Sự Dở Dang (Hồ Xuân Hương) – Bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài giảng bài thơ “Sự dở dang” (Hồ Xuân Hương) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

SỰ DỞ DANG

HỒ XUÂN HƯƠNG

                                                                Cả nể cho nên sự dở dang

                                                                Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng?

                                                                Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc

                                                                Phận liễu sao đà nầy nét ngang

                                                                Cải nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?

                                                                Mảnh tình một khối thiếp xin mang

                                                                Quản bao miệng thế lời chênh lệch

                                                                Không có nhưng mà có mới ngoan.

       1. Xuyên qua vấn đề tình yêu nhưng là bênh vực cho phụ nữ, chống lại thành kiến sai lầm của xã hội. Người thiếu nữ không may này chính vì tình yêu mà hóa ra lỡ làng. Cho nên muốn có cơ sở để đánh giá hành động “sai lầm” của nàng, phải xét vấn đề: ở đây có tình yêu thực sự hay chỉ là chuyện thuần tuý dâu bộc?

       Thực ra cũng phải đặt vấn đề lại từ đầu: ở đây tác giả có đề cập đến vấn đề chính đáng hay không chính đáng? Hay tác giả bênh vực cho tất thảy những người con gái lỡ làng mà chẳng cần phân biệt?

       Xét ra bài thơ dường như có chút đùa rất kín đáo. Cách chơi chữ ở hai câu 3-4, cách thách thức ở hai câu kết những biểu hiện. Tất cả cách nói của tác giả trong bài thơ, “cả nể “nỗi niềm”, “duyên thiên”, “phận liễu” đến “cái nghĩa trăm năm”, “mảnh tình một khối” hình như chỉ là những hình thức tu từ có ý nghĩa nghiêm trang phủ lên tất cả những gì không nghiêm trang, để tạo ra cái đùa đánh tan không khí quá ư trang trọng mà xã hội bất công bao quanh sự dở dang này của người con gái. Trên cơ sở đó, tác giả mới ranh mãnh hạ câu kết lui cuối cùng.

       Trong phong cách Hồ Xuân Hương, có thể có cách viết hóm hỉnh như thế. Trong thực tế cuộc sống dưới chế độ phong kiến những người con gái lâm vào cảnh dở dang này không phải cũng khuyết điểm giống nhau, nhưng xã hội phong kiến thì đối xử với họ chỉ một mực tàn nhẫn. Hồ Xuân Hương thấy thân phận phụ nữ là đáng thương, có khuyết điểm ít hay nhiều cũng đều đáng thương cả, cho nên có thể do tấm lòng bao dung, độ lượng mà không cần đặt vấn đề phân biệt có chính đáng hay không ở đây. Lòng bao dung độ lượng như vậy mới thật là đáng quí. Sự chống đối như thế càng triệt để hơn, có tính nguyên tắc hơn.

       Nhưng điều quan trọng hơn cả là dù sao, cũng phải trình bày sự việc trên một cơ sở chính đáng thì mới bênh vực được. Cơ sở chính đáng cần dựa vào để có thể bênh vực được chỉ tình yêu giữa hai bên trai gái. Cho nên, dù có chút ít hóm hỉnh trong phong cách, Hồ Xuân Hương vẫn phải nghiêm túc trong tư tưởng. Và do đó, chữ nghĩa, hình ảnh dùng trong bài đi nhằm một hiệu lực chung: đây là vấn đề tình yêu chính đáng giữa hai bên nam nữ. Hồ Xuân Hương bênh vực người phụ nữ “dở dang” có phân biệt hay không phân biệt tình yêu chính đáng hay không chính đáng, chung quy cũng phải đi đến cho được hiệu lực đó. Thành ra không đặt vấn đề chính đáng rồi cũng như có đặt, không phân biệt rồi cũng như phân biệt.

       Hãy lấy câu đầu mà xét. Người con gái nói rằng, vì mình cả nể cho nên mới sinh chuyện dở dang. Như thế là có người đòi hỏi và có người vì quá nể nang mà đồng ý. Câu chuyện không phải không có quá trình; việc xảy ra chỉ là điểm đột biến. Hai bên tất có tình với nhau từ trước, có kỷ niệm, có tâm sự. Vì thế mà việc dở dang bây giờ đúng là một nỗi niềm, một điều đáng lo nhưng không phải là một điều đáng tức giận, đáng nguyền rủa: nỗi niễm ấy là do cả hai bên gây ra nhưng riêng người con gái phải gánh lấy cái biểu hiện vật chất.

       Trở lên mới là ý bao quát của một câu phá và một câu thừa. Bốn câu thực, luận sẽ tiếp tục cụ thể hóa thêm. Nỗi niềm y đúng là một niềm dở dang. Nhưng cái dở dang ấy là về mặt tập tục xã hội (người thiếu nữ chưa có chồng) chứ đứng về mặt tình yêu, về mặt cơ bản của vấn đề nam nữ thì có gì là dở dang, vì đó là kết quả của mối duyên thiên, một mối duyên trời, nào có phải là hậu quả oan nghiệt của một cuộc dâu bộc? Cho nên dù có nẩy nét ngang, tấm thân người con gái vẫn là vóc nai mình liễu, vẫn là của người thiếu nữ chính đáng, trong sạch.

       Chính trên cơ sở ấy mới có thể nổi đến chuyện tình nghĩa được. Đã xảy ra tình hình này, chưa chắc hai bên sẽ được lấy nhau. Không được lấy nhau thì mối tình như cắt đứt, chứ cái nghĩa ở đời, cái nghĩa trăm năm như đã thề nguyền với nhau thì đừng có quên, suốt đời người thanh niên phải nhớ lấy. Còn cái bào thai trong bụng kia rõ ràng nó không phải là hậu quả của cơn dâm dục mà là kết quả tốt đẹp của một mối tình, nói một khối tình, cho nên người con gái xin nhận lấy sự mang nặng đẻ đau.

       Như thế là tác giả dù muốn hay không muốn cũng đã không nói đến trường hợp dâu bộc xằng bậy, trăng gió tầm phơ, mà nói đến trường hợp chính đáng, có cơ sở vững chãi là tình yêu.

       2. Nhận định đó càng được củng cố khi ta phân tích đến thái độ của người phụ nữ đối với người đàn ông.

       Chúng ta từng nghe nói có người đàn bà vì sợ đẻ, khi cô trót có thai thì vác dao đòi chặt chồng, chửi bới lung tung. Và với chồng mà còn như thế, huống gì trường hợp một người thiếu nữ bị anh chàng sở khanh lừa phỉnh đến có mang rồi ruồng bỏ.

       Đến nước ấy ông Phật cũng phải tức giận chứ đừng nói con người. Thế mà ở đây thì sao? Người con gái nhận trước pha lỗi của minh, nhận lỗi nhưng mà trách móc mình quá nể nhưng chính vì người quá yêu cầu. Tuy vậy vẫn là trách móc nhẹ nhàng: Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng? Trách móc mà trông người ta hiểu thấu nỗi lo lắng của mình, trách móc không phải hất người ta ra xa mình mà gọi người ta đến gần mình. Trách móc mà vẫn dịu dàng, vẫn thương yêu, một chàng, vì chàng. Trách móc mà không hề khẳng định một lời phê bình nào, chỉ nghi vấn: Chàng có biết chăng chàng? chàng nhớ chửa (Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa). Trách móc mà vẫn dặn dò, nhắc nhở đến cái nghĩa trăm năm, đến cái nhiệm vụ của “chàng”. Nghĩa là tuyệt đối không phải là thái độ căm tức, thù hằn, đổ tất cả lỗi lên đầu người đàn ông. Một thái độ hợp tình hợp lý, có mình có ta như  vậy, liệu ở một người lăng loàn, bậy bạ có thể có được không? Cho nên, dù muốn nói sao thì nó trong lời thơ của mình, Hồ Xuân Hương vẫn quan niệm vấn dề trên cơ sở một tình yêu chính đáng như vậy.

       3. Phân tích đến thái độ người con gái đối với việc dở dang đã xảy ra càng thấy sâu sắc thêm quan niệm của nữ thi hài. Người thiếu nữ ở đây không phải là hạng người “khỏi lỗ vỗ về” cũng không phải là kẻ buông tuồng đến mức đánh đồng việc “chính chuyên” và việc “lẳng lơ” như trong ca dao. Nàng là một người biết lẽ phải nên khi sinh việc lỡ làng, nàng có chút hối hận: mình cả nể. Mà chỉ hối hận là đã chiều người quá thôi chứ không phải hối hận vì mình hư thân mất nết. Cũng như nàng chỉ hối hận và tình hình xảy ra có hơi sớm, hơi bất bình thường, chứ không phải hối hận mình đã làm một việc không được phép làm. Vì thế nàng thấy đó là việc dở dang thật, nhưng cũng là việc dở dang thôi, chứ không phải là việc oan nghiệt, một tai vạ. Mà dở dang là do sự can thiệp xấu xa, tàn nhẫn của xã hội, chứ bản thân việc hai người yêu nhau, có con với nhau thì có gì đến nỗi quá dở dang? Chính trên cơ sở vững chãi ấy mà người con gái xác định thái độ đối với cái bào thai trong bụng. Nó là một khối tình, là kết quả của tình yêu, thì cái điều dở dang kia có gì đáng sợ? Người con gái sẽ mạnh dạn, can đảm nhận lấy trách nhiệm của mình, không thèm cúi đầu, không thèm sợ ai: Mảnh tình một khối thiếp xin mang. Trách nhiệm ấy là trách nhiệm sáng tạo ra sự sống, trách nhiệm của người mẹ, một trách nhiệm hết sức lớn lao. Người con gái kia, vì bản năng làm mẹ, đã thấu triệt cái lớn lao ấy nên cũng trở thành lớn lao. Bởi vì ở đây đòi hỏi một sự hy sinh cũng rất lớn lao. Mang nặng đẻ đau trong trường hợp bình thường, có chồng có vợ, có cha mẹ cùng lo, cũng là một gánh nặng cho phụ nữ, trong đó không phải không có sự hi sinh. Đây lại khác hẳn. Bao nhiêu khổ nhục, đọa đày người con gái phải chịu lấy, thường xuyên, hàng ngày, hằng giờ, đến bất kì từ đâu, từ bất kì cửa miệng nào, ngay từ trong gia đình trước. Hy sinh danh dự, hy sinh cả đời mình. Cho nên có lạ gì mà có nhỡ như thế thì người ta tìm đủ mọi cách để hủy cái thai đi. Ở đây trái lại. Cái dũng cảm nhận lấy trách nhiệm giữ cái giọt máu kia là một hy sinh cao cả, đồng thời cũng là một thách thức đối với xã hội phong kiến vô nhân đạo. Chỗ này đúng là những tư tưởng lớn của Hồ Xuân Hương về người phụ nữ và về cuộc sống.

       4. Sau khi đứng vững trên cơ sở tình yêu chính đáng và đưa người con gái về với cái trong sạch, đứng đắn, nâng lên bậc làm bà mẹ sáng tạo ra sự sống, Hồ Xuân Hương mới đánh đổ cái thành kiến vô lý của xã hội đối với người con gái lỡ làng: đó là một thứ miệng thế chênh lệch không có gì đáng kể. Nhưng tác giả nào nói quá một mức, như thế bù lại cho nỗi thiệt thòi lâu đời của phụ nữ: “Không có nhưng mà có mới ngoan”. Không nên nghĩ rằng tác giả tán thành quan điểm liều lĩnh ấy, đó chỉ là một lối thách thức đối với dư luận phong kiến bất công, cũng như nhiều lời thách thức khác của tác giả ở những chỗ khác.

       Đây có một chút tinh vi không thể bỏ qua được. Cách đối xử tàn tệ, vô nhân đạo của xã. hội phong kiến đối với người con gái lỡ làng là đáng nguyền rủa. Việc có thai nhi chưa có cưới xin, nhưng có tình yêu bảo đảm, tuy không phải là một tội tày trời như dư luận phong kiến quan niệm, khách quan vẫn là một hiện tượng không hay, cho dù trong xã hội ta ngày nay nó vẫn không thích hợp, chứ đừng nói việc lảng lơ buông tuồng. Chí ít chỗ này nên học tập Thúy Kiều, đó không những là đạo đức cá nhân, trọng mình và trọng tình yêu của mình, đồng thời đòi người cũng làm như thế, mà còn tôn trọng luật pháp xã hội, đừng gây những phiên phức vô ích. Ở đây, Hồ Xuân Hương thiên về phía chống lại dư luận phong kiến nên không đề cập đến khía cạnh đó, nhưng khía cạnh đó là có thật, không thể không để ý đến, nhất là đối với thanh niên ngày nay.

       Đặt vấn đề “chửa hoang” này vào xã hội phong kiến thời xưa mới thấy hết tính chất cực kỳ tiến bộ của quan điểm tác giả. Có biết thế nào là làng ăn vạ gia đình có con gái hoang thai, dùng đến cực hình ngũ trải để tra tấn, buộc người con gái phải cung khai kẻ đã thông dâm với mình, có thấu hiểu hết nỗi khổ của người con gái đi trốn sợ “làng bắt mất trâu” trong ca dao, hoặc của người vợ bị chồng cột vào xe đem đi bêu trong chuyện “Dẫn đi bêu” của Gôrơki thì mới thấy tư tưởng của Hồ Xuân Hương tiến bộ và tinh thần nhân đạo của nữ sĩ thật là cao cả.

           5. Sự phân tích trên đây đưa ta đến kết kết luận: tác giả đã đạt chủ đề của mình.

       Vấn đề bình đẳng nam nữ, vấn đề giải phóng người phụ nữ khỏi cái thân phận tủi nhục hàng mấy nghìn năm, đến nay mới dần dần có điều kiện để giải quyết mà cũng còn phải phấn đấu lâu dài mới thực hiện nổi. Thế mà từ cái ngục tù đen tối của chế độ phong kiến cuối thế kỉ XVIII, Hồ Xuân Hương đã dám nói lên những điều mà chỉ có nhân dân trong ca dao mới dám nói. Lời nói ấy chứa đầy chất hiện thực, có giá trị tố cáo sâu sắc, nhưng vẫn lúng túng trong khi giải quyết hiện thực.

       Tuy vậy, nó vẫn đã có ý thức, có hệ thống hơn trong ca dao. Điều ấy rất đúng và Hồ Xuân Hương gắn liền với thời đại mình, thời đại đó là thời đại nhân dân vùng lên làm lung lay chế độ phong kiến đến tận gốc.

       Đến đây cần nói thêm một vài lời về nghệ thuật độc đáo của bài thơ. Có lẽ không cần nhắc lại cách dùng chữ chính xác có một không hai của họ Hồ. Khi phân tích một số từ trong thơ Xuân Hương cũng đã thấy cái tài của ngòi bút đã từng phân biệt dê cỏn với dê con, đã từng dùng ghé mắt chứ không phải liếc mắt khi nói đến cái miếu của tên giặc Thanh. Chỉ nói thêm là Hồ Xuân Hương sử dụng chữ nghĩa chẳng khác gì người làm ảo thuật sử dụng những vật  liệu trong tay mình. Câu 3, 4 của bài là một lối chơi chữ, nghĩa là một trò tiểu xảo của sĩ tử ngày xưa không hay ho gì, có khi rất đáng ghét. Nhưng vào tay Hồ Xuân Hương có phải là thuần tuý chơi chữ đâu. Duyên thiên thì đã có phần khác với chữ thiên một mình, đến phận liễu thì rõ ràng tác giả đánh tráo chữ liễu là cây liễu là rồi, còn nẩy nét ngang thỉ do tiếng nẩy mà cái nét ngang đã biến thành một hình tượng có giá trị mô tả. Chơi chữ mà vẫn có hình tượng, dùng hình tượng mà vẫn chơi chữ. Nói đó là ảo thuật cũng được, là làm xiếc cũng được. Nhưng đó là nghệ thuật độc đáo của nữ thi sĩ.

       Cái tài của thi sỉ còn ở chỗ vận dụng những nhãn tự với những chữ rất tầm thường. Thử đọc rất nhỏ tất cả những chữ trong hai câu thơ ấy chỉ trừ mấy chữ “chưa” ở câu trên, “sao đà”, “nẩy” ở câu dưới phải đọc to, thì không cần đến ý nghĩa của toàn bộ hai câu thơ cũng đã hiểu được tinh thần sự việc tác giả muốn mô tả.

       Một điểm nổi bật của nghệ thuật Xuân Hương trong bài này là vận dụng ca dao. Tục ngữ, ca dao thường xuyên ở cửa miệng nữ sĩ cũng như ở cửa miệng phụ nữ, đó là một điều khẳng định. Chỉ nói rằng vận dụng ngôn ngữ nhân dân mà biến hóa theo phong cách của mình, đó là độc đáo của Xuân Hương.

       Câu 8 bài thơ này thu gọn một câu ca dao (Không chồng mà chửa mới ngoan…), thu gọn mà thành như dùng điển, chữ ít nhưng nói nhiều. Dùng ngôn ngữ nhân dân, ngôn ngữ thông thường mà in mạnh dấu cá tính của mình vào đấy, cái tài ấy của Hồ Xuân Hương đã khơi mào cho một truyền thống tốt đẹp trong văn học quá khứ của ta.

>> Xem thêm: Mời Trầu (Hồ Xuân Hương) – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận