Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu – Nguyễn Ái Quốc – Để học tốt Ngữ Văn 7

Đang tải...

NHỮNG TRÒ LỐ HAY LÀ VA-REN VÀ PHAN BỘI CHÂU

– NGUYỄN ÁI QUỐC –

I/ GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1/ Tác giả

            – Nguyễn Ái Quốc (1890 – 1969) là tên gọi rất nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được dùng từ năm 1919 đến năm 1945. Bút danh này gắn liền với báo “Người cùng khổ”, nhiều truyện kí (sau này in thành “Truyện kí Nguyễn Ai Quốc”) và tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” viết trên đất Pháp, bằng tiếng Pháp thời gian từ 1922 đến 1925.

            – Những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc viết trong thời gian này rất giàu chất trí tuệ và tính hiện đại, dùng ngòi bút để làm chính trị phục vụ dân tộc.

2/ Tác phẩm

            – Truyện được viết khi nhà cách mạng Phan Bội Châu bị bắt cóc ngày 18 -6 – 1925 ở Trung Quốc và giải về giam ở Hoả Lò – Hà Nội và sắp bị xử án, còn Va-ren chuẩn bị sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương.

            – Truyện ngắn này Bác viết nhằm vạch trần âm mưu và thủ đoạn tàn ác của bọn thực dân Pháp (qua nhân vật Va-ren). Ngoài ra, truyện còn cổ vũ khích lệ tinh thần yêu nước, cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân trong nước đòi thả Phan Bội Châu.

II/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH CẢM THỤ VĂN BẢN

1/ Về nội dung

            – Đây là truyện tưởng tượng, hư cấu. Tác giả đã khắc hoạ hai nhân vật có tính cách đại diện cho hai lực lượng xã hội đối lập nhau. Va-ren đại diện cho bộ mặt thực dân Pháp rất gian trá, lố bịch, phản động. Phan Bội Châu đại diện cho tiếng nói của quần chúng nhân dân, rất kiên cường, bất khuất, là người anh hùng dân tộc. Đây cũng là sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa “lí tưởng” của một kẻ cướp nước với lí tưởng của một người anh hùng yêu nước.

            – Qua cuộc gặp gỡ, đối đầu (tưởng tượng) giữa Va-ren và Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày bản chất dối trá, lố bịch của Va-ren, đồng thời khẳng định vị thế cao cả của người anh hùng ái quốc Phan Bội Châu.

            – Trong tác phẩm, người viết không đưa ra lời bình luận nào cụ thể về Phan Bội Châu cũng như không trực tiếp bày tỏ thái độ với nhân vật này. Tuy nhiên, qua thủ pháp tương phản, đối lập khi xây dựng hai nhân vật, qua cách mà tác giả đã miêu tả, bình luận về nhân vật Va-ren, ta thấy rõ tình cảm yêu mến, thái độ trân trọng, cảm phục của tác giả với người chí sĩ cách mạng.

2/ Về nghệ thuật

            – Xét về hình thức đây là truyện ngắn có tính chất kí sự, nhưng thực tế tác giả hư cấu, tưởng tượng và sáng tạo cho phù hợp với mục đích truyền tải nội dung đến đối tượng tiếp nhận là quần chúng nhân dân Pháp và Việt Nam.

            – Hai nhân vật chính được xây dựng bằng nghệ thuật tương phản: Va-ren, kẻ thông trị bất lương đối lập với Phan Bội Châu, một tù nhân (bị trị) nhưng lại rất cao cả và vĩ đại. Tác giả dành một số lượng từ ngữ lớn, hình thức ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách Va-ren; còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng sự im lặng làm phương thức đối lập. Đây là một cách viết vừa tả vừa gợi, rất thâm thúy, sinh động và lí thú.

            – Ngôn ngữ sử dụng trong việc khắc họa tính cách của từng nhân vật cũng khác nhau. Tác giả dùng ngôn ngữ trần thuật để khắc họa tính cách của Va-ren. Còn với Phan Bội Châu, tác giả dùng phương pháp đối lập là sự im lặng. Đây là bút pháp tinh tế, sắc sảo, có khả năng gợi tả, gợi cảm lớn.

            – Cách dẫn truyện của tác giả cũng rất khéo léo, kết hợp kể với những lời bình luận ẩn chứa thái độ mỉa mai, giễu cợt, khinh bỉ. Giọng kể có vẻ khách quan nhưng thực chất ẩn chứa chủ ý đả kích của tác giả. Chủ ý ấy thể hiện rõ qua cách lựa chọn các chi tiết, hình ảnh, cách bình phẩm… Riêng với cụ Phan Bội Châu, lời kể, lời bình của tác giả thật đa dạng: lúc mềm mại, trữ tình, lúc mạnh mẽ, cứng cỏi, đầy khí phách, xứng với tầm vóc vĩ đại của nhà chí sĩ yêu nước, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

III/ HƯỚNG DẪN HỌC SINH PHÂN TÍCH VĂN BẢN

1/ Nhan đề

            – Cụm từ “những trò lố” trong nhan đề tác phẩm có ý nghĩa rất sâu sắc. Từ “trò” nó thường được gắn với thú chơi, trò chơi của trẻ em. Nhưng trong truyện nó gắn với người, lớn thì lại mang ý nghĩa khác, có ý mỉa mai, châm biếm, thậm chí còn có ý “lố bịch”.

            – Toàn bộ nhan dề cho người đọc thấy “những trò lố” là những trò hề mà Va-ren diễn ra trước mặt Phan Bội Châu. Trò hề này chỉ gây cười, mang lại sự khinh miệt của người tù cách mạng, không đem lại hiệu quả gì.

2/ Phân tích cụ thể

a/ Nhân vật Va-ren

            – Phần đầu tác phẩm từ đoạn: “Do sức ép của công luận…” đến “… Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù” người đọc thấy rằng:

            + Va-ren đã hứa sẽ chăm sóc vụ Phan Bội Châu nhưng thực chất đó chỉ là lời nói dối, lời hứa không đáng tin cậy. Việc hứa như vậy để trấn an dư luận, làm dịu đi làn sóng đấu tranh biểu tình của nhân dân Việt Nam đòi thả Phan Bội Châu.

            + Thực chất của lời hứa đó là lời hứa suông, chắc chắn không được thực hiện. Tác giả sử dụng cụm từ “nửa chính thức hứa”, cho thấy hứa mà không nhất thiết phải thực hiện.

            – Tác giả lại viết thêm: “Giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa…” đó là lời của tác giả ngầm nói cho toàn dân Việt Nam biết rõ bộ mặt thật của bọn thực dân xâm lược. Bản chất của những tên xâm lược là lời hứa hay, đẹp nhưng thực chất chỉ là cách thức cai trị để vơ vét và bóc lột dân chúng. Hứa chỉ là cách nhằm trấn an dư luận để mị dân, làm dịu không khí đấu tranh, chống Pháp đang sôi nổi ở khắp nơi.

            => Điều đó cho thấy Va-ren là một kẻ nham hiểm, xảo quyệt, lời hứa chỉ để đối phó với sức áp của công luận ở Pháp và Đông Dương.

            – Tác giả bình luận về sự việc này như sau: Ông hứa thế; giả thử cứ cho rằng một vị Toàn quyền Đông Dương mà lại biết giữ lời hứa đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn được phép tự hỏi liệu quan Toàn quyền Va-ren sẽ “chăm sóc” vụ ấy vào lúc nào và ra làm sao. Tác giả vạch ra mâu thuẫn giữa nội dung và thời gian thực hiện lời hứa. Thời gian thực hiện còn lâu vì Va-ren vừa mới xuống tàu mà hành trình đường biển kéo dài chừng bốn tuần lễ, “trong bốn tuần lễ đó, Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù!”

            – Lời hứa của Va-ren chính là trò lố thứ nhất. Tác giả dùng cụm từ “nửa chính thức hứa” một cách mỉa mai và câu hỏi nghi vấn để thể hiện điều đó. Thực tế, Va-ren vẫn là một tên thực dân đứng đầu guồng máy cai trị ở Đông Dương còn Phan Bội Châu vẫn là vị lãnh tụ cách mạng bị cầm tù. Hai người đại diện cho hai phía đối lập nhau. Và tác giả không hề tin vào “thiện chí” của Va-ren.

            – Cuộc hội kiến giữa Va-ren và Phan Bội Châu được tác giả kể và tả bằng ngòi bút linh hoạt và sắt sảo. Số lượng lời dành cho việc khắc hoạ nhân vật Va-ren rất nhiều, hắn là một tên Toàn quyền, là lực lượng thống trị mang trong mình bản chất của giai cấp bóc lột. Những từ ngữ hành động của hắn chỉ càng lộ rõ tính cách bịp bợm, lừa đảo, sự gian trá và xảo quyệt.

            – Những lời lẽ có tính chất độc thoại (tự nói một mình) của Va-ren trước Phan Bội Châu cho thấy động cơ, tính cách, bản chất của tên thực dân là sự nham hiểm, thâm độc. Hắn lừa bịp một cách trắng trợn, thản nhiên dụ dỗ Phan Bội Châu từ bỏ cách mạng và hợp tác với chúng. Hắn thuyết phục Phan Bội Châu bằng những ví dụ, việc làm bỉ ổi của hắn với bạn hắn, hoặc dụ dỗ hãy theo gương hắn để có cuộc sống sung sướng.

            – Chúng ta hãy theo dõi lời lẽ và hành động của Va-ren: Hắn tuyên bố thả Phan Bội Châu: Tôi đem tự do đến cho ông đây!… Tác giả bình luận trò lố thứ hai ấy bằng hình ảnh đặc sắc đầy tính mỉa mai, đả kích: Va-ren tuyên bố vậy, tay phải giơ ra bắt tay Phan Bội Châu, còn tay trái thì nâng cái gông to kệch đang xiết chặt Phan Bội Châu trong nhà tù ảm đạm. Va-ren đồng ý thả Phan Bội Châu với điều kiện cụ phải “trung thành với nước Pháp, hãy cộng tác, hãy hợp lực với nước Pháp để tiến hành ở Đông Dương một sự nghiệp khai hóa và công lí”.

            => Không phải Va-ren trả tự do cho Phan Bội Châu mà hắn cố tình ép buộc cụ từ bỏ lí tưởng cách mạng cao đẹp, từ bỏ dân tộc. Hắn đến gặp cụ Phan Bội Châu vì quyền lợi của nước Pháp thực dân, mà trực tiếp là danh lợi của hắn. Kẻ phản bội lí tưởng đê tiện nhất lại đi khuyên bảo kẻ trung thành với lí tưởng nhất.

            – Hắn vờ tỏ ý kính trọng tâm hồn cao thượng và cuộc đời đầy lí tưởng, nhiều gian nan của cụ Phan Bội Châu nhưng lại đòi cụ phải từ bỏ lí tưởng. Hắn mang miếng bánh vẽ đẹp đẽ hào nhoáng về tương lai xứ Đông Dương thuộc địa để dụ dỗ, mua chuộc cụ.

            => Va-ren tự lột mặt nạ, tự bóc trần bản chất của hắn là một tên chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã, một con người vô liêm sỉ đáng khinh. Sự dối trá, lừa bịp giấu trong giọng lưỡi ngọt nhạt, phỉnh phờ.

            – Trâng tráo hơn nữa, hắn yêu cầu cụ Phan dùng uy tín to lớn của mình để lôi kéo mọi người theo Pháp: chớ tìm cách xúi giục đồng bào ông nổi lèn… hãy bảo họ cộng tác với người Pháp…

            – Vốn tinh quái, hắn biết tấm gương của hắn chưa đủ sức thuyết phục Phan Bội Châu nên hắn còn ca ngợi các bạn học của hắn – những kẻ cũng phản bội như hắn và coi đó là những “tấm gương” đáng noi theo: “Những vị ấy, ngày nay lừng danh cả, đều đã lần lượt đốt cháy những cái mà mình đã tôn thờ và đang tôn thờ những cái mà mình đã đốt cháy”. Cách chơi chữ thâm thuý của tác giả đã thể hiện thái độ khinh bỉ, mỉa mai sâu cay với những kẻ phản bội lí tưởng cách mạng, quay sang tôn thờ những kẻ phản bội Tổ quốc, bán nước. Lời lẽ của Va-ren bộc lộ rõ bản chất phản bội, hèn hạ của hắn.

            – Càng nói nhiều thì Va-ren càng phơi bày bản chất xấu xa, đáng khinh bỉ, như một trò cười cho mọi người. Từ lời nói của một người nhưng tác giả vạch trần bộ mặt của toàn thể bọn thực dân xâm lược.

b/ Nhân vật Phan Bội Châu

            – Lời văn dùng để khắc hoạ tính cách và hành động của Phan Bội Châu rất ít, tác giả dùng sự im lặng làm phương thức dối lập, người anh hùng sẵn sàng hi sinh mà không cần thanh minh hoặc giải thích, đó là khí phách đáng trân trọng.

            – Qua sự im lặng của Phan Bội Châu và lời bình của tác giả về sự im lặng đó ta thấy khí phách của người anh hùng dân tộc rất hiên ngang, bất khuất, tư thế thản nhiên dám làm, dám chịu đã là sự kế thừa khí phách của dân tộc Việt Nam.

            – Nếu truyện này dừng lại ở câu: “… chỉ là vì (phan) Bội Châu không hiểu Va-ren cũng như Va-ren không hiểu (Phan) Bội Châu” thì tác giả muốn bạn đọc tự suy ngẫm và đưa ra cách hiểu của riêng mình, như thế chưa bộc lộ hết ý nghĩa tư tưởng cần truyền đạt.

            – Trong văn bản lại có thêm đoạn kết đã làm tăng ý nghĩa của tác phẩm ở những lời bình luận vừa hóm hỉnh, vừa sắc sảo. Với lời quả quyết của anh lính dõng An Nam và lời đoán thêm của tác giả khiến câu chuyện như có thật, Người chứng kiến tận mắt sự thất bại thảm hại, sự nhục nhã ê chề của tên thực dân trước người tù cách mạng.

            – Hai chữ “không hiểu” đã được tác giả giải thích rằng không phải vì không hiểu tiếng nói của nhau (vì đã có phiên dịch), cái chính là sự suy ngẫm của người đọc sẽ thú vị nhất.

            – Hai người giao tiếp với nhau mà không hiểu nhau thực chất là họ có hai tư tưởng trái ngược, hai chí hướng ngược nhau về mục đích và quyền lợi: một bên là nhà cách mạng, một bên là kẻ thù không đội trời chung. Dù Va-ren có nói, có thuyết phục bằng cách nào đi nữa thì trong mắt Phan Bội Châu hắn cũng chỉ là cặn bã của xã hội, không đáng phải bận tâm và tiếp lời.

            – Việc kết thúc với lời của nhân chứng thứ hai với lời quả quyết của anh lính dõng (một nhân vật tưởng tượng) làm cho lời tái bút như một nhân chứng khách quan. Lời của anh lính dựa trên sự quan sát cho thấy “đôi ngọn râu mép người tù nhếch lên một chút rồi lại hạ xuống ngay, và cái đó chỉ diễn ra có một lần thôi”.

            – Trong mắt Phan Bội Châu thì tên Toàn quyền Đông Dương cũng chỉ là một đứa trẻ, việc nhếch mép thể hiện sự khinh miệt đến cực độ, không còn lời lẽ nào có thể diễn dạt hơn được nữa.

            – Đặc biệt qua phần Tái bút, có thể thấy sự khinh bỉ ấy bộc lộ thành hành động quyết liệt. Tác giả dẫn lời của các nhân chứng tưởng tượng quả quyết Phan Bội Châu đã nhổ vào mặt Va-ren: “cái đó thì có thể”. Sự đan xen các yếu tố bình luận rất phong phú và đa dạng tô đậm sự hài hước và lố bịch của tên thực dân và khẳng định bản lĩnh vững vàng của Phan Bội Châu – người anh hùng dân tộc.

            Như vậy, với kẻ thù không đội trời chung, cụ Phan có nhiều cách tỏ thái độ: im lặng, dửng dưng, cụ còn nhổ vào mặt Va-ren.

            – Cách kể chuyện úp úp, mở mở của tác giả rất hóm hỉnh và thú vị. Nó làm tăng thêm ý nghĩa đả kích thực dân Pháp mà tác giả đặt ra trong tác phẩm.

            – Trong truyện tác giả đã ngầm ca ngợi Phan Bội Châu: “một người tù lừng tiếng”. Dù rất ít chi tiết bình luận cụ thể về Phan Bội Châu nhưng nhờ vận dụng thủ pháp tương phản, đối lập khi xây dựng hai nhân vật, đặc biệt qua cách tác giả giới thiệu và bình luận về Va-ren ta sẽ thấy rõ tình cảm yêu mến, sự trân trọng, cảm phục đối với người anh hùng dân tộc.

            Như vậy: Tính cách của hai nhân vật Va-ren và Phan Bội Châu là hai thái cực đối lập. Một bên là “anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng..?“, Va-ren là “kẻ phản bội nhục nhã”. Một bên cố gắng hết sức dùng lời lẽ ngon ngọt dỗ dành, một bên chủ động “im lặng dửng dưng”…

IV/ TRÍCH YẾU TƯ LIỆU THAM KHẢO

NHỮNG BÀI HỌC TỪ DI SẢN TRUYỆN, KÍ VÀ TIỂU PHẨM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

(Trích)

            1/ Di sản truyện, kí và tiểu phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tác phẩm có giá trị đặc biệt về nhiều mặt, có một vị trí đặc biệt quan trọng, có vai trò mở đầu và đặt nền móng cho nền báo chí và văn học cách mạng nước ta ngay từ đầu thế kỉ XX.

            Trong kho tàng văn học và báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại, các tác phẩm truyện, kí và tiểu phẩm của Hồ Chủ tịch là tài sản vô giá để cho các thế hệ cầm bút hôm nay tiếp tục học tập. Không chỉ là một nhà báo lớn, Hồ Chủ tịch còn là một tài năng văn học xuất chúng. Nhiều tác phẩm Người viết ra từ cách đây gần một thế kỉ vẫn giữ nguyên được sức cuốn hút bởi tính chất hiện đại và tầm nhìn xa đáng kinh ngạc của một nhãn quan chính trị và nghệ thuật sâu sắc. Đó là những tác phẩm đặc sắc của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Trong sự nghiệp của Người, văn học và báo chí đã thực sự trở thành một vũ khí đấu tranh sắc bén và hiệu quả. Những tác phẩm xuất sắc ấy đã phản ánh những chặng đường gian khổ và hào hùng của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

            Với lối văn giản dị nhưng sâu sắc, thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng đối với chủ nghĩa thực dân; với những chứng cớ không thể chối cãi được, những tác phẩm này đã trở thành những văn kiện lịch sử quan trọng trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam.

Tuy vẫn còn một số tác phẩm bị thất truyền hoặc còn đang được sưu tầm, nghiên cứu nhưng nhìn chung, trong di sản quý báu những tác phẩm truyện, kí và tiểu phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể chia ra làm hai giai đoạn lớn. Một là giai đoạn đầu những năm 20 của thế kỉ XX khi Người còn hoạt động tại Pháp với những tác phẩm tiêu biểu như: Pa-ri; Động vật học; Lời than vãn của bà Trưng Trắc; Sở thích đặc biệt; Đồng tâm nhất trí; Con người biết mùi hun khói; Vi hành; Hành hình kiểu Linsơ – một phương diện ít người biết của nền văn minh Mĩ; Con rùa; Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu… một số chương, mục trong tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp… Hai là giai đoạn những năm tiếp sau gồm nhiều tác phẩm dài và tương đối dài, gắn bó với từng bước đi của cách mạng nước ta, trong đó có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Kinh nghiệm du kích đánh Pháp; Giấc ngủ mười năm; Mật thám M; Tình nghĩa anh em Việt – An – Miến; Vừa đi đường vừa kể chuyện; …

            2/ Trong bối cảnh đặc biệt của những năm đầu thế kỉ XX, các tác phẩm truyện, kí và tiểu phẩm của người thanh niên cách mạng Nguyễn Ái Quốc tập trung tố cáo bản chất xấu xa của chủ nghĩa thực dân, vạch trần tính chất bịp bợm, xảo trá được che đậy dưới những từ ngữ mĩ miều như “công lí”, “bình đẳng”, “bác ái”… mà chúng vẫn thường rêu rao. Với sự kết hợp những kiến thức của Đông Tây kim cổ và kiến thức phong phú, cụ thể của cuộc sống hằng ngày, với tinh thần chiến đấu không khoan nhượng trước kẻ thù và với nghệ thuật châm biếm sâu sắc, tác giả đã dựng lại những khuôn mặt tàn ác, man rợ của những kẻ “khai hoá” và cảnh sống cùng cực của những người lao động lương thiện dưới ách thống trị tàn bạo của chúng ở các nước thuộc địa. Với những chi tiết đặc tả sắc sảo, với bút pháp châm biếm sâu sắc thể hiện một tinh thần chiến đấu ngoan cường, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bộ mặt thật của “các quan cai trị”, “những nhà khai hoá” qua các tác phẩm của mình.

            Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, một số đoạn trong các Chương III, Chương IV, Chương V đã dựng lên hàng chục chân dung kẻ thù bằng những nét đặc tả theo lối châm biếm cay độc. “Với lối văn giản dị nhưng sâu sắc, sôi nổi căm thù chủ nghĩa thực dân, với những chứng cớ rành rọt, không thể chối cãi được”, tác phẩm quan trọng này đã trở thành một văn kiện lịch sử vô giá trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam. Đây là chân dung của “ông Gác-bi” hiện lên dưới ngòi bút biếm hoạ tài tình của Nguyễn Ái Quốc:

            “Ông Gác-bi, Toàn quyền đảo Ma-đa-ga-xca vừa về Pháp. Cũng như tất cả các quan Toàn quyền đồng nghiệp, ngài rất lấy làm hài lòng, về cái thuộc địa “của Ngài”. Tiến bộ, giàu có, trung thành, an cư lạc nghiệp, có tổ chức, có dự án kia, chương trình nọ… Đó là cái bọc hành lí muôn năm bất di bất dịch của các ngài đặc mệnh Toàn quyền, mà lần này đến lượt ông Gác-bi lại ân cần mở ra cho tất cả những ai muốn xem… Trên tất cả những ngón bịp bợm củ rích ấy, ông Gac-bi rất khéo tung ra ngón bịp khác (hay là ngón bịp của người khác), ngón bịp này quả là tinh xảo thượng hạng: đó là ngón mở mang thuộc địa”.

            Bên cạnh việc vạch trần bản chất của bọn thực dân cướp nước, tác giả còn chỉ rõ bộ mặt nhu nhược của bọn vua quan phong kiến bán nước, đồng thời thông qua đó nêu lên truyền thông đấu tranh chống ngoại xâm với những nhân vật lịch sử anh hùng của dân tộc. Truyện, kí và tiểu phẩm của Nguyễn Ái Quốc luôn thể hiện một sự ngưỡng mộ sâu sắc và tự hào đối với các nhân vật lịch sử từ Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền, Lệ Lợi đến Phan Bội Châu… Cũng là nói về Khải Định, trong bối cảnh y sang Pháp như một sự quảng cáo cho chủ nghĩa thực dân, truyện ngắn Vi hành phản ánh những mâu thuẫn trong lòng nước Pháp, còn tác phẩm Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu lại dựng lên hai hình ảnh trái ngược nhau: Va-ren khua môi múa mép nhằm mua chuộc nhà cách mạng Phan Bội Châu. Đáp lại những lời đường mật, những hứa hẹn của tên thực dân cáo già ấy, nhà cách mạng họ Phan chỉ im lặng, thản nhiên, khinh bỉ. Nhân cách của người cách mạng trong cảnh ngục tù đã toả sáng trước kẻ thù xảo trá nhưng bất lực…

            Có thể thấy những tác phẩm như Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu… đã thể hiện một trình độ nghệ thuật rất cao. Trong đó, ngòi bút của tác giả luôn ở mũi nhọn của thời cuộc chính trị, đã nắm bắt rất nhạy bén các sự kiện chính trị, xã hội. Theo giáo sư Hà Minh Đức, “tinh thần phê phán trong các thiên truyện này khác đi nhiều và vượt hẳn lên những giới hạn mà những tác phẩm hiện thực thường mắc phải. Không chỉ ở những thông cảm vài xúc động của trái tim mà có sự chỉ đạo của trí tuệ sáng suốt. Gắn với cái cụ thể nhưng không bị bó hẹp trong những giới hạn cục bộ, mà đánh động được đến những vấn đề rộng lớn và đề xuất được những quy luật đấu tranh. Phê phán xã hội nhưng không trăn trở quẩn quanh trong bế tắc, trong câu hỏi tìm đường, và Người thấy rõ chân trời mới như cái đích nhất định phải vươn tới được”.

            Có thể thấy rằng: trong truyện, kí và tiểu phẩm của tác giả Nguyễn Ái Quốc, nghệ thuật châm biếm đã được vận dụng một cách hết sức hiệu quả. Tuy nhiên, theo tác giả Phạm Huy Thông, điều đó “dù sao cũng chỉ là một khía cạnh của đặc điểm chung rộng hơn trong cách viết của Người, là sinh động, là luôn luôn gây hứng thủ cho người đọc”.

            Quả là bên dưới tên gọi chung “truyện và kí” ấy đã có những hình thức thể loại hết sức đa dạng, linh hoạt và thường xuyên giao thoa với nhau để tạo ra những thể loại mới. Về phương diện này, có thể nhận thấy trong những tác phẩm của Người viết trong giai đoạn 1919 – 1925, nhiều bài đã thể hiện rất sinh động đặc điểm của các thể loại như: kí chân dung, kí chính luận, phiếm luận, tạp văn, tiểu phẩm… hoặc là sự giao thoa, kết hợp giữa các thể loại đó một cách linh hoạt.

            Có phần không giống với những tác phẩm được viết từ đầu thế kỉ XX dành cho độc giả ở nước Pháp, những tác phẩm sau này của Hồ Chủ tịch lại thể hiện một phong cách khác – giản dị và gần gũi với đối tượng công chúng là người Việt Nam. Trong những tác phẩm như Đánh du kích như đánh cờ, Kinh nghiệm du kích đánh Pháp, Giấc ngủ mười năm… chúng ta lại gặp một lối viết rất gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân ta. Nhiều tác phẩm đã được mở đầu hoặc kết thúc bằng một mẩu chuyện thường có hoặc những câu lục bát dễ nhớ, dễ truyền khẩu…

– Một ông già, một sợi dây

Làm cho điêu đứng một bầy địch nhân.

– Tuổi già gan lại càng già

Làm cho địch biết tay bà mưu cao.

– Không súng thì đánh bằng dao

Có mưu, có kế, súng nào thiếu chi…

            Trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Bác vẫn trực tiếp viết nhiều tác phẩm truyện, kí và tiểu phẩm châm biếm để phân tích tình hình, vạch mặt bọn cướp nước và lũ tay chân bán nước của chúng, động viên nhân dân ta hướng tới thắng lợi. Có thể thấy rõ điều này qua một số tựa đề tác phẩm của Bác: Trong trần ai, ai cũng ghét Ai (Ai: chỉ tổng thống Mĩ Aixenhao); Đạo đức MC; Làm thế nào cho lạc thêm vui?; U2 là u ám, u mễ – U đi 3 chiếc, u về chỉ 1 thôi (U2: máy bay do thám đặc biệt của Mĩ); Bình đẳng, bác ái kiểu Mĩ; Chó Mĩ da trắng cắn Mĩ da đen; Đế quốc Mĩ bi và bí; Tay-lo rồi chân cũng lo; Đại bợm Giôn-xơn miệng nói “hòa bình” tay vung “binh hỏa”; Quân Mĩ chết nhăn răng, tướng Mĩ nhăn răng cười; Lại chuyện chó Mĩ; “Đại” bại tướng Vét-mỡ-lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kì (Vét-mỡ-lợn: Oétmolen);…

            Trong những năm sau này, Bác Hồ vẫn tiếp tục viết nhiều truyện, kí và tiểu phẩm, phản ánh từng bước đi của cách mạng Việt Nam. Những năm cuối đời, Bác đã vận dụng ưu thế của văn nghệ trong việc cổ động, tuyên truyền quần chúng bằng những tấm gương có địa chỉ cụ thể với những hành động, việc làm tiêu biểu, khơi dậy các phong trào thi đua làm theo người tốt, việc tốt trong nhân dân ta, tạo thành những phong trào cách mạng rất sôi nổi, mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

PGS. TS Đức Dũng

 TẦM VÓC PHAN BỘI CHÂU TRONG LỊCH SỬ

VÀ LỊCH SỬ VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM

(Trích)

            Phan Bội Châu, một nhà nho yêu nước lớn nhất của Việt Nam xứ Nghệ trong hai thập niên đầu thế kỉ XX. Nhà yêu nước với đường đời và sự nghiệp nằm trọn vẹn trong bối cảnh nước mất, từ lúc sinh ra (1867) đất nước đã chìm trong khói súng của chủ nghĩa thực dân; và khi qua đời (1940), đất nước vẫn còn năm năm trong tối tăm nô lệ.

            Hằng số bất biến trong lịch sử tinh thần của người Việt Nam là lòng yêu nước. Một lòng yêu nước như là thứ của cải quý giá nhất không hư hao, không suy suyển trong nhiều nghìn năm, kể từ thời dựng nước, được lưu giữ qua các chứng tích lịch sử, và qua một lịch sử thư văn từ truyền thuyết (Thánh Gióng), qua ca dao (Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng) rồi đến với văn học viết – kể từ bài thơ bốn câu Nam quốc sơn hà… trong cuộc chiến chống Tống lần thứ hai (1075 – 1077) đến Tuyên ngốn độc lập (1945) khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

            Lòng yêu nước của dân tộc, trong tình cảnh trên, lẽ tự nhiên phải có thêm những phẩm chất mới; nói cách khác, phải là một chủ nghĩa yêu nước mới – cứng cỏi và nồng nàn hơn, tỉnh táo và thống thiết hơn, bởi sự thực mất nước là quá rõ ràng, và bởi con đường cứu nước là không thể trở về với những bài học cũ, những kinh nghiệm cũ – như cha ông, trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Phải tìm một con đường khác, với sự hợp lực của nhiều thế hệ, mà những người mở đường mới phải xuất hiện không thể sớm hơn, và càng không thể muộn hơn ngay trong thập niên mở đầu thế kỉ XX, khi thực dân Pháp đang trong tâm thế đắc ý với sự thiết lập xong nền thông trị của chúng trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Trong đội ngũ những người mở đường – có một người xung trận với nhiệt huyết nồng nàn nhất, và với vũ khí văn chương và văn chương vũ khí – đó là Phan Bội Châu trong tư cách một người Việt Nam yêu nước xứ Nghệ…

Phong Lê

___

Xem thêm:

Hướng dẫn phân tích, cảm thụ văn bản Sống chết mặc bay – Phạm Duy Tốn tại đây.

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận