Phân tích tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Nét độc đáo trong xây dựng cốt truyện của Nguyễn Minh Châu là cách tạo tình huống bất ngờ, có ý nghĩa khám phá, phát hiện, nhận thức về đời sống.

Có ý kiến cho rằng truyện ngắn này xoay quanh ba tình huống:

+ Tình huống 1: Nghệ sĩ Phùng bất ngờ chụp được tấm ảnh cảnh biển đẹp như tranh.

+ Tình huống 2: Người nghệ sĩ kinh ngạc trước sự bạo hành của người chồng với người vợ.

+ Tình huống 3: Ngạc nhiên, bất ngờ trước lời van xin từ chối của người đàn bà không chịu rời bỏ người chồng độc ác.

Nếu coi tình huống là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm trong cuộc đời con người, thì tình huống Phùng kinh ngạc chứng kiến cảnh hai vợ chồng hàng chài bước ra từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mộng và một cuộc bạo hành tàn nhẫn mới là tình huống chính, tình huống trụ cột để từ đó câu chuyện dần được hé mở và cốt truyện mới được đẩy lên cao trào và càng xoáy sâu hơn nữa để phát triển tính cách con người, sự thật cuộc đời.

Có thể xác lập ý theo nhiều cách, nhưng theo cách nào cũng phải hợp lí, chặt chẽ và toát lên chủ đề, tư tưởng tác phẩm. Sau đây là một gợi ý:

+ Giới thiệu tình huống.

+ Phân tích ý nghĩa khám phá, phát hiện của tình huống.

  • Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.
  • Mối quan hệ giữa bề ngoài và bên trong, giữa hiện tượng và bản chất.

=> Rút ra ý nghĩa tư tưởng tác phẩm.

  • Phương pháp lập luận: phân tích kết hợp chứng minh, bình luận.
  • Tư liệu: chủ yếu trong tác phẩm.

II. Lập dàn ý

Mở bài

  • Nguyễn Minh Châu là nhà văn giàu tâm huyết, ông luôn trầm tư về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc của dân tộc Việt Nam. Sau 1975, từ cảm hứng sử thi lãng mạn khi viết về chiến tranh, ông dần chuyển sang tính chất triết luận, ông quan tâm tiếp cận đời sống ở góc độ thế sự. Ông là một trong những cây bút tiêu phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
  • Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được nhà văn sáng tác năm 1983, sức hấp dẫn của truyện là nghệ thuật xây dựng tình huống bất ngờ có ý nghĩa khám phá, phát hiện, nhận thức về đời sống.

Thân bài

*Giới thiệu tình huống

Nếu coi tình huống truyện là sự kiện có ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất, tính cách, đôi khi tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tính cách trong cuộc đời con người, thì với Phùng, việc chứng kiến người đàn ông đánh vợ một cách tàn nhẫn là một sự kiện như thế. Tình huống đem lại cho Phùng một sự kinh ngạc, bất ngờ và từ đó anh đã khám phá ra bao điều nghịch lí của cuộc sống từ bức tranh nghệ thuật — “tĩnh vật thuần tuý”.

*Tình huống đem lại cho Phùng nhiều vỡ lẽ (khám phá, phát hiện)

  • Vì sao tình huống mang lại cho Phùng sự kinh ngạc, bất ngờ? Bởi trước đó, anh đã phải mất gần một tuần lễ dậy sớm để “săn” để chụp lấy một cảnh thuyền và biển trong sương sớm và anh đã “chộp” được cảnh một chiếc thuyền đang thu lưới trước bình minh đẹp một cách kì lạ. Đó là cảnh được đánh giá “đắt” trời cho, đẹp “như một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. “Từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản mà toàn bích”. Nó khiến trái tim anh bối rối, rung động, hạnh phúc tràn ngập tột đỉnh, vẻ đẹp của hoá công đã giúp anh “khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện”, “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”. Bởi cái đẹp toàn thiện, toàn mĩ đó nó có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người, khiến anh cảm thấy mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi.
  • Trong lúc tâm hồn anh đang bay bổng với những cảm xúc thẩm mĩ tột đỉnh thì cũng là lúc anh chứng kiến từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như mơ ấy bước ra hai con người: người đàn bà xấu xí, mệt mỏi; người đàn ông to lớn, dữ dằn và một cảnh tượng tàn nhẫn: gã đàn ông đánh đập vợ một cách thô bạo, vừa đánh vừa kèm theo những lời chửi rủa độc địa, phũ phàng… Đứa con trai vì muốn bênh vực mẹ mà đánh lại cha để rồi nhận lấy hai cái tát của cha ngã dúi xuống cát… Chứng kiến cảnh đó làm sao Phùng không kinh ngạc đến thẫn thờ, hụt hẫng. Anh chết lặng như không tin vào mắt mình, dường như tạo hoá cũng như một trò đùa quái ác. Rồi ba ngày sau, anh tiếp tục chứng kiến cảnh tương tự và còn kinh khủng hơn nữa.
  • Nhà văn đã đặt Phùng vào sự đối nghịch của tình huống: trước đó và bây giờ, sự việc chỉ diễn ra sau tích tắc, cái đẹp — cái ác cùng tồn tại. Trước đó anh còn cảm thấy “bản thân cái đẹp là đạo đức” thì bây giờ chẳng còn gì là “đạo đức” là “toàn thiện toàn mĩ” nữa. Thật trớ trêu cái ác luôn hiện hữu bên cái đẹp. Hạnh phúc luôn tiềm ẩn những bi kịch, bất hạnh.

=> Qua hai phát hiện của Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một triết lí: Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lí. Cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập, những mâu thuẫn: đẹp — xấu, thiện — ác, thấp hèn — cao thượng… chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, chiếc thuyền cuộc đời thì rất gần. Người nghệ sĩ đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời, trước khi biết rung động trước vẻ đẹp nghệ thuật thì hãy biết rung động trước nỗi đau của con người. Vì nghệ thuật chân chính là nghệ thuật phục vụ con người, cuộc đời.

  • Tình huống truyện tiếp tục được nhà văn đẩy lên cao trào và ngày càng xoáy sâu hơn nữa để phát hiện tính cách con người, phát hiện sự thật cuộc đời.

+ Tại toà án huyện, Phùng và Đẩu — người bạn chiến đấu của anh năm xưa — nay là chánh toà án huyện đã được nghe sự thật về cuộc sống của gia đình người đàn bà, cách suy nghĩ và ứng xử của bà khiến Phùng và Đẩu từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến cảm thông, cảm phục.

+ Hai người đã hiểu vì sao bà từ chối sự giúp đỡ của toà án và xin đừng bắt bỏ người chồng vũ phu, độc ác, thậm chí chịu bắt tội, phạt tù cũng được chứ “đừng bắt con bỏ nó”. Lí do vì “các chú đâu phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc”, “Vì chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…” Thế ra với những người đàn bà sống trên biển, người đàn ông là chỗ dựa duy nhất, quan trọng nhất của họ để chèo chống phong ba, dù đó là ngưòi đàn ông độc ác, tàn bạo. Hơn nữa bà cần lão để cùng nhau nuôi đặng một sắp con, sống đâu phải cho riêng mình mà còn vì những đứa con, thiên chức của người làm mẹ không thể nào khác được. Trong khổ đau, bà cũng chi chắt được đôi chút niềm vui, hạnh phúc là khi nhìn thấy các con được ăn no, có những lúc vợ chồng con cái cũng vui vẻ, hoà thuận.

+ Nhìn bề ngoài đấy là người đàn bà quê mùa, ít học, rụt rè, e sợ nhưng càng tiếp xúc, Phùng và Đẩu càng nhận thấy đấy là con người từng trải, sắc sảo, thấu hiểu mọi lẽ đời. Một con ngưòi kín đáo, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Bà chấp nhận đau đớn, thiệt thòi để cho những đứa con khỏi bị tổn thương, có cha mà không có mẹ: “Tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thăng trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra ngoài”. Hai người đã “ngộ” ra những nghịch lí cuộc đời, những điều tưởng là vô lí nhưng lại thật có lí. Không thể nhìn sự vật, hiện tượng một cách giản đơn, xuôi chiều mà phải nhìn từ nhiều chiều hướng, phát hiện ra cái bản chất sâu xa đằng sau cái hiện tượng. Và muốn giúp họ thoát ra khỏi cảnh sống khổ đau, tăm tối, man rợ cần phải có giải pháp thiết thực chứ không chỉ có lòng tốt và lí thuyết sách vở.

+ Với người đàn ông độc dữ, Phùng và Đẩu có phần cảm thông với hắn vì cuộc sống đói nghèo, cơ cực đè nặng hai vai mà chẳng biết giải quyết bẳng cách nào, chỉ duy nhất một phương cách đánh đập vợ con cho hả giận. Hắn vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, đáng thương mà đáng trách, cần phải cải tạo cái đầu của hắn để hắn sống người hơn.

+ Với những đứa trẻ như chị em thằng Phác, Phùng cũng có biết bao trăn trở, chúng cũng là nạn nhân của sự đói nghèo, thất học; nạn nhân của một gia đình luôn xảy ra bạo hành để lại biến thằng bé ngây thơ, trong sáng biết hận thù người cha độc ác và chính nó lại làm những điều lỗi đạo với cha.

+ Với Phùng (chính mình), còn đơn giản khi nhìn nhận cuộc đời và con người, còn mộng mơ với nghệ thuật thuần tuý mà chưa hiểu sâu sắc cuộc đời. Qua những phát hiện, khám phá, anh đã nhận thức ra nhiều điều trong các mối quan hệ: xã hội, con người, cuộc đời và nghệ thuật…

Kết bài

Tình huống truyện làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của truyện: Cái đẹp là bản thân cuộc sống với đầy đủ những gam màu tối, sáng; những quy luật tất yếu lẫn ngẫu nhiên, may rủi khó bề lường hết. Cái hồn của nghệ thuật chính là vẻ đẹp rất đỗi bình thường của những con người lam lũ, vất vả trong cuộc sống thường nhật. Người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa chiều, đa diện trước cuộc sống; cần biết rung động, biết yêu ghét, buồn vui trước mọi lẽ đời trước khi biết rung động cái đẹp nghệ thuật, để hành động cho xứng đáng với con người.

» Xem thêm : Cảm nhận của anh, chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (“Vợ nhặt” – Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (“Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu) tại đây.

 

 

 

 

 

 

 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận