Phân tích nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn làm rõ nhận xét của Nguyễn Tuân: Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu

Đang tải...

Phân tích nhân vật chị Dậu – Tắt đèn

__________________________BÀI SỐ 11_________________________

Nhận xét về nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân viết: “Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”. Em hãy phân tích nhân vật chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn, đặc biệt là đoạn trích Tức nước vỡ bờ để làm rõ nhận xét trên.

BÀI LÀM

Ngô Tất Tố là nhà văn xuất sắc trong dòng văn học hiện thực phê phán, cũng là nhà văn xuất sắc của người dân quê Việt Nam. ông viết về họ với sự thấu hiểu tận cùng những nổi khổ đau, mất mát của cõi người trong xã hội phong kiến. Đồng thời ông cũng viết về họ với tất cả niềm yêu thương, trân trọng và gửi găm hi vọng vào bản chất tốt đẹp không bị những khốn khổ của cuộc đời làm khuất lấp. Tắt đèn với nhân vật trung tâm – chị Dậu là một tác phẩm như vậy. Chị Dậu để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Bởi thê, khi nhận xét về nhân vật này, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: “Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”. Ta hãy tìm trong bức chân dung ấy niềm “lạc quan” như nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét.

Phải khẳng định rằng nhận xét của Nguyễn Tuân sắc sảo, ông chỉ ra giá trị hiện thực của Tắt đèn – một tác phẩm đã phản ánh sự đen tối lầm than của nông thôn Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, đồng thời khẳng định thành công của Ngô Tất Tố khắc hoạ nhân vật chị Dậu một chân dung lạc quan hiện lên giữa cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa. Chị Dậu có bao phẩm chất tốt đẹp: nghèo khổ mà phẩm giá trong sạch, thương chồng thương con, đảm đang tháo vát, dũng cảm chống lại bọn cường hào… Bản chất của nhân vật chị Dậu rất khoẻ, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra…

Cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa được nói đến trong Tắt đèn là làng Đông Xá giữa mùa sưu thuế. Tiếng trống ngũ liên, tiếng tù và, tiếng mõ đốc sưu nỗi lên suốt đêm ngày nghe rất rùng rợn. cổng làng bị bọn cường hào đóng chặt để tróc sưu. Bọn cai lệ, bọn tay chân của lí trưởng với roi song, tay thước, dây thừng, nghênh ngang đi lại ngoài đường thét bắt trói kẻ thiếu sưu. Lí trưởng làng Đông Xá ra lệnh cho lũ tay chân: Tha hồ đánh! Tha hồ trói! Thằng nào bướng bỉnh đánh chết vô tội vạ! Anh Dậu vì tội thiếu sưu mà bị bọn cường hào bắt trói như trói chó để giết thịt. Em trai anh Dậu chết từ năm ngoái nhưng anh Dậu vẫn phải nộp thay vì chết cũng không trốn được sưu nhà nước! Có biết bao gia đình nông dân nghèo khổ bị điêu đứng, bị bắt đánh trói dã man! Chị Dậu phải bán khoai, bán ổ chó, bán đứa con gái đầu lòng lên bảy tuổi cho Nghị Quế. Chị phải đi ở vú… để kiếm tiền trang trải hai suất sưu cho chồng và đứa em chồng đã chết! Có thể nói Tắt đèn là bức tranh chân thực về xã hội nông thôn đen tối trước cách mạng, đồng thời là bản án đanh thép đối với cái xã hội ấy. Đọc Tắt đèn, ta rùng mình cảm thấy cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa như Tố Hữu đã viết:

Nửa đêm thuế thúc trống dồn,

Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy…

                                                       (Ba mươi năm đời ta có Đảng)

Giữa cái xã hội đen tối, hãi hùng ấy đã hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu. Ngô Tất Tố không những thấu hiểu đời sống nông thôn mà còn có tình cảm gắn bỏ với những người dân cày lam lũ, nghèo khổ. Ông đã dành cho nhân vật chị Dậu sự đồng cảm, xót thương và quý trọng, ông đã vẽ nên cái chân dung lạc quan của chị Dậu bằng những lời đẹp nhất từ trái tim ông. Chị Dậu cần cù chịu khó làm ăn đầu tắt mặt tối thế mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Tai hoạ dồn dập: hai cái tang mẹ chồng và em chồng, rồi anh Dậu bị ốm nặng kéo dài mấy tháng trời, gia đình chị trở thành cùng đinh. Thiếu sưu, chồng bị bắt, bị đánh trói dã man. Một nách ba đứa con thơ, trong nhà không còn một hột gạo, chị Dậu tất tả ngược xuôi tìm mọi cách để cứu chồng. Bán khoai, bán chó, bán con mới trả đủ một suất sưu cho chồng? Suất sưu còn lại chị phải trả bằng cách đi ở vú. Trước mọi tai hoạ, chị đã vững vàng chống đỡ.

Trong cảnh Tức nước vỡ bờ, cái chân dung lạc quan của chị Dậu đã toả sáng. Chị nấu cháo, lấy quạt quạt cho cháo chóng nguội, ân cần mời chông, an ủi chồng đang ốm rề rề ăn cháo. Trước sự chửi mắng và thái độ hách dịch côn đồ của tên cai lệ, chị đã nhún mình van xin tha cho chồng. Nhưng khi bị tên cai lệ bịch vào ngực, tát đánh bốp vào mặt, anh Dậu sắp bị trói, chị Dậu đã nghiến hai hàm răng thách thức: Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem. Với quyết tâm bảo vệ chồng, với sức mạnh và lòng dũng cảm, chị Dậu đã đánh ngã cả cai lệ và bọn tay chân của hắn. Chị căm giận phủ định mọi thế lực tàn ác của chính quyền thực dân. Chị nói với chồng sau khi đã trừng trị lũ đầu trâu mặt ngựa: Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được… Chân dung chị Dậu “lạc quan” lắm chứ! Đẹp lắm chứ!

Đói cho sạch, rách cho thơm. Đọc Tắt đèn, ta còn khâm phục trước phẩm cách trong sạch của chị Dậu. Chị Dậu đã vứt toẹt nắm bạc vào mặt tên tri phủ Tư Ân khi hắn giở trò chó má! Chị cũng đã đẩy cụ cố Thượng ra, khi lão già ôm lấy chị… Bạo lực, tù đày, chị không sợ. Tiền bạc không mua chuộc được người đàn bà nhà quê này! Trong đêm tối như mực, ta lại thấy hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu.

Có người cho rằng chị Dậu manh động! Lại có ý kiến cho rằng kết thúc của Tắt đèn nhuốm màu bi quan? Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát hiện ra Bản chất của chị Dậu rất khoẻ, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra. Đó là một suy nghĩ rất hay, rất đặc sắc.

Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Xóm làng đã ngói hoá, ánh điện đã toả sáng khắp xóm thôn. Những cái Tý đã được cắp sách đến trường. Đọc Tắt đèn là một dịp để mọi người trông cũ biết mới, qua đó ta thấy cái tâm và cái tài của Ngô Tất Tố khi ông miêu tả bức chân dung lạc quan của chị Dậu.

(Lê Xuân Soan)

Phân tích nhân vật chị Dậu – Tắt đèn

TẢI VỀ FILE

>> Xem thêm :

+ Bản chất tàn bạo và bất nhân của xã hội thực dân phong kiến thể hiện trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ – Trích Tắt đèn của Ngô Tất Tố

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận