Phân tích, bình giảng tác phẩm Khe chim kêu (“Điểu minh giản” – Vương Duy) – Ngữ Văn 10

Đang tải...

KHE CHIM KÊU

(Điểu minh giản – VƯƠNG DUY)

“Cảnh sắc thiên nhiên trong thơ Vương Duy rất đa dạng song phần lớn mang tính chất thanh nhàn, yên tĩnh”[1]. Khe chim kêu là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tính chất thanh nhàn, yên tĩnh ấy trong thơ Vương Duy.

Đọc hai câu thơ đầu, chúng ta đã bắt gặp ngay hai chữ nhàn và tĩnh. “Nhân nhàn” đối rất chỉnh với “dạ tĩnh”. Chữ nhàn quá hàm súc, rất khó dịch nên hầu hết các bản dịch thơ cũng như dịch nghĩa đều để nguyên. Để nguyên như vậy rất dễ gây hiểu lầm, làm cho người đọc tưởng là hoàn toàn đồng nghĩa với chữ NHÀN như tên một bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng hạn. Nhàn trong văn cảnh này có nghĩa là tịch tĩnh (tịch mịch, yên tĩnh). Trước hết nó có nghĩa là rất vắng lặng, tuyệt không có người qua lại, một sự yên lặng có tính vật chất (physical), cái mà hai anh em – hai nhà Trung Quốc học Mĩ nổi tiếng là Uy-lic Ban-xtôn (Willis Barnstone) và Tô-ni Ban-xtôn (Tony Bamstone) gọi là “sự im lặng của thế giới bên ngoài” (the silence of the outer world), mặt khác, nó cũng chỉ trạng thái thanh nhàn yên tĩnh về mặt tinh thần (spiritual), cái gọi là “sự im lặng của tâm trí” (the silence of the mind)[2] đã thanh lọc hết những hiện tượng gây phiền nhiễu. Có hiểu như thế mới nắm được hết ý nghĩa toát ra từ khoảng trống giữa hai vế của câu thơ thứ nhất : “Nhân nhàn – quế hoa lạc”. Quế là một loại hoa rất nhỏ, hoa quế rơi trong đêm, không dễ phát hiện, song nhờ “nhân nhàn” (hiểu theo cả hai phương diện như trên) nên đã được cảm nhận và miêu tả. Phát hiện và cảm nhận bằng giác quan nào ? Người đọc có thể tha hồ liên tưởng : có thể bằng xúc giác (cánh hoa rơi xuống đầu, mặt, tay, vạt áo,…), có thể bằng khứu giác (nhuỵ của những làn hoa rơi toả hương thơm), đặc biệt có thể bằng thính giác (cảnh tĩnh, tâm tĩnh nên có thể phát hiện được tiếng động cực nhỏ). Rõ ràng tâm cảnh của con người đã giao hoà với không khí về đêm trong núi xuân.

Câu thứ hai tô đậm đặc điểm của khung cảnh và tạo nền vững thêm cho những cảm nhận ở câu đầu : Bốn cụm chủ vị “nhân nhàn” – “quế hoa lạc” – “dạ tĩnh” – “xuân sơn không” xếp bên nhau, tuyệt không có quan hệ từ nhưng lại có quan hệ với nhau rất mật thiết : “Nhân nhàn” là cái tĩnh bộ phận, cái tĩnh của chủ thể, “dạ tĩnh” là cái tĩnh phổ quát, khách quan, là màn đêm tĩnh lặng tuyệt đối đang bao trùm lên muôn vật. Nếu đứng một mình thì cụm chủ vị “xuân sơn không” sẽ trở nên phi lí, vô nghĩa. Sao “núi xuân” lại “trống không”, không có gì, không chứa gì được ? Mùa xuân là biểu tượng của sức sống tuôn trào, núi non là nơi quần tụ bao loài động, thực vật…, chắc hẳn muôn vật trong đêm xuân ấy đang cựa quậy, vươn mình để đón ánh bình minh của một ngày mới (chả phải là “hoa quế rơi” xét cho cùng cũng là biểu hiện một dạng tồn tại của sự sống đó sao ?). Sự hiện hữu của một vật biểu hiện không chỉ ở chỗ chiếm một khoảng không gian mà chủ yếu là ở chỗ nó luôn sinh thành, vận động, phát triển. Chính vì đêm quá yên tĩnh, sự sống như ngưng đọng nên nhà thơ mới có cảm giác, nói đúng hơn là ảo giác “núi xuân trống không”, Không phải ngẫu nhiên khi dịch câu thơ này ra tiếng Anh, Rô-bớt Pây-nơ (Robert Payne) phải tạo thêm một mối quan hệ giữa cái “tĩnh” và cái ảo giác “trống không” ấy :

In the silence othis night the sprỉng mountain is empty(1)

Đáng lí chỉ cần dịch : The night is silỉent (hay quiet hoặc stilỉ), the spring

rnountưin is empty.

Quang cảnh dường như đã đột biến khi ánh trăng vừa nhô lên sau rặng núi :

Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

Thời văn tại giản trung.

(Xin lưu ý : Phần lớn các tuyển tập thơ Đường hiện nay dùng dị bản : Thời văn xuân giản trung).

Chim núi kinh ngạc vì đã quá quen với bóng tối hay đang say sưa đắm mình hoặc yên giấc trong màn đêm yên tĩnh, thâm u. Và sự kinh ngạc ấy đã biến thành những âm thanh chốc chốc vang lên trong khe suối đêm xuân. Đã từng có những cách hiểu khác nhau về chữ kinh. Hoạ sĩ Trung Quốc Thái Quỳ đã minh hoạ bài thơ này bằng một bức tranh rất đẹp, ở đó có hình ảnh một đàn chim bay tán loạn khi ánh trăng xuất hiện[3]. Không ít nhà nghiên cứu tỏ ý không tán thành cảm nhận bộc lộ qua cách thể hiện này : kinh quả có thể hiểu là kinh sợ, kinh hoảng (rồi bay tán loạn) nhưng cũng có thể chỉ là kinh ngạc. Dùng hình ảnh chim kinh hoảng bay tán loạn e phá vỡ hoàn toàn không khí yên tĩnh của đêm xuân, có nghĩa là làm mất tính chỉnh thể thẩm mĩ của bài thơ. Khi bàn về điểm này, các nhà nghiên cứu thường so sánh với hình ảnh đàn chim bay dưới đêm trăng trong bốn câu thơ trong bài Đoản ca hành của Tào Tháo :

… Nguyệt minh tinh hi,

Ô thước nam phi.

Nhiễu thụ tam táp,

Vô chi khả y…

(Trăng sáng sao thưa – Quạ bay về nam – Lượn ba vòng quanh cây – Không cành nào có thể nương dựa).

Tào Tháo sống ở thời đại loạn, Vương Duy làm Khe chim kêu ở giai đoạn Thịnh Đường. Do “sự tương giao giữa các giác quan”, một ấn tượng mạnh về thị giác (khi trăng nhô lên) có thể tạo nên tác động dây chuyền cũng mạnh liên đới tới thính giác, xúc giác, chim có thể kinh ngạc, thậm chí có thể giật mình song khó có thể giống đàn chim hốt hoảng, bơ vơ như trong thơ của Tào Tháo được. Dù chim “chốc chốc” kêu, bài thơ chủ yếu vẫn chỉ dựng nên cảnh tượng trong một khoảnh khắc. Dù có ánh sáng, điểm nhấn của bài thơ vẫn là cảnh thâm 11. Dù có âm thanh, trọng điểm khắc hoạ của tác phẩm vẫn là cảnh tĩnh lặng. “Thâm u và tĩnh lặng liên quan đến hai khí quan riêng biệt là thính giác và thị giác song trong ấn tượng chung của con người lại thường cho chỉ thuộc về một loại”[4]. Dẫu vậy, ấn tượng đậm hơn trong bài thơ này vẫn là sự tĩnh lặng. Không phải ngẫu nhiên khi phân tích đặc điểm của Khe chim kêu, hai nhà Trung Quốc học người Mĩ nói trên đã đặt tiêu đề : Âm nhạc của sự im lặng (Music of silence). Miêu tả cái tĩnh có thể dùng sự vật “tĩnh”, cũng có thể dùng sự vật “động”. Vương Duy có thiên hướng rõ rệt và có biệt tài về việc sử dụng biện pháp nghệ thuật sau. “Hoa lạc”, “nguyệt xuất”, “điểu minh” là động và những động thái đó đã làm nổi bật hơn cái tĩnh. Mở đầu phần phân tích bài Khe chim kêu, hai tác giả Mĩ đã viết : “Im lặng là nốt chính trong thứ âm nhạc đặc biệt của thơ Vương Duy. Giống như bất cứ nốt nhạc nào khác, âm vang cũng như ý nghĩa của nó được xác định bởi những nốt xung quanh. Bởi vậy, trong một văn cảnh, trạng thái tĩnh lặng là sự yên bình, một sự yên bình có thể nghe được rõ ràng vì trạng thái tĩnh lặng trở nên nổi bật nhờ những âm thanh từ bên ngoài”[5].

Để hiểu và cảm sâu hơn những chỗ lí thú nói trên trong bài Khe chim kêu, hãy đọc thêm một bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật tương tự và cũng của Vương Duy để so sánh, suy ngẫm :

LỘC TRẠI

Không sơn bất kiến nhân,

Đản văn nhân ngữ hưởng.

Phản cảnh nhập thâm lâm,

Phục chiếu thanh đài thượng.

(Trong núi trống vắng, không trông thấy người, chỉ nghe thấy tiếng người vọng lại. Ánh tịch dương phản chiếu rọi vào rừng sâu rồi lại soi lên trên đám rêu xanh).

Núi trống vắng tanh người,

Chỉ nghe vọng nói cười.

Nắng vào trong núi thẳm,

Lên đám rêu xanh soi.

(Trần Trọng San dịch)

“Lộc Trại” vốn là “trại nuôi hươu”, sau không nuôi nữa và dần biến thành tên riêng. Cũng như ở Khe chim kêu, Vương Duy đã đi từ âm thanh đến ánh sáng. Dùng âm thanh vang vọng của người đâu đó để làm nổi bật sự yên tĩnh, dùng ánh nắng mặt trời phản chiếu “hai lần”, lần sau len vào tận đám rêu xanh – nơi mặt trời vốn đĩ chưa từng rọi đến – để làm nổi bật cảnh thâm u của núi rừng.

Cũng có thể so sánh thêm với hai câu thơ rất hay dưới đây trong bài Vào khe Nhược Gia của Vương Tịch : “Thiền táo lâm du tĩnh – Điểu minh sơn cánh u” (Ve kêu rừng lại trở nên tĩnh lặng hơn – Chim hót, núi lại càng thêm thâm u).

Không ít nhà nghiên cứu chỉ ra màu sắc Phật giáo ở những bài thơ thuộc loại này, thậm chí phê phán cả tư tưởng xuất thế của Vương Duy nữa. Hai nhà Trung Quốc học Mĩ thì cho rằng ở loại thơ này của Vương Duy, bên cạnh hai loại, hai “cấp bậc” im lặng đã nêu, còn “một sự im lặng thứ ba” (third silence) nữa, đó là “sự im lặng của suy ngẫm thần bí” (silence of the mystical meditation). Chắc hẳn là có, song đó là chuyện của các học giả. Ở đây chỉ cần bám vào tác phẩm, nêu lên những vẻ đẹp, ý nghĩa khách quan toát ra từ tác phẩm, vẻ đẹp của thiên nhiên vô cùng đa dạng, phong phú. Dĩ nhiên thơ Vương Duy không thể đem lại cho ta khoái cảm được thưởng thức những quang cảnh tráng lệ như thơ Lí Bạch. Song cần biết “sự im lặng không âm thanh, cảnh thâm u không ánh sáng, đó ỉà điều mà người bình thường cũng dễ phát hiện và nhận biết; còn sự im lặng mang âm thanh, cảnh thâm u có ánh sáng lại ít được người chú ý”[6]. Cái im lặng trong thơ Vương Duy không phải là im phăng phắc, lặng như tờ như rnột đầm nước tù đọng mà là trong tĩnh có động. Điều đó không chỉ làm cho hình ảnh thơ thêm sinh động mà còn làm toát ra một cách nhẹ nhàng một ý nghĩa triết lí sâu sắc vì trong thực tế, giữa các sự vật đối lập vốn luôn có quan hệ nương tựa lẫn nhau mà tồn tại : không có động làm sao nổi bật được cái tĩnh lặng, không có sáng làm sao nổi bật được cái u tối ?… Điều đó cũng làm cho ở thơ Vương Duy, không chỉ có đặc điểm “thi trung hữu hoạ”, mà còn cả “thi trung hĩru nhạc” !

[1] SGK NiỊỮ vân 10 Núng cao, tập một, NXB Giáo dục, 2006, tr. 201.

[2]     Tiếng cười mất hút trong núi non (Laughing lost in the mountains), NXB Văn học, Bắc Kinh, 1989, tr. 53.

[3]    Tình thơ ỷ hoạ (Thi tình hoạ ý), NXB Tranh liên hoàn, Bắc Kinh, 1977, tr. 79.

[4]     Lưu Học Khải, Đường thỉ giám thưởng từ điển, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, 1982, tr. 176.

[5]    Tiếng cười mất hút trong núi non, Sđd, tr. 52.

[6]     Lưu Học Khải, Đường thi giám thưởng từ điển, Sđd, tr. 177.

Tải về file word >> tại đây

Xem thêm 

Phân tích, bình giảng tác phẩm Ba bài thơ Hai-cư của Ma-Su-Ô Ba-Sô – Ngữ Văn 10 >> tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận