Nguyễn Đình Chiểu – Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao

Đang tải...

Bài tập ngữ văn lớp 11 nâng cao

I − BÀI TẬP

     1. Câu hỏi 1, sách giáo khoa, trang 41.

      2. Ôn lại Truyện Lục Vân Tiên đã học ở Trung học cơ sở, kết hợp với đoạn trích Lẽ ghét thương, hãy cho biết giá trị tư tưởng trong tác phẩm lớn này của Nguyễn Đình Chiểu.

      3.Nêu các sáng tác thể hiện lòng yêu nước của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và cho biết vị trí của chúng trong dòng văn học yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX.

       4. Giải thích nhận định của Phạm Văn Đồng cho rằng tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là “vì sao có ánh sáng khác thường […] con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn càng thấy sáng”.

       5. Có ý kiến cho rằng sáng tác thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu nói chung có tính chất tự truyện. Anh (chị) có tán thành ý kiến đó không ? Hãy vận dụng kiến thức để bày tỏ ý kiến của mình.

II-GỢI Ý GIẢI BÀI TẬP

        1. Chú ý các sự kiện đời tư của nhà thơ như : đi thi thì được tin mẹ mất, trên đường về để tang mẹ, khóc thương mù hai mắt, học thuốc, làm thầy đồ kiêm thầy thuốc để sống,… Quan hệ của ông với các nhà lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp ở Nam Bộ khi chúng xâm lược nước ta, phong trào “tị địa”, thái độ của nhà thơ đối với giặc Pháp, đối với triều đình nhà Nguyễn,… Những sự kiện ấy đã được phản ánh vào tác phẩm của ông.

         2. Trước hết, hãy kể lại các tình tiết chính của Truyện Lục Vân Tiên, chỉ ra hai tuyến nhân vật, ai chính diện, ai phản diện, tình yêu chung thuỷ của Vân Tiên và Nguyệt Nga, lòng hiếu thảo thẳng ngay và tinh thần dũng cảm của Vân Tiên. Từ đó kết hợp với đoạn trích Lẽ ghét thương và trả lời câu hỏi.

         3. Yêu cầu của câu hỏi là kể tên các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu thời kì này. Cần lưu ý các bài Chạy giặc, Xúc cảnh, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

           Nguyễn Đình Chiểu đóng vai trò tiên phong trong việc sáng tạo thành công hình tượng người nông dân nghĩa sĩ anh dũng chống thực dân Pháp, mở đầu cho dòng văn học sử thi về sau. Có thể so sánh với các khuynh hướng văn học khác cùng thời để thấy rõ hơn vị trí và vai trò của ông.

          4.Câu nói của Phạm Văn Đồng có mấy cụm từ đáng chú ý : ánh sáng khác thường, chăm chú nhìn mới thấy, càng nhìn càng thấy sáng,,.. Trong văn học Việt Nam thế kỉ XIX, nếu Nguyễn Du đi theo xu hướng nhân đạo cảm thương và Nguyễn Công Trứ đề cao việc giải phóng cá tính thì Nguyễn Đình Chiểu đề cao tư tưởng đạo nghĩa nhân dân. Đó là một điều sâu sắc khác thường. Trong xã hội phong kiến, tư tưởng trung quân là trên hết, nhưng Nguyễn Đình Chiểu đứng trên lập trường thuận lòng dân, đó cũng là sự khác thường, có phần đi trước thời đại,… Hai vế sau học sinh tự suy nghĩ để giải thích cho rõ nghĩa.

         5. Coi tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu có tính chất tự truyện là có cơ sở. Số phận Lục Vân Tiên có những chi tiết tương tự như số phận nhà thơ. Bài văn tế nổi tiếng và các bài thơ nói lên tấm lòng của Đồ Chiểu như là người trong cuộc. Ông Quán cũng nói lên tâm sự của nhà thơ. Ông thầy Kì Nhân Sư trong Ông Ngư, Ông Tiều hỏi đáp về thuật chữa bệnh, không chịu ra làm quan cho nước Liêu, đã xông mắt cho mù để không hợp táe với giặc cũng có bóng dáng của nhà thơ,…

           Tính tự truyện không hề làm giảm sút giá trị phản ánh xã hội, lịch sử của tác phẩm, bởi vì bản thân nhà thơ sống ở giữa cơn lốc của thời đại, tấm lòng và hành động của ông là tấm lòng, hành động cao đẹp, tiêu biểu cho một thời.

Xem thêm Luyện tập về hiện tượng tách từ 

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận