Nghị luận xã hội về vấn đề Thể diện dân tộc trong bối cảnh giao lưu, hội nhập sâu rộng của thế giới ngày nay – Ngữ văn 12

Đang tải...

Nghị luận xã hội về vấn đề thể diện dân tộc

Đề bài: 

Thể diện dân tộc trong bối cảnh giao lưu, hội nhập sâu rộng của thế giới ngày nay.

Hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) phát biểu suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề trên.

Hướng dẫn làm bài: 

Để có được bài viết tốt, đi đúng hướng, trước hết cần phải hiểu, hoặc giải thích khái niệm thể diện dân tộc. Chú ý: vấn đề thể diện (của một con người, hay một quốc gia, dân tộc) chỉ được nhận thức khi người ta xem xét đối tượng không phải trong thế cô lập, mà trong sự liên hệ, đối chiếu vói những đối tượng khác, với ý thức tự tôn, tự trọng, cần biết chỉ ra những biểu hiện tiêu cực làm mất thể diện dân tộc. Cũng phải nêu được suy nghĩ của cá nhân về việc giữ gìn, phát huy thể diện dân tộc trong quan hệ quốc tế. Việc liên hệ bản thân, nói được những cố gắng của riêng mình nhằm giữ gìn, khẳng định thể diện dân tộc sẽ làm cho bài viết có thêm ý nghĩa, không dừng lại ở những luận giải chung chung.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau: 

– Thời đại chúng ta đang sống là thời đại hội nhập. Các quốc gia, dân tộc không còn tồn tại và phát triển trong tình trạng phong bế nữa. Có những vấn đề toàn cầu buộc cả nhân loại phải suy nghĩ và chúng ta ngày càng có mối quan tâm đặc biệt tới những giá trị nhân văn phổ quát. Đã xuất hiện khái niệm công dân toàn cầu, cho thấy sự giao lưu mạnh mẽ đã đưa đến những kết quả tốt đẹp như thế nào đối với cuộc sống con người. Cơ hội đi đây đó khắp thế giới của con người thực sự rộng mở. Càng mở rộng giao tiếp, chúng ta càng thấy trên trái đất có bao nhiêu điều hay, điều lạ cần học hỏi. Nhưng cũng trong bối cảnh đó, vấn đề thể diện dân tộc được đặt ra, thường làm những người có tinh thần trách nhiệm vói cộng đồng phải trăn trở.

– Thể diện dân tộc chính là danh dự của dân tộc, bộ mặt của dân tộc được đặt trong quan hệ rộng rãi với thế giới; với cộng đồng quốc tế. Thể diện dân tộc được xây dựng từ bản sắc văn hoá của dân tộc, từ sự đóng góp tích cực của dân tộc cho nhân loại. Thể diện dân tộc là một giá trị không dễ bị phủ nhận, đồng thời lại cũng là thứ rất dễ bị tổn thương. Việc giữ gìn thể diện dân tộc không thể chỉ được uỷ thác cho bộ máy lãnh đạo nhà nước. Tất cả mọi người đều có thể và có trách nhiệm bảo vệ, xây dựng thể diện dân tộc.

– Nhìn đại thể, hai tiếng Việt Nam từ lâu đã được nhân loại nhắc đến với rất nhiều thiện cảm. Con người Việt Nam, văn hoá Việt Nam đã thu hút sự chú ý, nghiên cứu của thế giới và thường để lại những ấn tượng tốt đẹp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi đất nước bước vào thời kì mở cửa, khi người Việt Nam có nhiều cơ hội được đi ra nước ngoài để du lịch, học tập, kinh doanh hoặc để định cư, vấn đề thể diện dân tộc được đặt ra vói nhiều thách thức. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập tình trạng lao động bất hợp pháp của người Việt Nam ở một số nước tư bản hay ở các nước đang phát triển. Tình trạng bất tuân luật pháp của một số người gây cho chính quyền sở tại không ít phiền toái. Có cả một làn sóng phụ nữ trong nước đi tìm “chồng ngoại” ở Hàn Quốc, Đài Loan, mà nhiều người trong số đó chưa có ý thức đầy đủ về danh dự cá nhân cũng như danh dự dân tộc. Không ít khách du lịch khi đi nước ngoài đã để lại cảm nghĩ không tốt cho người dân ở đó vì cách hành xử của mình. Cũng không ít người Việt đã tham gia vào các đường dây buôn lậu quốc tế, đặc biệt là buôn bán những mặt hàng bị cấm như ngà voi, sừng tê giác,… để lại rất nhiều tai tiếng. Ở một số nước, tệ ăn cắp trong siêu thị luôn có sự “đóng góp” của người Việt, khiến cho người ta phải đưa ra những bảng cảnh báo bằng tiếng Việt. Nhiều học sinh đi du học cũng không được cơ sở đào tạo mình đánh giá tốt… Rõ ràng, tất cả những điều vừa nói (không đầy đủ) ở trên đã và đang làm xấu đi hình ảnh của quốc gia, dân tộc. Ở đây, chúng ta chưa nói tới những vấn đề vĩ mô khác, mà trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về những người dân bình thường.

– Bên cạnh mảng màu tối nói trên, cũng có những mảng màu tươi sáng, đáng khích lệ. Tất cả những người Việt Nam thực sự yêu nước đều muốn cải thiện ấn tượng của người nước ngoài về mình, về dân tộc mình. Không ít nhà khoa học Việt Nam đã được quốc tế vinh danh. Không ít thành tựu của người Việt Nam trên các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật được ghi nhận… Đó là những điều có thể khiến người Việt Nam, dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu. Nhưng để xây dựng được một tiếng tốt trọn vẹn không dễ dàng chút nào. Đây là điều tất cả mọi người đều phải suy nghĩ.

– Bước vào thời đại giao lưu hội nhập, mỗi con người, mỗi dân tộc không nên có quá nhiều ảo tưởng về ngôi vị số một, số hai của mình. Điều cần nghĩ đến hơn là phải làm sao đóng góp được nhiều nhất cho cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ đến cộng đồng lớn, từ cộng đồng quốc gia đến cộng đồng nhân loại. Con người sống trên trái đất luôn cần sự chia sẻ, cảm thông, luôn cần sự nâng đỡ lẫn nhau trên con đường tiến bộ, hướng về những giá trị nhân văn, nhân bản vĩnh hằng.

– Ai cũng có thể có đóng góp cho việc giữ gìn thể diện dân tộc, miễn người đó biết sống với tinh thần trách nhiệm, dù có cơ hội xuất ngoại hay chỉ sống và làm việc trong nước. Một việc làm xấu, tưởng nhỏ thôi, vẫn có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín cả cộng đồng. Ngược lại, một việc làm đúng đắn, có ý nghĩa tốt đẹp, lại có tác dụng củng cố thêm vẻ đẹp của danh hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Đang tải...

Bài mới

loading...

Bình luận