Nói với con – Sách giáo khoa ngữ văn lớp 9 tập 2

Đang tải...

Nói với con ngữ văn lớp 9

I. VÀI NÉT VỂ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày, sinh năm 1948 tại Cao Bằng. Ông nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại sở Văn hoá – Thông tin Cao Bằng. Năm 1993, ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng và hiện nay là uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, khoá VI.

Y Phương là nhà thơ của miền rừng núi. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh: “Cuộc đời tôi sống và viết như tờ giấy này – có thể nhàu nát và rách, nhưng không mất lề”, và đó là quan điểm chi phối ông suốt thời gian cầm bút.

Các tác phẩm chính: Người núi Hoa (kịch bản sân khấu, 1982), Tiếng hát tháng giêng (thơ, 1986), Lửa hồng một góc (thơ, in chung, 1987), Lời chúc (thơ, 1991), Đàn then (thơ, 1996).

Ông đã từng đoạt nhiều giải thưởng cao: Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải A giải thưởng Văn học năm 1987 của Hội Nhà văn Việt Nam…

Bài thơ Nói với con được trích giảng trong SGK mang đậm phong cách Y Phương. Lời thơ mộc mạc, giản dị, giàu hình ảnh mà mạnh mẽ, tình cảm nhưng nghiêm nghị – đúng nhự lời ràn dạy của một người cha với đứa con của mình.

II. HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

1. Câu hỏi 1 (SGK, trang 73)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ bài thơ để xác định bố cục của bài. Chú ý số khổ thơ và nội dung của mỗi khổ để chia đoạn.

b. Gợi ý trả lời

Bài thơ gồm hai phần:

Phần một: Khổ thơ đầu tiên từ “Chân phải bước tới cha” đến “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời

Trong phần này, tác giả mượn lời nói với con để gợi về cội nguồn sinh dưỡng – nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng, che chở cho mỗi con người.

Phần hai: Khổ thơ còn lại, từ “Người đồng mình thương lắm con ơi…” đến hết.

Đoạn này nói về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của vùng đất và con người quê hương. Từ đó, người cha nhắc nhở, răn dạy con mình phải luôn vươn lên, không bao giờ được “nhỏ bé ”, yếu đuối.

Bài thơ được diễn đạt bằng những câu thơ giản dị, mộc mạc nhưng mang tính khái quát cao. Qua bài thơ, tác giả gửi đến người đọc lời nhắc nhở con người phải luôn nhớ về quê hương, cội nguồn, luôn biết vươn lên trong cuộc sống.

2. Câu hỏi 2 (SGK, trang 73)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc lại toàn bộ bài thơ, chú ý đến khổ thơ đầu.

b. Gợi ý trả lời

Đứa con sinh ra, được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, mỗi bước đi của con đều có cha mẹ ân cần nâng đỡ từ khi con mới chập chững bước đi cho tới khi đã trưởng thành. Và mỗi bước lớn khôn của con lấp lánh nụ cười hạnh phúc của cha mẹ.

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ.

Dù người con có lớn tới đâu, có giỏi giang, khôn ngoan đến mấy, thì trong lòng cha mẹ, con vẫn chỉ là đứa con nhỏ, luôn cần cha mẹ bao bọc, yêu thương. Cha mẹ vẫn luôn hướng về con, dõi theo từng bước chân con đi. Người mẹ trong bài thơ Con cò của Chế Lan Viên cũng vậy: Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.

Hai câu cuối của khổ thơ như lời tâm sự của người cha với con:

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Đối với nhà thơ, ngày cưới là ngày đẹp nhất, đó chính là cội nguồn của hạnh phúc, để từ đó ông có được hạnh phúc của người làm cha, được nâng đỡ, dìu dắt con khôn lốn. Người con lớn lên trong vòng tay chăm sóc của cha mẹ và sự đùm bọc của tình làng, nghĩa xóm. Con trưởng thành trong cuộc sống lao động của quê hương.

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

Con lớn lên trong tình yêu của xóm làng và trong cuộc sống lao động của quê hương, của “người đồng mình “Người đồng mình ” hăng say lao động và luôn rộn ràng tiếng hát lạc quan yêu đời, với đôi bàn tay của người Tày “đồng mình”, những công cụ lao động được làm ra như cái lờ bắt cá cũng được trang trí khéo léo “cài nan hoa”. Vách nhà của người Tày được ken kín đáo, ấm cúng không chỉ bằng gỗ mà còn bằng tiếng hát lạc quan, say sưa của người lao động. Núi rừng nơi con lớn lên không chỉ cho ta gỗ để làm nhà, cho ta thức ăn, cho ta “hoa ” để “người đồng mình ” vươn tới cái đẹp của thiên nhiên. Con đường thân quen cho ta đi học, đi chơi, đi lao động… cho ta đi đến mọi miền của Tổ quốc. Đường cho ta “những tấm lòng” nhân đạo bao dung, đó là con đường tình nghĩa, dẫn dắt ta khôn lớn thành ngưòi. Ta lớn lên với sự nuôi dưỡng tâm hồn, lối sống của núi rừng quê hương. Con đường và quê hương tình nghĩa là điểm tựa vững chắc cho mỗi chúng ta bước trên đường đời,

3. Câu hỏi 3 (SGK, trang 73)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc khổ thơ thứ hai, chú ý những câu thơ diễn tả lời người cha nói về đức tính cao đẹp của “người đồng mình ” và căn dặn con trên bước đường đời.

b. Gợi ý trả lời

Khổ thơ cuối nói về tình nghĩa, ý chí của “người đồng mình Họ không chỉ cần cù, khéo léo, yêu đời, nhân hậu mà còn mạnh mẽ, luôn vươn lên, không khuất phục khó khăn gian khổ.

“Người đồng mình ” luôn lạc quan, chân chất và yêu đời. Trong lao động, không khi nào họ vắng tiếng cười, câu hát. Cuộc sống vật chất còn khó khăn, còn. “cao đo nỗi buồn ” nhưng họ không chán nản mà luôn “xa nuôi chí lớn ” để vượt qua gian khổ, chinh phục thiên nhiên. Họ sẵn sàng vượt khó, cần mẫn cải tạo hoàn cảnh để “đá ” bớt “gập ghềnh ” để “thung ” bớt “nghèo đói ”, dù “lên thác xuống ghềnh ” vẫn “không lo cực nhọc Những con người nơi đây luôn yêu mến và gắn bó với bản làng, với rừng núi, nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng họ, nơi có những người thân yêu của họ.

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc.

Dù cuộc sống của miền quê còn khó khăn, nghèo đói, họ vẫn gắn bó máu thịt với quê hương, vẫn sống hồn nhiên và hiền hoà như dòng sông, con suối. Vì vậy, là đứa con của quê hương, của núi rừng, với “người đồng minh ”, cha “thương lắm con ơi Thương ở đây là yêu thương, là đồng cảm chứ không phải thương hại, tủi hổ. “Người đồng mình” luôn vượt qua khó khăn, nỗi buồn của cuộc đời, luôn ở trong tầm thê cao đẹp:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

Người Kinh vẫn thường nói “chân lấm tay bùn” để nói lên sự giản dị, mộc mạc chân quê thì Y Phương lại dùng hình ảnh cụ thể của người Tày như “thô sơ da thịt ”, “chẳng mấy ai nhỏ bé ”, “tự đục đá kê cao quê hương ” để nói về sự chất phác, thật thà với ý chí vươn lên của người Tày. Nếp sống dung dị mà mạnh mẽ ấy cũng là bản chất, truyền thống phong tục của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Câu thơ ngắn gọn đã đúc kết được đầy đủ những phẩm chất cao quý, tốt đẹp của con người quê hương tác giả. Bản chất dân tộc, tinh thần nhân văn đã hoà quyện, tạo nên sự trong sáng, đôn hậu trong thơ Y Phương. Ba tiếng ‘‘người đồng mình ” được cất lên đầy tự hào. Người cha truyền lại cho con ý thức, niềm tự hào dân tộc. Niềm tự hào ấy cũng gần gũi như niềm tự hào về một đất nước anh hùng của Nguyễn Đình Thi:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất.

(Đất nước)

Nhà thơ nói với con về những đức tính cao đẹp, quý báu của con người quê hương để truyền cho con bài đạo li làm người, động viên con vững bước trên con đường chông gai:

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

Người cha nhắc nhở con phải giữ được phẩm chất cao đẹp của quê hương, phải có ý chí, nghị lực vươn lên, “không bao giờ nhỏ bé”, phải giữ được cốt cách giản dị, chân chất mà trong sáng, đôn hậu của dân tộc.

Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn, mộc mạc, giàu hình ảnh, tác giả đã cho thấy sức sống mạnh mẽ của quê hương, dân tộc. Bài thơ sử dụng điệp từ “sống” ba lần ở đầu ba câu thơ, khẳng định lối sống vững vàng của người Tày. Cụm từ ‘‘người đồng mình ” cũng lặp lại ba lần vừa bày tỏ tình cảm gắn bó, thân mật, vừa thể hiện niềm tự hào của tác giả về truyền thông quý báu và con người quê hương.

Xem thêm Nghĩa tường minh và hàm ý – Ngữ văn lớp

9 tại đây.

4. Câu hỏi 4 (SGK, trang 74)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Tổng hợp kiến thức chung của toàn bài và cảm nhận tình cảm của người cha đối với con. Tìm hiểu những điều ngưòi cha muốn nói trong bài, chú ý những câu thơ cuối.

b. Gợi ý trả lời

Người cha trong bài thơ luôn quan tâm đến con, dõi theo từng bước của con trên đường đời. Con được lớn lên trong tình yêu thương, trong câu hát, tiếng cười, trong vòng tay âu yếm của cha mẹ. Đối với cha, con chính là nguồn hạnh phúc, là cuộc sống. Chính vì yêu con, ngưòi cha luôn mong con, hi vọng con khôn lớn thành người. Cha nói với con về quê hương, dân tộc, gia đình để mong con hiểu được cội nguồn sinh thành của mỗi con người. Đó là mái ấm gia đình, là mẹ cha, là sự đùm bọc của làng xóm, của ‘‘người đồng mình Nói về quê hương, người cha muôn con hiểu được sức sống mạnh mẽ, ý chí của dân tộc. Người cha luôn nhắc nhở con nhớ về quê hương, nguồn cội, nơi con sinh thành, nhớ về truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Nói với con là tâm sự đầy yêu thương, ân cần của cha vói con. Tình cảm của cha không thể hiểu bằng sự chăm sóc bữa cơm, giấc ngủ như người mẹ, mà thể hiện qua những bài học dạy con cách làm người:

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ.

(Chuyện cổ tích về loài người – Xuân Quỳnh)

Người cha “nói vói con ” cũng là khuyên con bài học đạo lí làm người. Quê hương ta còn nghèo, còn khó khăn, gian khổ, con “không chê… ” mà phải biết lao động, sáng tạo để vượt lên cuộc sống nghèo khổ để xây dựng “kê cao ” quê hương, làm cho quê hương giàu đẹp hơn. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con là truyền cho con niềm tự hào quê hương, tự hào về cội nguồn sinh dưỡng của mình và khuyên con phải có ỷ chí, nghị lực, giữ được những phẩm chất tốt đẹp, mộc mạc, đôn hậu mà mạnh mề, biết vươn lên từ khó khăn đói nghèo của “người đồng mình

Con ơi tuy thô da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

Bốn câu thơ chính là bài học dạy con cách làm người, tuy nghiêm nghị nhưng lại tha thiết, dịu dàng. Câu thơ cuối chỉ có hai chữ “Nghe con ” như lòi nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thìa, thể hiện tình cảm bao la của người cha với đứa con bé bỏng.

5. Câu hỏi 5 (SGK, trang 74)

a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kĩ những câu thơ mang hình ảnh cụ thể, tiêu biểu cho bài thơ, từ nhận xét về lối diễn đạt độc đáo, tình cảm suy nghĩ của nhà thơ.

b. Gợi ý trả lời

Bài thơ mộc mạc, giản dị, nhan đề cũng không cầu kì, lời thơ trong sáng, tha thiết, dịu dàng. Y Phương là một nhà thơ người miền núi nên sáng tác của ông cũng mang âm hưởng của núi rừng, mang cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà khái quát, đầy chất thơ của người miền núi. Nếu người miền xuôi dùng những câu ước lệ, mượt mà để nói về tình cảm của cha mẹ đối với con: “Cha mẹ thương con bằng trời bằng bể” (Ca dao), thì Y Phương lại dùng những hình ảnh rất gần gũi, bình thường:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Tuy nhiên, qua những hình ảnh cụ thể ấy, ta lại thấy được bức tranh rất khái quát của mọi gia đình. Đứa con đang được lớn lên trong vòng tay âu yếm của cha mẹ, được cha mẹ dìu dắt, nâng đỡ từng bước đi.

Nói về lối sống của “người đồng mình ”, nhà thơ cũng chọn những hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi của núi rừng. “Người đồng mình ” trong sáng, hồn hậu “như sông như suối ”, sống trên khó khăn, phải “lên thác xuống ghềnh ” mà vẫn “không lo cực nhọc “Người đồng mình ” cũng chân chất, mộc mạc, “thô sơ da thịt ” nhưng vẫn tự mình cải tạo thiên nhiên, xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.

Bài học dạy con của người cha cũng được gửi gắm trong những câu thơ ngấn gọn, rõ ràng, không hề ẩn ý, hoa mĩ:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

Tác giả đã sử dụng nhiều điệp từ “sống”, “người đồng mình”, điệp khúc cho bài thơ cứ nhẹ nhàng ngân nga, vang vọng mãi trong lòng người đọc.

  • Người đồng mình thương lắm con ơi.
  • Người đồng mình thô sơ da thịt.
  • Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương.

Bài thơ mộc mạc, giản dị như lời tâm tình, nhắc nhở của người cha với đứa con nhỏ nhưng lại có sức lay động lòng người, nhắc nhở con ngưòi phải luôn nhớ về cội nguồn, tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, truyền cho con người ý chí, nghị lực vươn lên để xây dựng quê hương.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận