Phân tích, bình giảng tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí – Nguyễn Du) – Ngữ Văn 10

Đang tải...

ĐỌC TIỂU THANH KÍ

(Độc Tiểu Thanh kí – NGUYỄN DU)

Đọc Tiểu Thanh kí là một bài thơ chữ Hán rất hay của Nguyễn Du song cho đến nay, về một số vấn đề xung quanh tác phẩm và chữ nghĩa trong văn bản tác phẩm, vẫn còn có những ý kiến khác nhau.

Các vấn đề về chữ nghĩa của văn bản, sẽ kết hợp bàn trong quá trình phân tích tác phẩm. Ở đây, xin nêu một số ý kiến về những vấn đề xung quanh tác phẩm.

Độc Tiểu Thanh kí ở trong Thanh Hiên thi tập hay Bắc hành tạp lục ? Lê Thước và Trương Chính thì đặt vào Thanh Hiên thi tập còn Phan Võ và Bùi Kỉ lại xếp vào đầu phần thơ Nguyễn Du làm khi đi sứ Trung Quốc. Trong bài Theo chân Nguyễn Du trên đường đi sứ in trên tập 11, tủ sách chuyên đề Văn học và Tuổi trẻ, trên cơ sở nghiên cứu các địa danh được nhắc tới trong Bắc hành tạp lục, kết hợp với hồ sơ hành chính về chuyến đi của Nguyễn Du, học giả Trương Chính chứng minh rằng : Nguyễn Du không vượt sông Trường Giang, không đến Chiết Giang, không đến Tây Hồ, nơi có núi Cô Sơn mà xuôi thuyền theo sông Trường Giang vể Võ Xương giữa tháng chạp năm Quý Dậu (1813). Vả lại, nếu Nguyễn Du có đến Tây Hồ thì thật khó giải thích câu thơ thứ hai : “Độc điếu song tiền nhất chỉ thư” (Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ). Ý kiến của Trương Chính là rất có cơ sở.

Tiểu Thanh là con người có thật hay chỉ là nhân vật văn học ? Từ điển Từ hải in trước năm 1949 coi Tiểu Thanh là một con người có thật và cung cấp nhiều chi tiết về cuộc đời nàng ; song, trong cuốn Từ hải mới (Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1989), mục từ Tiểu Thanh đã bị lược bỏ. Từ điển Từ nguyên, tuy có nhắc đến chi tiết “ở Cô Sơn có mộ Tiểu Thanh” song lại coi đó chỉ là chuyện truyền thuyết (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1979, tr.479). Từ nguyên còn dẫn lời học giả nổi tiếng Tiền Khiêm ích (1582 – 1664) khẳng định dứt khoát “vốn không có tên người là Tiểu Thanh, những thơ văn truyền tụng là do những kẻ “hiếu sự” mượn tên làm ra mà thôi”. Trương Triều, học giả thời Thanh, người đã tuyển Truyện Tiểu Thanh vào tập Ngu sơ tân chỉ còn cho rằng, hai chữ Tiểu Thanh chẳng qua chỉ là tách chữ tình ra mà thôi (bộ tâm đứng viết giống chữ tiểu). Ý kiến của Trương Triều càng củng cố thêm lập luận cho rằng Tiểu Thanh chỉ là một nhân vật văn học. Một khi xem Tiểu Thanh là một nhân vật hư cấu thì vấn đề tranh luận đã từng làm tốn rất nhiều bút mực “ba trăm năm” hay trên dưới “ba trăm năm” cơ bản không cần đặt ra nữa.

Tiểu Thanh kí là một tác phẩm như thế nào ? Hiện nay, chỉ thấy tập Tiểu Thanh truyện mà chưa thấy ai nói đến tập Tiểu Thanh kí. Chữ kí ở đây không hoàn toàn đồng nghĩa với khái niệm “kí” theo cách hiểu hiện nay. Ớ thời Minh và Thanh, kí luôn gắn với truyện, tự kí văn hoặc kí tự vân cơ bản thuộc thể loại tự sự nên không phải ngẫu nhiên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tiểu Thanh truyện cũng là Tiểu Thanh kí.

Điều gì đã gợi hứng trực tiếp cho Nguyễn Du viết Đọc Tiểu Thanh kí ? Rõ ràng, trước hết như tiêu đề thơ chỉ rõ, là việc đọc Tiểu Thanh kí. Song không chỉ có vậy. Chưa ai nêu ra điều này : Trong nguyên văn Kim Vân Kiêu truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ở Hồi I, ứng với tám câu đầu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, là lời bình của người tự xưng Thánh Thán có nhắc nhiêu đến Tiểu Thanh. Xin trích dẫn một đoạn : “Thử coi từ trước tới nay, những hạng giai nhân tuyệt thế, được bao nhiêu kẻ chẳng bị dập vùi ?… Coi đó ta thấy tạo vật ghét sự hoàn toàn, hễ cho ai đủ cái này thì lại bót đi cái khác {bỉ sắc tư phong). Sinh ra một đoá hồng nhan, bắt chịu mười phần dập gãy, phó cho một mảnh tài tình, bèn tặng ngay cho mười phần nghiệp chướng quả thực không sai vậy. Tức như nàng Tiểu Thanh ở Dương Châu, kể về tài, tình, sắc, tính, thì không điểm nào không đứng vào bậc nhất, thế mà lại ghép ngay cho một anh chồng ngây ngô, khác gì đã bị bẻ gãy, lại gặp thêm một tay đố phụ áp bức nàng phải chết môt cách khổ cực ! Há chẳng đáng thương. Nhưng biết đâu, chính vì cái đau thương đó đã làm cho các văn nhân mặc khách phải xúc động, than thở rồi sinh ra thương tiếc, vì thương tiếc nên mới thay thế để thu thập lại những tàn biên (chỉ tập Phần dư – NKP) truyền đến bất hủ. Ví bằng Tiểu Thanh chỉ là một phái bình thường như nữ bình chương được nhởn nhơ trong hàng tiểu tinh (ngôi sao nhỏ, chỉ vợ lẽ – NKP) cũng đã mãn nguyện… Nói tóm lại : Ngọc hễ không mài thì không thấy chất rắn. Cây gỗ đàn không đốt thì không thấy thơm. Nhưng chẳng riêng gì một Tiểu Thanh, phàm hạng con gái trong thiên hạ, hễ đã tài mạo song toàn mà sinh chẳng gặp thời, thì đều giống như Tiểu Thanh hết thảy (NKP nhấn mạnh), và cũng được lưu truyền bất hủ như Tiểu Thanh vậy.

Vậy nay xin nói đến một người con gái về phần tài mạo cũng chẳng kém gì Tiểu Thanh, thế mà cảnh ngộ lại còn éo le hơn nữa. Thiết tưởng người đó đủ so sánh sự tốt đẹp với Tiểu Thanh, và cùng với Tiểu Thanh cùng lưu danh thiên cổ vậy. Những năm Gia Tĩnh nhà Minh…”[1].

Có lẽ lời bình của nhân vật tự xưng Thánh Thán trên đây có tác dụng gợi cảm hứng đối với Nguyễn Du khi viết Độc Tiểu Thanh kí còn mạnh mẽ hơn bản thân Tiểu Thanh kí, và không chỉ thế, còn góp phần gợi cảm hứng cho việc sáng tác Truyện Kiều nữa. Lời bình không chỉ nêu hiện tượng “hồng nhan bạc mệnh” mà còn đặt ra vấn đề “tài mệnh tương đố”, còn nói đến cả nỗi niềm “thương tiếc” của các “văn nhân” đối với những kiếp tài hoa bạc mệnh nữa. Lời bình cho thấy vấn đề đặt ra đối với Tiểu Thanh cũng là vấn đề đặt ra với Kiều, thái độ của các tác gia tiến bộ – trong đó có Nguyễn Du – đối với Tiểu Thanh cơ bản cũng là thái độ đối với Kiều. Tiểu Thanh và Kiều, trên nhiều phương diện là những nhân vật cùng loại hình. Do đó, hiểu Tiểu Thanh, sẽ hiểu Kiều hơn, và ngược lại.

Có người phân tích Đọc Tiểu Thanh kí theo bố cục đề, thực, luận, kết ; có người phân tích theo bố cục 4/4, cho rằng nửa trên chủ yếu nói về Tiểu Thanh, nửa dưới chủ yếu “Nguyễn Du trở về với niềm tự thương”(1?; lại có người theo bố cục 6/2, cho rằng câu thơ thứ bảy thất niêm đánh dấu một bước đột biến trong tình cảm nhà thơ. Phương án nào cũng có cái lí của nó, điều quan trọng hơn là cần thấy bất cứ ở câu nào, dù là câu thứ nhất hay câu cuối cùng, đều chứa đựng hình ảnh xa gần của khách thể (Tiểu Thanh) và tình cảm rõ ràng hoặc sâu kín của chủ thể (nhà thơ).

Về chữ nghĩa trong văn bản, ở bốn câu đầu có những vấn đề tương đối phức tạp cần làm rõ trước khi phân tích. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 Nâng cao dịch thoát chữ “hoa uyển” thành “cảnh đẹp” trong khi một số tài liệu khác dịch là “vườn hoa”. Dù là “cảnh đẹp” hay “vườn hoa” thì, cũng như “son phấn”, “văn chương” ở hai câu thực, đều là những ẩn dụ và hoán dụ tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ và tài năng. “Cảnh đẹp (vườn hoa) ở Tây Hồ đã thành gò hoang cả rồi” là nói lên sự tàn phá của thời gian, cảnh tang thương biến đổi của cuộc đời, song đây không phải là cảnh đẹp nói chung mà là cảnh ở Tây Hồ, nơi Tiểu Thanh đã từng sống giai đoạn cuối đời và gửi thân mãi mãi tại đó, nên nó còn tượng trưng cho cả vận mệnh của cá nhân nàng. Trong nửa đầu bài thơ đã có ba cụm từ liên quan trực tiếp tới Tiểu Thanh : “Tây Hồ”, “nhất chỉ thư” (tức Tiểu Thanh kí) và “phần dư”. Cần thấy cả hai phương diện cụ thể và khái quát của các từ ngữ và hình ảnh đó.

Gây tranh cãi nhiều nhất là câu thơ thứ hai: “Độc điếu song tiền nhất chỉ thứ’. Cách hiểu câu thơ này lại lệ thuộc vào cách hiểu một chữ quan trọng khác ở câu thứ nhất là “tẫn” nên lại càng phức tạp. Tác giả bài soạn ở sách giáo khoa cho rằng chữ “độc” gắn với chữ “nhất” ở sau nên có nghĩa là “chỉ” và dịch câu thơ thành “Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ”. Có lẽ không nên thêm chữ độc khiến cho một số người hiểu lầm đó là dịch nghĩa chữ “độc” ở đầu câu trong nguyên văn (vì chữ “độc” trong nguyên văn nghĩa là “chỉ” có âm Hán Việt giống như chữ “độc” là đọc). Không nhất thiết là Nguyễn Du đọc lúc viếng và đọc bên cửa sổ ! Một số người khác lại cho rằng “độc” nghĩa là “một mình” Nguyễn Dụ viếng thương nàng[2], “một mình Nguyễn Du đơn độc đối diện với bức tranh”, hơn thế còn nhấn mạnh : “Chữ độc vừa lột tả tâm thế, vừa diễn tả cảnh ngộ và tâm trạng. Bản dịch thơ đánh mất chữ độc là đánh mất “nhãn tứ’ của câu thơ vậy : … với chữ độc, tác giả đã khắc vào người đọc một hình bóng, một cảnh ngộ đơn độc không có ai chia sẻ giữa cuộc đời thực. Tác giả phải tìm đến quá khứ với cuốn sách còn lại của Tiểu Thanh như đi tìm một tri kỉ, tri âm”[3]. Có lẽ cách hiểu sau thoả đáng hơn. Có thể thấy rõ hơn điều này nếu xem thêm quan hệ giữa chữ “độc” và chữ “tẫn” ở câu trên. Sách giáo viên Ngữ văn 10 Nâng cao, tập một, giải thích từ “tẫn” có hai nghĩa : 1 – hết thảy ; 2 – “để mặc cho” và thiên về cách hiểu thứ nhất nên đã dịch như trên. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại chủ trương nên theo cách hiểu thứ hai: “Tất cả vườn hoa Tây Hồ biến thành bãi hoang”, đó là một câu thơ miêu tả ít nhiều mang màu sắc trung tính ; “Mặc cho vườn hoa Tây Hồ biến thành bãi hoang” là một câu thơ trữ tình đầy sức biểu cảm, nói lên sự tàn nhẫn của thời gian, của thế sự. Mọi người chẳng ai quan tâm đến mộ Tiểu Thanh cả, chỉ độc có một mình Nguyễn Du – một người nước ngoài và ở rất xa – quan tâm tới số phận của nàng !”[4].

Nên hiểu nghĩa hai động từ “liên” và “luỵ” ở cặp câu thơ thứ hai như thế nào ? Cho đến nay có hai cách hiểu. Hiểu chúng như một động từ thông thường, có thể dịch như sách giáo khoa. Song nếu hiểu chúng như một động từ trí sử[5], lại có thể dịch : “Son phấn có thần, khiến cho người ta còn thương tiếc nàng sau khi chết – Vãn chương còn có số mệnh gì mà làm cho người ta phải bận lòng đến những bài thơ sót lại sau khi đốt”. Cả hai cách hiểu đều có cơ sở và đều đúng. Thực tế việc cảm thụ văn chương, nhất là thơ, cho thấy nhiều lúc có thể chấp nhận những cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, ở đây, cả hai cách hiểu khác nhau đều xuất phát từ một nhận thức và tình cảm thống nhất : ca ngợi tài năng, phẩm chất và sắc đẹp của người phụ nữ, tỏ ý bất bình với những bất công xã hội đã vùi dập họ.

Ở ngay trong phần đầu bài thơ, với một loạt hình ảnh tượng trưng, Nguyễn Du đã nâng dần tầm khái quát từ số phận của cá nhân Tiểu Thanh. Sang phần thứ hai, một mặt nhà thơ vẫn găm lại nỗi “oan”, “hận” của Tiểu Thanh, song mặt khác, lại mở rộng tầm khái quát theo một chiều hướng khác, khái quát theo trục thời gian “cổ – kim”. Và trên cái trục đó, “ngã tự cư”, nhà thơ đã đàng hoàng, dứt khoát tự xếp chỗ cho mình, xếp chỗ vào đội ngũ những người có tài đang chịu “oan” ôm “hận”, có địa vị thấp trong xã hội. Qua đây, không chỉ thấy gián tiếp cuộc đời gặp nhiều bất hạnh, tình cảm nhân văn cao cả mà còn cả tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Du. “Khó mà hỏi trời” cũng có nghĩa là hỏi cũng vô ích, lời thơ phảng phất màu sắc thách thức đó làm tăng thêm tình điệu bi phẫn của hai câu luận. Xét về thi pháp, cần chú ý thêm cách sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “ngã” kèm theo chữ “tự”, một “hiện tượng” ít gặp trong thơ trữ tình trung đại ở thời điểm sáng tác bài thơ. Do yêu cầu luật thơ, người dịch buộc phải đảo trình tự “cổ – kim” thành “kim – cổ”. Nếu từ “cổ” dẫn một cách tự nhiên tới từ “kim”, từ “kim” dẫn một cách tự nhiên tới từ “ngã” trong hai câu luận thì từ “ngã” lại đặt cơ sở cho sự xuất hiện của “Tố Như” trong hai câu kết mặc dù giữa hai liên đã có một hiện tượng “trật khớp” do thất niêm, làm cho một số người tưởng rằng hai câu kết là từ đâu đó chắp vào ! Mặt khác, bàn chuyện “xưa” liên hệ đến chuyện “nay”, thì ở phần kết, từ chuyện “nay” ngẫm đến chuyện “mai sau”, từ chuyên “ta đã đối với người” (tức với Tiểu Thanh) nghĩ đến chuyện “người sẽ đối với ta” cũng là hết sức tự nhiên.

Trong văn học nghệ thuật, đặc biệt là ở thời xưa, tìm được kẻ tri âm không phải dễ. Liệu Bá Nha có được mấy Chung Tử Kì ? Thánh thơ Đỗ Phủ mà cũng phải trăn trở : “Bách niên ca tự khổ – Vị kiến hữu tri âm” (Cả đời nói lên nỗi khổ của mình – Chưa từng thấy tri âm). Bài thơ của Nguyễn Du không chỉ nói lên một cách thấm thìa lòng “thương người” song quan trọng hơn, qua đó để bộc bạch nỗi “thương thân”, cũng như tâm sự của Kiều sau khi viếng Đạm Tiên, đặc biệt cũng như chính nàng Tiểu Thanh sau khi viếng mộ Tô Tiểu Tiểu, một kĩ nữ nổi tiếng thời Lục triều :

Thanh minh tin nhắn cùng du ngoạn,

Xe rộn Tây Lăng cỏ ngát màu.

Rưới rượu bên mồ Tô Tiểu Tiểu,

Biết đâu cùng thiếp ỷ tâm đầu ?

Phải chăng qua bài thơ này trong tập Phần dư, Tiểu Thanh đã tiên đoán được kết cục bi thảm của mình ?

Trong thơ cổ, không chỉ có chuyện “thương người” mà còn có chuyện “thương cảnh vật” rồi dẫn đến “thương thân”, nói một cách chuẩn xác hơn, mượn chuyện “thương cảnh vật” để nói chuyên thương thân nữa. Hai câu kết của Độc Tiểu Thanh kí, gợi cho ta liên tưởng tới bài Từ chôn hoa (Táng hoa từ) của nàng Lâm Đại Ngọc trong Hồng lãu mộng :

Nhĩ kim tử khứ nùng thu táng,

Vị bốc nùng thân hà nhật táng ?

Nùnq kim táng hoa nhân tiếu si,

Tha niên táng nùng tri thị thuỳ ?

(Nay mày – tức là “hoa” – chết đi ta thu dọn an táng,

Chưa bói xem thân ta chết ngày nào.

Nay ta chôn hoa người cười là si ngây,

Năm sau chôn cất ta chẳng biết là ai đây ?)

Hẳn không ai dám chê cười Nguyễn Du khi cụ điếu một cuốn sách bên song cửa sổ : cụ đã đặt ra cho hậu thế những vấn đề trọng đại và nêu những câu hỏi nghiêm túc mà các thế hệ chúng ta đã và vẫn sẽ còn phải tiếp tục giải quyết và giải đáp.

[1] Xem bản dịch Tiểu Thanh truyện (trong đó có phần Phần dừ) của Nguyễn Khắc Phi đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài, sổ 5 – 1997.

[2]    Lã Nhâm Thìn, Độc Tiểu Thanh kí, trong Phân tích -bình giảng tác phẩm Văn học 10, Sđd, tr. 121.

[3]     Nguyễn Thị Dư Khánh, Thi pháp học và vấn đề giảng dạy văn học trong nhà trường, NXB Giáo dục, 2006, tr. 163.

[4]     Nguyễn Khắc Phi, Bàn thêm về cách hiểu Độc Tiểu Thanh kí, báo Giáo dục và Thời đại, số 94 – 2001.

[5]     Động từ trí sử : một dạng chuyển nghĩa của động từ khiến cho một đối tượng khác được hoặc phải thực hiện hành động theo nghĩa gốc của từ. Ví dụ : tiễn lệ (rơi lệ —» làm cho rơi lệ), (thực -» tự : ăn -» cho ăn).

Tải về bản word >> tại đây

Xem thêm 

Phân tích, bình giảng tác phẩm Tại Lầu hoàng hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Lí Bạch) – Ngữ Văn 10 >> tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận