Phân tích nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội – Tài liệu ôn thi THPTQG

Đang tải...

Tài liệu ôn thi THPTQG Ngữ Văn

Bộ tài liệu luyện thi Ngữ Văn được biên soạn theo cấu trúc đề thi mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo; dành cho học sinh THPT ôn luyện, chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia. HOC360.NET xin giới thiệu đến bạn đọc bộ tài liệu ôn tập  bao gồm các phần về các kiến thức:

+ Trọng tâm kiến thức tác giả, tác phẩm cần ghi nhớ

+ Các đề bài ôn luyện các dạng văn nghị luận xã hội, văn học.

Hy vọng bộ tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 12 ôn tập tốt và đạt kết quả thi cao!

Đề bài chi tiết: 

Phân tích nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” để thấy được vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Việt Nam qua bao biến động, thăng trầm của đất nước. 

—–~~~—–

I. Yêu cầu của đề:

  • Nội dung: Đề yêu cầu phân tích nhân vật trong tác phẩm văn học. Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Khải và tác phẩm Một người Hà Nội, học sinh phân tích nhân vật bà Hiền — nhân vật trung tâm — một con người lịch lãm, thông minh, thẳng thắn, giàu lòng tự trọng. Qua bao biến động thăng trầm của đất nước, bà vẫn giữ được vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn của ngưòi Hà Nội. Bà Hiền là “hạt bụi vàng lấp lánh của đất kinh kì”, góp nhần làm đẹp thêm bản sắc văn hoá của dân tộc. Đồng thời qua đó cũng thấy được những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn về giọng điệu trần thuật và xây dựng hình tượng nhân vật.

Học sinh có thể lập luận theo nhiều cách, song có thể xác lập luận điểm theo trình tự sau đây:

+ Đôi nét về cái nhìn mới trong nghệ thuật của Nguyễn Khải qua truyện ngắn Một người Hà Nội.

+ Đặc điểm, tính cách của nhân vật bà Hiền: thông minh, lịch lãm, thẳng thắn, thiết thực, giàu lòng tự trọng.

+ Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bà Hiền vẫn giữ được nét đẹp trong tâm hồn người Hà Nội.

=> Rút ra chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

  • Phương pháp lập luận: Phân tích kết hợp chứng minh.
  • Tư liệu: Chủ yếu dẫn chứng trong tác phẩm.

II. Lập dàn ý

Mở bài

Từ xưa dân gian đã có câu ca về người Hà Nội:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”

Nói đến Hà Nội, chúng ta không thể quên những người Hà Nội gốc xưa thanh lịch, dịu dàng mà đằm thắm, nặng một tình yêu quê hương như hình ảnh bà Hiền trong tác phẩm Một người Hà Nội (1990) của nhà văn Nguyễn Khải khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Trải qua bao biến động, thăng trầm của đất nước, bà Hiền vẫn giữ được nét đẹp văn hoá của người Hà Nội: lịch lãm, thông minh, tài hoa, thẳng thắn và giàu lòng tự trọng.

Thân bài

*Đôi nét về cách nhìn mới trong nghệ thuật qua truyện ngắn của Nguyễn Khải

Truyện Một người Hà Nội thể hiện ,cái nhìn mới trong nghệ thuật của Nguyễn Khải về cuộc sống và con người. Trước thời kì đổi mới, cái nhìn nghệ thuật trong truyện ngắn của nhà văn còn có gì rất tỉnh táo, sắc lạnh, nghiêm ngặt, đa chiều… Bước sang thời kì đổi mới, cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khải là một cái nhìn đầy trăn trở, suy nghiệm trước hiện thực xô bồ, hối hả đầy biến động, đổi thay nhưng cũng đầy hương sắc. Nhà văn chuyển từ cái nhìn hướng ngoại sang hướng nội, lấy việc khám phá con người làm trung tâm. Nhà văn nhìn con ngưừi trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, vối quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và nối tiếp các thế hệ để rồi cuối cùng bao giờ cũng khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay. Truyện Một người Hà Nội thế hiện rất rõ cách nhìn ấy.

*Đặc điểm, tính cách nhân vật bà Hiền

  • Chân dung bà Hiền được tác giả phác hoạ nổi bật lên nét hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội.

+ Bà có cái vẻ bề ngoài đẹp một cách thanh tú, cầu kì kiểu cách khiến ngay cả chính đứa cháu như nhân vật “tôi” cũng tin “đích thị là tư sản rồi”.

+ Trong cách sống, bà luôn thể hiện một người thông minh, tài hoa, lịch lãm mang nét văn hoá lâu đời của người Hà Nội: mời cơm bạn bè hàng tháng, mở salon nghệ thuật, galery hội hoạ, bẩy mươi tuổi vẫn còn chơi hoa thuỷ tiên, bao năm tháng qua đi vẫn duy trì một phòng khách sang trọng, lịch lãm…

+ Để gìn giữ nét đẹp trong tâm hồn, lối sống của người Hà Nội ngàn năm văn hiến, bà luôn có ý thức bảo ban, dạy dỗ con cháu phải biết sống nền nếp, tế nhị, hào hoa, giữ lòng tự trọng: từ cách ngồi, cách ăn uống, đi đứng, nói năng… đến cái lẽ sống ở đời: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”, “phải biết tự trọng, biết xấu hổ” mới có thể sống tốt.

  • Tính cách của bà: thông minh, tài hoa nhưng thẳng thắn và thiết thực.

+ Bà có dáng dấp, lối sống của người tư sản nhưng bà lại là người lao động thực thụ. Bà và cả gia đình sống bằng nghề làm hoa giấy và bán hoa, hoa làm ra rất đẹp và bán rất đắt. Quan điểm của bà là sống bằng sức lao động của mình chứ không bóc lột ai.

+ Một thời son trẻ, bà giao du với giới văn nghệ sĩ, sống hào hoa lãng mạn nhưng không để thương để nhớ cho ai. Lúc lấy chồng, bà chọn một người chồng hiền lành, đức độ là giáo viên tiểu học “khiến cả Hà Nội phải kinh ngac”.

+ Bà là người thực tế, thức thời từ việc lấy chồng, đẻ con cho đến tính toán việc nhà: Lấy một ông chồng không quá tài hoa để đảm bảo “an toàn” hạnh phúc gia đình; đẻ con cũng chỉ năm đứa là đủ để làm tròn trách nhiệm nuôi dưỡng với con cái. Bà liệu việc trước sau khôn khéo và quyết là làm bằng được: “Đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến lời đàm tiếu của thiên hạ”. Bà có hai cái nhà, một ở một cho thuê, bà bán quách đi một cái để khỏi bị quy kết vào “giai cấp tư sản”, khỏi phải đi “học tập”. Năm 1956, ông chồng muốn mua một máy in nhỏ để kinh doanh, bà hiểu “chế độ mới” không cho cá nhân làm giàu nên kiên quyết không cho ông mua.

+ Người ta đang vui vì độc lập thì bà thẳng thắn nói: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ?”. Thằng em gọi anh bằng “đồng chí” thi bà cau mặt gắt: “Phải gọi bằng anh Khải”. Khi nói đến chính phủ, bà nói: “Chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá…”. Bà thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước ông cháu cách mạng: “Mội đời tao chưa từng bị ai cám dỗ kể cả chế độ”.

=> Nét nổi bật trong tính cách của bà: thẳng thắn và giàu lòng tự trọng: “Bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải sống cho đàng hoàng, không được đánh mất lòng tự trọng”.

*Trải qua bao biến cố thăng trầm, bà Hiền vẫn giữ được nét đẹp trong tâm hồn người Hà Nôi

+ Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh bà không ích kỉ, cũng muốn sống bình đẳng như bao người mẹ khác. Bà cống hiến cho đất nước hai đứa con vào chiến trường. Quan điểm của bà cũng rất rõ ràng: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Rồi đến đứa sau: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Qua cách nói của bà, người đọc có thể hiểu bao sự đau đớn, giằng xé trong thâm tâm của một người mẹ. Ai muốn có chiến tranh để chiến tranh cướp đi bao tính mạng, hạnh phúc của tuổi trẻ? Bà đau đớn, xót xa khi trong số sáu trăm sáu mươi trai trẻ của Hà Nội ra đi mà chỉ còn hơn bốn mươi người trở về, trong đó có con bà là người may mắn. Hà Nội đã đổ máu nhiều như thế nhưng nghĩ về lối sống xô bồ, phức tạp của Hà Nội ngày nay thì thật có lỗi với quá khứ.

  • Bước vào thời kì đổi mới, lớp bụi thời gian đã phủ mờ quá khứ và bà Hiền đã vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng trong lối sống và suy nghĩ của bà vẫn vẹn nguyên là một người Hà Nội không pha trộn, đổi thay.

+ Lúc nào bà cũng vẫn giữ nếp sống sang trọng, lịch lãm. Mặc dù ông lão không còn nữa nhưng căn phòng khách suốt bao nhiêu năm không hề đổi thay, vẫn bộ bàn ghế, vẫn cái sập gụ chuông khánh…, bà vẫn chơi hoa thuỷ tiên vào các dịp tết. Phải chăng đây chính là nơi lưu giữ cái hồn của người Hà Nội vừa cổ kính, quý phái vừa tinh tế, hào hoa?

+ Hơn thế nữa, bà vẫn tin tưởng vào tương lai của Hà Nội, của đất nước. Trước những thất vọng và những lời nhận xét “hơi nghiệt ngã” của người cháu về người Hà Nội (qua người chỉ đường, người đi xe đạp trên phố, cô con gái của ông bạn…), họ đang làm mất đi phần hồn của Hà Nội, nhưng bà vẫn ung dung kể chuyện cây si cổ thụ bị bão làm đổ trốc cả rễ. Cây si cũng như sự đắp đổi của thời gian, đời người nếu được con người cứu chữa, nó sẽ tiếp tục sống lại, trổ lá non — hồi sinh.

=> Qua hình ảnh của cây si cổ thụ, ta thấy hiện lên hình ảnh một bà Hiền lịch lãm, quý phái, sâu sắc, trí tuệ vẫn luôn vững tin vào tương lai: “Mỗi thế hệ đều có một thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng của mỗi lứa tuổi”.

Kết bài

Bằng giọng văn nhẹ nhàng có pha chất triết luận, nhà văn đã khắc hoạ một hình mẫu bà Hiền “hạt bụi vàng” của Hà Nội, hạt bụi vàng vô cùng nhỏ nhoi nhưng không dễ chìm vào biển cát mênh mông của cuộc đời. Hạt bụi vàng ấy vẫn lấp lánh đất kinh kì dù vật đổi sao rời. Hình ảnh bà cũng chỉ như bao người bình thường khác nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, cốt cách ấy là truyền thống văn hoá của người Hà Nội. Bà đã góp phần soi sáng cho mỗi thế hệ Hà Nội hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Đó là những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người mà nhà văn Nguyễn Khải muốn khẳng định, ngợi ca.

 

» Xem thêm : Phân tích những xung đột giữa thể xác và linh hồn trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ) tại đây.

 

 

 

 

 

 

 

 



Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận