Phân tích đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô của Ban-Dắc ( trích lão Gô-ri-ô )

Đang tải...

Phân tích đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô của Ban-Dắc ( trích lão Gô-ri-ô )

ĐÁM TANG LÃO GÔ-RI-Ô

(Trích Lão Gô-ri-ô – BAN-DẮC)

1. Hô-nô-rê đờ Ban-dắc (1799 – 1850) là nhà tiểu thuyết hiện thực thiên tài người Pháp thế kỉ XIX, được Ăng-ghen gọi là “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực”. Ông là tác giả của bộ Tấn trò đời vĩ đại với hơn bốn nghìn nhân vật với bao cảnh đời, bao số phận trong xã hội tư sản Pháp đầu thế kỉ XIX. Nhà văn phê phán xã hội tư sản, ví nó như một tấn trò (tấn tuồng, tấn bi hài kịch) trong đó, đồng tiền tác oai tác quái.

Tiểu thuyết Lão Gô-ri-ô là câu chuyện về một người cha đã hi sinh cả cuộc đời cho con cái. Lão có hai cô con gái trẻ trung, xinh đẹp đều lấy chồng là quý tộc, tư sản danh giá, giàu sang. Khi hết tiền, già yếu, lão sống mòn mỏi, cô đơn tại một quán trọ nghèo và chết trong tuyệt vọng vì không được gặp mặt con. Tác phẩm vạch trần mặt trái xấu xa của xã hội tư sản. Trong xã hội ấy, thế lực tai quái của đồng tiền đã chi phối mọi quan hệ giữa người và người, làm băng hoại tình cảm thiêng liêng nhất: tình cha con.

Đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô kể về cuộc đưa đám lão Gô-ri-ô. Đám tang được đặt vào một không gian, thời gian xác định với những con người và sự kiện như có thực xảy ra – một đặc điểm bút pháp hiện thực của Ban-dắc, đem lại ấn tượng như thật về sự kiện được kể.

Đó là ấn tượng về sự thê thảm, cô đơn, về số phận người nằm xuống – một người cha tử tế và đứng đắn, có hai cô con gái giàu sang ; là ấn tượng về nỗi nhạt nhẽo, vô ơn của tình người và sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của cái xã hội tôn thờ đồng tiền. Đoạn trích có giá trị hiện thực và khái quát đến mức điển hình.

2.Một đám tang vội vàng, hối hả

Đám tang diễn ra trong một không gian và thời gian xác định. Lão Gô-ri-ô chết tại quán trọ của bà Vô-ke, cuộc hành lễ tổ chức tại nhà thờ Thánh-Ê-chiên- đuy-Mông và chôn cất tại nghĩa địa Cha La-se-dơ. Đấy là con đường đi đến nơi yên nghỉ cuối cùng của lão Gô-ri-ô.

Cảnh chiều tàn, không khí ảm đạm, vắng vẻ. Buổi lễ cầu hồn diễn ra dưới ánh sủng lờ mờ của một giáo đường nhỏ, thấp và tối. Lễ chôn cất thực hiện trong buổi hoàng hôn ẩm ướt. Ánh sáng và màu sắc càng thê lương trên nghĩa địa, khi cuối cùng, phía xa xa, trung tâm thành phố đã lên đèn. Khung cảnh thật rầu rĩ, thê thảm.

Đám tang còn thê thảm hơn với một thời gian nghi lễ vội vàng, gấp rút, qua quýt : nghi lễ trong nhà thờ hết hai mươi phút, giờ đưa ra nghĩa địa là năm giờ rưỡi, sáu giờ hạ huyệt. Tác giả nêu sự chính xác đến từng phút. Công việc vội vã, sơ sài, dường như còn thể hiện ở cả những dòng văn ngắn ngủi : một bài thánh thi, bài kinh siêu độ, bài kinh cầu hồn ; bài kinh đọc lúc hạ huyệt ngắn ngủi, đọc xong lủ nhà đạo biến ngay.

Người ta thường đo tính chất trang trọng của một đám tang bằng kích thước thời gian. Bởi đây là những nghi lễ cuối cùng đối với người đã khuất. Nhưng đám tang lão Gô-ri-ô lại là một đám tang buồn thảm, vội vã, sơ sài. Yếu tố thời gian đã được nhấn mạnh để làm tăng ấn tượng trên.

3.Một đám tang không người đưa tiễn

Nỗi bi đát thật sự, nỗi đau đớn tận cùng đối với số phận người ra đi là đám tang không có người đưa đám, như nhận xét của vị linh mục. Kể làm gì những kẻ khiêng đòn, phu đào huyệt, đám người nhà thờ. Họ là những kẻ làm thuê ! Một người cha tử tế, và đứng đắn, chưa bao giờ to tiếng, không hề làm hại ai, vậy mà đến lúc nằm xuống, trong giờ phút “nghĩa tử là nghĩa tận” (tức nghĩa vụ cuối cùng với một con người) con cháu chẳng một ai, không một kẻ thân thích kề bên. Vậy mà lão Gô-ri-ô có những hai cô con gái ! Hai cô con gái yêu quý mà ảnh đang được đặt trên ngực lão Gô-ri-ô : cái hình ảnh thuộc về một thời mà Đen-phin và A-na-xta-di còn bé bỏng, lúc hấp hối lão còn nhắc đến tên. Hai cô con gái sống rất gần mà lúc ở nhà thờ Ra-xti-nhắc hoài công để ý tìm nhưng không hề thấy. Hai cô con gái giàu sang mà ngay đến cả bài kinh ngắn ngủi cầu cho ông cụ cũng do chủng sinh viên nghèo trả tiền, đến cả tiền đãi công cho phu đào mộ cũng phải do chàng vay bạn để trả ! Cảnh tượng nghèo khó, cô đơn, nhạt nhẽo tình người khiến đám tang thật não lòng.

Một “nhân vật” đặc biệt xuất hiện trong đám tang : hai cỗ xe không. Sự hiện diện của nó chỉ làm tăng thêm nỗi bi đát của số phận người đã khuất. Đây chính là người đại diện cho hai nhân vật quan trọng nhất của đám tang : hai cô con gái, những người thân duy nhất của lão Gô-ri-ô. Rõ ràng, hai cô và hai gia đình đều biết chuyện bố mất, nhung họ đều “bận”, không đến được, và không hẹn mà cùng cử hai chiếc xe đến thay, không người, không tiền bạc.

Hai chiếc xe không diễn tả được việc vừa có mặt vừa vắng mặt của hai cô con gái. vắng mặt thật và có mặt giả. Nếu không có chiếc xe ấy, linh hồn người cha xấu số đỡ bất hạnh hơn. “Nhân vật” hai chiếc xe không quả đã có khả năng hùng hồn trong việc diễn tả sự nhẫn tâm vô bờ của con người trong quan hệ máu mủ, ruột rà.

Còn có một sức mạnh vô hình ám ảnh đám tang lão Gô-ri-ô, là nguyên nhân của nỗi bạc bẽo của người đời, của người thân thích đối với người đã khuất – đó chính là đồng tiền. Trong một đám tang, người ta ít nhắc đến tiền, bởi ở đó, không khí thành kính đối với người đã khuất và nỗi đau thương của người đang sống ngự trị tất cả. Vậy mà Ban-dắc đã không ngần ngại nhắc đến tiền – biểu tượng của sự lạnh lùng, sòng phẳng trong đoạn văn rất ngắn này : anh ta (Cri-xtô-phơ) kiêm được mấy món tiền kha khá, những nghi lễ của vị linh mục xứng đáng với giả tiền bảy mươi quan, bài kinh ngắn ngủi… do chàng sinh viên trả tiền, hai gã đào huyệt mới hất được vài xẻng đất đã đòi tiền đãi công. Tất cả các chi tiết này đã quy tụ lại hình ảnh tuy lạc lõng với đám tang nhưng có sức mạnh chi phối quan hệ giữa người và người: tiền.

4.Một đám tang – chôn hai người

Đám tang đã chôn lão Gô-ri-ô – người cha bất hạnh. Nhưng không chỉ như vậy. Một nhân vật có mặt suốt từ đầu đến cuối đám tang là Ra-xti-nhắc. Đó là chàng sinh viên nghèo, sống cùng quán trọ với lão Gô-ri-ô, biết tường tận về sự giàu sang cũng như sự nhẫn tâm của các cô con gái, và tình thương yêu con cũng như sự bất hạnh của lão. Lão Gô-ri-ô chết, chàng một mình chạy đến báo tin cho các cô con gái, tự mình đưa quan tài lão Gô-ri-ô đi làm lễ chôn cất và tự trả tiền tất cả. Trước sự tàn nhẫn, vô ơn của những đứa con, sự lạnh lùng, sòng phẳng của người đời, chàng đã nghẹn ngào rơi nước mắt : giọt nước mắt… của một trái tim trong trắng, thứ nước mắt rơi xuống mặt đất rồi từ đó lại vút lên trời cao.

Nhưng đấy lại là giọt nước mắt trong trắng cuối cùng của Ra-xti-nhắc. Từ đây, tính cách chàng đã thay đổi. Sự kiện cuối cùng này của tiểu thuyết Lão Gô-ri-ô được tiếp tục ở những tiểu thuyết khác trong bộ Tấn trò đời : Ra-xti-nhắc chấp nhận lối sống tư sản, tàn bạo, nhẫn tâm, và cố gắng bằng đủ mọi thủ đoạn xấu xa để ngoi lên trong xã hội tư sản.

Do vậy, còn có thể nói rằng, đám tang lão Gô-ri-ô cũng đã chôn vùi luôn cả hình ảnh một thanh niên trong trắng, biết yêu thương, biết xúc động trước những tình cảm chân thật của con người, biết căm giận cái ác, cái tàn nhẫn, xấu xa,… để chỉ còn lại một kẻ tán thành chính lối sống tàn bạo, nhẫn tâm, sặc mùi tư sản ấy.

5.Yếu tố kì ảo duy nhất

Đoạn trích đã thể hiện được tài năng của Ban-dắc trong việc sử dụng các chi tiết hiện thực không chỉ mang ý nghĩa hiện thực sâu sắc mà còn có ý nghĩa điển hình và khái quát cao. Bên cạnh những chi tiết đời sống chân thực như chuyện cử hành tang lễ vội vàng trong một không gian chật hẹp, thời gian ngắn ngủi, ai cũng nghĩ đến tiền bạc trong cái đám tang nghèo khó này, hai chiếc xe không người…, nhà văn đôi khi vẫn sử dụng yếu tố tượng trưng, kì ảo. Đó là hình ảnh giọt nước mắt chân thực, trong trắng, đầy tình thương của chàng sinh viên nghèo, giọt nước mắt rơi xuống đất rồi lại vút lên trời cao – một yếu tố kì ảo duy nhất trong vô số các chi tiết hiện thực chính xác. Nó bộc lộ sự đánh giá và những tình cảm chủ quan của nhà văn bên sự khách quan, lạnh lùng của việc miêu tả hiện thực. Tất cả đã góp phần tạo dựng nên bức tranh xã hội và tình người rất toàn vẹn, tinh vi và sắc sảo của Ban-dắc, “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực”.

*

*        *

Về tác phẩm, chính Ban-dắc đã phát biểu : “Lão Gô-ri-ô, cuốn sách tuyệt vời, nhung buồn ghê gớm là buồn ; để nói lên sự thật đầy đủ, phải vạch ra cái đạo đức thối tha của Pa-ri”. Chọn vấn đề “cha – con” để miêu tả, Ban-dắc đã trình bày bi kịch của lão Gô-ri-ô – một người cha – một bi kịch không chỉ có tính chất cá nhân mà mang ý nghĩa xã hội. Sự tan vỡ của tình cha con là hậu quả của một xã hội bị thế lực của đồng tiền thống trị. Vào giờ phút hấp hối, lão Gô-ri-ô, người cha bị ruồng bỏ, “vua Lia của thế kỉ XIX” nhận thấy tai hoạ của sự đổ vỡ gia đình, cá nhân : “Tổ quốc sẽ bị diệt vong nếu như những người cha bị dày xéo dưới chân xã hội, thế giới dựa trên tình cha con, tất cả sẽ sụp đổ nếu những đứa con không còn thương yêu cha chúng nữa”

Đang tải...
 
 
https://hoc360.net/phan-tich-tac-pham-cha-con-nghia-nang-ho-bieu-chanh/
https://hoc360.net/phan-tich-truyen-ngan-hai-dua-tre-thach-lam/
 

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận