Phân tích những xung đột giữa thể xác và linh hồn trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ) – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Anh, chị hãy phân tích những ràng buộc mang tính tương khắc giữa thể xác và linh hồn trong nghịch cảnh: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (trích cảnh 7) của Lưu Quang Vũ. Qua đó cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực cùng khát vọng hoàn thiện nhân cách. 

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích những mâu thuẫn, những xung đột giữa thể xác và linh hồn trong một con ngưòi được tác giả Lưu Quang Vũ thể hiện qua hai nhân vật: Hồn Trương Ba và da hàng thịt (cảnh 7). Qua đó làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những ngưòi lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo, dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực cùng khát vọng hoàn thiện nhân cách.

Đời sống của kịch được thể hiện trên hai bình diện: văn bản văn học và sàn diễn. Khi phân tích kịch, chúng ta phân tích trên bình diện văn học song phải làm nổi bật lên đặc điểm của kịch là được xây dựng trên những xung đột, mâu thuẫn xã hội. Vì vậy phân tích trích đoạn Hồn Trương Ba, da hàng thịt phải làm rõ được đặc trưng ấy.

Học sinh có thể xác lập ý như sau:

+ Những ràng buộc mang tính xung khắc giữa thể xác và tâm hồn qua xung đột giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt.

+ Xung đột giữa hồn Trương Ba với gia đình.

+ Xung đột giữa hồn Trương Ba với Đế Thích, Trương Ba tự đấu tranh bản thân để thoát ra khỏi nghịch cảnh.

=> Rút ra ý nghĩa tư tưởng vở kịch.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong văn bản.

II. Lập dàn ý

Mở bài

Hồn Trương Ba, da hàng thịt (1981) là một trong những vở kịch xuất sắc nhất của Lưu Quang Vũ. vở kịch được hiện đại hoá trên một cốt truyện dân gian, từ một hư cấu sáng tạo ông đã đặt ra nhiều vấn đề mới có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Đoạn trích (cảnh 7) là cuộc đấu tranh giữa thể xác và tâm hồn, qua nghịch cảnh ấy, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người dân lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền được sống đích thực cùng khát vọng hoàn thiện nhân cách, xứng đáng với con người.

Thân bài

*Đặc trưng của kịch (Học sinh tham khảo để hiểu, không nhất thiết phải đưa vào bài viết)

+ Là một loại hình trong ba phương thức cơ bản của văn học (tự sự, trữ tình, kịch). Kịch vừa thuộc sân khấu, vừa thuộc văn học; vừa để diễn vừa để đọc. Kịch bản chính là phương diện văn học của kịch.

+ Kịch được xây dựng trên cơ sở những xung đột của xã hội, những mâu thuẫn mang tính toàn nhân loại (thiện — ác; cao cả — thấp hèn; ước mơ — hiện thực… ). Những xung đột ấy được thể hiện bằng một cốt truyện có cấu trúc chặt chẽ, có quy tắc nhất định của yếu tố kịch, chứa đựng nhiều kịch tính, tình huống tạo ra đối với nhân vật.

+ Xung đột kịch được diễn đạt bằng hành động và ngôn ngữ của nhân vật (ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, bàng thoại). Qua hành động và ngôn ngữ nhân vật, tác giả bộc lộ chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

*Trích đoạn Hồn Trương Ba da hàng thịt (cảnh 7) là những xung đột từ bên trong con người qua cuộc đối thoại có tính giả tưởng giữa linh hồn và xác thịt nhằm hướng tới một vấn đề mang tính chiều sâu triết học: những bi kịch nảy sinh từ sự tồn tại đầy nghịch lí, trái tự nhiên khiến cái dung tục có cơ hội ngự trị, lấn át và đồng loã những gì vốn thanh cao, tốt đẹp. Từ đó đề xuất và cổ vũ cho cuộc đấu tranh bảo vệ cho những phẩm tính cao quý của con ngưòi nhằm hướng tới khát vọng trong sạch, hài hoà giữa thể xác và tâm hồn, giữa vật chất và tinh thần để hoàn thiện nhân cách.

*Những ràng buộc mang tính tương khắc giữa thể xác và linh hồn

-Xung đột giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt (cảnh 7). Đây là cuộc đàm thoại một bên là phần hồn thanh cao, một bên là phần xác dung tục.

+ Trương Ba bị chết một cách oan uổng do sự vô tâm, tắc trách của Nam Tào, lại được Bắc Đẩu “sửa sai” một cách vô lí, cho hồn Trương Ba nhập vào xác một anh hàng thịt. Nghịch cảnh xảy ra: một linh hồn nhân hậu, trong sạch, ngay thẳng nay lại sống nhờ, trú ngụ, gá lắp, lệ thuộc vào xác phàm của anh hàng thịt, đã không sai khiến được lại còn bị xác thịt điều khiển, dẫn đến linh hồn bị nhiễm độc bởi cái tầm thường. Ý thức được điều đó, hồn Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định bằng cách tách ra để sống độc lập, hướng tới sự hoàn thiện về nhân cách.

+ Lúc đầu hồn Trương Ba tỏ vẻ coi khinh xác hàng thịt: “Màỵ không có tiếng nói mà chỉ là cái xác thịt âm u, đui mù”.

+ Xác thịt đã cười nhạo, chế giễu, bác lại hồn Trương Ba, khẳng định sức mạnh âm u, đui mù của mình sẽ chiến thắng: “Lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”. Xác thịt tìm cách thoả hiệp bằng cách nêu cụ thể những nhu cầu tự nhiên mang tính bản năng của con người: “Ông đứng cạnh vợ tôi, tay chân run rẩy… Hà hà, cái món tiết canh, cổ hũ và đủ các thứ thú vị khác không làm hồn ông lăng lăng cảm xúc đó sao… Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới, nhìn ngắm trời đất cây cối, người thân…”.

+ Trước những lí lẽ ti tiện của xác thịt, hồn Trương Ba nổi giận mắng mỏ, khinh bỉ xác thịt hèn hạ và cố chống lại nhưng phần nào cũng ngậm ngùi vì hắn có lí, hồn Trương Ba bị dồn vào thế yếu. Thấm thía nghịch cảnh, Trương Ba trở lại xác thịt trong tuyệt vọng.

=> Qua màn thoại của hồn Trương Ba và xác hàng thịt cho thấy, Trương Ba được Bắc Đẩu trả lại cuộc sống, nhưng một cuộc sống không đáng sống vì cái thanh cao phải dung hoà với cái thấp hèn, dung tục, thì đó chẳng phải là bi kịch? Thể xác và linh hồn con người là hai thực thể có mối quan hệ hữu cơ, không thể vênh lệch, tách rời. Xác thịt có nhu cầu sự sống, nhu cầu mang tính bản năng, hồn mang tính chất thanh cao góp phần điều chỉnh thể xác hoà hợp, vươn tới sự hoàn thiện nhân cách. Cuộc tranh cãi giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt là bi kịch thứ nhất của Trương Ba vì xác đã thắng. Tác giả cảnh báo, khi con người phải sống trong cái tầm thưòng, dung tục thì tất yếu sẽ bị nhiễm độc bởi cái xấu, cái đẹp sẽ bị lấn át, tàn phá.

*Xung đột giữa hồn Trương Ba với gia đình

+ Trương Ba càng dằn vặt hơn khi ông hiểu những gì mình đã, đang và sẽ gây ra những điều tệ hại, mặc dù ông không hề muốn. Ngược lại, những người thân: vợ, con dâu, cháu gái cũng đau khổ trước sự tha hoá của Trương Ba.

+ Vợ Trương Ba buồn bã, đau khổ vì “ông đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa…”, nhưng vốn bản tính vị tha nên định nhường Trương Ba cho vợ hàng thịt.

+ Con dâu thấu hiểu hoàn cảnh trớ trêu của bố chồng nên chỉ biết thông cảm, xót xa. Song chị cũng không khỏi đau lòng và thú nhận: “Thầy bảo cái bên ngoài là không đáng kể… nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy mỗi ngày thầy một đổi khác…”.

+ Cháu gái thì phản ứng quyết liệt không nhận Trương Ba là ông: “Tôi không phải cháu nội của ông… Ông nội tôi chết rồi… Sáng nay tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non… Ông nội tôi đời nào thô lỗ, phủ phàng như vậy. Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi, lão đồ tể…”.

=> Qua màn đàm thoại, tất cả mọi người thân yêu đã xa dần ông Trương Ba vì hồn ông bị mờ khuất, chỉ còn cái xác hàng thịt thô lỗ hiện hữu trong nhà, gây biết bao phiền toái, chướng tai gai mắt. Trương Ba bị đẩy vào bi kịch đau đớn thứ hai khiến ông phải thốt lên: “Mày đã thắng rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ!”. Con người vốn nhân hậu, tài ba, yêu vợ, quý thương con cháu bị đẩy vào cảnh ngộ cô đơn. Xung đột kịch đến cao trào, đẩy Trương Ba phải lựa chọn còn — mất. Hồn Trương Ba thách thức với xác hàng thịt một cách gay gắt, quyết liệt: “Không cần đến cái đời sống do mày mang lại, không cần!”.

*Xung đột giữa hồn Trương Ba và Đế Thích, Trương Ba tự đấu tranh bản thân để thoát ra khỏi nghịch cảnh

+ Gặp Đế Thích, Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết chối từ, không chấp nhận cuộc sống hồn một nơi, xác một nẻo, khẳng định muốn được sống độc lập một mình.

+ Lúc đầu Đế Thích không hiểu, sau hiểu ra, Đế Thích khuyên Trương Ba nên chấp nhận vì thế giới vốn không toàn vẹn: “Dưới đất, trên trời đều thế cả”

+ Trương Ba không chấp nhận, ông thẳng thắn chỉ trích, vạch ra sai lầm của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”. Trương Ba vạch cho Đế Thích thấy: ”‘lòng tốt hời hợt thì chẳng đem lại điều gì thực sự có ý nghĩa cho ai cả, mà sự vô tâm còn tệ hại hơn, nó đẩy người ta vào nghịch cảnh, bi kịch”.

+ Tiếp tục Đế Thích “sửa sai” của mình bằng cách là cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị (tệ hại ít hơn), nhưng Trương Ba vẫn kiên quyết từ chối bởi điều đó vẫn là cuộc sống giả tạo, nực cười. Theo ông, việc đó chỉ có lợi cho đám chức sắc lí trưởng, trương tuần, như thế còn “khổ hơn là chết”. “Chắp vá, gượng ép chỉ càng làm sai thêm” mà thôi. Lí lẽ duy nhất của ông: “Không thể sống với bất cứ giá nào được… cứ để cho tôi chết hắn… sống thế này còn khổ hơn cái chết”.

  • Đoạn trích đẩy xung đột lên tới đỉnh điểm, để hoá giải nghịch cảnh, Trương Ba trả xác cho anh hành thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hoá thân vào các sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên những người thân yêu của mình. Màn kết với chất thơ sâu lắng, tác giả đã đem lại âm hưởng lạc quan cho người đọc, đồng thời truyền đi bức thông điệp về sự chiến thắng của cái Đẹp, cái Thiện và cuộc sống đích thực.

Kết bài

Qua đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp vừa trực tiếp, vừa gián tiếp; vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo sâu sắc về thời đại của ông. Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên hài hoà giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết đấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý, sống một cuộc sống có ý nghĩa, xứng đáng với con người. Đoạn trích vừa có ý nghĩa triết lí sâu sắc, vừa giàu tính nhân văn.

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận