Ngóng Gió Đông – Những bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Mời bạn đọc tham khảo nội dung bài giảng “Ngóng gió đông” (Nguyễn Đình Chiểu) trong cuốn sách “Những bài giảng văn chọn lọc” do GS. Lê Trí Viễn biên soạn. Mong rằng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích dành cho sinh viên, học sinh và những người làm công tác giảng dạy văn học.

NGÓNG GIÓ ĐÔNG

(Trích Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾU

      1. Trong các tuyển tập cũ về Nguyễn Đình Chiểu, bài này thường được coi như những bài bát cú khác và có nhan đề Xúc cảnh. Kì thật, nó nằm trong nguyên văn Ngư Tiều y thuật vấn đáp. Cũng có thể tác giả viết trước rồi sau mới đặt vào đó. Sách Văn học lớp 11 tập 2 trước đây đã làm một việc có lý là coi như trích nó từ tác phẩm ấy và lấy ba chữ trong câu thứ nhất làm nhan đề: Ngóng gió đông.

      Ngư tiều y thuật vấn đáp gồm 6 phần:

  • Lung khởi với nội dung Nước loạn người lìa.
  • Đạo dẫn với nội dung nhân xu có nghĩa là trong tình hình nước nhà gặp cơn li loạn, người cò lòng ưu ái đành ẩn mình, lặng lẽ tìm một con đường có ích cho nhân sinh.
  • Nhập môn với nội dung nhập môn.
  • Nhân Sư với nội dung là hành tung, phẩm chất của Nhản Sư và nghề thuốc.
  • Tra án với nội dung tra án những kẻ làm thầy chữa bệnh mà hại dân.
  • Kết mạt với nội dung Ngư và Tiều tự hứa.

      Ngư, tên là Bào Tử Phược, Tiều, tên là Mộng Thê Triển là hai người bạn có tâm huyết với nước nhà. Triều đình nhà Tấn (thời Ngũ đại, sau nhà Đường, thế kỷ X) cắt đất U, Yên quê hương họ, dâng cho quân Liêu. Nhân lận đận vì vợ con, bệnh tật, chết chóc, họ rời bỏ quê hương đi tìm người thầy thuốc nổi tiếng là Kì Nhân Sư để học nghề chữa bệnh, mong giải quyết chuyện nhà và giúp đời giúp dân. Trên đường đi họ gặp những người bạn cũ cũng đã đi theo con đường đó giúp đỡ. Họ học được nghề thuốc và quyết tâm trở về hành động theo lý tưởng của mình.

      Nên để ý: tác phẩm nguyên nhằm truyền đạt nghề y nhưng một phận quan trọng lại dành cho tâm trạng khí tiết, thái độ tác giả trước tình hình nước nhà đương thời, cũng như hoài bão, ước mơ của ông đối với hậu vận của dân tộc. Nó như một thứ đạo ngôn, để lồng vào đó một trường ca trữ tình. Cho nên nhân vật đều mang tên tượng trưng cả: Thê Triền, Tử Phước là vợ ràng con buộc, Đạo Dẫn: dẫn đường, Nhập Môn: đưa vào cửa, Nhân Sư là bậc  thầy mọi người v.v…

      Cứ tình hình nghiên cứu hiện nay thì Ngư Tiều y thuật vấn đáp có thể được sáng tác từ 1874, là năm triều đình Huế, sau khi bị sỉ nhục ở Bắc kì lần thứ nhất, ký hàng ước 1874 thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, mở các cửa Thị Nại (Qui Nhơn), Hải Phòng, Hà Nội cho Pháp thông thương. Nghĩa là đất nước bị đẩy dần đến chỗ mất cả về tay giặc Pháp, còn Nam Kì không hi vọng gì trở về trong lòng Tổ quốc, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa đều lần lượt bị dẹp tan.

      Mở đầu tác phẩm là tâm trạng u hoài, chừng nào mệt mỏi. Quê hương bị cắt dâng cho giặc, người tâm huyết, tài năng đành lánh mình ôm hận:

Cuộc cờ Thúc Quý đua bơi,

Máy thu vật đổi sao dời, thương ôi!

Kể từ Thạch Tấn ở ngôi,

U, Yên mấy quận cắt bồi Khiết Dan.

Sinh dân nào xiết lầm than,

      Tình hình trước mắt bao nhiêu nỗi đau lòng! Đạo đức, chính nghĩa hầu như hao mòn, tan biến:

Đến nay người triết xa đàng,

Dưới trời hơi chính cũng tan lần mòn…

Đời vương đời dế xa rồi,

Nay đi mai hạ biết đời nào an…

      Có còn thì cũng ẩn lánh vào chốn núi non, chứ cõi đời thì thói tà tràn ngập, náo động đến tận mây xanh:

Hơi chính ngàn năm về cụm núi,

Thói tà bốn biển động vừng mây.

      Tuy vậy, con người một lòng vì nước vì dân cò con đường riêng, tuy chưa phải là lý tưởng cao nhất đời mình nhưng  vẫn an ủi được mình trong hoàn cảnh hầu như bế tắc. Đó là con đường làm thuốc, (bên cạnh còn dạy học và làm thơ) làm thuốc với ý nghĩa y quốc y dân tức cứu nước, cứu dân. Cho nên cái gốc lành mạnh, nhân dân, đã giữ một lòng tin bền vững, dù điều mong ước hãy còn xa vời nhưng chắc chắn sẽ tới:

Ngày nào trời đất an ngôi cũ,

Mừng thấy non sông bật gió tây.

      Bài thơ này nằm trong bối cảnh tâm trạng như vậy. Nó mở đầu pầan 3 và lời ngâm của Đường Nhập Môn. Nhân vật này cũng là một kẻ sĩ đi học thuốc để cứu đời, nhưng không gặp thời và không cứu được nước. Gọi là lời của Nhập Môn nhưng chính là tâm sự của tác giả.

      2. Nổi bật trong tâm sự đó là nỗi đau buồn trước cảnh đất nước bị chia cắt, quê hương trở thành đất giặc.

      Thông qua việc miêu tả nỗi lòng thiết tha, bứt rứt trước tình cảnh đau buồn của hiện tại là tình cảnh một phần đất nước bị rơi vào tay giặc, mà mình lại phải sống ở đó, tác giả nhằm bộc lộ chỗ sâu kín nhất của lòng mình là một nỗi chờ mong khắc khoải, nhưng lại là chờ mong trong sự trống không.

      3. Đây là một bài cú luật Đường. Sự tìm hiểu có thể căn cứ theo kết cấu sẵn có.

      Câu 1, 2

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa xuân đâu hỡi? có hay không?

      Ngùi ngùi: trạng thái tâm lí có buồn rầu, có xu thế như muốn chảy nước mắt, muốn khóc, nguyên nhân của tâm trạng ấy có từ lâu, gợi đến là xúc động. Ngóng: cũng như trông, mong, nhưng niềm trông, mong gay gắt hơn, con người có vẻ nóng ruột hơn. Gió đông: gió xuân đầm ấm đưa mùa xuân lại, làm cho cảnh vật tốt tươi. Chúa xuân: dịch chữ Đông Quân, tức thần mùa xuân, có quyền lực đem lại sự sống cho muôn loài. Cả hai câu: Hoa cỏ buồn rầu muốn khóc, đang nóng ruột chờ ngọn gió đông ấm áp, đẩy sinh khí; vậy chúa xuân, kẻ chỉ huy ngọn gió ấy, người ở đâu? người có biết cho không?

      Nói cỏ hoa là để nói đất nước và con người. Đất nước và con người nào ở đây? Đó là đất Nam kì là con người Nam kì bị tách ra khỏi thân thể Tổ Quốc. Đó là quê hương và con người tác giả. Đất nước và con người đang chờ mong tha thiết, nóng ruột nóng gan, chờ mong một vị cứu tinh giúp nước vớt dân ra khỏi cảnh nước mất nhà tan, nô lệ cho giặc như một chúa xuân đem lại mùa xuân cho hoa cỏ tốt tươi. Nhưng chúa xuân thì không biết đâu và có hiểu cho lòng dạ cỏ hoa không?

      Vạn vật qua đông giá rét đều mong chờ xuân đến, đó là lẽ tự nhiên của đất trời. Nước ta ở miền bắc mới có đông lạnh xuân ấm, nhưng cũng không khác nhau gay gắt như ở xứ ôn đới. Đây là một hình ảnh sách vở. Nhưng tình người thì đậm đà. Hoa cỏ chờ xuân đó là quy luật, nhưng hoa cỏ chờ đến như ngóng thì đã là con người, mà hoa cỏ lại ở tâm thế ngùi ngùi, thì lòng người lại càng thêm rõ. Đất nước và con người bị cắt rời khỏi Tổ quốc, phải sống dưới ách giặc, cái đau khổ biết tính đến chừng nào!          

      Thà chết quách đi, chứ chỉ chết có một nửa người, để mình còn chứng kiến, còn chịu đựng nửa người đã chết, đau khổ gấp bao nhiêu lần! Âm thanh của từ ngóng nổi lên cao trong câu như một nỗi trông mong da diết, khó tả, xoáy vào đáy lòng. Lại hai dấu hỏi liền liên ở câu sau: Đâu hỡi? có hay không? vì ngóng trông nên nóng lòng nống ruột nhưng chả thấy, nên mới hỏi. Hỏi dồn dập, hỏi mà chất vấn, hỏi mà ngụ ý không tin. Hình như mùa xuân đang vắng bóng, không biết ở phương nào, và có ở đâu đó nữa thì không biết có hay biết sự tình này không. Hỏi như không đáp. Như hỏi vào chỗ trống không.

      Đối chiếu vào lịch sử thì tình hình quả nhiên như vậy. Năm 1867 quan lại đem nốt ba tỉnh miền Tây nộp cho Pháp. Đến năm 1873 Hà Nội thất thủ và năm 1874 triều đình lại ầau hàng tiếp, khẳng định một lần nữa Nam kì là đất thuộc Pháp. Vậy còn trông mong gì vua quan tâm đến đất đai và lòng dân để cứu vớt miền Lục Tỉnh nữa! Chúa xuân đâu còn là vua nữa. Ở chỗ mà tác giả trông mong chúa xuân ấy, bây giờ đã trở thành trống không.

      Câu thơ vốn là một nỗi đau buồn da diết, đã hóa nên một nỗi xót xa mênh mông. Hỏi không lời đáp đã là một nỗi trống không. Hỏi chúa xuân mà chúa xuân cũng không còn nốt thì nỗi trống ấy càng lớn đến đâu!

      Câu 3, 4

Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,

Ngày xế non nam bặt tiếng hồng.

      Trông mong chúa xuân đến đau xót mà nhìn ra ải bắc trông thấy mây giăng, ngó lại non nam cũng đang ngày xế, tin tí theo chân nhạn cánh hổng đều chẳng cđ gì. Tất cả đểu là cản buồn rầu vắng lặng.

      Ải bắc là ải nào? chắc không có ải nào và cũng chẳng cần có ải nào cụ thể. Không nhất thiết gì phải là Huế, đất thẩm kinh, nơi có triều đình với phía nam của nó là ải Hải Vân. Nó ấy bây giờ đang cảnh mây giăng, cảnh buồn rầu ảm đạm. Trôn mong từ đấy một tin xuân, khó lòng biết bao! Hay chỉ là mơ nơi xa xôi ở phương Bắc, đất Bắc, thì ở đó vừa mới xảy ra một cảnh buồn rầu khác: giặc hạ thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương tử tiết … làm gì có tin vui! Vậy, mây giăng ải bắc là tượng trưng cho cảnh buồn, cảnh tối tăm, cho cái gì khuất lấp khuất lấp cái sáng tỏ, thanh bình. Còn ngày xế non nam? có người hiểu cụ thể là ở chốn núi non đất Lục Tỉnh, nơi những kẻ tiếp tục chống Pháp đang lẩn tránh, thì cũng đang ở và lúc ngày tà và cũng chẳng tin tức động tĩnh gì, cũng bặt tiếng hồng. Cứ gì phải vậy. Ngày xế mang nghĩa ngày đã tà, đã vơ sắp hết, ngày xế non nam là chuyện buồn ở phương Nam, Nam kì.

      Trương Định, Hồ Huân Nghiệp mất đã lâu không nói làm gì. Phan Tôn, Phan Liêm, Phan Tòng, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân thất bại, hi sinh thì như mới hôm qua. Tháng ngày của đất nước miền Nam làm sao không nghiêng đổ, úa tàn! Cho nên, nhìn bốn phương đất nước, toàn thấy cảnh ảm đạm, nghiêng đổ, tin tức chúa xuân vắng bặt. Mà bặt ti trong tình trạng mây giăng, ngày xế thì lại càng buồn bã, vắng vẻ hơn. Mây giăng ngày xế là chuyện không gian, thời gian. Ải bắc non nam là hai trong bốn phương, mà cũng là bốn phương. Trong đó, con người như bị giam hãm, cắt đứt với tin tức, đi từ ngóng đến trông, đến bặt, trở thành trơ trọi trong trống không, trống không giữa bốn hướng, giữa đất trời ảm đạm và tháng ngày tàn úa, còn tâm tư thì vẫn tiếp tục khắc khoải, chờ mong. Cũng không chỉ là trơ trọi giữa trống không và khác khoải trong chờ mong. Cũng như anh chàng tình nhân kia, bởi lời hẹn của người yêu mà chôn chặt người mình vào chân cầu, chờ đợi, chờ đợi mãi mà không thấy, để nước chiếu lên lấp dần, lấp dấn cả người mình, con người ở đây cũng dường như bị cột im một chỗ và ngày càng bị vùi dần dưới bao nỗi đau buồn tăm tối, ngày xế, mây giăng …

      Câu thơ xót xa một nỗi chịu đựng dị kì! Sự chờ mong trở thành một sự đày ải. Bởi mong chờ ở một chỗ trống không!

      Thống thiết thay là tâm trạng của con dân Lục Tỉnh bấy giờ! Căm giận thay đối với bè lũ đầu hàng!

      Câu 5, 6

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung.

      Có chút rắc rối, nhưng lại lí thú. Đọc câu thơ này theo nhịp nào và nhận nghĩa ra sao cho hợp lí? Nhịp 2/2/3 hay 3/4 thông thường không phù hợp. Chẳng lẽ hiểu là:

      Bờ cõi của ta, năm xưa đà đem chia thành đất kẻ khác, Nắng sương của thiên nhiên, ngày nay há chịu đội trời chung với giặc?

      Nếu câu trên hiểu như vậy còn tạm nghe được, thì câu dưới trở nên vô nghĩa. Lấy nàng sương làm chủ thể làm sao nắng sương lại đội trời, rồi không chịu đội trời chung với giặc được?

      Cho nên nhất quán với tinh thần chung của bài thơ, lấy tâm trạng tác giả làm chủ thể, căn cứ vào thể đối ứng của hai câu luận, có thể ngắt câu thơ thành nhịp 3/4 và hiểu là:

      Bờ cõi xưa của ta đã bị đem cắt chia thành đất kẻ khác. Nắng sương nay còn đó, nhưng ta há đội trời chung với giặc để chịu cảnh sương nắng chung kia sao?

      Dù sao câu thơ cũng có chỗ không rõ nghĩa. Miễn hiểu sao đừng trái với tinh thần chung Ịà được. Mà tinh thần chung là vừa đi sâu vào tình hình đau thương cụ thể của đất nước bởi chia cắt cho giặc, vừa khoét rộng thêm cái trống không xung quanh con người không có nơi để bám víu.

      Trên kia đang còn là chờ mong. Dù chờ mong không có đích nhưng vẫn là chờ mong, cho nên còn hi vọng. Đây là sự thật tàn nhẫn sờ sờ trước mắt, sự thật trên bờ cõi, trong đất trời, sự thật trong lòng người.

      Cảm làm sao cho hết được cái xót đau trên đất nước với trong lòng người ở câu thơ: Bờ cõi xưa đà chia đất khác, có sự đối lập giữa xưa và khác!

      Người ta còn nhớ cái kinh ngạc xót xa của chàng Kim khi trở về vườn Thuý: Nhìn phong cảnh cũ nay đà khác xưa. Nhưng đó chỉ là một sự sa sút của một gia đình kéo theo sự khác xưa trong cảnh vật. Người ta cũng nhớ cái ngạc nhiên đau đớn của Đỗ Phủ trước cảnh đổi thay ở Trường An khi kinh đô này nằm trong tay bọn ngoại tộc: Công hầu địa trạch giai tân chủ (Dinh thự công hầu sang chủ mới), nhưng đó cũng mới là sự đổi thay bộ phận, bọn chủ mới thế chân bọn chủ cũ, mặc dù chủ mới trong lò chủ cũ mà ra. Còn ở đây là chuyện nước mất nhà tan. Nước non như còn nguyên đó, nhưng nào mình có còn là chủ! Huống chi đây không phải là giới hạn ở một mái nhà, một nếp vườn cụ thể của tôi, của anh mà của cả bờ lõi, đất trời. Có gì chứa chất trong chữ xưa và chữ khác mà nghe xót xa dường ấy? Có phải trong ba chữ bờ cõi xưa ấy lã hàm ngụ cả một truyền thống dựng nước và giây nước đậm mồ hôi và xương máu của bao đời cha ông, từ sự khẳng định dõng dạc chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm ở Lý Thường Kiệt đến niềm tự hào cao cả về nền văn hiến rõ ràng của dân tộc ở Nguyễn Trãi, cũng như ý chí sắt đá bảo vệ từng tấc đất ở Lê Thánh Tông, giữ gìn từ màu răng đến mái tóc ở Quang Trung. Ấy mà nay bờ cõi muôn xưa ấy đã bị cắt chia cho kẻ khác, thành đất khác. Đất thì có gì khác! Cũng núi nọ sông kia, con rạch, bờ kinh, ngọn dừa, mái rạ. Cũng sớm nắng chiều sương, mùa khô mùa ấm …. Ấy mà nó lại thành đất khác có ai hay!

      Sau này, khi đất nước mất hết về tay giặc, có lần nhìn lũ én buổi chiểu bay về lùm cây ở đền Ngọc Sơn giữa hồ Gươm, nhưng cứ lượn quanh mãi mà không đỗ xuống, tấm lòng ưu ái của ông Tam Nguyên làng Yên Đổ đã nghĩ ra ràng lũ     chim ấy đã không nhìn ra được lùm cây của mình vì lùm cây đã sang chủ khác: Đàn én trở về quên lối cũ. Sâu đậm thay tình cảm ấy đối với đất nước! Mình vẫn đi trên đất nước mình mà mình như thấy hụt chân, như thấy đất sụp dưới chân mình. Bởi vì bờ cõi xưa đã thành đất khác, đất của kẻ khác!

      Đó là xưa. Còn nay? Nay thì há đội trời chung với giặc!

      Không đội trời chung là thái độ dứt khoát, quyết liệt với kẻ thù. Nhưng đây nó được dùng với nghĩa đen và tràn đầy tình cảm. Đất đã thuộc kẻ khác thì trời nào còn phải của mình, không thể sống với giặc được thì còn đội trời chung với chúng nó thế nào được! Theo nghĩa đen ấy, bao nhiêu nhân sĩ yêu nước bấy giờ, sau khi triều đình dâng ba tỉnh miền Đông cho giặc, đã tị địa sang ba tỉnh miền Tây. Tác giả trong bài thơ này cũng là một người trong số đó. Từ Gia Định về Cần Giuộc, từ Cần Giuộc về Ba Tri là vì không chịu đội trời chung với chúng. Nhưng khi ba tỉnh miền Tây mất luôn, có người một lần nữa dời ra Bình Thuận, còn tác giả thì không đi nữa. Khôn đi nào phải chịu đội trời chung với giặc! Bây giờ thì ý niệm ấy chuyển thành nghĩa bóng. Cùng một lúc với bao nhiêu nỗi căm giận, đau thương đều phải dồn vào bên trong thành mê nỗi u hoài, uất hận, không nguôi.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung.

      Câu trên nghe như một tiếng khóc vỡ ra, nức nở, khôn ngăn được thì câu dưới lại quằn quại một nỗi chịu đựng đứt ruột thối gan, vừa chịu đựng mà vừa phân bua mình không phải là kẻ có thề sống chung bình thường với giặc.

      Hiệu lực câu thơ lại còn đi xa hơn thế. Xưa và nay là hai hướng của thời gian, quá khứ và hiện tại. Đà khác và há chung đều là phủ định cái tồn tại trước mát, nghĩa là đối với mình không còn cái gì tồn tại. Vậy con người trong hoàn cảnh đó đi trở thành một cái gỉ đứng giữa cái trống không, không biết bám vào đâu, chơ vơ, trơ trọi. Đất đã khác, trời không còn chung trời cũng đã khác, cái xưa không còn là của mình, cái nay cũng, chẳng còn là của riêng mình. Con người như không có thời gian để tồn tại. Không đất, không trời, không xưa, không nay. Chung quanh con người là một sự trống không ghê rợn.

      Tâm tư của người dân quê hương bị cát dâng cho giặc lại như vậy. Tội ác của giặc cướp nước, của triều đình bán         nước nặng biết chừng nào!

      Câu 7, 8

Chừng nào thánh đế ân soi thấu,

Một trận mưa nhuần rửa núi sông?

      Thánh đế nghĩa là vua thánh, có tài cứu nước yên dân. Nhất định không phải là vua hàng giặc bỏ dân. Mưa nhuần: mưa to và thấm sâu. Cả câu: bao giờ vua thánh xuất hiện, ra ơn hiểu thấu lòng đất nước và con người để xuống một trận mưa to, thật thấm, rửa sạch hết tanh hôi cho núi sông, cây cỏ, con người? Nói cách khác là quét sạch xâm lăng, thu lại độc lập tự do, hạnh phúc cho dân?

      Đó là kỳ vọng lớn lao của đất nước, của con người. Sau bao nhiêu đau xót, chờ mong như ở trên, kỳ vọng như vậy là phải. Nhưng đâu có gửi vào cái triều đình mục nát, vô sỉ, vào vị vua nhiều chữ và cũng nhiều tinh thần đầu hàng bấy giờ!

      Đó là một điều cực nhục vô cùng. Cho nên tấm lòng thương nước, xót dân của thời đại, tuy không sao thoát ra khỏi vòng quân thần, phụ tử, vẫn nối được truyền thống tốt đẹp muôn đời của tổ tiên là ai cứu được nước được dân ấy là vua, và gửi mong ước sâu xa của mình vào một con người thánh đế, cầu cho bậc thánh đế ấy chiếu rọi đến chỗ sâu kín củạ lòng dân mà ban ơn lành cho dân bằng một trận mưa thật to, thật thấm. Người ta sẽ bảo đó là một hạn chế trong tư tưởng. Nhưng điều đó không hề giảm đi độ tha thiết của cầu mong.

      Có phải đó là một kỳ vọng gói trong lời cảm thán hay trong lời nghi vấn? Giọng điệu câu thơ hầu như vậy. Than cũng như hỏi, đều phù hợp với tâm trạng con người. Bởi đó là tuần tự lôgíc của tình cảm, không thể nào khác được. Có điều than hay hỏi đều không có lời vọng lại chỉ rơi vào chỗ trống không. Trong tình thế nước nhà  bấy giờ, nguy cơ mất nước đã sừng sững trước mắt, tìm đâu ra một tiếng vang ở hưởng đế với vương? ở ơn mưa ơn móc? Có chăng nữa là ở trong đám á vải, dân ấp dân lân. Nhưng thời nghĩa quân Cần Giuộc đã qua rồi. Cuối cùng con người vẫn còn đang bị bao quanh bởi một cái trống không như trước, và tuy hy vọng bao giờ cũng có chút ấm lòng dù đang hãy xa xôi, tâm trạng vẫn không thiếu khắc khoải một cách thật tội nghiệp.

      4. Các tập đoàn phong kiến đã nhiễu phen chia cắt nước ta gây ra một nỗi đau cho dân tộc. Nhưng có lẽ trong lòng con dân đất Việt chưa bao giờ có nỗi đau xốt lớn lao như lần đất đai tổ tiên muôn đời bị cái triều đình đê mạt cắt dâng cho giặc như hồi này. Nhiều người đã đề cập đến nỗi đau ấy. Nhưng chừng như không ai có cái giọng điệu thiết tha bị thống đế như Nguyễn Đình Chiểu. Không phải ở bài bát cú này mà còn bàn bạc khắp nơi trong thơ văn yêu nước chống Pháp của ông. Mỗi nơi một kiểu, lúc đầu nhiều phẫn nộ, ngạc nhiên, thời sai nhiều chua xót, chịu đựng. Bài thơ này cũng như cả tập Ngư Tiều là giọng điệu về sau: xót đau vì quê hương bị cắt dâng cho giặc, buồn rầu bứt rứt vì phải sống dưới trời của giặc, khắc khoải ngóng trông một vị cứu tinh, một sự đổi thay, lũ giặt tanh hôi bị quét sạch khỏi bờ cõi để non. sông và con người được trở lại với cảnh xuân độc lập tự do. Người ta nghe thấu thìa ở đó một tấm lòng yêu nước thiết tha đến kỳ lạ: Đất nước bị cắt chia mà như con người mình có bộ phận nào đứ rời khỏi thân thể nhức nhối đến tận tim gan, buốt đau trong từng thớ thịt, đến tận chỗ sâu xa nhất của tâm hồn. Và trông mong, chờ đợi, nóng ruột cháy lòng mà vẫn ở chỗ trống không không tin, không tức, không đất, không trời, không xưa, không chỉ còn một chút lòng tin gửi vào một ước mơ lớn. Có chỗ nghe như có cái đằm thắm của tỉnh yêu đôi lứa. Tình cảm công dân, tình cảm chính trị mà đến như vậy, thật con người phải sống vận mệnh đất nước như vận mệnh mình, sống đời sống dân tộc, nhân dân gắn chặt cỏ cây, sông núi, đất trời, sương nắng với máu xương, da thịt bản thân mình.

      Nghệ thuật theo phương pháp sáng tác truyền thống. Hình ảnh cũ, có cái có thể coi là sáo mòn: Biện pháp vẫn là ước lệ, tượng trưng: gió đông, chúa xuân, tin nhạn, tiếng hồng, nấng sương, mưa nhuần… Nhưng thực tế tình cảm trong lòng người trước tình cảnh đất nước bị cắt dâng, lại quá thật, quá dồi dào, quá đằm thắm, nên cái sáo mòn, tượng trưng ấy lại như được tiếp cho sức sống mà trở thành tràn trề xúc cảm, có sức lay động sâu xa. Nhất là bỗng dưng tất cả đều tập trung thể hiện tài tình bằng cái trống không, nỗi hụt hẫng to lớn trong tâm lý con người đang còn đó mà thấy như mất hết thảy xung quanh. Trong văn học từ xưa ít có một độ tình cảm đến như vậy. Đó là một bài học về tình yêu đất nước cao quí muôn vàn.

>> Xem thêm: Sự Dở Dang (Hồ Xuân Hương) – Bài giảng văn chọn lọc

Đang tải...

Related Posts

loading...

Bình luận