Phân tích-Bình giảng tác phẩm Chử Đồng Tử – Ngữ Văn 10

Đang tải...

CHỬ ĐỔNG TỬ

Nếu cần tìm một mối tình thơ mộng nhất trong truyện cổ tích Việt Nam thì chắc chắn đó là mối tình Tiên Dung và Chử Đồng Tử. Đó cũng là mối tình trong sáng, thơ mộng và táo bạo vào loại nhất trong các mối tình của văn học Việt Nam. Cuộc hôn nhân giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử là một cuộc hôn nhân kì lạ giữa hai con người có phẩm chất cao quý khác thường. Chử Đồng Tử (chú bé họ Chử, chú bé bến sông) là con Chử Cù Vân, nhà nghèo đến nỗi hai cha con chỉ chung nhau một chiếc khố để nếu ai đi ra ngoài kiếm ăn thì mặc. Nhưng là một người con hiếu thảo, tình nghĩa, Chử Đổng Tử dành chôn cha trong manh khố duy nhất của hai cha con. Chàng thà chịu sống chui nhủi, chỉ dám ra ngoài kiếm ăn khi đêm xuống, khi sông vắng bóng người chứ không nỡ chôn cha không một manh vải che thân.

Tiên Dung tuy là một nàng công chúa cành vàng lá ngọc, con gái vua Hùng, lại xinh đẹp tuyệt vời, nhưng yêu thiên nhiên, thích cuộc sống tự do phóng khoáng, gần gũi với dân gian. Nàng cũng là người trọng tình nghĩa, sẵn lòng yêu thương con người và có thể cảm thông với nỗi bất hạnh của người khác, không nệ giàu nghèo, sang hèn, không chịu theo khuôn phép của lễ giáo phong kiến. Gặp Chử Đồng Tử trong một hoàn cảnh lạ lùng giữa bãi sông, nghe câu chuyện tình nghĩa của chàng, Tiên Dung cảm động và trân trọng tình cảm đó. Nàng quyết định kết hôn với người con trai dân nghèo ấy. Quyết định táo bạo và tự tin của nàng làm cho ngay cả các cô gái ngày nay còn phải kinh ngạc, thán phục.

Hai con người tự do tự tại đó gặp nhau nơi bãi cát ven sông, trời nước bao la, thiên nhiên hoang sơ kì thú. Thiên nhiên hồn hậu, hoang dã đó như chứng nhận cho cuộc hội ngộ và mối duyên kì lạ của hai người, trong đó người chủ động hôn nhân lại chính là công chúa Tiên Dung.

Theo quan niệm phong kiến, con cái phải nhất nhất tuân theo lời cha mẹ mới là có hiếu, thậm chí “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” (cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu). Nhưng cả Chử Đồng Tử và Tiên Dung dường như đều quên mất bổn phận theo kiểu đó. Chử Đồng Tử không nghe lời cha dặn trước lúc lâm chung “Bố chết, con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con giữ lấy mà dùng”, chàng đã dùng cái khố duy nhất bó chôn cha. Còn Tiên Dung cũng không chịu theo tập tục “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” lại tự chọn cho mình một chàng trai nghèo nhưng có nghĩa để kết hôn. Họ không theo đúng tập tục phong kiến một cách cứng nhắc, mà trên hết họ là những người con hiếu thảo, tình nghĩa theo quan niệm đạo đức thẩm mĩ của nhân dân. Chử Đồng Tử vì thương xót cha mà không nỡ chôn trần như cha chàng đã dặn, hành động đó mới đúng là chí hiếu. Tiên Dung cung không theo ý cha, đã chọn một người chí hiếu là Chử Đồng Tử để lấy làm chồng bởi nàng là người chí tình. Như vậy, theo quan niệm dân gian hiếu, tình không phải là cứ nghe theo lời cha mẹ hay theo lễ giáo một cách máy móc, mà hiếu, tình là tấm lòng, tình cảm yêu thương, hi sinh đến quên mình. Chử Đồng Tử, Tiên Dung xét ở góc độ đó chính là những người đẹp cả phẩm chất đạo đức lẫn tâm hồn, là đại diện cho cái đẹp, cái thiện theo quan niệm đạo đức, thẩm mĩ dân gian. Vì vậy mà họ được nhân dân mọi thời đại yêu thích và ngưỡng mộ.

Cuộc hôn nhân tốt đẹp của Tiên Dung và Chử Đồng Tử diễn ra ở ngay bãi cát ven sông, giữa trời đất bao la, trong thiên nhiên kì thú, hoang sơ, dân dã. Thiên nhiên đó phù hợp với cuộc sống phóng khoáng, chất phác và tâm hồn yêu tự do của hai người. Một người thích tự do, yêu thiên nhiên, không bị ràng buộc bởi cung vàng điện ngọc ; còn người kia vốn sống với tự nhiên, chan hoà vào sông nước, bờ bãi, như một phần của thiên nhiên vậy. Tinh nghĩa của họ không bị ngăn cách bởi giàu nghèo, vượt khỏi sự trói buộc của hôn nhân sắp đặt. Mối duyên lành Tiên Dung – Chử Đồng Tử bản thân nó đã mang, mơ ước về tình yêu tự do, phóng khoáng của nam nữ thanh niên, vượt qua mọi rào cản của gia đình và xã hội. Đó cũng là mơ ước dân chủ chất phác mà các tác giả dân gian gửi gắm trong nhân vật của mình.

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân trong khung cảnh ấy, giữa hai con người ấy không dễ được cha mẹ chấp nhận. Tiên Dung và Chử Đồng Tử đã chọn nơi bến sông sinh sống, cùng nhân dân xây dựng làng xóm, làm ăn ngày một thịnh vượng. Họ trở thành những chủ làng tốt bụng và giàu có. Ước mơ của họ là lao động nhẹ nhàng hơn mà thành quả gặt hái được nhiều hơn. Những vật thần kì giúp họ lập kì tích là cái gậy và chiếc nón, cũng là những đồ vật bình thường, thân thuộc, gắn bó với cuộc sống lao động của người bình dân. Những vật dụng bình thường đó được kì ảo hoá thành gậy thần, nón thần giúp nhân vật thực hiện ước mơ đổi đời của họ để nhanh chóng đạt được ước mơ. Nhờ gậy và nón thần, chỉ trong một đêm giữa vùng đất hoang đã mọc lên một cung điện lộng lẫy, có đủ màn trướng, giường sập. Đó là mơ ước lao động nhẹ nhàng và hiệu quả hom, cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn. Phải chăng đó chính là sự thần thánh hoá công cuộc lao động chinh phục đầm lầy, khai phá đất hoang của cha ông ta thuở xa xưa ? Sự nghiệp đó trong thực tế chắc chắn vô cùng gian nan vất vả, hơn thế còn phải huy động biết bao sức người và kéo dài hàng bao nhiêu thế hệ. Thế mà khi vào truyện, sự nghiệp đó được gán cho hai vật thần kì là nón và gậy thần ; nó được dồn tụ vào chỉ một đêm, mang sự biến đổi kì diệu từ không đến có,… Sự kiện đó thể hiện ước mơ phóng khoáng, bay bổng và lạc quan về khả năng lao động cải tạo tự nhiên, về năng suất lao động kì diệu của con người. Những ước mơ đó vừa bình dị, vừa lãng mạn, vừa thiết thực vừa phóng khoáng, thể hiện lòng yêu đời và tinh thần nhân văn sâu sắc của nhân dân.

Không giống như truyện Tấm Cám, nhân vật cố gắng giành và hưởng hạnh phúc ngay ở nơi trần thế, truyện Chử Đồng Tử kết thúc bằng chi tiết vợ chồng chàng cùng lâu đài cung điện bay cả về trời. Kết thúc đó dường như để ngợi ca cuộc sống nơi tiên cảnh. Tuy nhiên, không thể từ kết thúc đó mà ỉí giải rằng họ đã chán cuộc đời trần thế, nên muốn về trời thoát tục. Ước mơ lên trời một mặt mang khát vọng khám phá thế giới khác từ lâu đã khá phổ biến trong truyện cổ. Chàng Ngưu Lang lên trời tìm vợ tiên, chàng Từ Thức đến cõi tiên tìm gặp nàng Giáng Hương,… cũng mang mơ ước đó. Khát vọng khám phá bí mật thiên phủ bắt nguồn từ xa xưa đến nay vẫn cháy bỏng trong trái tim con người. Mặt khác ước mơ lên trời còn mang tư tưởng tự do, phóng khoáng, không chấp nhận sự ràng buộc của xã hội thực tại. Truyện kể, khi nghe tin Hùng Vương sai quân đến hỏi tội hai người, vợ chồng chàng Chử liền cùng tất cả lâu đài, cung điện bay về trời. Họ muốn tránh cuộc đụng độ với tập tục, uy quyền xã hội mà vua cha là người đại diện. Tuy vậy, ước mơ về trời của họ cũng có phần ảnh hưởng tư tưởng Đạo giáo. Đó là tư tưởng ẩn dật, thoát tục mà trước đây một số trí thức Nho học Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp,… đã chịu ảnh hưởng. Chử Đồng Tử đi học phép tiên, truyền đạo cho tiên Dung để cùng tu tiên. Họ không chán cuộc sống trần gian, vẫn làm ăn, buôn bán và xây dựng làng xóm thịnh vượng. Nhưng cảnh tiên, hạnh phúc ở cõi tiên, ở trên trời đầy hấp dẫn vẫy gọi họ và họ đã chọn cuộc sống đó. Tuy vậy, họ không quên con người và truyền thống tổ tiên, nòi giống, đất nước. Sự hoà nhập giữa tôn giáo với cuộc sống đời thường dường như là đặc điểm của Đạo giáo nói riêng và tôn giáo ở Việt Nam nói chung. Sau khi về trời, Chử Đồng Tử vẫn trở lại trần gian, khi thì tặng cho Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục) cái móng rồng cài lên mũ đâu mâu đánh giặc đâu thắng đấy, khi thì giúp dân làm mưa chống hạn, mang lại mùa màng bội thu,… Vị thần ấy vẫn dõi theo sự nghiệp dựng nước và giữ nước, làm ăn và đánh giặc của cư dân Việt cổ. Chính vì vậy, Người đã được cư dân Việt đời đời ngưỡng mộ, trở thành một vị thần linh trong “tứ bất tử” của thần điện Việt Nam.

Tải về bản word >> tại đây

Xem thêm 

Phân tích- Bình giảng tác phẩm Nhưng nó phải bằng hai mày – Ngữ Văn 10 >> tại đây

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận