vai trò của 3 phương thức biểu đạt trong bài thơ và khẳng định tính chủ yếu, bao trùm của cảm xúc. Nâng cao, bình luận về tình yêu quê hương của Tế Hanh

2,0 điểm

– Tế Hanh đã kể, tả không phải để chỉ kể tả, không phải để rườm rà câu chữ mà trong kể, tả đã có nỗi lòng, cảm xúc. Vì vậy ông đã sáng tạo được nhiều hình ảnh thơ chân thực nhưng cũng rất đẹp, bay bổng lãng mạn. Nhà thơ đã thổi linh hồn vào cách miêu tả, cách kể sự việc, sự vật gần gũi, giản dị khiến cho các sự vật mang một vẻ đẹp, một tầm vóc bất ngờ. Từ đó, tình yêu quê hương của Tế Hanh càng trở nên tha thiết, sâu nặng hơn.

– Tình yêu quê hương của ông không chỉ là những cảm xúc xáo rỗng mà còn là những việc, người cảnh, những hình ảnh gắn bó máu thịt, sự am hiểu về cuộc sống, con người lao động miền biển. Còn bắt nguồn từ những quan sát, trải nghiệm và cả trong hoàn cảnh đặc biệt xa quê.

– Tình yêu quê hương ấy còn được biến thành những hành động cụ thể của một người con làng chài: Ông là một trong nhà thơ trong phong trào thơ Mới với những sáng tác mang nặng nỗi buồn và tình yêu quê hương thắm thiết. Sau 1945, những sáng tác của ông vẫn thể hiện sự nhớ thương quê hương miền nam da diết và khát khao, tin tưởng đất nước thống nhất “Tôi sẽ về nơi tôi hằng mong ước….”. Ông đã được tặng giải thưởng HCM về VHNT năm 1996. Chúng ta trân trọng, tự hào về những người con như thế.

– HS liên hệ

0,5

 

 

 

0,5

 

0,5

 

 

 

0,5

>> Xem thêm: Bức tranh làng quê miền biển trong bài thơ Quê Hương

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận